Đây là chuyện tôi nghe:
Hôm ấy, đạo sư mở đầu bài giảng với một nhập đề hơi… lãng
mạn. Ngài nói:
- Này các con, một số nơi có những con đường râm mát với hai
hàng me chạy sóng đôi. Cơn gió thổi qua, lá me rụng rơi lả tả như mưa bay, bám
vào tóc vào áo người đi đường. Hình ảnh lãng mạn này đã đi vào thơ vào nhạc trữ
tình. Thầy nhớ, dường như một nhạc sĩ đã viết: Con đường có lá me bay / Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…([1])
Các môn sanh cười ồ. Có
người tinh nghịch, nhưng chỉ dám nói khe khẽ:
- Hát luôn đi, thầy!
Đạo sư nở nụ cười từ ái,
bao dung. Đợi cho bầu khí lắng xuống, ngài thong thả tiếp tục câu chuyện:
- Các con, loại me thầy đang
nói đây có nguồn gốc bên châu Phi, chủ yếu là Sudan, nhờ di thực nên có mặt ở
nhiều nước nhiệt đới cả mấy ngàn năm trước Công Nguyên. Người Anh gọi me là tamarind, xuất phát từ tiếng Ả Rập tamr hindi (chà là Ấn
Độ), có lẽ vì họ nhìn thấy loại cây này lần đầu tiên ở Ấn Độ, quê hương Đức
Phật.
Các
con biết không, trong một chuyện về Đức Phật, người Ấn nhắc tới cây me như sau:
Ngày hè quang đãng nọ, Đức Phật
thong dong tản bộ theo đường mòn xuyên qua rừng. Dọc đường, Ngài gặp một người
đang thiết tha cầu nguyện, dáng vẻ khổ sở.
Nhận ra Phật Tổ, người ấy liền sụp
lạy, khóc lóc:
“Kính bạch Đức Thế Tôn, đời con cay
đắng đớn đau muôn phần! Con từng là kẻ giàu sang sung sướng tột bực, nhưng rồi
số phận trớ trêu nghiệt ngã, những người con tin yêu nhất lại nỡ tước đoạt hết
tài sản của con. Giờ đây con thảm hại thế này, chẳng ai thèm ngó ngàng. Con còn
phải luân hồi bao nhiêu kiếp nữa mới được giải thoát?”
Chỉ vào cây xoài mọc bên đường,
Phật Tổ bảo:
“Ông thấy cây xoài đó chứ? Cây xoài
có bao nhiêu trái thì ông còn phải luân hồi bấy nhiêu lần mới được giải thoát
khỏi trần gian khổ ải.”
Nhìn thấy cây xoài sai trái trĩu cành,
con người đáng thương kia bèn gào lên thảm thiết, liền miệng than trời trách
đất.
Đức Phật lại thong thả bước đi.
Thêm chặng đường nữa, Ngài gặp một người quỳ bên đường cầu khẩn thống thiết:
“Kính bạch Đức Như Lai, đời con khổ
quá! Tất cả những người con yêu thương đều bị thần chết dắt đi hết rồi! Giờ đây
con kéo dài ngày tháng phiền não trong cảnh lẻ loi cô độc. Con còn phải luân hồi bao nhiêu kiếp nữa mới được giải thoát?”
Chỉ vào vạt hoa rừng mọc um tùm bên
vệ đường, Đức Phật bảo:
“Ông thấy những cánh hoa đó chứ? Có bao
nhiêu đóa hoa thì ông còn phải luân hồi
bấy nhiêu lần mới được giải thoát khỏi trần gian khổ ải.”
Nhìn thấy cơ man cánh hoa chen chúc
nhau, con người đáng thương kia bèn gào lên thảm thiết, liền miệng than trời
trách đất.
Đức Phật lại thong thả bước đi.
Thêm chặng đường nữa, Ngài gặp một người quỳ bên đường cầu khẩn thống thiết:
“Kính bạch Đức Từ Bi, đời con khổ
quá! Hết ngày này qua ngày khác con làm quần quật như nô lệ dưới ánh nắng gay
gắt. Đêm đêm con chỉ được đặt tấm lưng rã rời trên lớp cỏ khô phủ sơ sài lên
nền đất lạnh lẽo ẩm ướt. Đời con bấy lâu chỉ biết đói khát cô đơn. Con còn phải
luân hồi bao nhiêu kiếp nữa mới được giải thoát?”
Chỉ vào cây me cổ thụ mọc bên vệ
đường, Đức Phật bảo:
“Ông thấy tàn me đó chứ? Có bao nhiêu lá me
thì ông còn phải luân hồi bấy nhiêu lần
mới được giải thoát khỏi trần gian khổ ải.”
Ngẩng lên nhìn lớp lớp lá me xanh rì chi chít dày đặc, con
người đau khổ kia nở nụ cười sung sướng, reo lên:
“Tạ ơn Đức Từ Bi. Vậy thì rốt cuộc con cũng sẽ có ngày được
giải thoát!”
Đức Phật cúi xuống, đỡ ông ta dậy:
“Lành thay! Lành thay! Con hãy đi theo thầy.”
Kể tới đó, đạo sư ngừng lại, yên lặng đưa mắt nhìn khắp hàng
môn đệ, như muốn thăm dò những cảm nghĩ của học trò được bộc lộ qua ánh mắt, trên
vẻ mặt.
Rồi ngài tiếp tục:
- Các con, có lẽ do sự tích này mà người Ấn xem những hạt me
(không phải lá me) là biểu tượng của đức nhẫn nại, lòng tín thành.
21-11-2012
HUỆ KHẢI
([1]) Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013).
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.