Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

54/51. TRUYỀN LỬA / Bắc Cầu Tâm Linh

Image result for preaching

TRUYỀN LỬA

Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 208 (tháng 4-2012) có bài “Công Cuộc Phúc Âm Hóa Mới” của Linh Mục Thiện Cẩm. Thích thú những điều Linh Mục viết ra ở hai trang 7 và 8, tôi xin trích mấy đoạn như sau:
“Có những người có tài hùng biện, văn hay chữ tốt, nhưng rốt cục bị chê là rỗng tuếch, chẳng có nội dung.
Trái lại, có những người giảng dạy một cách đơn sơ giản dị, không dùng văn chương chữ nghĩa bay bướm, cũng chẳng hùng hồn mạnh mẽ, nhưng không hiểu sao lại thu hút được tâm hồn người nghe.
Tôi nhớ hai lần được nghe Sư Huynh Roger Schutz, Tu Viện Trưởng tu viện Taizé bên Pháp, nói chuyện với anh em tu viện L’Arbresle của chúng tôi. Sư Huynh nói nhỏ nhẹ, đơn sơ, tự nhiên, không dùng những từ cao siêu, những thuật ngữ Kinh Thánh, thần học hay tu đức, vậy mà các giáo sư của chúng tôi, chuyên môn về Kinh Thánh, thần học, triết lý, v.v… đều ngồi chăm chú nghe, như bị thu hút bởi một sức mạnh huyền bí nào đó.”
Linh Mục lại viết:
“Theo tôi nghĩ, lời rao giảng Tin Mừng không giống với một bài thuyết trình về triết lý, hay thần học.”
“… một bài chia sẻ Tin Mừng, thì lại cần cái gì khác, mà nghệ thuật văn chương hay hùng biện không giúp gì được. Cái gì khác đó, chính là ân sủng, là Thần Khí, mà chỉ cầu nguyện và suy tư chiêm niệm mới có thể đem lại cho người sứ giả Lời Chúa.”
Đọc bài viết rất hay của Linh Mục Thiện Cẩm, tôi nhớ lại ý kiến của tác giả Đơn Tâm (đạo Cao Đài):
“… một giáo sĩ cần phải có thêm những điều kiện tâm linh, cần phải được ơn mới gặt hái được kết quả tốt khi thuyết đạo.” ([1])
“Người ta thường khuyên các diễn giả nói bằng Tâm, vì thính giả không những nghe bằng tai, bằng óc mà còn nghe bằng Tâm nữa.
Nếu điều trên đây đúng với một diễn giả nói chung, thì nó lại càng đúng, càng là vấn đề quan trọng đối với người thuyết đạo. Bởi lẽ đối với một người thuyết đạo thì phải vừa nói đạo vừa chứng minh được Đạo. Mà Đạo ở đâu nếu chẳng phải là ở trong Tâm? Thế cho nên, người nói đạo phải nói bằng Tâm, để cho thính giả vừa nghe nói đạo, vừa nhìn thấy được Đạo qua lời nói, giọng nói, cách nói, qua ánh mắt, qua cử chỉ của diễn giả.” ([2])
Từ ý kiến của hai tác giả Thiện Cẩm và Đơn Tâm, suy ra người thuyết giảng giáo lý ở bất kỳ tôn giáo nào cũng có yêu cầu chung về “thuật” giảng đạo: Người đó phải được Ơn Trên “mở mồm” giùm cho, như vậy người đó mới có thể thuyết giảng bằng Tâm Đạo, chứ không nói với đầu môi chót lưỡi và con tim xơ cứng.
Trong Kinh Thánh, yêu cầu này đối với người giáo sĩ từ xưa đã được hàm ngụ ở cả Cựu Ước và Tân Ước. Chẳng hạn:
Ông Môsê thưa với Ðức Chúa:
“Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con. Từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi.” Ðức Chúa phán: “Ai cho con người có mồm có miệng? Ai làm cho nó phải câm phải điếc, cho mắt nó sáng hay phải mù lòa? Há chẳng phải là Ta, là Ðức Chúa đó sao? Vậy bây giờ ngươi hãy đi, chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi, và Ta sẽ chỉ cho ngươi phải nói những gì.”
(Xuất Hành 4:10-12)
Thánh tông đồ Phaolô viết:
“Vì Ðức Kitô (…) sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo hùng hồn, để thập giá Ðức Kitô khỏi mất hết quyền năng.”
(Thư 1 Gởi Tín Hữu Côrintô 1:17)
“Và tôi, thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu (…) Tôi nói, tôi giảng mà chẳng dùng lý lẽ khôn khéo...”
(Thư 1 Gởi Tín Hữu Côrintô 2:1,4)
Tóm lại, để có thể thành công trên bục giảng, để có thể “truyền lửa” cho người nghe thì bản thân giáo sĩ phải có sẵn và dư thừa “lửa”. Thứ lửa này không thể trông cậy vào trí phàm, bằng cấp, kiến thức sách vở, hay tài “dẻo miệng”.
HUỆ KHẢI
12-6-2012
CGvDT số 1862, ngày 15-6-2012



([1]) Đơn Tâm, Nghệ Thuật Thuyết Trình Giảng Đạo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 7. Quyển 26 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) Đơn Tâm, Nói Chuyện Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 66-67. Quyển 37 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.