Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Nẻo Về Tâm Linh 22/31



NGƯỜI GIEO GIỐNG (b)
KHÔNG TA KHÔNG NGƯỜI
Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu,
bắt đầu rửa chân cho các môn đệ
và lấy khăn thắt lưng của Người mà lau.
Gioan 13:5
Còn chư môn đệ đã lập minh thệ rồi,
ngày sau tùy âm chất mỗi đứa mà thăng
hay là tội lỗi mà giáng; song buộc mỗi đứa
phải độ ít nữa là mười hai người.([1])
Đức Chí Tôn
Tiếp tục câu chuyện với nhà truyền giáo về dụ ngôn Người Gieo Giống, tôi hỏi:
- Nói rằng người truyền giáo chỉ là công cụ trong tay các Đấng; rằng người truyền giáo không độ ai vào đạo, cũng không có ai được độ, thì phải chăng phủ nhận sạch trơn mọi công trạng của người truyền giáo? Như thế chẳng phải là quá bạc bẽo đấy ư?
Không nghĩ ngợi, nhà truyền giáo đáp:
- Vấn đề là mình đứng từ góc nhìn nào. Nói mình không độ ai vào đạo, và cũng không có ai được độ là đứng từ phương vị nhà truyền giáo.
Thuở mới làm quen với chữ nghĩa nhà Phật, mình chưng hửng khi đọc thấy trước giờ nhập Niết Bàn, Ðức Phật lại bảo các đệ tử rằng suốt bốn mươi chín năm ([2]) dạy đạo, thật ra Ngài chưa từng nói một lời nào. Mà đấy không phải là lần đầu tiên Phật phủ định. Một buổi trưa, sau giờ cơm, nhân khi ông Tu Bồ Đề hỏi đạo, Đức Phật bèn giảng Kinh Kim Cang; rồi Phật dặn dò ông: “Nếu người nào nói rằng Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là họ hủy báng Phật...” ([3])
Lạ chửa! Phật chưa hở môi thốt một lời, Phật không thuyết pháp mà cớ sao kinh Phật được chép lại và lưu truyền tới nay rất nhiều! Dần dần, mình nghiệm ra trong lời Phật dạy, chí ít hàm ngụ hai ý:
Ý thứ nhất là nhân duyên giả hiệp, có đến có đi. Phật thuyết pháp tùy theo cơ duyên. Trong tình huống đó, có lý do đó, thì Phật thuyết đề tài đó. Phật không chủ ý soạn bài trước, không rắp tâm là Ngài sẽ giảng đề tài gì. Tạm hiểu, Phật thuyết mà không thuyết, bởi lẽ chỉ tùy theo cơ duyên mà thôi.
Ý thứ hai là vô ngã. Không thấy có ta đi độ hay giáo hóa người khác, cũng không thấy có người nào được ta độ hay giáo hóa. Cũng là lời Đức Phật dạy ông Tu Bồ Đề: “Thật sự không có chúng sanh nào được Như Lai độ.” ([4])
Đức Lão Tử gọi đó là vô kỷ, vô công, vô danh. Đạt tới ba cái đó thì thoát khỏi bệnh cậy công, máu kiêu ngạo và thói cầu danh. Tức là giữ được đức khiêm tốn, lòng mình lúc nào cũng tự nhiên, vui vẻ hạ mình phụng sự chúng sanh. Bằng không, mọi cung cách khiêm tốn phụng sự của mình đều chỉ là màu mè trình diễn trước mắt bá tánh. Bài học này quá lớn, nói ra cửa miệng rất dễ mà thực hành với tâm thành thì khó biết bao!
Trong sư phạm có thuật ngữ giáo cụ trực quan sinh động. Mình nghĩ các giáo chủ sử dụng giáo cụ trực quan sinh động quả thật giỏi hơn bất kỳ ai.
Giáo cụ (hay đồ dùng dạy học) chính là bản thân các ngài. Các ngài đem thân mình làm gương sống đạo cho học trò hàng ngày hàng giờ gần gũi được chứng kiến tận mắt, tức là làm giáo cụ trực quan sinh động. Nhà Phật gọi cách dạy đó là thân giáo, lấy thân thầy hay đời thầy làm bài học cho trò. Đức Giêsu cũng dùng thân giáo để dạy các Thánh tông đồ bài học lớn vô ngã, vô kỷ bằng cách Chúa cúi xuống tự tay rửa chân cho từng học trò (Gioan 13:5).
Trước khi dứt lời, nhà truyền giáo hỏi tôi:
- Phật dạy rằng trong bốn mươi chín năm Ngài chưa từng thuyết một lời, và Chúa cúi xuống rửa chân học trò. Hai bài học lớn ấy được truyền trao trước khi Phật nhập Niết Bàn và trước lúc Chúa bị đóng đinh trên thập giá. Vậy, ý ông thế nào nhỉ?
08-10-2012
HUỆ KHẢI





([1]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển I. Đàn ngày 27-8-1926.
([2]) Theo Phật Giáo Nam Tông (cũng gọi Nguyên Thủy) thì Đức Phật Thích Ca trụ thế bốn mươi lăm năm. Theo Phật Giáo Bắc Tông thì thời gian hoằng pháp của Đức Thế Tôn là bốn mươi chín năm.
([3]) 若人言如來有所說法即為謗佛. Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật.
([4]) 實無有生如來度者. (金剛經) Thật vô hữu chúng sanh Như Lai độ giả. (Kim Cang Kinh)