TIẾNG CƯỜI BÊN KHE
Đời
Đông Tấn (317-420) bên Trung Quốc có ba danh nhân là nhà nho Đào Tiềm (365-427),
đạo sĩ Lục Tu Tĩnh (406-477), và sư Huệ Viễn (334-416).
Đào Tiềm hiệu Uyên Minh ,
biệt hiệu là Ngũ Liễu Tiên Sinh, người đất Tầm Dương (nay thuộc huyện Cửu
Giang, tỉnh Giang Tây). Ông sinh trong một gia đình danh giá đã sa sút. Từ năm hai
mươi chín tuổi, ông giữ vài chức quan nhỏ, nghèo túng. Năm bốn mươi tuổi, chán ngán
quan trường lắm kẻ tiểu nhân, ông trả ấn về làm dân. Dịp này ông sáng tác bài
phú Quy Khứ Lai Từ (lời từ biệt khi về),
mở đầu như sau: Quy khứ lai hề, điền viên tương vu, hồ bất quy? (Về đi thôi hề, ruộng vườn sắp hoang vu, sao
không về?)
Tương truyền năm sáu mươi hai tuổi, gặp lúc đói kém, ông
khốn cùng đến mức phải đi xin ăn. Năm sau thì lìa trần trong đói khổ. Hậu thế kết
tập thơ văn của ông thành bộ Đào
Uyên Minh Thi Văn Tập (mười quyển), trong đó có trên một trăm hai mươi bài
thơ. Khoảng bảy tám mươi năm sau khi ông mất, thơ ông ngày càng được tán tụng.
Lục Tu Tĩnh quê ở Đông Thiên, Ngô Hưng (nay là huyện Ngô Hưng,
tỉnh Chiết Giang), thuở nhỏ theo nghiệp Nho, nhưng hâm mộ đạo Lão. Khi trưởng
thành ông bỏ nhà vào núi tu luyện. Đời Tống Văn Đế (423-453) ông được
mời vào hoàng cung giảng đạo, được Thái Hậu tôn làm thầy. Tống Minh Đế (465-472)
cho cất Sùng Hư Quán trên núi Thiên Ấn và mời Lục Tu Tĩnh trụ trì.
Cống hiến quan trọng của Lục Tu Tĩnh là cải
cách Thiên Sư Đạo (một tông phái lớn của đạo Lão). Ông rất coi trọng việc trai
giới, có công hệ thống hóa các nghi thức trai giới. Ông viết nhiều sách, còn
lưu giữ được trong bộ Chính Thống Đạo
Tạng. Ngoài ra, ông còn san định và phân loại kinh điển nhiều tông phái đạo
Lão (tổng cộng 1.128 quyển). Do đó, ông được xem là một học giả uyên bác của đạo
Lão.
Huệ Viễn thành lập Bạch Liên Xã năm 402,
hướng dẫn các vị tăng và cư sĩ lễ bái Phật A Di Đà và nguyện khi chết được vãng
sinh về cõi Tịnh Độ. Do sự kiện này, Sư Huệ Viễn được xem là tổ sư sáng lập
Tịnh Độ Tông tại Trung Quốc. Tịnh Độ
Tông là một tông phái nhà
Phật rất phổ biến tại Trung Quốc, Nhật, Việt Nam … Người tu Tịnh Độ dốc lòng tin
tưởng Phật A Di Đà và đại nguyện của Ngài cứu độ mọi chúng sinh; những ai biết
chuyên tâm niệm “Nam mô A Di Đà Phật”
thì khi lìa trần sẽ được Phật A Di Đà rước về cõi Tịnh Độ do Ngài làm chủ.
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Sư
Huệ Viễn có lúc trụ trì chùa Ðông Lâm, gần khe nước gọi là khe Cọp (Hổ khê). Sư
có một nguyên tắc: Mỗi khi tiễn khách, sư chỉ đi đến bên khe thì dừng lại, rồi
quay về chùa.
Một
hôm, đạo sĩ Lục Tu Tĩnh và nhà thơ Ðào Tiềm cùng vào núi thăm sư. Khi tiễn
khách quý ra về, sư mải trò chuyện thích thú quên cả ngoại cảnh, nên vô tình bước
qua khỏi Hổ khê. Chừng sực tỉnh, thấy mình đã “phá lệ” xưa nay, sư cùng hai vị khách
nhìn nhau cười vang khoái chá.
Giai
thoại này có lẽ là hư cấu, vì tính tới năm sư Huệ Viễn viên tịch (416) thì Lục
Tu Tĩnh mới mười tuổi!
Nhưng
bất chấp điều ấy, câu chuyện của ba vị lưu truyền lâu đời đã trở thành đề tài
cho nhiều họa sĩ Trung Quốc vẽ tích Hổ
Khê Tam Tiếu 虎溪三笑 (ba tiếng cười bên khe Cọp).
Tranh
vẽ in lại đây (họa sĩ khuyết danh) là một thí dụ. Nó phản ánh tinh thần Tam
Giáo một nhà. Nói như hiện nay là có tinh thần đối thoại liên tôn.
HUỆ KHẢI
15-10-2011
CGvDT số 1830, ngày 21-10-2011
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.