Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Nẻo Về Tâm Linh 17/31


MẨU LƯƠNG KHÔ
Nhà thơ Phạm Hữu Quang có bài thơ Giang Hồ rất hay. Thường được truyền tụng trong những bàn rượu của cánh mày râu.
Bài thơ gồm tám khổ. Mỗi khổ thơ có bốn câu. Vị chi ba mươi hai câu. Con số đẹp. Mộng giang hồ cũng đẹp.
Mở đầu, ông nói tới chí hướng trượng phu, muốn thoát ly khỏi những cơm áo đời thường trong xó nhà, khỏi phải quẩn quanh bên cạnh vợ con trói buộc.
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ?
Thế là một ngày kia, trang nam tử bèn hăng hái cất bước giang hồ cho thỏa chí tang bồng trong bốn biển.
Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng
Lời thơ đẹp quá! Nghe đầy khí thế hiên ngang!
Thế nhưng, kết thúc mộng giang hồ là như thế này:
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
Nhiều người thích bài thơ. Có kẻ đọc hai câu kết ấy thì buồn cười. Không phải cười nhà thơ vỡ mộng giang hồ, mà cười cho chính bản thân mình.
Thử gẫm mà xem, trong từng mảnh đời mỗi người chúng ta, đã bao phen chúng ta bỏ rơi giấc mộng lớn hay hoài bão ngút trời của mình chỉ vì tiếng gọi “thiêng liêng” của bao tử, của áo cơm!
Trong chuyện tu hành cũng thế. Ông bà chúng ta từ xưa để lại câu này: Có thực mới vực được Đạo.
Tương tự, người Anh bảo:
- Bụng đói ghét bài thuyết giáo dông dài. (A hungry belly hates a long sermon.)
- Giảng đạo cho kẻ đói chỉ hoài công. (It’s no use preaching to a hungry man.)
Cho nên để thử thách tâm chí người tu, xưa nay luôn có nhiều cách khác nhau. Một trong những cách đơn giản mà hiệu quả muôn đời là thử thách cái bao tử.
Đây là chuyện tôi nghe:
Ba người bạn đạo thân thiết rủ nhau viếng ngôi đền thiêng trên một đỉnh núi cao. Để vui chân suốt cuộc hành trình dài giữa chốn sơn lâm hiu quạnh, họ vừa đi vừa trò chuyện rôm rả. Họ bàn luận không chán về tầm quan trọng thiết yếu của việc đem thực hành tất cả những lý thuyết bản thân đã tiếp thụ được qua kinh điển. Họ gọi đó là thực nghiệm tâm linh để được chứng ngộ ngay trong hiện tại, giữa cuộc sống đời thường; như vậy mới có thể minh chứng cho thiên hạ thấy rõ là kinh điển Thánh Hiền ngàn xưa truyền lại không hề dạy con người ăn bánh vẽ…
Cả ba đều bị cuốn hút vào một đề tài mà ai cũng muốn tỏ ra cho bạn đồng hành biết trình độ đạo học uyên thâm quảng bác của mình. Quả thật không ai kém ai và cũng chẳng ai chịu nhường ai. Rốt cuộc, chỉ vì mải mê tranh luận nên họ quá chậm bước. Đến khi bóng tối đổ ập xuống giữa chốn hoang vu thì họ bị cầm chân dọc đường, đành tìm một chỗ có vẻ an toàn để tạm trú qua đêm.
Bấy giờ bụng cả ba đều đói, mà rủi thay trong ba lô chỉ còn sót một mẩu lương khô nhỏ! Nhìn nhau cười ngượng nghịu, họ thầm toan tính xem ai sẽ là người duy nhứt được hưởng chút vật thực rất tầm thường nhưng giữa lúc lỡ đường này lại trở thành món trân bảo hiếm hoi.
Là những người nhiều năm học hỏi đạo lý, không ai muốn hóa ra kẻ thất phu tranh giành miếng ăn. Vì thế họ mau chóng đồng thuận hãy cứ ngả lưng ngơi nghỉ; trong đêm, thần linh sẽ báo mộng và quyết định giùm. Họ vui vẻ cầu nguyện rồi đi ngủ.
Tinh mơ hôm sau, chẳng ai gọi ai mà tất cả đều choàng dậy thật sớm.
Người thứ nhất nói:
- Tối qua tôi mơ thấy mình lạc bước vào một chốn xinh đẹp lạ thường và tôi nghĩ ắt là cõi Bồng Lai. Bỗng một Tiên Ông râu tóc bạc phơ hiện ra, khen tôi xưa nay chưa hề đắm say vật dục, luôn biết từ bỏ những thú vui trần tục phù phiếm. Ngài nói vì thế tôi xứng đáng được hưởng mẩu lương khô này.
Người thứ hai liền cau mặt, lắc đầu nguầy nguậy:
- Anh nói lạ chưa kìa! Tôi mới là người nằm mộng thấy mình đặt chân vào cõi Thiên Đàng cực lạc. Tại đó tôi gặp một vị Bồ Tát và ngài hoan hỷ chúc lành tôi tương lai sẽ làm một đạo trưởng danh tiếng như cồn và sẽ dắt dìu đông đảo bá tánh tu hành. Vậy thì tôi rất xứng đáng để…
Chẳng đợi bạn mình dứt lời, người thứ ba xua tay lia lịa:
- Thôi, thôi! Hai anh chớ mất công tranh cãi cho phí sức. Hồi khuya, bụng cồn cào chịu không thấu, tôi lén hai anh xơi hết rồi còn đâu!
Lộn gan lên đầu, hai người kia lớn tiếng gay gắt:
- Sao lại thế được! Tệ quá! Ít ra cũng phải đánh thức tụi này. Có ít thì chia ít cầm hơi chớ!
Kẻ láo ăn thở dài:
- Một anh thì bay tuốt lên Thiên Đàng cực lạc. Một anh thì vô tận Bồng Lai tiên cảnh. Chỉ riêng tôi đói meo nằm chết gí ở hạ giới trần gian; làm sao tôi còn đủ hơi sức kêu lớn tận trời xanh cho hai anh nghe thấu!
27-02-2013

HUỆ KHẢI