Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Nẻo Về Tâm Linh 28/31


THẦY VÀ TRÒ
Đây là chuyện tôi nghe:
Sri (Đức) Ramakrishna (1836-1886) là sư phụ của Swami (Đại Sư) Vivekananda (1863-1902). Cả hai đều là danh gia lừng lẫy trong giới Huyền Học (Mysticism). Nhưng về hoàn cảnh xuất thân thì hai thầy trò rất tương phản nhau.
Thầy thuở nhỏ sinh ra ở nông thôn, cha mẹ bần hàn, học hành ở trường quê không nhiều. Trò sinh trưởng giữa chốn thị thành hoa lệ, được học hành tới nơi tới chốn, cha mẹ trí thức và giàu có. Thầy mộc mạc bao nhiêu, thì trò tài hoa, nghệ sĩ bấy nhiêu.
Thuở thiếu niên kẻ học trò ấy có tên là Narendra, giỏi nhạc, hát hay, thể dục thể thao chẳng kém… Khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân ở Ấn Độ, chàng trai ấy có được vốn tri thức phong phú thuộc nhiều lãnh vực, nhất là sử học và triết học phương Tây.
Nhưng chàng tuổi trẻ không hài lòng với tri thức thế gian vì bẩm sinh sẵn có xu hướng về tâm linh. Thế nên trước khi tốt nghiệp đại học khoảng hai hay ba năm, kẻ thiếu niên ấy luôn băn khoăn, luôn thao thức với một câu hỏi về Thượng Đế.
Người ta kể rằng vì muốn tìm được giải đáp nên có lần kẻ thiếu niên ấy đi tới sông Hằng, xin yết kiến một đạo sư (guru), là cha của thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941), người đoạt giải Nobel Văn Chương 1913.
Thân phụ của thi hào là Debendranath Tagore (1817-1905) bấy giờ đang neo thuyền bên bờ dòng sông thiêng nước Thiên Trúc.
Bậc đạo sư có tiếng uyên bác, quảng kiến đa văn không khỏi sửng sốt khi nghe kẻ thiếu niên hỏi:
- Thưa Ngài, Ngài đã gặp Thượng Đế chưa?
Người kể lại chuyện không cho biết vị đạo sư trả lời câu hỏi ấy ra sao, mà chỉ bảo rằng thân phụ của Tagore cố an ủi chàng trai, khen chàng có đôi mắt của người chuyên luyện yoga, và khuyên chàng hãy ngồi thiền để trưởng dưỡng tâm linh.
Không nói thì cũng rất dễ đoán được rằng chàng trai quá thất vọng, nên sau đó lại tiếp tục tìm kiếm câu trả lời khác.
Vào tháng 11 năm 1881, chàng trai mười tám xuân xanh tìm tới gặp Đức Ramakrishna lần đầu tiên. Trong ngôi đền thiêng của đạo Bà La Môn, không thèm rào đón dông dài, chàng mở miệng hỏi ngay:
- Thưa Ngài, Ngài đã gặp Thượng Đế chưa?
Chẳng hề do dự, Đức Ramakrishna đáp liền:
- Có chứ! Ta thấy Thượng Đế còn rõ ràng hơn ta thấy cậu đứng đây bằng xương bằng thịt. Ta chuyện trò với Ngài còn thân mật hơn ta nói với cậu. Nhưng mà con trai ơi, hỡi kẻ muốn gặp Thượng Đế! Thiên hạ đã tuôn đổ biết bao nước mắt thương tiếc cho tiền bạc, vợ chồng, con cái của họ. Phải chi họ cũng khóc lóc như vậy vì Thượng Đế chỉ một ngày thôi, thì chắc chắn họ sẽ gặp được Ngài.
Nghe giọng nói mang đầy âm sắc “nhà quê” trả lời chắc nịch như đinh đóng cột, chàng trai rúng động. Bằng trực giác siêu nhiên, bằng mối nhân duyên thầy trò tiền định, ngay lúc ấy chàng trai lập tức nhận thức rằng câu trả lời của vị Thánh sống hoàn toàn không đến từ sách vở, lý thuyết.
Bởi thế, chàng đã tìm gặp sư phụ của mình, và Ramakrishna đã tìm được đại đệ tử để truyền trao y bát kế thừa đạo nghiệp. Đại Sư Vivekananda đã ra đời từ chính buổi sơ ngộ ấy. Đạo Bà La Môn sau này được giới thiệu ở một số nước Âu Mỹ một phần lớn nhờ Đại Sư Vivekananda trực tiếp trình bày.
Có dịp nói về thầy mình, Đại Sư Vivekananda bảo:
- Thầy tôi không phải là người được ăn học, nhưng thầy là cái học được hiển bày qua hình dáng con người.([1])
13-5-2014
HUỆ KHẢI




([1]) My master was not learned but learning personified.