MỘT TÂM HỒN BỒ TÁT
Theo các nhà nghiên cứu, lúc đã có bề dày hơn năm trăm tuổi ở
Ấn Độ thì đạo Phật bắt đầu được truyền sang Trung Hoa theo con đường tơ lụa,
vào cuối đời nhà Hán. (Nhà Hán kéo dài từ năm 206 trước Công Nguyên cho tới năm
220 Công Nguyên.)
Khi kinh Phật từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, việc dịch kinh
Phật từ tiếng Phạn sang chữ Hán đã làm phong phú thêm cho ngôn ngữ bản địa.
Chẳng hạn, thuật ngữ Bodhisattva (gồm
bốn âm tiết) được người Hoa chuyển âm (translitering) thành bốn chữ Hán mà
người Việt đọc là Bồ Đề Tát Đóa, rồi
họ rút gọn lại thành Bồ Tát, và dịch
nghĩa là Đại Sĩ. Thế nên, Đức Avalokitesvara được gọi là Quan Âm Bồ Tát, và còn gọi là Quan Âm Đại Sĩ.
Bồ Tát là ai?
Nói cho đơn giản, Bồ Tát là những vị tu hành đã đắc đạo, bởi
lòng từ bi thương xót chúng sinh đau khổ quá nhiều nên thay vì lìa bỏ trần gian
để riêng hưởng an vui thong dong trên cõi cực lạc Niết Bàn, các vị vẫn ở lại
trần gian, chia sẻ nỗi khổ của người thế gian, và tìm cách giúp họ thoát khổ. Cho
nên có câu: Bồ Tát thương chúng sinh như
mẹ hiền thương con.
Bồ Tát hạnh vì vậy là hạnh bác ái, đức vị tha của bậc Bồ Tát.
Bồ Tát hạnh càng lớn thì lời nguyện hy sinh cho chúng sinh càng lớn. Bởi thế,
kinh điển xưa truyền tụng là đã có vị Đại Bồ Tát nguyện rằng chừng nào địa ngục
vẫn còn một linh hồn bị đày đọa thì ngài nhất định chẳng chịu vào Niết Bàn làm
Phật.
Đây là chuyện tôi nghe:
Sau thời gian dài vượt qua nhiều thử thách, người đàn ông nọ
kính thành quỳ trước bàn thờ trong nghi thức gia nhập môn phái của một vị đạo
sư.
Đạo sư nghiêm nghị dặn dò:
- Con vừa mới trở thành đệ tử chánh thức của ta. Vì vậy, ta
sắp truyền riêng cho con một câu thần chú vô cùng linh diệu. Nhưng con hãy ghi
nhớ: Thần chú này con không được tiết lộ cho kẻ khác, bất kỳ là ai. Con mà cãi
lịnh, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp.
Người đàn ông liền hỏi ngay:
- Thưa sư phụ, nếu con lỡ tiết lộ thần chú cho người khác,
hậu quả sẽ thế nào?
Đạo sư chậm rãi nói, như muốn cho đệ tử không bỏ sót lời nào:
- Bất kỳ ai nghe được thần chú này từ miệng con thốt ra, họ
lập tức được giải thoát khỏi đau khổ kiếp người và linh hồn họ được cứu rỗi
trọn vẹn. Nhưng ngược lại, con bị trục xuất khỏi môn phái của ta, và con bị đày
đọa đời đời giữa cõi trần gian đau khổ triền miên.
Không giấu nổi vẻ vui mừng trên gương mặt, người đệ tử cúi
mình sụp lạy tạ ơn thầy.
Nhưng ngay sau khi được truyền thụ câu thần chú, ông ta vội
vã rời khỏi đạo viện và đi thẳng ra chợ, hào hứng kêu gọi mọi người hãy đến gần
để nghe ông truyền trao phép lạ.
Nhìn thấy đã có rất đông người hiếu kỳ vây quanh, vòng trong
vòng ngoài, ông ta liền cất cao giọng, đọc cho họ nghe trọn vẹn câu thần chú…
Chuyện ắt phải lọt đến tai các đồng môn. Họ quá đỗi bất bình,
liền hội ý rồi kéo nhau tới gặp sư phụ để méc lại tội lớn tày đình của kẻ bất
tuân lịnh cấm.
Sau khi tỉ mỉ kể lại đầu đuôi sự việc, họ đồng thanh yêu cầu:
- Hắn đã vi phạm nghiêm trọng lịnh cấm của thầy, nhất định
không khoan dung, kiên quyết chẳng tha thứ! Sư phụ, hãy tống cổ hắn đi! Đừng
dạy dỗ hắn nữa!
Tỏ vẻ khoan khoái, đạo sư vỗ tay cười lớn:
- Phải, phải! Đuổi đi là phải! Thầy đâu còn gì đáng truyền
dạy cho một tâm hồn Bồ Tát đầy tình bác ái và tràn trề đức vị tha như thế chứ!
16-7-2014
HUỆ KHẢI