CON THUYỀN ĐỨC TIN
Thầy đưa
thuyền từ ra bể khổ để vớt vạn linh sanh chúng mà mỗi con là mỗi chơn linh
trong vạn linh, mỗi chúng sanh trong chúng sanh, chỉ khác một điều là đứa giác
ngộ thì lên thuyền, còn đứa chưa giác ngộ thì ở lại.
Đức Chí Tôn
Thiên Lý Đàn, 07-11-1965.
Tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
đã công bố Năm Đức Tin, mở màn từ ngày 11-10-2012 và sẽ khép lại vào ngày
24-11-2013. Năm Đức Tin ra đời trong hoàn cảnh nhân loại đang khủng hoảng đức
tin!
Biểu tượng của Năm Đức Tin là một hình vuông, bên trong là
con thuyền đang lướt sóng. Con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội Công Giáo. Góc
trái trên hình vuông là một vòng tròn tượng trưng Thánh thể (the Eucharist), làm nền cho cột buồm là thánh
giá với cánh buồm no gió được tạo hình bằng ba chữ cái IHS lồng vào nhau. IHS
viết tắt từ Iesus (Jesus) Hominum
Salvator, có nghĩa: Đức Giêsu Đấng
Cứu Độ Loài Người.
Tôi thấy biểu tượng này rất gần gũi với giáo lý nhà Phật và
Cao Đài.
Trước hết, giáo lý nhà Phật và Cao Đài quan niệm đời là biển
khổ, con người là những chúng sanh đang lặn hụp, chìm đắm trong biển khổ do
tham dục, sân si… Tôn giáo là con thuyền cứu vớt chúng sanh chở vào bến bờ giải
thoát. Do đó mà cũng nói là cứu độ,
vì độ là chở qua sông qua biển đưa sang tới bờ bên kia.
Qua tới bờ bên kia (đáo
bỉ ngạn) tức là paramita (ba la mật
đa). Trí huệ bát nhã (prajna) hay
bát nhã ba la mật đa (prajna paramita)
giúp con người đoạn lìa tham dục, sân si mà đến chỗ giải thoát. Cho nên trí huệ
bát nhã được hình tượng hóa là con thuyền cứu độ người đời thoát ra khỏi biển
khổ. Trong đạo Phật và Cao Đài có thuật ngữ thuyền
bát nhã, các học giả Anh Mỹ dịch là prajna
boat. Con thuyền này cũng gọi khác đi là từ hàng. Hàng là con thuyền; từ là từ bi, tấm lòng thương xót của
các Đấng giáo chủ đau đáu lo cứu khổ nạn đời. Kinh Phật và Cao Đài có nhắc tới Đức
Từ Hàng Bồ Tát, phương Tây dịch là Mercy Boat Bodhisattva.
Tóm lại, con thuyền trong biểu tượng Năm Đức Tin cũng là con
thuyền bát nhã hay chiếc từ hàng; ngọn sóng đáy thuyền là sóng nước biển khổ
trần gian. Những hình ảnh này rất truyền thống, rất quen thuộc trong đạo Phật
và Cao Đài. Vòng tròn làm nền cho cánh buồm là hình ảnh mặt trời. Tôi nghĩ đến
hai câu mở đầu bài Khai Kinh khi cúng
tứ thời trong đạo Cao Đài:
Biển trần khổ vơi vơi
trời nước
Ánh thái dương giọi trước
phương Đông…
Mặt trời (thái dương) mọc ở phương Đông nghĩa là bình minh
xuất hiện, xóa tan màn đêm hắc ám. Nói khác đi, ánh sáng đạo pháp xuất hiện,
xóa tan tội lỗi và đau khổ của chúng sinh.
Con thuyền trong biểu tượng Năm Đức Tin khiến tôi nhớ tới một
dụ ngôn lý thú được phổ biến trên Internet mấy năm gần đây:
Có anh nọ không kịp chạy lũ bèn leo lên mái nhà ngồi. Nước
càng lúc càng dâng cao. Sợ hãi, anh thành tâm chắp tay cầu xin Chúa cứu giúp.
Chúa nhậm lời.
Thế là từ đâu có mảng bè đi tới. Người trên bè gọi anh mau xuống
bè thoát thân. Anh từ chối, nói Chúa sẽ đến cứu chứ không phải mảng bè này.
Mảng bè đi mất. Lúc sau, nước dâng cao hơn, ngập hơn nửa
tường nhà. Chúa cứu anh lần thứ hai. Thế là từ đâu bỗng có chiếc thuyền nan đi
tới. Người trên thuyền gọi anh mau xuống thuyền thoát thân. Anh vẫn từ chối,
nói Chúa sẽ đến cứu chứ không phải thuyền nan này.
Thuyền nan đi mất. Lúc sau nữa, nước dâng cao hơn, ngập sát
mái nhà. Chúa cứu anh lần thứ ba. Thế là từ đâu bỗng có chiếc thuyền tam bản đi
tới. Người trên thuyền gọi anh mau xuống thuyền thoát thân. Anh vẫn cứ từ chối,
nói Chúa sẽ đến cứu chứ không phải chiếc tam bản này. Rốt cuộc, nước ngập nóc
nhà và dìm chết nạn nhân.
Các chánh pháp là những con thuyền cứu độ loài người. Nhưng
nếu con người không có đức tin vào chánh pháp, không tin vào ơn cứu độ của
Chúa, của Trời Phật, họ đâu chịu bước lên thuyền!
Giữa cơn khủng hoảng đức tin của nhân loại hiện thời, xin cầu
nguyện sẽ có muôn vạn con người sớm mở lòng đón nhận ơn cứu độ mà mau chân
nhanh gót tìm cách bước lên thuyền.
01-12-2012
HUỆ KHẢI
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.