Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

54/42. THẮP NẾN TÌM TIỀN VÀNG / BẮC CẦU TÂM LINH




THẮP NẾN TÌM TIỀN VÀNG 

Dụ ngôn (parable) là câu chuyện kể ngắn gọn, bằng văn vần hay văn xuôi, nhằm chuyển tải một bài học đạo lý, một nguyên tắc đạo đức chuẩn mực. Nhân vật trong dụ ngôn là con người, khác với nhân vật trong ngụ ngôn (fable) là thú vật, thực vật, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên, v.v… Chẳng hạn, con ve và con kiến trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine (1621-1695) là hai nhân vật rất quen thuộc.
Dụ (chữ Nho) nghĩa là ví von, so sánh cho dễ hiểu. Trong thiên Tề Vật Luận (Trang Tử Nam Hoa Kinh) có câu này: “Lấy ngón tay mà ví dụ rằng ngón tay không phải là ngón tay, sao bằng lấy cái không phải ngón tay để mà ví dụ rằng ngón tay không phải là ngón tay.” ([1])
Kinh điển các đạo giáo Đông Tây xưa nay thường chép lại nhiều dụ ngôn của các đấng giáo chủ. Dụ ngôn gã cùng tử trong Kinh Pháp Hoa nhà Phật (quyển 2, phẩm Tín Giải) rất tương đồng với dụ ngôn đứa con đi hoang trong Phúc Âm (Luca 15: 11-32).([2])
Thánh Luca (10: 29-37) còn chép rằng một người thông luật muốn thử thách Chúa Giêsu nên hỏi:
- Ai là người thân cận của tôi?
Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi ấy, Chúa dùng một dụ ngôn:
- Một người kia rời Giêrusalem đi Giêrikhô, dọc đường lọt vào tay bọn cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc nạn nhân dở sống dở chết. Có thầy tư tế tình cờ đi qua đấy, trông thấy nạn nhân, nhưng liền tránh sang một bên mà đi tiếp. Rồi một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh sang một bên mà đi. Sau cùng, một người Samaria đi tới, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta bèn ngồi xuống, lấy dầu lấy rượu rửa vết thương và băng bó lại, rồi đặt nạn nhân trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, người Samaria lấy ra hai quan tiền trao cho chủ quán, nhờ săn sóc nạn nhân, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về ông ta sẽ hoàn trả chủ quán đầy đủ.
Kể xong, Chúa hỏi:
- Theo ông, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với nạn nhân?
Người thông luật đáp:
- Chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với nạn nhân.
Ðức Giêsu dạy:
- Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.
*
Và đây là chuyện tôi nghe:
Vị đạo sư nọ thích dùng dụ ngôn để gởi gắm các lý đạo sâu xa. Nhiều dụ ngôn được học trò lãnh hội và thích thú. Đôi khi, ngược lại, họ cảm thấy một số mẩu chuyện thầy kể dường như nhạt nhẽo, cụt lủn đến mức sơ sài.
Đọc được ý nghĩ thầm kín của học trò, đạo sư vẫn phớt tỉnh. Tuy nhiên, có lần kể xong dụ ngôn ngắn ngủi, nhìn vẻ mặt chưng hửng của họ, đạo sư từ tốn bảo:
- Anh chị em chưa hiểu sao? Khoảng cách ngắn nhất giữa con người phàm phu và Đạo là một câu chuyện.
Một dịp khác, sau dụ ngôn vắn vỏi của thầy, họ không thèm giấu giếm nỗi thất vọng. Thấy thế, đạo sư mỉm cười an ủi bằng … một dụ ngôn khác:
- Anh chị em chớ nên coi thường câu chuyện ấy. Có anh lái buôn trót đánh rơi đồng tiền vàng trong nhà kho tối om. Anh ta thắp ngọn nến đáng giá một xu để soi tìm, và nhặt lại được đồng tiền vàng. Cũng vậy, một câu chuyện đơn giản vẫn thừa sức chuyển tải một lẽ Đạo thâm sâu.
HUỆ KHẢI
03-4-2012
CGvDT số 1852, ngày 06-4-2012





([1]) Dĩ chỉ dụ chỉ chi phi chỉ, bất nhược dĩ phi chỉ dụ chỉ chi phi chỉ dã. 以指喻指之非指, 不若以非指喻指之非指也.
([2]) Xem bài “Hai Kẻ Đi Hoang” trong Nhịp Cầu Tương Tri, của Huệ Khải (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 85-86). Quyển 42 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.