NHÃN TỰ
Ghé thăm tôi, anh nói:
- Cháu gái bác đi học về có
nhờ tôi giải thích hai chữ nhãn tự
trong thơ. Tôi hiểu lờ mờ, đang còn khất nợ cháu.
- Tôi cũng chả rành rẽ chi
đâu, bác liều liệu mà trả lời cho cháu. Rủi ro cách hiểu của tôi không khớp với
kiến giải quý thầy cô trong trường cháu thì sẽ phiền cho cháu.
Tự 字 là chữ thì rõ rồi, nhưng nhãn
眼 là gì? Xưa nay tôi thấy sách vở hay giải thích nhãn là con mắt. Thế nên không ít người
đã bàn luận dài hơi về cái gọi là “con mắt thơ”.
Tôi tìm hiểu, thấy rằng ngoài nghĩa là con mắt
thì nhãn còn có nghĩa là phần trọng yếu,
then chốt, tương tự như chữ crux trong
tiếng Anh. Vậy nhãn tự là chữ then chốt,
chữ mấu chốt; mình dịch là crucial word cũng
được, mà dịch là key word cũng xong.
- Bác cho tôi một thí dụ về nhãn tự.
- Ngoài Quảng Nam có anh đạo hữu Cao Đài làm thơ là Nguyễn Văn Sanh. Anh
ấy qua đời mấy năm nay rồi. Có hai câu thơ của anh mà tôi rất thích:
Qua ghềnh thác vịn câu kinh
Qua năm tháng vịn công trình, công phu.
Người chân tu chỉ biết nương
tựa vào câu kinh, nương tựa vào quá trình rèn luyện đức hạnh (công trình),
nương tựa vào tham thiền (công phu) để vượt qua cuộc đời trầm luân, bất trắc.
Giống như khi về miền Tây, bọn mình không quen đi cầu khỉ chênh vênh, lắt lẻo,
phải vịn chắc thanh tre cho khỏi lọt té. Chữ vịn trong câu thơ của anh Sanh theo tôi là nhãn tự. Anh còn lặp lại
chữ vịn khiến tôi nghĩ tới một động
tác múa. Lặp lại một động tác múa để người xem lưu ý, nhận thức rõ hơn. Cũng
như nhấn mạnh.
29-8-2012
HUỆ KHẢI