NGƯỜI GIEO GIỐNG (a)
Phúc Âm theo Thánh Matthêu (13:1-9) chép như sau:
Hôm ấy, Ðức Giêsu từ
trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Có đám đông lớn tụ họp bên Chúa, nên Người
phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông đứng trên bờ. Người dùng dụ
ngôn nói với họ nhiều điều.
Chúa dạy: “Kìa, người
gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ
đường, chim chóc đến ăn mất.
Có những hạt rơi trên sỏi
đá, chỗ không có nhiều đất. Chúng mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên,
chúng liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.
Có những hạt rơi vào bụi
gai, gai mọc lên làm chúng chết nghẹt.
Có những hạt lại rơi nhằm
đất tốt, nên sinh hoa kết quả: Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được
ba chục. Ai có tai thì nghe.”
Dụ
ngôn của Chúa không nói tới việc chọn đất tốt để gieo giống. Suy ra, đối tượng
của việc truyền giáo là quảng đại quần chúng.
Trong
đạo Phật có lời nguyện này: Chúng sanh vô
biên thệ nguyện độ. Nghĩa là thề sẽ cứu độ vô số, không giới hạn đối tượng.
Trong
đạo Cao Đài, mỗi ngày cúng bốn lượt (tứ thời). Kết thúc buổi cúng, tín đồ đọc
năm lời nguyện. Lời nguyện thứ hai là: Nhì
nguyện phổ độ chúng sanh.
Phổ
độ là gì?
Theo
lời Chúa, chúng ta hiểu phổ độ như sau: Đất xấu đất tốt cũng gieo hạt, không
phân biệt, không chọn lấy chỗ này mà chê bỏ nơi kia. Đây cũng là quan điểm giáo
dục của Đức Khổng Tử: Hữu giáo vô loại. Dạy
dỗ thì không phân biệt thành phần xã hội, không xét lý lịch.([1])
Ngày
xưa gieo giống theo lối thủ công. Nông dân vừa bước trên mảnh đất của mình, vừa
bốc từng nắm hạt vung mạnh ra. Thời nay, ở nhiều nước giàu có, chủ các nông
trại mênh mông còn dùng máy bay gieo giống.
Thời
xưa, các vị giáo tổ truyền đạo chủ yếu bằng lời nói (thuyết pháp) và lần lượt
di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Qua đến các đại tông đồ thì
lời giảng của giáo tổ được chép lại thành sách. Khoa học phát triển, việc
truyền giáo có thể mượn thêm phương tiện in ấn, báo chí, truyền thanh, truyền
hình, băng dĩa, Internet…
Các
hình thức truyền giáo hiện đại khiến cho hình ảnh gieo giống trong dụ ngôn của
Chúa càng rõ nét: Theo lời Chúa thì không có sự chọn lựa trước mảnh đất nào để
gieo, cũng không nhắm tới đối tượng cụ thể. Nhà truyền giáo thời nay với các
phương tiện hiện đại sẵn có, nào khác chi người gởi hương cho gió muôn phương,
để rồi: Gió muốn thổi đâu thì thổi.
(Gioan 3:8)
Dụ ngôn của Chúa hàm ngụ rằng hạt giống cùng một loại, chất
lượng như nhau. Đạo pháp từ các Đấng truyền ra dù ở đâu, dù thời đại nào cũng
luôn luôn có cùng đức tính là thương yêu và giải thoát. Giống như nước biển
muôn phương và muôn đời, đều có chung một vị mặn. Diễn tả tính vạn giáo nhất lý này, hiền giả Lục Tượng Sơn (1139-1192) đời Tống nói chí lý:
Biển
Đông có Thánh Nhân xuất hiện, cái tâm ấy giống nhau, cái lý ấy giống nhau. Biển
Tây có Thánh Nhân xuất hiện, cái tâm ấy giống nhau, cái lý ấy giống nhau. Biển
Nam, biển Bắc có Thánh Nhân xuất hiện, cái tâm ấy giống nhau, cái lý ấy giống
nhau. Trăm nghìn đời trước có Thánh Nhân xuất hiện, cái tâm ấy giống nhau, cái
lý ấy giống nhau. Trăm nghìn đời sau mà có Thánh Nhân xuất hiện, cũng giống tâm
ấy, cũng giống lý ấy.
Trở lại với dụ ngôn của Chúa: Khi gieo giống,
nhiều hạt rơi bên vệ đường nên chim chóc ăn mất; rơi trên sỏi đá, lớp đất cạn
cợt nên khô chết dưới nắng; rơi vào bụi gai, bị chèn ép nên chết nghẹt. Chỉ
những hạt nào rơi vào đất tốt, thì thu hoạch được kết quả nhiều ít khác nhau. Vậy,
sự thành công hay thất bại không tùy thuộc vào hạt giống, mà tùy vào đất.
Cũng y như thế: Đạo pháp siêu mầu bao giờ
cũng cùng một vị ngọt diệu huyền, nhưng có người hưởng được trọn vẹn, hoặc chỉ hưởng
nửa vời, hoặc chẳng hưởng được tí gì cả. Tất cả tùy thuộc vào tấm lòng của họ, cái tâm của họ khác nhau. Đạo Phật và Cao Đài dùng thuật ngữ tâm điền (ruộng lòng).
Lòng người như mảnh ruộng, hoặc được cày xới
vun phân, tưới nước đủ; hoặc bỏ bê cho khô cằn, nứt nẻ, mặc tình cỏ hoang um
tùm…
Trong
Công Giáo hay nói tới những người cứng
lòng.([2]) Lòng mà cứng tức là đất ruộng chai cằn,
không cho một hạt giống nào sống sót trên đó.
Khi tôi chia sẻ với một nhà
truyền giáo suy niệm của mình về dụ ngôn gieo giống của Chúa, vị ấy nói khẽ,
như tâm tình:
- Trong việc truyền giáo, thỉnh thoảng mình nghe ai đó hãnh
diện, khoe rằng đã từng độ được anh Mít, chị Xoài bước vào đạo. Mình nghĩ khác,
chính là nhờ tâm điền của anh Mít, chị Xoài chuyển biến đấy thôi, chứ thật ra
mình chẳng làm được gì cả. Mình chỉ là công cụ trong tay các Đấng. Do đó, mình
phải cố tu đức và luôn cầu nguyện để lỡ khi gặp đất chai cứng, thì may ra mình
có thể làm công cụ đủ hiệu quả cho các Đấng mượn dùng. Mình không độ được ai,
cũng không có ai được độ. Chung quy chỉ nhờ vào nhân duyên và phép mầu từ các
Đấng bố ban.
02-10-2012
HUỆ KHẢI