Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Nẻo Về Tâm Linh 15/31


HOA VÀ NHÀ THƠ (b)
Đọc câu chuyện về hoa và ba nhà thơ Anh, Đức, Nhật, bạn tôi ghé nhà chơi. Uống xong chén trà, anh nói:
- Đọc bài đó khiến tôi có một liên tưởng xa hơn hoa và thơ.
- Vậy, anh nói cho nghe.
- Hoa đẹp ví như đàn bà đẹp. Còn ba thái độ, ba hành vi của ba ông làm thơ danh tiếng kia khiến tôi liên tưởng tới ba loại đàn ông trên thế gian này.
- Cụ thể là gì?
- Trước tiên là Goethe. Có thể ví Goethe như phần đông đàn ông tụi mình, hễ thấy gái đẹp thì ham, muốn chiếm hữu cho riêng mình. Thậm chí nhiều kẻ, tuy biết rõ mười mươi rằng hoa thơm đã có chủ nhưng vẫn cứ lao tâm khổ trí, cố tìm trăm phương ngàn kế hòng cướp đoạt, bất chấp tội lỗi. Goethe bứng hoa đẹp trong rừng về vườn nhà trồng; còn đàn ông hiếu sắc thì luôn muốn đem gái đẹp về bên mình.
Tôi cười:
- So sánh nghe trần trụi quá! Goethe giận cho coi! Rồi sao nữa?
- Basho ví như hạng đàn ông thứ hai, cũng thích ngắm gái đẹp. Ừ, thì Trời sinh đàn bà đẹp để tô điểm cõi nhân gian mà. Ngắm vẻ đẹp đó để tán thán bàn tay kỳ diệu của Hóa Công thì có chết ai đâu, miễn là biết dừng lại ở giới hạn đó, chỉ ngắm và thán thưởng mà thôi. Tương tự như khi ta vào phòng tranh, ngắm một họa phẩm tuyệt mỹ cho sướng mắt, xong rồi tay không ra về.
- Ờ, thì tranh đẹp của họa sĩ nổi tiếng giá cả mắc lắm. Đám thầy giáo quèn như tụi mình có mê tranh đến mấy cũng đành tay không ra về thôi. Nhưng anh nói khiến tôi nhớ tới ông bạn rất kỳ khôi. Gặp đàn bà đẹp, dù không quen và cũng chẳng mắc mớ gì nhau, nhưng ổng cứ lịch sự cúi chào người ta và nói tử tế: “Cảm ơn chị.” Ngạc nhiên, người đẹp hỏi lý do thì ổng trả lời tỉnh khô: “Cảm ơn chị vì chị đẹp quá, làm vui cuộc đời này.” Còn trường hợp chót, Tennyson thì sao?
- Tennyson khiến tôi nghĩ tới mấy ông thầy tu luôn gìn giữ nghiêm nhặt quy giới. Mỗi khi thấy gái đẹp thì các thầy không dám phóng túng nhìn ngắm cái hiện tượng mỹ miều phô bày trước mắt mà lập tức chủ động đánh lạc hướng tư tưởng của mình bằng cách nghĩ sâu xa tới mặt trái của chiếc mề-đai. Làm vậy để ngăn lòng ham muốn, kềm chế dục tình.
- Tôi hiểu rồi. Anh muốn nói tới phương pháp quán thân bất tịnh của Đức Phật chớ gì?
Bạn tôi gật đầu. Bệnh nghề nghiệp của các thầy giáo là tật thích giảng bài! Nên anh bèn giải thích, dù thừa biết tôi không xa lạ thuật ngữ này:
- Quán nghĩa là tập trung tư tưởng để quan sát, soi xét tường tận. Bất tịnh nghĩa là không sạch, là dơ bẩn. Quán thân bất tịnh nghĩa là tập trung tư tưởng để soi xét tường tận về bản chất dơ bẩn của thân xác máu mủ tanh hôi đang ẩn giấu sau lớp hiện tượng mỹ miều, óng chuốt bên ngoài. Tennyson cầm hoa trên tay nhưng không biết thản nhiên thưởng thức sắc hương mà lại lẩn quẩn tự vấn chuyện triết lý. Còn thầy tu giữ giới luật, hễ thấy gái đẹp thì sợ động lòng trần trục, bèn tự nhắc nhở mình rằng chớ có ham mà nhào vô, vì cô ấy chẳng qua chỉ là xú bì nang, là túi da thúi chứa bên trong máu mủ tanh hôi.
- Vậy, theo anh có trái tự nhiên không?
- Trái là cái chắc! Nhưng tu hành có khác gì lội nước ngược dòng. Người đời ham hưởng lạc thì người tu phải dẹp ham muốn. Người đời ham tích lũy tiền bạc thì người tu siêng bố thí, chăm làm từ thiện. Đêm khuya người đời hoặc say sưa giấc ngủ, hoặc nghiêng ngửa truy hoan, thì người tu cô đơn lặng lẽ ngồi thiền, âm thầm hít thở riêng mình.
13-11-2013
HUỆ KHẢI