Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Nẻo Về Tâm Linh 20/31

 
NGHỈ NGƠI
Chương Thiên Thụy trong Xung Hư Chân Kinh của Liệt Tử chép một mẩu đối thoại giữa Đức Khổng Tử và học trò là ông Tử Cống. Chuyện như sau:
Học hành nhiều, thấy oải quá nên ông Tử Cống đến trình bày nguyện vọng với thầy:
- Con muốn nghỉ ngơi.
Đức Khổng đáp:
- Sống thì đâu được nghỉ ngơi.
- Vậy thì không có lúc nào con được nghỉ sao?
Ắt hẳn lúc ấy thầy trò Đức Khổng Tử đang dừng chân ở gần một cánh đồng. Bởi vậy, thầy chỉ tay ra xa và bảo trò:
- Có chứ! Hãy nhìn những nấm mồ ngổn ngang ngoài kia kìa, cái cao cái thấp. Đó mới là nghỉ ngơi.
Hồi xưa chắc chưa xảy ra chuyện giải tỏa nghĩa trang, thế nên mồ mả có thể xem là chốn an nghỉ thực sự. Vì lẽ đó, ông Tử Cống liền chấp nhận ý kiến của thầy, bèn phụ họa:
- Cái chết to tát thay! Người quân tử chết thì được nghỉ ngơi, còn đứa tiểu nhân chết thì hết quậy.
Nghe vậy, Đức Khổng gật đầu:
- Ừ, anh đã hiểu rồi đấy. Người ta đều biết chết là đau buồn chứ không biết chết là được nghỉ ngơi.
Câu chuyện kể trên không thấy các cao đồ của Đức Khổng chép trong Luận Ngữ. Biết đâu là một giai thoại hư cấu. Nhưng giả dụ Đức Khổng quả thật có nói với ông Tử Cống rằng chết là được nghỉ ngơi, thì tỏ ra ngài quan niệm về cái chết theo hướng lạc quan, tích cực. Nói khác đi, ngài không sợ chết.
Thế mà năm bảy mươi ba tuổi, khi biết mình sắp chết, Đức Khổng dường như lại bộc lộ một tâm trạng không thoải mái lắm.
Hôm ấy vẫn còn quá đau lòng trước cái chết của hai học trò cưng là ông Nhan Hồi và ông Tử Lộ, buổi sáng Đức Khổng thức dậy sớm, vừa chống gậy bước thẩn thờ trước sân, vừa khóc:
- Núi Thái sụp chăng? Cột nhà gãy chăng? Hiền triết tàn chăng?
Thế rồi ngài bước vào nhà, ngã bệnh, bảy ngày sau qua đời.
Tình cảm ủy mị, bi thương trong buổi sớm mai như thế ắt không phải là tâm lý sợ chết. Có lẽ Đức Khổng chưa muốn được… nghỉ ngơi, lúc mà những kế hoạch to tát của ngài chưa thành tựu.
Bình sinh Đức Khổng là người quá ư bận rộn. Cả cuộc đời bôn ba đây đó, ngài đâu có rảnh rang mà nghỉ ngơi. Thậm chí, một buổi dã ngoại mùa xuân đối với ngài cũng là mơ ước!
Luận Ngữ, cuối chương Tiên Tiến chép cuộc trò chuyện thân mật giữa Đức Khổng với nhóm học trò là Tử Lộ, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa, và Tăng Điểm trong khi đang nghỉ chân dưới một cội tùng.
Đức Khổng bảo bốn ông chớ ngần ngại, cứ mạnh dạn nói lên chí hướng đời mình.
Tử Lộ, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa nói xong, đến lượt Tăng Điểm.
Đang ngồi cạnh thầy và bạn, tay nhẹ khảy đàn, Tăng Điểm bèn đặt đàn xuống và thủng thỉnh nói:
- Đang lúc cuối xuân, áo quần mùa xuân đã may xong. Rủ năm sáu thanh niên và sáu bảy đứa nhỏ đi xuống sông Nghi tắm mát, rồi lên đài cầu mưa ở Vũ Vu hóng gió. Trên đường về cùng nhau tung tăng ca hát.
Thầy đang muốn nghe chí hướng của trò. Thay vì nói tới mộng tung hoành thiên hạ, ra tài thao lược kinh bang tế thế như thói thường, ông Điểm trả lời nghe có vẻ… lãng xẹt! Những tưởng ông bị thầy rầy rà vì tật ham chơi, nào dè Đức Khổng lại thở dài và than:
- Thầy cũng muốn như Điểm vậy.
Trong Kinh Dịch, Đại Tượng Truyện quẻ Càn có câu: Đạo trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử cũng noi theo lẽ đó mà phấn đấu không ngơi nghỉ. (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.)
Bất tức nghĩa là không ngơi nghỉ. Suy ra, Hiền Thánh thao thức, đau đáu việc giúp đời độ thế, đâu ai dám riêng mình ngơi nghỉ! Chỉ trừ khi phải xuôi tay trở về với cát bụi.
25-9-2012
HUỆ KHẢI