Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

103/2. NIÊN BIỂU / Hành Trạng Tiền Khai Lê Văn Trung


NIÊN BIỂU
TIỀN KHAI LÊ VĂN TRUNG
1876-1934
1876 (Bính Tý):
Tiền khai Lê Văn Trung sinh tại làng Phước Lâm, tổng Phước Điền Trung, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Song thân là ông Lê Văn Thanh (1845-1878) và bà Văn Thị Xuân (1849-1912), thuộc thành phần tiểu nông.([1]) Em tiền khai Lê Văn Trung là Lê Văn Diệu, dạy tiếng Pháp, rồi làm thầu khoán xây dựng đường sắt, sau được phong huyện hàm (huyện honoraire).
1878 (Mậu Dần):
Thân phụ tiền khai Lê Văn Trung (ông Lê Văn Thanh, sinh năm 1845) qua đời, an táng tại làng Phước Lâm, tổng Phước Điền Trung, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.
1894 (Giáp Ngọ):
Tiền khai Lê Văn Trung tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat,([2]) Sài Gòn.
THỨ BẢY 14-7-1894 (12-6 Giáp Ngọ):
Tiền khai Lê Văn Trung thi đậu ngạch thơ ký, được tuyển vào làm ở phòng Nhì ([3]) của Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (Palais du Gouvernement de la Cochinchine).([4])
THỨ BA 06-3-1906 (12-02 Bính Ngọ):
Đơn xin nghỉ việc của tiền khai Lê Văn Trung được Thống Đốc Nam Kỳ François Pierre Rodier ([5]) chấp thuận. Sau mười hai năm làm công chức, tiền khai thôi việc để ra ứng cử và đắc cử Hội Đồng Quản Hạt (Conseil Colonial de Cochinchine),([6]) đại diện cho Sài Gòn, và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Gò Công, Tây Ninh.
CHỦ NHẬT 26-8-1906 (07-7 Bính Ngọ):
Một nghị định bổ nhiệm các nghị viên cho Hội Đồng Địa Phương Cải Thiện Giáo Dục Bản Xứ Tại Nam Kỳ (Comité local de perfectionnement de l’enseignement indigène en Cochinchine). Trong số vài nghị viên người Việt có tiền khai Lê Văn Trung bấy giờ đang là nghị viên Hội Đồng Quản Hạt.([7])
1911 (Tân Hợi):
Tiền khai Lê Văn Trung vận động các nhân vật tai mắt ở Sài Gòn xây dựng trường trung học đầu tiên dành cho nữ sinh. Năm 1913 trường được khởi công xây dựng; năm 1915 trường khánh thành và khai giảng khóa đầu tiên. Trường tên là collège des Jeunes Filles indigènes, tục gọi trường Áo Tím, vì ngày lễ nữ sinh mặc đồng phục áo dài tím Huế và quần trắng thay cho áo bà ba ngày thường.([8])
1912 (Nhâm Tý):
Thân mẫu tiền khai Lê Văn Trung (bà Văn Thị Xuân, sinh năm 1849) qua đời, an táng tại làng Phước Lâm, tổng Phước Điền Trung, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.
THỨ BẢY 18-5-1912 (02-4 Nhâm Tý):
Tiền khai Lê Văn Trung được Chánh Phủ Pháp tặng thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh hạng Năm (Chevalier de la Légion d’Honneur).([9])
THỨ NĂM 10-12-1914 (23-10 Giáp Dần):
Sau tám năm làm nghị viên Hội Đồng Quản Hạt, tiền khai Lê Văn Trung được chọn làm nghị viên Hội Đồng Chánh Phủ Đông Dương (Conseil de Gouvernement de l’Indochine), tên thường gọi bấy giờ là Thượng Nghị Viện Đông Dương.([10])
1915 (Ất Mão):
Tại Sài Gòn ông Nguyễn Liên Phong xuất bản Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập,([11]) trong đó ông ca tụng tiền khai Lê Văn Trung qua bài thất ngôn bát cú như sau:
Ra tài Quản Hạt bấy thu chầy ([12])
Quan chuộng dân yêu hội hiệp vầy
Lòng dạ thẳng ngay, gương vặc vặc ([13])
Tiếng tăm khen ngợi, tiết hây hây ([14])
Thương trường mở cuộc buồm xuôi gió
Thượng Viện ([15]) gặp thời chí lướt mây
Nhờ đức thung huyên ([16]) vun quén sẵn
Lộc Trời ơn nước, phước gồm may.([17])
1920 (Canh Thân):
Việc kinh doanh của tiền khai Lê Văn Trung ngày một suy kém.([18])
THỨ BA 26-10-1920 (15-9 Canh Thân):
Tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932) đổi ra đảo Phú Quốc làm chủ quận.
THỨ BA 08-02-1921 (01-01 Tân Dậu):
Tại chùa Quan Âm trên đảo Phú Quốc, tiền khai Ngô Văn Chiêu trở thành đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Tiên Ông (Ngọc Hoàng Thượng Đế).
THỨ TƯ 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu):
Lúc tám giờ sáng, tiền khai Ngô Văn Chiêu đang ngồi trên võng, phía sau dinh quận Phú Quốc, nhìn ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ con mắt trái thật lớn, hào quang chói lọi. Tiền khai sợ, lấy tay che mắt. Hồi lâu, mở mắt ra nhìn, cảnh tượng vẫn còn. Tiền khai chắp tay, khấn xin Tiên Ông cho con mắt biến đi, nếu như Tiên Ông muốn tiền khai thờ con mắt. Sau đó, con mắt mờ dần rồi mất hẳn. Tuy nhiên, Ngô tiền khai vẫn phân vân. Vài hôm sau, tiền khai lại nhìn thấy cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ Thiên Nhãn thì con mắt mới biến đi.
Khoảng vài ngày sau khi Thiên Nhãn xuất hiện lần thứ hai, Ngô tiền khai đến hầu đàn tại chùa Quan Âm. Tiên Ông dạy tiền khai vẽ lại Thiên Nhãn (con mắt trái) như đã mục kích để thờ. Dịp này, Tiên Ông xưng hồng danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát,([19]) dạy tiền khai gọi Đức Cao Đài bằng Thầy.
1924 (Canh Tý):
Tiền khai Lê Văn Trung hoàn toàn thua lỗ trong kinh doanh. Vì buồn phiền, tiền khai hút thuốc phiện; thị lực giảm sút, đôi mắt gần như mù.
THỨ BA 29-7-1924 (28-6 Giáp Tý):
Tiền khai Ngô Văn Chiêu rời đảo Phú Quốc; hôm sau về tới Sài Gòn. Trước ngày rời Phú Quốc, tiền khai được Đức Cao Đài khen ngợi vì đã tinh tấn tu học tròn vẹn ba năm (1921-1924):
Ba năm lòng sáng như son
Trèo non xuống biển vuông tròn công phu.
. . .
Giờ này Thầy điểm thâm công
Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên.
Khoảng tháng 6-1925 (tháng 4 nhuần Ất Sửu):
Tiền khai Lê Văn Trung có người bà con là tiền bối Nguyễn Hữu Đắc (1897-1974), môn sanh Minh Lý Đạo, ngụ tại số 100 Lục Tỉnh, Chợ Lớn (nay là đường Hùng Vương, quận 6). Tiền bối Đắc đưa tiền khai Trung đến hầu đàn Chợ Gạo, thiết lập tại nhà ông Vạn ([20]) ở ngã ba Bà Kế (nay là ngã ba Phú Lâm và Hùng Vương, quận 6, Chợ Lớn) để bá tánh đến cầu Thần Tiên thỉnh thuốc trị bệnh. Đức Lý Thái Bạch giáng đàn khuyên tiền khai Lê Văn Trung nên tỉnh mộng trần mà lo việc tu hành. Tiền khai bắt đầu ăn chay, bỏ hút thuốc phiện, và đôi mắt dần dần phục hồi thị lực. Sau khi Đức Lý độ được tiền khai Trung rồi thì Ơn Trên ban lệnh bế đàn Chợ Gạo. Về phần tiền khai, sự mầu nhiệm ở đàn Chợ Gạo khiến tiền khai tin tưởng cơ bút để rồi vài tháng sau thành tâm tìm đến nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư vào Thứ Hai 11-01-1926 (27-11 Ất Sửu).
CHỦ NHẬT 26-7-1925 (06-6 Ất Sửu):
Buổi tối, tại nhà tiền khai Cao Hoài Sang trên phố Hàng Dừa ở Sài Gòn (đường D’Arras, nay là Cống Quỳnh, quận 1), ba vị Cao Quỳnh Cư (1888-1929), Phạm Công Tắc (1890-1959), và Cao Hoài Sang (1901-1971) lần đầu tiên thành công khi dùng phương pháp xây bàn (la table tournante) của phương Tây ([21]) và tiếp được chơn linh Cao Quỳnh Tuân là thân phụ tiền khai Cao Quỳnh Cư. Tiền khai Nguyễn Thị Hương (tức Hiếu, 1887-1971, bà Cao Quỳnh Cư) làm điển ký (ghi chép) trong các buổi xây bàn.
THỨ SÁU 28-8-1925 (10-7 Ất Sửu):
Buổi tối, tại nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư ở số 134 đường Bourdais, Sài Gòn (nay là đường Calmette, quận 1), ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang tiếp được một Đấng xưng là AĂÂ, một tá danh của Đức Cao Đài Thượng Đế.([22])
TRUNG TUẦN THÁNG 9-1925 (hạ tuần tháng 7 Ất Sửu):
Theo lệnh Ơn Trên, các tiền khai Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang ở phố Hàng Dừa ngưng xây bàn (la table tournante), chuyển sang dùng đại ngọc cơ (la corbeille à bec) để cầu Tiên theo phương pháp cổ truyền của đạo Lão.
THỨ BA 06-10-1925 (19-8 Ất Sửu):
Tiền khai Lê Văn Trung làm đơn xin rút lui khỏi Thượng Nghị Viện Đông Dương (Conseil de Gouvernement de l’Indochine: Hội Đồng Chánh Phủ Đông Dương).([23])
THỨ BA 15-12-1925 (30-10 Ất Sửu):
Đức AĂÂ lâm đàn, dạy ba vị tiền khai Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang:
“Ngày mồng một tháng mười một này tam vị phải vọng Thiên cầu Đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra quỳ giữa trời, cầm chín cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà quy chánh.”
Đó là lần đầu tiên các tiền khai được nghe hồng danh Cao Đài Thượng Đế.
THỨ TƯ 16-12-1925 (01-11 Ất Sửu):
Ba vị tiền khai Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang làm lễ vọng Thiên cầu Đạo, trở thành môn đệ Đức Cao Đài.
THỨ HAI 11-01-1926 (27-11 Ất Sửu):
Tiền khai Lê Văn Trung đến thăm các tiền khai Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang. Bốn vị lập đàn cầu cơ tại nhà tiền khai Cư (134 Bourdais, quận 1, nay là đường Calmette). Đức Cao Đài giáng và dạy tiền khai Lê Văn Trung:
Già trí đừng lo trí chẳng già
Lương tâm mình biết hỏi chi xa
Thềm đầu Trời ngó lòng nhơn đạo
Hư thiệt rồi đây cũng biết mà.([24])
THỨ HAI 18-01-1926 (05-12 Ất Sửu):
Đức Cao Đài Tiên Ông dạy hai tiền khai Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc đem ngọc cơ đến nhà tiền khai Lê Văn Trung ở Quai Testard, Chợ Lớn.(24) Đức Cao Đài lâm đàn thâu nhận tiền khai Lê Văn Trung làm môn đồ, và dạy:[25]
“Trung, nhứt tâm nghe con. Sống cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy mà đọa cũng nơi Thầy. Con lấy sự sáng của con mà suy lấy.” ([26])
THỨ SÁU 22-01-1926 (09-12 Ất Sửu):
Buổi tối lập đàn tại nhà tiền khai Đoàn Văn Bản (1876-1941), số 42 Général Leman, quận 1, Sài Gòn (nay là đường Cao Bá Nhạ, góc Trần Đình Xu). Đức Cao Đài gọi tên năm vị Vương Quan Kỳ, Lê Văn Trung, Đoàn Văn Bản, Cao Quỳnh Cư, và Phạm Công Tắc: Kỳ, Trung, Bản, Cư, Tắc nghe dạy! Rồi Thầy ban cho bài thất ngôn tứ tuyệt:
Mặt nhựt hồi mô thấy xẻ hai
Có thương mới biết Đấng Cao Đài
Cũng con cũng cái đồng môn đệ
Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai.([27])
Sau đàn cơ này, trong khoảng trung tuần tháng 12 Ất Sửu (hạ tuần tháng 01-1926), Đức Cao Đài dạy các tiền khai Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang đến gặp tiền khai Ngô Văn Chiêu xin chỉ dẫn cách thờ phượng. Thầy dạy các vị phải hiệp cùng tiền khai Ngô Văn Chiêu lo mở đạo Cao Đài, và phải kính tiền khai Chiêu là Anh Cả.([28]) Ngô tiền khai truyền lại thánh tượng Thiên Nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên Bàn), các bài kinh cúng thời, v.v…
THỨ TƯ 27-01-1926 (14-12 Ất Sửu):
Khai đàn thượng tượng tại nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư (số 134 đường Bourdais, Sài Gòn, nay là Calmette, quận 1), Đức Thất Nương giáng đàn. Tiền khai Lê Văn Trung hỏi:
“Có duyên luyện đạo cùng chăng? Xin em mách giùm.”
Thất Nương trả lời:
“Đã gặp đạo tức có duyên phần. Ráng tu luyện. Siêng thì thành, biếng thì đọa. Liệu lấy mà răn mình. Phải sớm tính. Một ngày qua, một ngày chết, đừng dụ dự.”
Trong đàn hôm đó, Đức Lý Thái Bạch dạy tiền khai Lê Văn Trung:
Có công phải biết gắng nên công
Tu tánh đã xong tới luyện lòng
Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục
Đơn tâm khó định lấy chi mong.
THỨ NĂM 28-01-1926 (15-12 Ất Sửu):
Tại nhà riêng ở Quai Testard, Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5), tiền khai Lê Văn Trung làm tiệc họp mặt đãi mười hai môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài: Ngô Văn Chiêu, Vương Quan Kỳ, Đoàn Văn Bản, Lê Văn Giảng, Nguyễn Văn Hoài, Lý Trọng Quí (tức Hồ Vinh Quí), Võ Văn Sang, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Nguyễn Trung Hậu, và Trương Hữu Đức. Sau khi mãn tiệc, các vị lập đàn và được Đức Cao Đài dạy:
Một ngày thỏn mỏn một ngày qua
Tiên Phật nơi mình chẳng ở xa
Luyện đặng tinh thông muôn tuổi thọ
Cửa thiên xuất nhập cũng như nhà.
Cương tỏa đương thời đã giải vây
Ðừng mơ oan nghiệt một đời nầy
Hữu duyên độ thấu nguồn chơn đạo
Tu niệm khuyên bền chí chớ lay.
THỨ SÁU 29-01-1926 (16-12 Ất Sửu):
Đức Cao Đài dạy:
“Thầy vui vì các con thuận hòa cùng nhau. Thầy muốn cho các con như vậy hoài. Ấy là một lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. [Lê Văn] Trung, Thầy khen con đó.”
Đức Cao Đài lại dạy:
[Cao Quỳnh] Cư, [Cao Hoài] Sang, [Phạm Công] Tắc muốn theo anh con [Lê Văn Trung] vào xem Hội Minh Lý.([29])
[Vương Quan] Kỳ, có con Thầy mới cho ba đứa nó đi. Con chỉ những sự bái quỵ của Thầy buộc thế nào và cắt nghĩa cho [chúng] nó hiểu.”
Vào thời điểm này, các vị tiền khai Cao Đài chưa được lịnh dạy thỉnh một số bài kinh của Minh Lý Đạo. Phải qua đầu tháng 8-1926 mới có lịnh dạy.
CHỦ NHẬT 31-01-1926 (18-12 Ất Sửu):
Nhân buổi khai đàn thượng tượng tại nhà tiền khai Lê Văn Trung ở Quai Testard, Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5), Đức Cao Đài giáng lâm dạy:
“Trung, con thờ Thầy trên hết là phải. Con đem tượng Quan Trường qua bên tay trái Thầy, còn Quan Âm bên mặt. Con thờ Lý Thái Bạch dưới Thầy.”
Đức Cao Đài còn ban cho tiền khai Lê Văn Trung bài thất ngôn tứ tuyệt:
Một trời, một đất, một nhà riêng
Dạy dỗ nhơn sanh đặng dạ hiền
Cầm mối Thiên thơ lo cứu chúng
Đạo người vẹn vẻ mới thành Tiên.([30])
THỨ HAI 01-02-1926 (19-12 Ất Sửu):
Các tiền khai Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc xin Đức Cao Đài đi Cần Giuộc độ tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951) lúc ấy đang làm chủ quận Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn).
THỨ SÁU 12-02-1926 (30-12 Ất Sửu):
Tại Sài Gòn buổi chiều, các tiền khai họp lại, cùng nhau đi một vòng ghé nhà từng bạn đạo. Tại mỗi nhà, tiền khai Ngô Văn Chiêu và cặp đồng tử Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư lập đàn cơ. Mỗi vị chủ nhà đều được Đức Cao Đài Tiên Ông ban cho một bài thất ngôn tứ tuyệt.
Tại quận 1, đoàn bắt đầu từ nhà tiền bối Võ Văn Sang (Cầu Muối), rồi lần lượt ghé các vị: Cao Quỳnh Cư (134 Bourdais, nay là đường Calmette), Vương Quan Kỳ (80 Lagrandière, nay là đường Lý Tự Trọng), Lê Văn Giảng (85 Lagrandière), Nguyễn Trung Hậu (Đa Kao), Nguyễn Văn Hoài (địa chỉ?), Phạm Công Tắc (đường D’Arras, nay là đường Cống Quỳnh), Đoàn Văn Bản (42 Général Leman, nay là đường Cao Bá Nhạ).
Rời quận 1, đoàn ghé nhà tiền bối Nguyễn Hữu Đắc (100 Lục Tỉnh, Chợ Lớn, nay là đường Hùng Vương, quận 6) rồi tới nhà tiền khai Lê Văn Trung (Quai Testard, nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5).
Tại nhà tiền khai Lê Văn Trung, Đức Cao Đài ban cho bài thất ngôn tứ tuyệt như sau:
Đã thấy ven mây lố mặt dương
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường
Đạo cao phó có tay cao độ
Gần gũi sau ra vạn dặm trường.
Rời nhà tiền khai Lê Văn Trung, đoàn ghé nhà tiền bối Lý Trọng Quí (cũng gọi Hồ Vinh Quí). Cuối cùng, từ nhà tiền bối Lý Trọng Quí tất cả quay trở lại nhà tiền khai Lê Văn Trung vừa kịp đón giao thừa, và lại lập đàn thỉnh Đức Cao Đài giáng cơ dạy đạo.
THỨ SÁU 12 rạng THỨ BẢY 13-02-1926
(30-12 Ất Sửu rạng 01-01 Bính Dần):
Các vị tiền khai lập đàn cơ đêm giao thừa đón năm mới Bính Dần. Tiền khai Ngô Văn Chiêu làm pháp đàn, hai vị Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan, tiền khai Nguyễn Trung Hậu làm độc giả, và tiền bối Tuyết Tân Thành làm điển ký.
Đức Cao Đài dạy chung ba vị Lê Văn Trung, Vương Quan Kỳ và Nguyễn Văn Hoài:
“Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay mặt Chiêu mà đi độ người. Nghe và tuân theo!”
Thầy dạy tiền bối Nguyễn Hữu Đắc:
“Đắc, con phải hiệp một vào đây đặng giúp đỡ [Lê Văn] Trung. Nghe và tuân theo!”
THỨ BẢY 20 rạng CHỦ NHẬT 21-02-1926
(08 rạng 09-01 Bính Dần):
Các tiền khai thiết lễ vía Trời lần đầu tiên tại nhà tiền khai Vương Quan Kỳ (80 Lagrandière, nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1). Đức Cao Đài dạy:
Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà
Chung hiệp ráng vun nền đạo đức
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.
Tiền khai Ngô Văn Chiêu bạch với Đức Cao Đài, xin một bài thơ điểm danh tất cả những người đang có mặt. Đức Cao Đài ban ơn như sau:
Chiêu, Kỳ, Trung, độ dẫn Hoài sanh
Bản, đạo khai Sang, Quí, Giảng thành
Hậu, Đức, Tắc, Cư thiên địa cảnh
Huờn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.
Tiền khai Ngô Văn Chiêu là Anh Cả được điểm danh trước tiên. Kế tiếp là Vương Quan Kỳ; Lê Văn Trung; Nguyễn Văn Hoài; Đoàn Văn Bản; Sang có thể là Cao Hoài Sang, trùng tên với Võ Văn Sang; Lý Trọng Quí; Lê Văn Giảng; Nguyễn Trung Hậu; Trương Hữu Đức; Phạm Công Tắc; Cao Quỳnh . (Huờn, Minh, Mân là ba người khách của tiền khai Vương Quan Kỳ.)
THỨ NĂM 25-02-1926 (13-01 Bính Dần):
Trong đàn cơ tại nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư (134 Bourdais, quận 1, Sài Gòn, nay là đường Calmette), hai vị Phạm Công Tắc và Cao Quỳnh Cư phò loan, Đức Cao Đài dạy tiền khai Lê Văn Trung cách lạy:
“Trung, vô giữa bái lễ lạy Thầy coi! Con làm lễ trúng, song mỗi gật con nhớ niệm câu chú của Thầy: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
(…) Khi bái lễ, hai tay con chắp lại, song phải để tay trái ấn Tý, tay mặt ngửa ra, nằm dưới.”
Về đại phục, Thầy dạy tiền khai Lê Văn Trung:
“Từ đây con phải may riêng bộ áo lễ tay rộng, cổ trịch như áo đạo, nhưng dải gài chín mối, màu xanh da trời. (…) Con mang giày gai hầu Thầy.”
Thầy dặn dò tiền khai Lê Văn Trung:
“Đồ sắc phục, con dụng để làm lễ cho Thầy mà thôi. Nếu con bận nó đến nơi nào, chư Thần Thánh Tiên Phật đều phải tránh hết.”
Sau khi bộ đại phục may xong (chưa rõ ngày), Thầy dạy tiền khai Lê Văn Trung:
“Trung, con mặc thử đồ đại phục mới may rồi cho Thầy xem. Trung, con coi đẹp quá há!” ([31])
THỨ BA 16-3-1926 (03-02 Bính Dần):
Đức Cao Đài dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc về Vĩnh Nguyên Tự (nguyên là chùa của chi Minh Đường) để tiền khai Lê Văn Lịch (1890-1947) hướng dẫn về tu tịnh:
“Trung, Cư, Tắc! Thầy dặn ba con nội hạ tuần tháng Hai phải xin nghỉ một tuần lễ, xuống ở tại chùa Minh Đường của Lịch mà học đạo thêm (...). Ba đứa nó ở chùa mà thôi. Lịch dạy chúng nó nghe. Cười... Thầy hằng có bên chúng nó. Có bợ ngợ cầu Thầy.”
Tháng 4-1926:
Đức Cao Đài dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc đến gặp tiền khai Ngô Văn Chiêu để truyền lịnh may thiên phục Giáo Tông (áo trắng, có thêu tám quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn).
Tiền khai Nguyễn Thị Hương (tức Hiếu) được lịnh đem lại bàn cơ chén nước lạnh để Đức Cao Đài vẽ kiểu thiên phục. Khi nào may xong áo, sẽ lập đàn cơ để Đức Cao Đài chỉ rõ vị trí đặt tám quẻ trên áo.
THỨ NĂM 01-4-1926 (19-01 Bính Dần):
Tiền khai Lê Văn Trung hầu đàn cơ không mặc đại phục, Thầy hỏi:
“Trung, bộ đồ đại phục của con đâu? Sao không mặc đặng hầu Thầy?” ([32])
THỨ BẢY 10-4-1926 (28-02 Bính Dần):
Tiền khai Lê Văn Trung tuân lịnh Đức Cao Đài đến làm lễ khai đàn thượng tượng cho tiền khai Lê Văn Lịch tại Vĩnh Nguyên Tự (chùa của chi Minh Đường), do Thái Lão Sư Lê Đạo Long (1843-1913) là thân phụ tiền khai Lịch sáng lập, tại làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Kể từ đấy Vĩnh Nguyên Tự trở thành thánh sở Cao Đài, hành đạo độc lập (không thuộc Hội Thánh nào).
THỨ NĂM 22 rạng THỨ SÁU 23-4-1926
(11 rạng 12-3 Bính Dần):
Lập đàn tại nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư (số 134 đường Bourdais, Sài Gòn, nay là đường Calmette, quận 1), hai vị Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan. Ðức Chí Tôn lâm đàn dạy tiền khai Lê Văn Trung chuẩn bị nghi thức cho lễ Thiên phong chức sắc sẽ diễn ra ở nhà tiền khai Trung (Quai Testard, Chợ Lớn, nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5):
“Trung nghe! Con dời bài vị của Lý Bạch để dưới tượng Thầy. Con dọn dẹp trong hết, để một cái ghế kế một bên tran thờ, rồi để lên một cái ghế lớn đặng làm ngôi Giáo Tông. Ba cái nữa để sắp hàng theo ở dưới đặng làm ngôi cho ba vị Ðầu Sư. Con phải bao bốn cái ghế ấy cho tinh khiết.
Còn bao nhiêu môn đệ phân làm ba ban. Ngày ấy có [Lê Văn] Lịch sắp đặt.
Con đem thiên phục Giáo Tông để nơi ghế ở trên, còn bộ của con [Thượng Đầu Sư] để giữa, bộ của Lịch [Ngọc Đầu Sư] bên hữu, còn ghế tả, con phải viết một miếng giấy đề chữ THÁI cho thiệt lớn mà dán lên chỗ dựa.” ([33])
Đàn tái cầu cùng ngày, Ðức Chí Tôn dạy tiếp:
“Chỗ bàn ngự của Thầy phải để một cái ghế trước ngôi ba vị Ðầu Sư, vọng một bài vị. Biểu Lịch viết như vầy: CỬU THIÊN CẢM ỨNG LÔI THINH PHỔ HÓA THIÊN TÔN 九天感應雷聲普化天尊.
Lại vẽ thêm một lá bùa KIM QUANG TIÊN để thòng ngay chính giữa, ai ngó vào cũng đều thấy đặng.” ([34])
THỨ BẢY 24-4-1926 (13-3 Bính Dần):
Tiền khai Ngô Văn Chiêu từ tạ ngôi vị Giáo Tông để chuyên nhứt tu thiền cho đắc đạo tại thế. Ngô tiền khai hoàn lại tiền khai Nguyễn Thị Hương (tức Hiếu) số tiền bà đã mua vải để may bộ thiên phục và mão Giáo Tông.
CHỦ NHẬT 25-4-1926 (14-3 Bính Dần):
Đàn cơ lập trên lầu nhà tiền khai Lê Văn Trung (một trệt, một lầu, ở Quai Testard, Chợ Lớn, nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5); hai vị Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan. Ðức Chí Tôn giáng lâm hướng dẫn nghi thức Thiên phong chức sắc sẽ diễn ra tại đây vào giờ Tý (23:30) ngày 25 rạng 26-4-1926.
Về nghi thức, Ðức Chí Tôn dạy Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) và Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch) quỳ trước bàn thờ Ngũ Lôi, hai tay chắp trên đầu, quỳ ngay trước lá bùa Kim Quang Tiên và thề:
“Tôi là Lê Văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt, và Lê Văn Lịch tự Thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt, thề Hoàng Thiên Hậu Thổ trước bửu pháp Ngũ Lôi rằng làm trọn Thiên Đạo và dìu dắt mấy em chúng tôi đều là môn đệ của Cao Ðài Ngọc Ðế, nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định, chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả đạo, như ngày sau hữu tội thì thề có Ngũ Lôi tru diệt.”
Khi đến bàn Vi Hộ Pháp, hai vị Đầu Sư cùng quỳ xuống, và lời thề cũng y vậy, nhưng đổi mấy chữ chót như sau:
“… như ngày sau phạm Thiên điều, thề có Hộ Pháp hành pháp đọa tam đồ bất năng thoát tục.” ([35])
CHỦ NHẬT 25 rạng THỨ HAI 26-4-1926
(14 rạng 15-3 Bính Dần):
Vào giờ Tý (23:30), lễ Thiên phong chức sắc diễn ra trên lầu nhà tiền khai Lê Văn Trung (một trệt, một lầu, ở Quai Testard, Chợ Lớn, nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5). Đức Cao Đài giáng lâm, phong chức sắc cho các môn đệ. Về phần hai vị Thượng và Ngọc Đầu Sư, Thầy dạy:
“[Lê Văn] Trung, [Lê Văn] Lịch đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo lịnh sắc mạng Ta.” ([36])
THÁNG 7-1926:
Đức Cao Đài dạy tiền khai Phạm Tấn Đãi (1901-1976)([37]) lên Sài Gòn gặp tiền khai Lê Văn Trung để cùng tới Tân Định (quận 1) gặp tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950). Hai vị Lê Văn Trung và Phạm Tấn Đãi giải thích lý do cuộc sơ ngộ là vì tuân theo lịnh dạy của Đức Cao Đài. Tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ ra điều kiện phải để chính tiền khai trực tiếp thông công thì mới tin. Lúc này bà Thơ (là tiền khai Lâm Ngọc Thanh, 1874-1937) đang ở quận Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long).
Sau ba ngày ăn chay và cầu nguyện, tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ chấp bút tại nhà riêng, đặt nhiều câu hỏi về việc riêng tư đều được Đức Cao Đài trả lời chính xác. Hoàn toàn tin tưởng, sau đó hai vị Thơ và Thanh nhập môn Cao Đài vào Thứ Năm 15-7-1926 (06-6 Bính Dần).
THỨ SÁU 06-8-1926 (28-6 Bính Dần):
Thần Lục Đinh giáng đàn, chuyển lệnh Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy các tiền khai Minh Lý Đạo truyền trao kinh cho các tiền khai Cao Đài:
“Ngã Lục Đinh Thần giáng đàn. Hỷ chư nhu.
Ta vâng lệnh Đạo Tổ giáng xuống truyền cho chư nhu rõ: Chư nhu phải sắm mười hai cuốn Kinh Sám Hối cho thiệt tốt, sạch, chẳng có chút bợn nhơ gì hết. Sắm rồi thì phải cho đi mời [Lê Văn] Trung, [Lê Văn] Lịch, [Vương Quan] Kỳ lại nhà chư nhu,([38]) biểu chúng nó làm lễ mà thỉnh kinh ấy. Nơi bìa kinh phải đề hiệu Tam Tông Miếu.”
Cuốn Kinh Sám Hối do Tam Tông Miếu ấn tống, ngoài bài Kinh Sám Hối (câu mở đầu: Cuộc danh lợi là phần thưởng quý…) còn có nhiều kinh khác, đặc biệt là bài Niệm Hương (câu mở đầu: Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp…) và bài Khai Kinh (câu mở đầu: Biển trần khổ vơi vơi trời nước…) vẫn đang dùng trong nghi thức cúng tứ thời của đạo Cao Đài.
THỨ HAI 23-8-1926 (16-7 Bính Dần):
Trong một đàn cơ có lẽ lập tại Thiền Lâm Tự 禪林寺 ở Gò Kén (nay ở số 5/11, ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, quận Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát dạy Hòa Thượng Như Nhãn, tức Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường (1874-1938):
“Nơi đây là thánh địa, Ta lập thánh thất. Hiền đồ có lòng giúp Ta chăng?” ([39])
Sau đó, vào cuối tháng 8-1926, Hòa Thượng Như Nhãn bằng lòng cho các tiền khai mượn chùa Thiền Lâm để làm thánh thất Thiền Lâm, cũng gọi thánh thất Gò Kén.
THỨ BẢY 28-8-1926 (21-7 Bính Dần):
Thân mẫu tiền khai Nguyễn Trung Hậu tạ thế. Các vị tiền khai lập đàn cầu Đức Cao Đài hỏi về cách cử hành lễ tang. Đức Cao Đài dạy:
“[Lê Văn] Trung, con tức cấp xuống Cần Giuộc biểu [Nguyễn Ngọc] Tương về, và cả chư môn đệ Thầy hội lại cho đủ mặt. Phải nhớ biểu [Lê Văn] Lịch lên, nói với nó Thầy cần dùng bốn vị chức sắc Minh Đường ([40]) cầu kinh cho mẹ Hậu. Phải đủ mặt Lễ Sanh mà làm đại lễ cho mẹ nó. Con Trung, con viết một lá sớ như vầy:
‘Lịnh Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát hứa dữ Địa Tạng Vương Bồ Tát khả thâu chơn hồn thị... tử... nhựt... ngoạt... niên, giam tại Vọng Thiên Cung. Chờ công quả Hậu mà thăng lần lên.’
Đưa cho [Phạm Công] Tắc câu chú nó đọc mà đốt sớ. Bốn thầy Minh Đường cứ tụng kinh cầu khẩn.”
THỨ BA 21-9-1926 (15-8 Bính Dần):
Đàn cơ tại chùa Giác Hải, Sài Gòn,([41]) trụ trì là Hòa Thượng Như Nhãn, khi tiền khai Lê Văn Trung bạch về việc Khai Tịch Đạo, Đức Cao Đài dạy:
“Trung, con phải tái cầu đặng Thầy dạy cử chỉ các con đối cùng chánh phủ. Thầy chẳng muốn các con hạ mình...”
Đàn tái cầu cùng ngày, Đức Cao Đài dạy:
“Trung, [Lê Văn] Lịch hai con phải hội chư Thánh ([42]) mà xin khai Đạo. Phải làm đơn mà dâng cho Thầy xem xét sửa trước nghe!” ([43])
THỨ TƯ 29-9-1926 (23-8 Bính Dần):
Lúc 8 giờ tối, tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường (1887-1939), cũng gọi Võ Văn Tường,([44]) ở số 237 bis, trong một hẻm trên đường Gallieni, Sài Gòn (nay là số 208 đường Cô Bắc, quận 1), có cuộc họp đông đảo để chuẩn bị đăng ký tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài.
Dưới sự đồng chủ trì của ba vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung), Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch) và Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, cuộc họp quy tụ hàng trăm chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài. Kết quả có hai trăm bốn mươi lăm vị ký tên vào danh sách đính kèm theo hồ sơ. Còn văn bản tiếng Pháp ghi ngày 07-10-1926 có hai mươi tám môn đệ đứng tên,([45]) được Đầu Sư Thượng Trung Nhựt đích thân mang đến Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (nay là Bảo Tàng TpHCM, số 65 Lý Tự Trọng, quận 1) gởi cho Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol vào Thứ Năm tuần sau, đúng theo lời Đức Cao Đài dạy:
“Thầy dặn con, Trung! Nội Thứ Năm tuần tới phải đến Le Fol mà khai cho kịp nghe!”
THỨ NĂM 07-10-1926 (01-9 Bính Dần):
Tiền khai Lê Văn Trung mang Tờ Khai Đạo ghi ngày 07-10-1926 đến Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol. Trong Tờ Khai Đạo này, các tiền khai viết:
“Au nom de très nombreux Annamites qui ont entièrement approuvé ces études et dont la liste est ci-jointe, les soussignés ont l’honneur de venir respectueuse-ment vous déclarer qu’ils vont propager à l’humanité entière cette Sainte Doctrine.”
Dịch: “Nhân danh đông đảo những người Việt Nam đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu này và có danh sách kèm theo, những người ký tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý thiêng liêng này.” ([46])
Những ngày kế tiếp, các tiền khai ráo riết chuẩn bị phổ độ Lục Tỉnh, trong đó có việc biên soạn tập sách nhỏ nhan đề Phổ Cáo Chúng Sanh.
THỨ TƯ 13-10-1926 (07-9 Bính Dần):
Các tiền khai lập đàn cơ trình dâng bản thảo Phổ Cáo Chúng Sanh để xin Đức Cao Đài chỉnh sửa trước khi đưa in. Trong đàn cơ duyệt bản thảo Phổ Cáo Chúng Sanh, Đức Cao Đài dạy:
“Các con tức cấp lo phổ độ. Kể từ mồng 10 tháng này mấy đứa phò loan phải xin phép nghỉ hai mươi chín ngày hết nghe. Thầy dặn các con phải phân nhau mà đi cho khắp.
Con, [Lê Văn] Trung! Con phải nói với Le Fol cho con giấy chứng khai Đạo.([47]) Mai con lên nó, có Thầy.” ([48])
Tuân hành thánh lịnh, các tiền khai chia làm ba nhóm. Riêng nhóm Một phổ độ chín tỉnh (Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long), gồm các tiền khai: Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt), Nguyễn Ngọc Thơ (Thái Thơ Thanh), và Trần Đạo Quang, v.v... Đồng tử phò loan: Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc.
THỨ SÁU 15-10-1926 (09-9 Bính Dần):
Phổ Cáo Chúng Sanh (14 trang, 15x24cm) được in tại l’Imprimerie de l’Union (Sài Gòn). Bìa in trên giấy màu đỏ, mỏng, loại giấy dùng làm bìa hồ sơ. Trên bìa một có in ngày 15 tháng 10 năm 1926. Trang cuối Phổ Cáo Chúng Sanh cho biết ngày 07-10-1926 “cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung” đã đến “khai Đạo nơi Chánh Phủ”, được nhà cầm quyền “hoan nghinh và khen…” ([49])
THỨ SÁU 29-10-1926 (23-9 Bính Dần):
Đức Cao Đài ban cho Đức Lý Thái Bạch phẩm Giáo Tông Vô Vi.([50])
CHỦ NHẬT 07-11-1926 (03-10 Bính Dần):
Chánh quyền thuộc địa cấp phép theo đơn tiền khai Lê Văn Trung (Đầu Sư Thượng Trung Nhựt) xin phép tổ chức đại lễ Khai Minh Đại Đạo tại Thiền Lâm Tự, tức chùa Gò Kén (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh), của Hòa Thượng Như Nhãn (Thích Từ Phong). Sau đó, thiệp mời do Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Hòa Thượng Như Nhãn đồng ký tên được gởi tới đông đảo giới chức chánh quyền, chức sắc tôn giáo bạn, thân hào nhân sĩ, những người tai mắt, v.v...
THỨ NĂM 18 rạng THỨ SÁU 19-11-1926
(14 rạng 15-10 Bính Dần):
Lễ Lập Vị tại bửu điện thánh thất Thiền Lâm (chùa Gò Kén, Thiền Lâm Tự, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh). Các cấp chức sắc Thiên phong mặc thiên phục đứng theo trật tự phẩm vị trình diện trước Ơn Trên và nhơn sanh.
Xong lễ Lập Vị, các tiền khai lập đàn cơ tái cầu theo lời dạy của Đức Cao Đài. Thầy phong chín môn đệ phẩm Giáo Sư phái Thượng.([51])
Thầy dạy tiền khai Lê Văn Trung:
“Thầy dạy các con nhớ ngày nay là ngày kỷ niệm. Trung, con phải lấy tên họ của các môn đệ có mặt tại đây ngày này mà giữ gìn để lưu lại cho hậu thế biết. Nghe à!”
THỨ SÁU 19-11-1926 (15-10 Bính Dần):
Khai Minh Đại Đạo tại thánh thất Thiền Lâm (chùa Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh).
THỨ BA 30-11-1926 (26-10 Bính Dần):
Chuẩn bị lập Tân Luật Cao Đài, Đức Cao Đài dạy:
“[Lê Văn] Trung, Thầy đã dặn từ nét về sự lập luật tại thánh thất, các con chẳng một đứa nhớ. Nếu Thầy để cho Thái Bạch giáng cơ thì các con đã bị quở… Thầy nói về sự lập luật, con có nhớ gì đâu.
Trung, ba vị Chưởng Pháp duy có Như Nhãn [Thái Chưởng Pháp] đã làm rồi, còn hai phái nữa thì chơi chơi nghỉ nghỉ. Vì sự biếng nhác của nó mà bị hành phải chết mà chớ. Chẳng một đứa biết lo.” ([52])
CHỦ NHẬT 05 rạng THỨ HAI 06-12-1926
(01 rạng 02-11 Bính Dần)
Tiền khai Lê Văn Trung bạch Đức Cao Đài:
“Con và Ngọc Đầu Sư [Lê Văn Lịch] đang hiệp với nhau lo lập luật. Con có mời chư Thiên phong, Thiên sắc từ Lễ Sanh sắp lên, Thứ Bảy tới đây phải tựu tại thánh thất đặng bái và nghe Tân Luật, đặng sửa cho hoàn toàn, sẽ dâng cho Thầy phê chuẩn.”
Đức Cao Đài dạy:
“Phải ở luôn luôn thánh thất đặng lập luật ấy nghe!”
Đức Cao Đài dạy tiếp:
“Khởi đầu phải lập luật tu gọi là Tịnh Thất Luật, kế nữa lập luật trị gọi là Đạo Pháp Luật, ba là lập luật đời gọi là Thế Luật. Các con hiểu à!” ([53])
THỨ BẢY 18-12-1926 (14-11 Bính Dần):
Đàn tại thánh thất Thiền Lâm (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh), Đức Lý Thái Bạch dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) báo tin các chức sắc tạm ngưng phổ độ để tập trung vào việc lập Tân Luật. Vào ngày lễ Giáng Sinh (Thứ Sáu 24-12-1926) các chức sắc phải có mặt đầy đủ tại thánh thất. Ba vị Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương), và Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) cùng nạp dự thảo luật ngày ấy. Ngày hôm sau (Thứ Bảy 25-12-1926) tiến hành cãi luật, do hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (chánh) và Ngọc Lịch Nguyệt (phó) đồng chủ tọa. Các chức sắc được quyền cãi luật và theo thứ tự: phái Thái trước tiên, kế tiếp phái Ngọc, phái Thượng sau cùng.([54])
Sau đàn ấy, tiền khai Lê Văn Trung gởi thơ mời họp:
“Thánh thất Gò Kén, le 18 Décembre 1926
Kính tỏ cùng chư đạo hữu,
“Ngài Thái Bạch Kim Tinh giáng cơ dạy như vậy, xin chư đạo hữu ngưng đàn lại trong mấy ngày ấy, đặng hội tại thánh thất, trước làm lễ cúng Thầy, sau cãi Tân Luật.
Tối bữa 24 Décembre nầy xin mời đạo hữu phải có mặt tại thánh thất Tây Ninh.
Kính mời.
Thượng Trung Nhựt” ([55])
THỨ NĂM 23-12-1926 (19-11 Bính Dần):
Đức Lý Thái Bạch dạy tiền khai Lê Văn Trung làm hàng rào bao quanh thánh thất Thiền Lâm:
“Thánh thất nhỏ há, hiền hữu Thượng Trung Nhựt. Đáng lẽ đại điện nối vào trong mới phải. Hiền hữu sai kẻ làm song ly bao vòng, nới ra cho tới tượng Phật Tổ làm bái đình nghe. Cười.”
THỨ SÁU 24-12-1926 (20-11 Bính Dần):
Đức Lý Thái Bạch dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) tiến hành cãi luật trong ba phiên: sáng (6-11 giờ), chiều (14-18 giờ, và tối (20-23 giờ). Nếu chưa xong, ngày hôm sau tiếp tục làm việc cũng chia ba phiên như vậy.
THỨ BẢY 25-12-1926 (21-11 Bính Dần):
Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) chủ tọa việc cãi luật trọn ngày 25-12-1926 chẳng có kết quả. Đức Lý Thái Bạch trách:
“Việc tán thành Tân Luật, nếu Thầy để cho Lão, nội trong hai giờ thì hoàn thành tất cả. Ngặt một điều là nếu Lão lập luật, chẳng một ai trong hàng đạo hữu hành đạo đặng! 
Vì vậy Thầy giao trọn quyền cho chư đạo hữu lập thành là chủ ý để phần nhơn lực vào đó chút ít, rồi lấy huyền diệu làm ra Thiên lực. Ấy là một hạnh công bình đó.
Vậy Lão giao ba bộ luật hiệp một cho Thái Thơ Thanh trước. Nội trong một tuần lễ, phải hiệp thế nào cho ba bộ ba phái chung vô làm một.([56]) Qua tuần nữa tới Thượng Tương Thanh. Kế một tuần nữa tới Ngọc Trang Thanh.([57]) Nghĩa là trong ba tuần nữa phải lập thế nào cho rồi luật lệ, đem về thánh thất đặng cãi lại nữa.”
THỨ BA 04-01-1927 (01-12 Bính Dần):
Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung bạch về việc Hòa Thượng Như Nhãn đòi lại thánh thất Thiền Lâm, Đức Cao Đài dạy:
“Phần nhiều trong các con chẳng vừa lòng thánh thất, nguyện xin trả. Thầy sẽ dạy [Nguyễn Ngọc] Thơ.”
THỨ BẢY 08-01-1927 (05-12 Bính Dần):
Đức Lý Thái Bạch dạy tiền khai Lê Văn Trung:
“Thượng Trung Nhựt, hiền hữu khá nói cùng kẻ đến đây chẳng tâm đạo, chỉ đến cầu gia đạo và cầu thuốc, biết rằng đây vốn là đền thờ Ngọc Đế chớ chẳng phải nhà thương hay tiệm bói, nghe à!” ([58])
Hôm sau những người ấy lại đến nữa. Đức Lý Thái Bạch dạy tiền khai Lê Văn Trung:
“Thượng Trung Nhựt, hiền hữu khá nói lại với kẻ đến đây chẳng tâm đạo, chỉ quyết đến bói, ra khỏi đàn. Để Lão đuổi, bị nhục đừng trách. Nam nữ cũng vậy. Kẻ muốn xin, Lão chẳng cho; kẻ không xin, Lão cho. Ấy cũng là một phương pháp phạt răn những kẻ vô đạo thôi.” ([59])
THỨ BA 15-02-1927 (14-01 Đinh Mão):
Tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Cao Đài phong phẩm Giáo Sư cho bà Đãi Thị Huệ (1874-1936), tức bà Lê Văn Trung.([60])
THỨ TƯ 16-02-1927 (15-01 Đinh Mão):
Tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Cao Đài giáng đàn, vời chủ chùa Phước Long là Yết Ma Trần Văn Giống vào hầu, dạy rằng Ngài nhậm lời Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch, thâu chùa Phước Long ở Chợ Đệm làm thánh thất Lộc Giang và phong chủ chùa làm Thái Giáo Hữu.
Đức Cao Đài truyền hai vị Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung và Hộ Pháp Phạm Công Tắc phái hai vị Khai Pháp Trần Duy Nghĩa và Tiếp Pháp Trương Văn Tràng làm cặp đồng tử phò loan tại thánh thất Lộc Giang để giúp Thái Giáo Hữu Trần Văn Giống lập đàn phổ độ người dân địa phương.([61])
THỨ BẢY 19-02-1927 (18-01 Đinh Mão):
Tại thánh thất Thiền Lâm (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh), Đức Lý nhắc nhở Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) làm cho xong sổ bộ của tín đồ, bổ nhiệm Ban Trị Sự và chức việc hương đạo. Mỗi nơi xa thánh thất thì lập thêm tiểu thánh thất để tín đồ tiện đến tu học. Trong vài tháng nữa, tín đồ càng tăng thêm, Đức Lý sẽ phong thêm chức sắc để có thêm người cáng đáng việc đạo.
Về việc mua đất cất Đền Thánh, Đức Lý dạy:
“Thượng Trung Nhựt, phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là năm chục mẫu, là trọn cả bản đồ Bạch Ngọc Kinh vào cho đủ trong thánh địa ấy.”
THỨ TƯ 23-02-1927 (22-01 Đinh Mão):
Về việc tìm mua đất cất Đền Thánh, tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Lý Thái Bạch dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt:
“Hiền hữu nói với Thái Thơ Thanh rằng chừng nào mua đất xong, Lão sẽ vẽ họa đồ khác. Nhớ biểu mua cho chí hết đất Ao Hồ cho trọn vẹn thánh địa, nghe à. (...) Phải mua hết trọn khoảnh đất ấy. Còn rừng, sau cũng phải xin khai khẩn...”
THỨ HAI 07-3-1927 (04-02 Đinh Mão):
Đức Cao Đài phê chuẩn Tân Luật. Ngài dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung):
“Trung, con cũng cho các đạo hữu rõ rằng Tân Luật đã lập thành. Hội Thánh cứ đó mà ban hành.” ([62])
Tân Luật được in lần đầu tiên tại nhà in Commerciale C. Ardin, Sài Gòn, 14 trang (15x24cm) và phát hành từ đầu tháng 6 năm 1927.
THỨ BA 08-3-1927 (07-02 Đinh Mão):
Tại thánh thất Thiền Lâm, Đức Cao Đài dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) phải tức tốc gặp Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse để giải tỏa mọi ngờ vực (bấy giờ thực dân Pháp nghi ngờ người đạo Cao Đài làm chánh trị nên bắt đầu đàn áp); nếu chẳng kết quả thì tiền khai Lê Văn Trung phải đánh điện tín sang Pháp kêu nài với chánh phủ. Rốt cuộc, chuyến đi ấy không thành công nên vào Thứ Bảy 19-3-1927 (16-02 Đinh Mão), Đức Cao Đài dạy Đầu Sư Thượng Trung Nhựt phải gặp Thống Đốc Nam Kỳ lần nữa.
THỨ SÁU 06-5-1927 (06-4 Đinh Mão):
Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) thay mặt Hội Thánh gởi Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse một văn thư, đề nghị chánh quyền cho phép các thánh sở Cao Đài được tự do hành đạo. Kèm theo thư là một danh sách các thánh sở tại Nam Kỳ Lục Tỉnh.
THỨ TƯ 11-5-1927 (11-4 Đinh Mão):
Phủ Thống Đốc Nam Kỳ gởi văn thư số 3633, xác nhận đã tiếp được văn thư ngày Thứ Sáu 06-5-1927 của Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) và đang xem xét.
THỨ TƯ 01-6-1927 (02-5 Đinh Mão):
Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) đại diện Hội Thánh ra Châu Tri khuyến nhủ đạo hữu (trích):
“Tôi đã nghe rằng nhiều đạo hữu ham mộ cơ bút rồi tập ngang, làm cho xảy ra nhiều chuyện lôi thôi; đến đỗi bị quỷ nhập mà điên, như một đạo hữu ở Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) và hai đạo hữu nữa ở Vĩnh Lộc (Gia Định). Vậy từ đây tôi nhứt định cấm tuyệt cơ bút khắp nơi. Nếu ai cãi lời còn dùng cơ bút nữa thì tôi hội Tòa Tam Giáo xin trục xuất ngoại Đạo.” ([63])
THỨ NĂM 21-7-1927 (23-6 Đinh Mão):
Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse (Bắc Đẩu Bội Tinh hạng Tư, Officier de la Legion d’Honneur) gởi văn thư số 5188, trả lời văn thư ngày Thứ Sáu 06-5-1927 của Đầu Sư Thượng Trung Nhựt. Theo đó, Phủ Thống Đốc chỉ chấp thuận cho bảy địa điểm được hành đạo, còn lại tất cả những nơi khác phải đóng cửa từ ngày 01-8-1927. Văn thư số 5188 còn lưu ý:
1. Đối với các cuộc họp có hơn hai mươi người, thì trước đó ít nhất ba ngày, người chủ đứng tên thánh sở phải thông báo cho chủ tỉnh hoặc đốc lý ([64]) thành phố Sài Gòn biết ngày giờ cuộc lễ.
2. Bất kể số người tham dự, mọi cuộc lễ đều phải công khai.
3. Mọi cuộc bàn luận hay những lời bóng gió liên quan chánh trị, tất cả các việc thực hành thông linh, phù chú hay thôi miên (magnétisme) đều bị nghiêm cấm.
Bảy địa điểm được phép hành đạo là:
a. Tỉnh Gia Định (bốn địa điểm):
- Nhà tiền bối Đặng Thị Sô, làng Phú Nhuận.
- Nhà tiền bối Nguyễn Văn Khá (thân phụ tiền khai Nguyễn Văn Kinh), làng Bình Lý, tổng Bình Thạnh Trung.
- Nhà tiền bối Nguyễn Văn Mười, ở Củ Chi, làng Phước Mỹ, tổng Long Tuy Hạ.
- Nhà tiền bối Hồ Văn Đình, ở Giồng Ông Tố, làng Bình Trưng, tổng An Bình.
(Địa điểm trong đồn điền của tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ sẽ được quyết định sau.)
b. Tỉnh Mỹ Tho: Nhà tiền bối Nguyễn Văn Ca, Đốc Phủ Sứ hồi hưu.
c. Tỉnh Tây Ninh: Địa điểm trên đất của tiền khai Lâm Ngọc Thanh, ở làng Long Thành.
d. Tỉnh Vĩnh Long: Tại nhà tiền khai Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ ở Vũng Liêm.
(Các địa điểm ở tỉnh Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn sẽ quyết định sau.) ([65])
CHỦ NHẬT 11-3-1928 (20-02 Mậu Thìn):
Đầu Sư Thượng Trung Nhựt viết Lời Tựa cho tập sách nhỏ Phương Châm Hành Đạo:
“Thiết tưởng, đạo nào cũng dạy lánh dữ làm lành. Chủ nghĩa mỗi tôn giáo thảy đều cao thượng; nhưng nếu người hành đạo không noi theo một phương châm nào cho chánh đáng, tức nhiên đạo cao thượng cũng hóa ra như hèn, rồi lâu đời mối chánh truyền phải mất.
Tôi vốn không từng viết văn, lẽ không nên làm sách, song nghĩ vì trách nhiệm nặng nề, sở dĩ phải lược lục quyển sách ‘Phương Châm Hành Đạo’ nầy, mong rằng chư đạo hữu lưỡng phái nam nữ nhứt tâm hành sự theo quy tắc chuẩn thằng, thì rất may mắn cho nền Đạo, mà lại cũng là một điều hân hạnh cho tôi lắm đó.”
Quyển Phương Châm Hành Đạo của Đầu Sư Thượng Trung Nhựt xuất bản năm 1929, dày 36 trang, khổ 11,5x15cm, in tại nhà in Tam Thanh, giá 0,10 đồng với dòng chữ: Tiền huê lợi về sách nầy sẽ dùng về việc cần ích trong Đạo.
CHỦ NHẬT 15-4-1928 (25-02 nhuần Mậu Thìn):
Tiền khai Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) được Đức Lý Thái Bạch “nhượng trọn quyền Giáo Tông”. Đàn cơ do hai vị tiền khai Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư phò loan, tiền bối Thái Phối Sư Lâm Quang Bính làm điển ký. Đức Lý dạy:
“Thái Bính Thanh, hiền hữu nói lại với Thượng Trung Nhựt rằng Lão nhượng trọn quyền Giáo Tông lại cho người…” ([66])
CHỦ NHẬT 18-8-1929 (14-7 Kỷ Tỵ):
Đến dự lễ phát thưởng cho học sinh Đạo Đức Học Đường (bậc tiểu học), niên khóa đầu tiên (1928-1929) do Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tổ chức, Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung khen ngợi thầy cô giáo và các em học sinh đã vượt qua mọi điều thiếu thốn để kết thúc năm học đầu tiên tốt đẹp. Nhắc tới hoàn cảnh cơ cực, tiền khai nói:
“Đạo nghèo đồng tiền eo hẹp. Thầy giáo không một đồng lương, lại thân ngày ngày dạy dỗ ấu nhi, phải làm công trả quả vùi thân cùng sanh chúng. Học sinh, đồng nhi nam nữ tập viết bằng lá buông. Chỗ ngủ lấy ván sạp làm giường. Bề ăn uống tương rau hẩm hút.” ([67])
THỨ HAI 11-8-1930 (17-6 nhuần Canh Ngọ):
 Hội Thánh ban hành quyển Nghi Tiết Đại Đàn Và Tiểu Đàn Tại Tòa Thánh Và Thánh Thất Các Nơi. Mở đầu sách là Châu Tri ngày Thứ Bảy 12-7-1930 (17-6 Canh Ngọ) của Đầu Sư Thượng Trung Nhựt:
“Đạo là chánh lý mà chánh lý thì có một nên cách hành lễ của Đạo phải y nhau như một mà thôi. Ai canh cải bày biện coi cho huê mỹ thì tội trọng.
Từ đây nếu còn đạo hữu nào không biết hành lễ thì lỗi về Giáo Hữu, Lễ Sanh, Chánh Phó Trị Sự và Thông Sự…”
THỨ BẢY 22-11-1930 (03-10 Canh Ngọ):
Các chức sắc Cửu Trùng Đài được lệnh Đức Lý Thái Bạch triệu về Tòa Thánh Tây Ninh hầu lịnh. Hai vị Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu phò loan. Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch giáng dạy:
“Chào chư hiền hữu, chư hiền muội. Có Đức Chí Tôn ngự, chư hiền hữu, chư hiền muội khá mừng Người! Lão cảm ơn Thượng Đầu Sư làm vẹn phận sự giúp Lão.” ([68])
Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung bạch: Đệ tử cùng cả chức sắc đều hết lòng lo lắng, cúi xin Đức Giáo Tông từ bi tái nhậm quyền hành hầu chỉnh đốn nền Đạo.
Sau đó Đức Lý ban hành sáu đạo Nghị Định có hiệu lực thi hành từ Thứ Năm 04-12-1930 (15-10 Canh Ngọ). Sáu nghị định do Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch và Hộ Pháp Phạm Công Tắc đồng ký tên.([69])
Điều Thứ Nhứt của Nghị Định Thứ Nhì quy định: “Ban quyền hành cho Thượng Đầu Sư [Thượng Trung Nhựt] thay mặt cho Lão mà thi hành các phận sự Giáo Tông về phần xác, còn phần thiêng liêng có Lão.”
THỨ NĂM 04-12-1930 (15-10 Canh Ngọ):
Tiền khai Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) đảm nhiệm phẩm vị Quyền Giáo Tông nhưng chưa làm lễ đăng điện. (Phải chăng vì vậy trong các văn thư, châu tri ký năm 1931, tiền khai vẫn ghi phẩm vị Thượng Đầu Sư?)
THỨ SÁU 19-12-1930 (30-10 Canh Ngọ):
Hội Thánh ban hành Nghị Định thành lập Tòa Tam Giáo. Theo Điều Thứ Nhứt, kể từ 01-12 Canh Ngọ trở đi, Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung là Chánh Tòa của Tòa Tam Giáo.
THỨ BẢY 04-7-1931 (19-5 Tân Mùi):
Tại Tây Ninh, Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) gởi Thống Đốc Nam Kỳ Jean Félix Krautheimer văn thư số 202, thông báo đã giao tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cầm giềng mối đạo (trích):
“J’ai l’honneur de vous faire connaître qu’à partir de ce jour M. NGUYỄN NGỌC TƯƠNG est chargé de la direction du Caodaïsme (…). M. NGUYỄN NGỌC TƯƠNG est chargé d’entretenir des relations avec le Gouvernement en ce qui concerne le Caodaïsme (…).”
Dịch: Tôi hân hạnh cho Ngài hay kể từ nay ông NGUYỄN NGỌC TƯƠNG được ủy thác nhiệm vụ cầm giềng mối đạo Cao Đài (...). Ông NGUYỄN NGỌC TƯƠNG chịu trách nhiệm giao thiệp với chánh phủ về mọi vấn đề của đạo Cao Đài (…).([70])
THỨ SÁU 01-7-1932 (28-5 Nhâm Thân):
Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung soạn xong tập sách mỏng Luận Đạo Chơn Ngôn. Sách in tại nhà in Đức Lưu Phương (Sài Gòn).
CHỦ NHẬT 12-3-1933 (17-02 Quý Dậu):
Lễ đăng điện của Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh.
THỨ BA 18-4-1933 (24-3 Quý Dậu):
Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung ký văn thư số 69 gởi Thống Đốc Nam Kỳ Jean Félix Krautheimer, thông báo rằng Hội Thánh đã cử Giáo Sư Thượng Latapie Thanh (người Pháp, sinh năm 1885, quy thiên Thứ Bảy 15-9-1934) thay thế tiền khai Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) để đại diện đạo Cao Đài tiếp xúc chánh quyển.([71])
THỨ TƯ 27-12-1933 (11-11 Quý Dậu):
Tại Tòa Thánh Tây Ninh, tiền khai Lê Văn Trung ký văn bản giao lại quyền hành như sau (trích):
“Ngày nay tôi có nhóm chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài tại nơi bửu điện mà lo việc hòa bình của Đạo. Chư vị chức sắc nam nữ cũng rõ biết rằng lo được việc lớn lao này cho Đạo thì trong mấy năm nay, tôi cũng mòn mỏi thân phàm xác thịt.
Vậy kể từ ngày nay, tôi xin giao lại cho các em sau đây là Hộ Pháp, Thượng Đầu Sư, Ngọc Đầu Sư, Thái Đầu Sư và Nữ Chánh Phối Sư lo mà điều hành nền Đạo, cho tôi được an dưỡng thân thể một ít lâu cho đặng tráng kiện lại như xưa, đặng khấn vái Trời Phật cho nền Đạo đặng tấn phát, cho mau hòa bình thế giới, cho sanh chúng đặng hưởng phước Trời.”
Văn bản do Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt ký tên. Đồng ký tên có các vị: Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương, Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang, Thái Đầu Sư Nguyễn Ngọc Thơ, và Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh (Lâm Ngọc Thanh).
THỨ NĂM 22-02-1934 (09-01 Giáp Tuất):([72])
Chánh quyền tỉnh Tây Ninh cho sen đầm (gendarmes) mang hai trát tòa (mandats d’arrêt) vào Giáo Tông Đường bắt Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung và giam tại khám đường Tây Ninh hai ngày rưỡi. Lý do phạt giam: Người làm công quả tại Tòa Thánh Tây Ninh đánh xe bò đi trong đêm không thắp đèn làm hiệu; bò thiếu dây buộc ách; ba mươi bốn người làm công quả tại Tòa Thánh không đóng thuế thân.([73]) Khi rời Tòa Thánh, tiền khai khăn áo chỉnh tề, đeo Bắc Đẩu Bội Tinh hạng Năm (Chevalier de la Légion d’Honneur).
CHỦ NHẬT 04-3-1934 (19-01 Giáp Tuất):
Là ngày ghi trên lá thư tiền khai Lê Văn Trung viết gởi Tổng Thống Pháp Albert François Lebrun (nhiệm kỳ 1932-1940) để trả lại Bắc Đẩu Bội Tinh hạng Năm (Chevalier de la Légion d’Honneur), kháng nghị việc bị chánh quyền tỉnh Tây Ninh bắt giam sai trái.
THỨ HAI 19-11-1934 (13-10 Giáp Tuất):
Vì bệnh, lúc 3 giờ chiều, Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung quy thiên tại Giáo Tông Đường. Cùng ngày, Văn Phòng Nội Chánh ra châu tri số 16 thông báo tin buồn. Đồng ký tên có Thái Chánh Phối Sư (Khai Đạo Phạm Tấn Đãi), Thượng Chánh Phối Sư (Khai Thế Thái Văn Thâu), Ngọc Chánh Phối Sư (Khai Pháp Trần Duy Nghĩa), và Nữ Chánh Phối Sư (Hương Thanh). Hội Thánh thông báo cho bổn đạo để tang: Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài từ phẩm Giáo Hữu hay tương đương trở lên, để tang một năm; Lễ Sanh và tín đồ thì tùy tâm. Các việc vui tạm ngưng ba tháng. Lễ tống chung (an táng) được định vào 9 giờ sáng Chủ Nhật 02-12-1934.
THỨ TƯ 21-11-1934 (15-10 Giáp Tuất):
Hội Thánh làm lễ thành phục ([74]) Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. Liên đài được quàn tại Giáo Tông Đường đến Thứ Sáu 30-11-1934 (24-10 Giáp Tuất) thì đặt liên đài lên lưng long mã đưa đến Đền Thánh.
THỨ BẢY 01-12-1934 (25-10 Giáp Tuất):
Lúc 6 giờ chiều, liên đài đặt lên lưng long mã đưa ra Cửu Trùng Thiên tại Đại Đồng Xã, trước Đền Thánh.
CHỦ NHẬT 02-12-1934 (26-10 Giáp Tuất):
Từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, các chức sắc, chức việc đến hành lễ. Lúc 10 giờ sáng, di liên đài. Lúc 12 giờ trưa, liên đài Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung được đưa vào bửu tháp, phía sau Bát Quái Đài của Đền Thánh.
THÁNG 9-1952 (Nhâm Thìn):
Nhân khai giảng năm học 1952-1953, tiền khai Phạm Hộ Pháp đặt tên một trường học do Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh trông nom là Nghĩa Thục Lê Văn Trung, về sau nghĩa thục trở thành trường trung tiểu học Lê Văn Trung. Đạo Đức Học Đường (do Hội Thánh lập vào tháng 9-1928) tiếp tục dạy con em tín đồ bậc tiểu học; khi lên bậc trung học thì các trẻ được chuyển ra trường trung tiểu học Lê Văn Trung (gần cửa số 7 ngoại ô Đền Thánh).
Ngoài ra, để ghi nhớ đạo nghiệp của Lê tiền khai:
- Ở mặt tiền Đền Thánh, bên lầu chuông (Bạch Ngọc Chung Đài) có đắp tượng Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung đứng trên quả địa cầu.
- Cặp bên hông Giáo Tông Đường, trong nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, có con đường mang tên Đức Thượng Trung Nhựt.([75])






([1]) Tiểu nông: Người có (hay thuê) chút ít ruộng đất, vườn tược nho nhỏ, làm vừa đủ ăn.
([2]) Lược sử trường Chasseloup-Laubat: Pháp thành lập école Normale colonial (trường sư phạm thuộc địa, 10-7-1871); xây trên nền cũ chùa Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên thành collège Indigène (trường bản xứ, 1874). Đổi tên thành collège Chasseloup-Laubat (1876), chia ra khu Âu (quartier européen) và khu bản xứ (quartier indigène). Tách khu bản xứ nhập sang collège de Cochinchine (trung học Nam Kỳ, 15-7-1927). Collège de Cochinchine đổi tên thành lycée Petrus Ký, còn collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée Chasseloup-Laubat (1928). Từ 1966 tới nay lycée Chasseloup-Laubat đổi tên là trường trung học Lê Quý Đôn.
Chasseloup-Laubat là Bộ Trưởng Hải Quân và Thuộc Địa của triều đình Pháp, chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ thuận lợi cho quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Ông ta tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính sách xâm lược, cướp Nam Kỳ làm thuộc địa.
[Huệ Khải 2012: 38].
([3]) Phòng Nhì (2e bureau) là cơ quan dân sự, có nhiệm vụ: “Chuyên về công việc cầu đường, nhà cửa, cùng các sở coi việc. Chịu giấy làm giá cả. Giấy hiệp đồng, lãnh biện vật hạng cùng công việc làm. Suy tính, làm giấy lãnh tiền về đồ dùng cùng công việc làm. Các kho dự trữ, cấp phát vật hạng. Đồ dùng xưa cùng đồ công nhu cho các phòng. Việc đường sá. Phân đường lộ, lấy mực cất nhà, mực đường. Xét dọn bộ sổ vật hạng, cùng bộ sổ công việc làm.”
[Paulus Của 1888: 13].
([4]) Nay là Bảo Tàng TpHCM, số 65 Lý Tự Trọng, quận 1.
([5]) François Pierre Rodier, ngạch thống đốc các thuộc địa (gouverneur des colonies), được bổ nhiệm làm Thống Đốc Nam Kỳ ngày 21-10-1902. Trong lúc Rodier vắng mặt, Olivier Charles Arthur de Lalande-Calan là Thanh Tra Dân Sự Vụ (inspecteur des Services civils) được bổ làm Quyền Thống Đốc (lieutenant-gouverneur par intérim) ngày 02-3-1906, nhậm chức ngày 10-3-1906. Rodier tái nhiệm ngày 02-01-1907.
([6]) Bấy giờ ngoài mười nghị viên người Pháp, Hội Đồng Quản Hạt có sáu nghị viên người Việt do đại diện các hương chức Nam Kỳ bầu cử. Dân Nam Kỳ thời ấy gọi nghị viên là “ông Hội Đồng”, gọi vợ nghị viên là “bà Hội Đồng”. Tiền khai Lê Văn Trung đắc cử liên tiếp hai khóa, tổng cộng tám năm.
Trong khóa đầu của Lê tiền khai, có sự kiện Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Ernest Outrey đưa ra Hội Đồng dự thảo lục hạng điền (sáu loại ruộng phải đánh thuế) bất lợi cho nông dân Nam Kỳ. Tiền khai Lê Văn Trung và ông Diệp Văn Cương (đại diện tỉnh Bến Tre) cùng bốn nghị viên người Việt nữa phản đối, nhưng người Pháp vì đa số đã thắng thế. Sáu nghị viên người Việt cùng từ chức đồng loạt. Khóa sau, sáu người tái ứng cử, chỉ đắc năm, còn Hội Đồng Hoài thất cử.
Ghi chú: Outrey hai lần làm Quyền Thống Đốc Nam Kỳ thay cho Thống Đốc Louis Alphonse Bonhoure. Lần đầu từ 18-02-1908 đến 23-9-1908. Lần sau từ 09-01-1909 đến 15-6-1909.
([7]) Journal officiel de l’Indochine, 1907, p. 969. Dẫn trong Địa Chí Văn Hóa Tp.HCM, tập II. Nxb TpHCM, 1998, tr. 715.
([8]) Năm 1953 trường đổi tên là trường nữ trung học Gia Long, áo dài tím thay bằng áo dài trắng. Sau năm 1975 đổi tên là trường phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai. Từ niên khóa 1978-1979, bỏ cấp 2, thu nhận luôn nam sinh, đổi tên là trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai.
([9]) Bắc Đẩu Bội Tinh (la Légion d’Honneur) là huân chương cao quý nhất của nước Pháp, tặng thưởng cho quân và dân, do Hoàng Đế Napoléon Bonaparte (1769-1821) lập ra năm 1802, chia làm năm hạng từ thấp lên cao như sau: Chevalier (hiệp sĩ), Officier (sĩ quan), Commandeur (chỉ huy), Grand Officier (đại sĩ quan), và Grand Croix (đại thập tự).
([10]) Hội Đồng này ban sơ tên là Conseil supérieur de l’Indochine (Hội Đồng Tối Cao Đông Dương), thành lập do sắc lệnh của Tổng Thống Pháp ngày 17-10-1887, cùng ngày thành lập Liên Bang Đông Dương (Union indochinoise). Toàn Quyền Đông Dương đứng đầu Hội Đồng. Hội Đồng tư vấn cho Toàn Quyền Đông Dương về ngân sách, thuế khóa, thiết lập các thành phố, các phòng thương mại, các phòng canh nông, chế độ báo chí… Các nghị viên của Hội Đồng gồm có: Tổng Tư Lệnh Bộ Binh Pháp ở Đông Dương, Tổng Tư Lệnh Hải Quân Pháp ở Viễn Đông, Tổng Thơ Ký Phủ Toàn Quyền Đông Dương, Chánh Quan Tư Pháp, Giám Đốc Thương Chánh Và Độc Quyền, Thống Đốc Nam Kỳ, Tổng Trú Sứ Trung-Bắc Kỳ, Khâm Sứ ở Cao Miên. Khi Tổng Trú Sứ Trung-Bắc Kỳ bị bãi bỏ (09-5-1889) thì thay vào là Thống Sứ Bắc Kỳ và Khâm Sứ Trung Kỳ. Khi Lào có chức Khâm Sứ (19-4-1899) thì Hội Đồng có thêm nghị viên là Khâm Sứ Lào.
Hội Đồng ngưng hoạt động năm 1894. Ngày 03-7-1897 Tổng Thống Pháp ra sắc lệnh tái lập Hội Đồng. Ngày 20-10-1911 Tổng Thống Pháp ra sắc lệnh đổi tên Hội Đồng là Conseil de Gouvernement de l’Indochine (Hội Đồng Chánh Phủ Đông Dương). Với tên gọi mới này, Hội Đồng có thêm ba nghị viên người bản xứ do Toàn Quyền chỉ định hàng năm, chọn trong số các thân hào, nhân sĩ (notables) ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên (mỗi nơi chọn một nghị viên).
Không nên hiểu Thượng Nghị Viện ở Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchine française) theo nghĩa là một trong hai cơ quan lập pháp của Quốc Hội ở một số nước (gồm Thượng Nghị ViệnHạ Nghị Viện). [Huệ Khải 2010: 13-14].
([11]) Điếu cổ 弔古: Thương viếng người xưa (chết). Hạ kim 賀今: Mừng tặng người nay (sống). Thi Tập 詩集: Tập thơ.
([12]) Quản Hạt: Hội Đồng Quản Hạt. Bấy thu chầy: Ngần ấy năm dài.
([13]) Gương vặc vặc: Gương sáng tỏ rõ, sáng trưng. Ngày nay hay nói là (sáng) vằng vặc.
([14]) Tiết hây hây: Khí tiết vẫn toàn vẹn, không sứt mẻ, không mất đi. Ngày nay hây hây nghĩa là hơi đỏ, đo đỏ.
([15]) Thượng Viện: Thượng Nghị Viện Đông Dương.
([16]) Thung (hay xuân) 椿: Cha. Huyên : Mẹ.
([17]) Phước gồm may: Vừa có phước vừa may mắn.
([18]) Tiền khai Lê Văn Trung làm kinh doanh sau khi thôi làm công chức ở Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (1906).
([19]) 高臺仙翁大菩薩摩 訶薩
([20]) Có sách bảo ông là Nguyễn Bá Vạn, hoặc là Lê Thành Vạn.
([21]) Nhiều sách đạo Cao Đài viết là xây bàn, theo cách đọc và viết ở Nam Kỳ thời xưa. Ngày nay đọc và viết là xoay. Ca dao có câu: Bốn mùa bông cúc nở xây / Để coi Trời khiến duyên nầy về ai.
([22]) A do Alpha hay a (con chữ đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp), tượng trưng đầu mối của vũ trụ vạn vật, tức là Thái Cực với biểu tượng cổ là [. Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (âm dương). Ă và Â là biến thể của A, như là âm và dương. Dấu Ú trên chữ Ă trông giống phần âm ngửa lên, màu đen ; dấu ^ trên chữ A trông giống phần dương úp xuống, màu trắng  trong biểu tượng [. Có thể hiểu AĂÂ là một cách biểu thị Thái Cực âm dương. Vì thế, cũng như Thái Cực, AĂÂ biểu thị Thượng Đế vô ngã (impersonal God). [Huệ Khải 2012: 30]
([23]) Trong thư ngày 04-3-1934 gởi Tổng Thống Pháp Albert François Lebrun (nhiệm kỳ 1932-1940) nói về việc trả lại Bắc Đẩu Bội Tinh, Lê tiền khai cho biết đã làm việc ở Thượng Nghị Viện trong khoảng mười hai năm (estimé pendant douze ans), như vậy có lẽ qua năm 1926 đơn xin nghỉ của Lê tiền khai mới được chấp thuận.
([24]) [Hương Hiếu I: 37].
([25]) Quai Testard (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5) không phải là đường Testard (quận 3, Sài Gòn; năm 1955 đổi tên là Trần Quý Cáp, từ ngày 14-8-1975 đổi tên là Võ Văn Tần). Tiền khai Lê Văn Trung lúc sau dọn về số 319 đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi), đến năm 1928 thì về Tòa Thánh Tây Ninh.
([26]) [Nguyễn Trung Hậu 1957: 18].
([27]) Ngày và nơi lập đàn này ghi theo [Huệ Nhẫn 2005: 168-169]. Nhưng [Hương Hiếu I: 41] không ghi nơi lập đàn, và ghi ngày 21-01-1926.
([28]) Theo luật đạo Cao Đài, đứng đầu Cửu Trùng Đài là Giáo Tông, cũng gọi là Anh Cả.
([29]) Minh Lý ban sơ là một Hội (association). Đơn xin thành lập Hội ngày 18-9-1926 có tên sáu vị: Minh Chánh Âu Kiệt Lâm (1896-1941, Chánh Hội Trưởng); Minh Thiện Nguyễn Văn Miết (1897-1972, Phó Hội Trưởng); Minh Trực Võ Văn Thạnh (1895-1976, Chánh Từ Hàn); Minh Đàm Nguyễn Hữu Hay (1899-1961, Phó Từ Hàn); Minh Giáo Nguyễn Văn Xưng (1891-1957, Chánh Thủ Bổn); Minh Truyền Lê Văn Ngọc (1887-1965, Phó Thủ Bổn). Điều lệ của Hội được Thống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chuẩn y ngày 08-02-1927.
Trước đó (giữa năm 1925), nhờ quen biết sư Thiện Chiếu (thế danh Nguyễn Văn Giảng hay Nguyễn Văn Tài, 1898-1974) và ông Trần Nguyên Chấn là hội trưởng chùa Linh Sơn (149 Douamont, quận 1, Sài Gòn, nay là đường Cô Giang), các tiền khai Minh Lý được mượn chùa này để cúng hàng tháng cho đến khi về chùa riêng (Tam Tông Miếu) vào đầu năm 1927. Tam Tông Miếu cất trên sở đất ở đường Chasseloup Laubat (nay là 82 Cao Thắng, quận 3) do ông Trần Kim Ký hiến tặng năm 1925.
([30]) [Hương Hiếu I: 46].
([31]) [Hương Hiếu I: 105].
([32]) [Huệ Nhẫn 2005: 193].
([33]) [Hương Hiếu I: 108].
([34]) [Hương Hiếu I: 109-110].
([35]) [Hương Hiếu I: 113].
([36]) [Hương Hiếu I: 114].
([37]) Thứ Bảy 27-02-1926 (15-01 Bính Dần), Đức Cao Đài hóa độ tiền khai Phạm Tấn Đãi tại quận Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn).
([38]) Mãi đến đầu năm 1927 môn sanh Minh Lý mới có chùa riêng (Tam Tông Miếu, đường Chasseloup Laubat, nay là 82 Cao Thắng, quận 3), hàng tháng không còn mượn chùa Linh Sơn (149 Douamont, quận 1, nay là đường Cô Giang) để cúng.
([39]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 171].
([40]) Trước khi quy hiệp Cao Đài, Vĩnh Nguyên Tự ở làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn nguyên là chùa của chi Minh Đường.
([41]) Chùa Giác Hải cất năm 1887, nay ở số 1017/3 Hồng Bàng, phường 12, quận 6.
([42]) Chư Thánh: Các vị tiền khai.
([43]) [Huệ Nhẫn 2005: 273].
([44]) Tiền khai Nguyễn Văn Tường làm thông ngôn (interprète) tại Sở Tuần Cảnh Sài Gòn.
([45]) Đức Cao Đài giáng cơ tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường ngay sau buổi họp, và ban ơn chọn hai mươi tám vị (tuyển trong danh sách hai trăm bốn mươi lăm vị) được đồng đứng tên dưới Tờ Khai Đạo. Hai mươi tám vị này gồm có:
1. Bà Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ, Vũng Liêm. / 2. Ông Lê Văn Trung, cựu Thượng Nghị Viện, ngũ đẳng bửu tinh, Chợ Lớn. / 3. Ông Lê Văn Lịch, thầy tu, làng Long An, Chợ Lớn. / 4. Ông Trần Đạo Quang, thầy tu, làng Hanh Thông Tây, Gia Định [vắng mặt vì đạo sự, nhưng tiền khai Thượng Trung Nhựt xin Thầy cho ghi tên]. / 5. Ông Nguyễn Ngọc Tương, tri phủ, chủ quận Cần Giuộc. / 6. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, nghiệp chủ, Sài Gòn. / 7. Ông Lê Bá Trang, đốc phủ sứ, Chợ Lớn. / 8. Ông Vương Quan Kỳ, tri phủ, Sở Thuế Thân, Sài Gòn. / 9. Ông Nguyễn Văn Kinh, thầy tu, Bình Lý Thôn, Gia Định. / 10. Ông Ngô Tường Vân, thông phán Sở Tạo Tác, Sài Gòn. / 11. Ông Nguyễn Phát Đạt, nghiệp chủ, Sài Gòn. / 12. Ông Ngô Văn Kim, điền chủ, đại hương cả, Cần Giuộc. / 13. Ông Đoàn Văn Bản, đốc học trường Cầu Kho, Sài Gòn. / 14. Ông Lê Văn Giảng, thơ ký kế toán hãng Hippolito, Sài Gòn. / 15. Ông Huỳnh Văn Giỏi, thông phán Sở Tân Đáo, Sài Gòn. / 16. Ông Nguyễn Văn Tường, thông ngôn Sở Tuần Cảnh, Sài Gòn. / 17. Ông Cao Quỳnh Cư, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 18. Ông Phạm Công Tắc, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 19. Ông Cao Hoài Sang, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 20. Ông Nguyễn Trung Hậu, đốc học trường tư thục Đa Kao, Sài Gòn. / 21. Ông Trương Hữu Đức, thơ ký Sở Hỏa Xa, Sài Gòn. / 22. Ông Huỳnh Trung Tuất, nghiệp chủ, Chợ Đũi, Sài Gòn. / 23. Ông Nguyễn Văn Chức, cai tổng, Chợ Lớn. / 24. Ông Lại Văn Hành, hương cả, Chợ Lớn. / 25. Ông Nguyễn Văn Trò, giáo viên, Sài Gòn. / 26. Ông Nguyễn Văn Hương, giáo viên, Đa Kao. / 27. Ông Võ Văn Kỉnh, giáo tập, Cần Giuộc. / 28. Ông Phạm Văn Tỉ, giáo tập, Cần Giuộc.
([46]) [Huệ Khải 2010: 36, 69].
([47]) Ngày 07-10-1926 tiền khai Lê Văn Trung mang Tờ Khai Đạo đến Phủ Thống Đốc Nam Kỳ thì ông Le Fol tiếp nhận, nhưng không cấp một giấy nào chứng nhận việc khai Đạo.
([48]) [Nguyễn Văn Hồng 1: 207].
([49]) Dưới ách thực dân Pháp, người dân Việt luôn luôn bị nhà cầm quyền đàn áp nếu tụ tập đông người, hoặc đi theo “hội kín”… Do đó, trước khi kết thúc, Phổ Cáo Chúng Sanh chủ ý nhắc tới “cựu Hội Đồng Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung” quả là khéo léo về tâm lý, vì những lời lẽ đó hàm ngụ rằng đạo Cao Đài không phải là “hội kín”, đồng thời khẳng định việc phổ độ Lục Tỉnh là hợp pháp. Tại sao cần nhờ tới địa vị xã hội cao trọng của tiền khai Lê Văn Trung để gián tiếp trấn an dân chúng? Có thể giải thích như sau:
“… tuần báo Lục Tỉnh Tân Văn số 46, ngày 01-10-1908 viết: ‘Tánh người An Nam mình hay sợ sệt lắm...’ Do đó, khi chủ xướng những công cuộc lớn lao, muốn vận động, thu hút quần chúng, trong thành phần nhân sự nòng cốt bao giờ cũng cần có các công chức. Sơn Nam [1926-2008, một chuyên gia về văn hóa Nam Kỳ] nêu ra lý do là dân chúng ‘tin rằng công chức luôn luôn đàng hoàng, không làm quốc sự.’ Ngay cả trong chuyện kinh doanh, điều này vẫn đúng, cho nên số báo nói trên viết rằng trong thương mại ‘hễ có các ông nha môn [công chức] ra làm đầu thì đâu đâu ai cũng xin vô hùn.’”
[Huệ Khải 2010: 20].
([50]) Thứ Bảy 24-4-1926 (13-3 Bính Dần) tiền khai Ngô Văn Chiêu từ tạ phẩm Giáo Tông, do đó phẩm này bị trống.
([51]) Gồm có: Nguyễn Văn Hoài, Dương Văn Hoài, Nguyễn Tấn Hoài, Nguyễn Văn Lai, Hà Văn Bút, Lê Văn Son, Phạm Trí Viễn. Ngô Trung Tín, và Phan Văn Nhơn.
([52]) [Huệ Nhẫn 2008: 89-90].
([53]) [Huệ Nhẫn 2008: 90-91].
([54]) [Hương Hiếu II: 104].
([55]) [Huệ Nhẫn 2008: 93].
([56]) Ba bộ dự thảo luật của ba phái Thái, Thượng, và Ngọc.
([57]) Theo thứ tự, đó là ba vị Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ, Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương, và Ngọc Chánh Phối Sư Lê Bá Trang.
([58]) [Hương Hiếu II: 149].
([59]) [Hương Hiếu II: 151].
([60]) Theo [Huệ Nhẫn 2005: 383], bà Huệ họ Đái, là con thứ của ông Đái Hồng Huơn và bà Huỳnh Thị Đào. Tiền khai Lê Văn Trung tục huyền với bà, nhưng hai vị không có con. Trước đó, tiền khai Trung kết hôn với cô Trương Thị Hảo là con ông Trương Dần và bà Nguyễn Thị Thuận. Bà Hảo và hai con là Lê Thị Báu, Lê Văn Trực đều qua đời trong một trận dịch.
([61]) Sau khi Giáo Hữu Thái Giống Thanh quy thiên, thánh thất Lộc Giang trở lại thành chùa Phước Long. Nay chùa ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TpHCM, nhìn ra sông Chợ Đệm.
([62]) [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2: 37].
([63]) [Huệ Nhẫn 2008: 250].
([64]) Đốc lý: Viên chức đứng đầu một thành phố (maire).
([65]) [Huệ Nhẫn 2008: 154-162].
([66]) [Huệ Nhẫn 2008: 230].
([67]) [Huệ Khải 2014: 37-38].
([68]) [Huệ Nhẫn 2008: 231].
([69]) Thứ Sáu 24-8-1934 (15-7 Giáp Tuất), Đức Lý Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp cùng ký tên ban hành Nghị Định Thứ Bảy và Nghị Định Thứ Tám.
([70]) [Huệ Khải 2016: 25].
([71]) Lý do thay thế: Theo thư ngày 01-4-1933 của tiền khai Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) gởi Thống Đốc Nam Kỳ, lúc ấy tiền khai Thượng Tương Thanh đã thăng lên phẩm Đầu Sư, nên không còn giữ nhiệm vụ đại diện cho đạo Cao Đài để giao thiệp với chánh quyền.
([72]) Có tác giả chép Lê tiền khai bị bắt giam ngày 20-02-1934. Nhưng trong thư ngày 04-3-1934 gởi Tổng Thống Pháp Albert François Lebrun để trả lại Bắc Đẩu Bội Tinh, tiền khai Lê Văn Trung viết là “ngày 22-02 vừa qua” (le 22 Février dernier):
“La dernière en date fut mon emprisonnement, le 22 Février dernier, pour dette due au fisc par trente-quatre de mes coreligionnaires, prétexte tout à fait fallacieux.” (Gần đây nhất, vào ngày 22-02 vừa qua, tôi b ngồi tù, mà cái cớ tôi bị tống giam là vì ba mươi bốn đồng đạo của tôi thiếu thuế, một cái cớ hoàn toàn giả dối.)
([73]) Mức thuế thân ở Nam Kỳ từ 5,58 đồng (năm 1913) tăng lên 7,5 đồng (năm 1929). Tính bình quân đầu người, không phân biệt già trẻ lớn bé, mỗi người dân Việt Nam phải nộp 8 đồng tiền thuế, tương đương 70 ký gạo trắng hạng nhất thời ấy.
Theo Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại Cương Lịch Sử Việt Nam, Tập II, Nxb Giáo Dục, 1998, tr. 220-221.
Dẫn theo Cục Văn Thư Và Lưu Trữ Nhà Nước: Về Sắc Lệnh Bãi Bỏ Thuế Thân, tại http://www.archives.gov.vn (truy cập 23-5-2016).
([74]) Sau khi khâm liệm người quá cố, thân nhân mặc tang phục.
([75]) Tôi chưa tìm được thời điểm đắp tượng Đức Quyền Giáo Tông ở lầu chuông và đặt tên Ngài cho con đường ấy. (HK)
HUỆ KHẢI

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.