Chân dung Đức Khổng, tranh
của Mã Viễn (1190-1224)
ĐỨC KHỔNG CŨNG
CƯỜI?
Đức Khổng Tử là người như thế nào nhỉ?
Thử gõ tên Ngài bằng tiếng Việt, chữ Hán, hay tiếng Anh (Confucius) vào công cụ tìm kiếm hình ảnh
của Google, đố ai thấy được một chân dung hay pho tượng nào của Đấng Vạn Thế Sư
Biểu nở nụ cười trên gương mặt!
Phải chăng bởi Ngài sớm có một tuổi thơ bất hạnh?
Cha Ngài lúc ngoài sáu mươi đã cưới mẹ Ngài mới mười lăm tuổi về làm vợ lẽ,
để mong sau này có con trai lo việc cúng tế tổ tiên. Mới sinh ra Ngài đã xấu
trai lắm rồi. Ngoại sử bảo vì vậy nên bà vợ cả ghét quá, lén trộm hài nhi đem bỏ
ngoài gò, may mà cứu thoát kịp thời. Bởi vậy Ngài có tên là Khâu. Khâu là cái gò. Lại có thuyết bảo đứa trẻ
bị bỏ trong cái động trên núi Ni, do đó khi đi học Ngài có tên tự là Trọng Ni. Ni là núi Ni; Trọng là tiếng gọi con dòng thứ.
Biết vợ cả hà khắc, nên cha Ngài lúc sắp lìa trần, đã gọi mẹ Ngài tới bên
giường bệnh, căn dặn phải sớm đưa con trai về bên ngoại nuôi dưỡng để bảo toàn
cho cả hai.
Danh họa đời Tống là Mã Viễn (1190-1224) có vẽ chân dung Ngài. Tác phẩm vô
giá này hiện lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Cố Cung ở Bắc Kinh. Nét cọ Mã Viễn vẽ
Ngài trông xấu tệ, trán dô hẳn ra, giống như lối vẽ cường điệu của các tay biếm
họa phương Tây (caricaturists).
Sau này trưởng thành thì lúc nào Ngài cũng tỏ vẻ nghiêm nghị, y phục chỉnh
tề, hai tay luôn chắp lại trước ngực để thủ lễ. Chả trách thế gian vẫn hay minh
họa Ngài qua hình ảnh khắc khổ, quá ư trịnh trọng, đạo mạo!
Ước gì thấy họ vẽ nét mặt Ngài mỉm cười.
Ngài là dân nước Lỗ nhưng lập gia đình với cô Kỳ Quan, dân nước Tống. Người
làm mai mối là ông Trọng Tôn làm quan đại phu nước Lỗ. Năm sau bà Khổng sanh
con trai đầu lòng. Ông mai nghe tin vui liền cho người mang đến nhà Ngài biếu
con cá chép tươi roi rói. Thế là Ngài bèn đặt tên con là Lý. Lý là cá chép. Khi đi học, con Ngài có
thêm tên tự là Bá Ngư. Bá là tiếng gọi
con trai cả; Ngư là cá.
Ngài chăm dạy con người ta, không thèm xét lý lịch học sinh. Nhưng đứa con
vợ mình rứt ruột đẻ ra thì không đích thân dạy, mà giao cho đệ tử dạy thay. Có
lần Ngài đứng trước sân, cậu Lý tình cờ đi qua, nhác thấy bóng cha liền rón rén
co giò toan lủi sang hướng khác. Phải chăng cha con không có tình thân, nên con
gặp cha mà phải len lét, né tránh? Bởi lẽ Ngài lạnh lùng quá, khó tính quá
chăng?
Chính vì không trực tiếp dạy con nên Ngài không biết con mình đã học được
gì. Hai lần đứng trước sân, thấy cậu con cả đi qua mà toan lánh mặt, Ngài gọi
giật lại, hỏi xem cậu đã học Kinh Thi, Kinh Lễ chưa. Hai lần cậu đều đáp là
chưa thì Ngài căn dặn phải lo học hai quyển kinh đó.
Ngài thường dắt nhóm đệ tử ruột chu du các nước, tức là thường xuyên xa
nhà. Như vậy bà Khổng có lẽ đỡ cực, vì ngoại sử bảo rằng Ngài không chịu ngồi nếu
chiếc chiếu trải hơi lệch; miếng chả cắt không ngay ngắn thì không thò đũa gắp;
thức ăn đã qua hai lửa (phải hâm lại) thì quyết không xơi! Nếu quả thật đúng y
chang như thế thì làm vợ Ngài đâu có thoải mái gì.
Tôi chỉ e rằng bá tánh đơm đặt những điều như lược kể trên đây mà thôi. Vì
xưa nay thói đời vẫn thế, hễ ai mà tên tuổi vang lừng – người Mỹ gọi là xì-lép (celeb), thì tránh sao khỏi bị thiên hạ vốn hiếu sự tha hồ tưởng tượng,
thêu dệt thành những sự tích đại loại như chuyện trong nhà ngoài phố trên màn ảnh
nhỏ.
Cho nên tôi không tin rằng Đức Khổng khô cằn đến nỗi thiếu một nụ cười trên
gương mặt. Nếu không phải là nụ cười thoải mái trên gương mặt Phật Di Lạc thì
chí ít cũng phải có nụ cười chúm chím như Bồ Tát Quan Âm dịu dàng với nhành
dương liễu.
Luận Ngữ (5:26) chép rằng học trò Ngài là Tử Lộ nói:
- Chúng con mong được nghe chí hướng của thầy.
Thế thì chẳng hề suy nghĩ
đắn đo, Đức Khổng Tử
đáp ngay:
- Thầy chỉ mong cho người già được phụng dưỡng mà an vui, bạn bè tin cậy
nhau, người trẻ được bảo bọc thương yêu.
Ôi, con người có lòng nhân hậu như thế ắt không thể nào không biết cười!
Cho nên, ước gì ai đó vẽ Đức Khổng của tôi nở một nụ cười phản ánh được tâm
hồn nhân ái bao la của Ngài.
Ngày 01-01-2013.
HUỆ KHẢI
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.