TÂM TÌNH MÙA XUÂN
Đại khái xuân đời, cảnh vật có chi các con!
Cành hoa chớm nở
tươi xinh,
các con nâng niu
cành lá, vun tưới gốc cây,
ngửi mùi thơm trong
nhụy. Sao các con không vun tưới
cội lành Đạo cả,
nâng niu sang sửa chơn tâm
cho thật tươi nhuận
sáng suốt để rồi
ngửi lấy đạo vị
nhiệm mầu tự lòng con khai phát? ([1])
Đức Ngọc
Hoàng Thượng Đế
*
Vừa rồi, bạn vong niên ở ngoại thành, một thầy
giáo mới về hưu không lâu, gọi điện dặn dò tôi:
- Tết nhứt đừng bày đặt cho chác cái gì hết
nghen.
Ấy là nhắc chuyện cũ, bình rượu ngon gởi anh,
chia sẻ chút quà mà một bạn văn trên đường bay nửa vòng trái đất, lúc quá cảnh Seoul đã chẳng quản ngại
xách về cho tôi cả cặp. Tiếng anh cười trong điện thoại, giọng vui vẻ:
- Ông cho tôi thời giờ của ông thì quý gấp mấy
quà cáp lỉnh kỉnh. Tết ghé chơi đi.
Tết, ngán nhất chuyện thăm nhà này nhà kia. Ghé
ai buổi sáng, thì chiều hay tối thế nào cũng được đáp lễ. Sáng mới gặp nhau đó,
mới chúc qua chúc lại những công thức khuôn sáo, thì chiều hay tối sẽ “diễn lại”
na ná như vậy, chỉ đổi chỗ ngồi, đổi vai chủ khách.
Nhưng tôi muốn ghé anh. Tôi thích ra ngoại thành
mấy ngày muộn màng của tháng Chạp âm lịch, may ra tìm được cái không khí chuẩn
bị Tết còn sót lại chút xíu hơi hướm của những gì chưa bị đô thị hóa. Thế nên
tôi đáp:
- Thì em ghé. Nhưng cận Tết được không?
- Được quá đi chớ! Tôi ngày nào cũng như ngày
nào.
Anh lại cười, lần này nghe như rổn rảng.
Và tôi ghé anh, một sáng cuối năm, với cái lành
lạnh bất thường của miền Nam
làm cho chén trà nóng bỗng ngon hơn.
Những chuyện đầu Ngô mình Sở chẳng hiểu sao lại
dẫn dắt đến Tết. Anh bảo:
- Không nhứt thiết, nhưng mấy ngày Tết tình cờ
đi đâu ngang đây thì tạt vô. Lúc nào tôi cũng có nhà. Một mình hà.
- Sao vậy? Chị đâu?
- Vài năm nay bà ấy có lệ đầu xuân là ráp với
mấy đứa em, đứa cháu. Không miễu thì núi, chẳng Bình Dương thì Châu Đốc, Tây
Ninh. Hưu rồi, rảnh rang mà. Có khi đi hết tháng Giêng. Tôi quen rồi.
Nghĩ đến chuyện thiên hạ kinh doanh lộc thánh,
tôi buột miệng:
- Hành hương hay là...?
- Ai mà biết mấy bà mấy cô! Bây giờ gần như đền
chùa, miếu mạo nào cũng bị thương mại hóa. Nghĩ thương cho bụng dạ nhi nữ
thường tình. Thấy thiên hạ đi rần rần thì cũng xúm vô đi, chẳng quan điểm lập
trường chi hết!
Anh vừa nói vừa cười, giọng nhẹ nhàng bao dung,
không chút mỉa mai chỉ trích.
Tôi ngước nhìn chiếc tủ nhỏ kê ở góc phòng.
Những gáy sách lộ qua lớp cửa kính trong suốt. Một số quyển tôi từng mượn anh
đọc, và kết bạn với anh cũng vì cùng thích chung một số tác giả. Anh đọc không
nhiều, nhưng tập trung và chọn lọc. Xưa thì Đạt Ma, Trang Tử... nay thì Suzuki,
Capra... Có dạo anh khoe tôi Anthony de Mello, và vị giáo sĩ Dòng Tên người Ấn
này đã làm hai anh em tốn khá nhiều cà phê, nước trà khi có dịp ngồi bên nhau
thủng thỉnh đổi trao những gẫm suy, tâm đắc từ trang sách của bậc hiền nhân quá
cố.
Hồi mới quen anh, chơi với nhau một dạo, biết
“gu” đọc sách của anh rồi, tôi trêu:
- Anh đúng là người có tinh thần... liên tôn.
Anh cười cười, không thèm đính chính:
- Có vậy mới hòng phá được sở tri chướng của
mình, phá cái bệnh chấp ta chấp người của mình. Hồi bằng tuổi ông bây giờ, tôi
chỉ đọc rặt một thứ, may mà có ngày sớm vỡ lẽ mình sai.
Tôi đảo mắt liếc nhanh phòng khách của hai ông
bà giáo không con về hưu. Tết khá cận kề, nhưng dường như ở đây chưa có gì thay
đổi. Chừng hiểu ý tôi, anh nói:
- Nhiều năm rồi đã thành lệ. Dĩ nhiên cũng mất
công thuyết phục bà ấy mới chịu nghe. Tôi thấy không gì lãng cho bằng cần kiệm
cả năm để rồi tung ra tiêu hoang ba ngày Tết. Người ta tốn tiền thưởng xuân mà
thực sự vẫn không biết cách thưởng xuân.
Tôi làm thinh, biết rằng cứ nhẩn nha một chút
thì anh sẽ giãi bày thêm. Với tôi, anh có thể dông dài mà không sợ người nghe
cười thầm rằng anh chỉ giỏi nghề lên lớp, làm tàng bộ tịch cao đạo.
- Ông biết đó, xuân là đổi mới, là hoán cựu
nghinh tân. Nhưng chúng ta hầu như chỉ biết đổi mới ở bề ngoài. Đón Tết, ta tốn
tiền lo làm mới nhà cửa, sắm mới áo quần, còn phần bên trong của chính mình, là
tâm hồn mình thì không mấy ai lo làm cho mới hơn năm cũ. Tết đến, ai cũng tổng
kết xem năm rồi mình tăng thêm thu nhập bao nhiêu, nhưng không mấy ai tính sổ
xem tâm hồn mình đã được gì, mất gì.
Tôi gật gù:
- Ai cũng như anh thì không có chợ Tết đâu
nghen!
- Tôi nào dám đả phá tục ăn Tết. Truyền thống ông
bà mà. Tôi chỉ muốn suy nghĩ cho thấu tình đạt lý về ý nghĩa thực sự của thưởng
xuân thôi. Ông nghĩ, nếu lòng mình cứ đầy nhóc tham sân si, bon chen tranh
cạnh, lợi kỷ hại nhân, thì dù ăn mặc thanh lịch, ngồi bên ngàn hoa xuân tươi
đẹp, ngắm sắc thắm xinh, ngửi mùi thơm thoang thoảng trong nhụy, cũng chẳng ích
gì. Hoa sẽ tàn, xuân sẽ qua, năm sẽ hết, còn đời mình tuổi chồng thêm tuổi, cái
xấu cứ tích lũy dày thêm thì chẳng bẽ bàng lắm sao?
Tôi trêu:
- Vâng, các cụ há chẳng bảo xuân nhựt nhựt tân,
hựu nhựt tân là gì. Có điều người ta chỉ biết duy tân bên ngoài mà quên duy tân
bên trong. Có lẽ vì vậy, chị giận anh nên Tết nào cũng bắt anh chèo queo coi
nhà còn chị mặc tình đi núi đi non, chơi đền chơi miễu.
Anh cười ha hả:
- Thì phải thỏa hiệp để chung sống hòa bình. Tôi
ăn Tết kiểu tôi, bà ấy ăn Tết kiểu bà ấy. Miễn tôn trọng nhau là tốt rồi.
Anh đổi giọng:
- Nói thật lòng, thấy bà ấy mải mê hành hương mà
thương. Như tôi cũng hành hương đấy chứ, nhưng hành hương kiểu khác. Tâm hồn
mình chính là ngôi đền thiêng liêng mà mình nên biết chiêm bái. Mỗi mùa xuân
đến, tôi hay trầm tư là vậy. Cứ nghĩ cái quỹ thời gian đời mình đang mỏng dần,
mà nội tâm mình không dày thêm theo chiều tỷ lệ nghịch là tôi phát chán cho
tôi. Nói ông đừng cười, có khi cạo râu, ngắm nghía bản mặt mình trong gương,
thấy cũng sáng sủa, không nỗi tệ, vậy mà cớ sao lòng mình nhiều lúc tối tăm,
thảm hại quá!
Chia tay nhau, tôi cho xe hướng về trung tâm
thành phố. Dọc quốc lộ, thỉnh thoảng lại gặp mấy chỗ bán mai bên vệ đường. Một
vài cành nở sớm lấm tấm điểm vàng cho vui mắt đoạn đường trống trải. Tôi đã qua
cái tuổi rạo rực đón xuân, nhưng mỗi lần thấy tin mai báo Tết lại không khỏi
bâng khuâng vô cớ. Bây giờ, cũng đang lúc bâng khuâng như vậy, tôi chợt lan man
nhớ nghĩ câu chuyện hành hương thưởng xuân của anh.
Trời không nắng, gió thổi ngược dán lớp áo sơ mi
dính sát vào người, vậy mà không thấy lạnh.
HUỆ KHẢI
13-01-2003
CGvDT số xuân Quý
Mùi
([1]) Thánh thất Nam Thành, ngày
06-02-1970.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.