Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

3. BA CÂU HỎI / Nẻo Về Tâm Linh


BA CÂU HỎI
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm, trong câu chuyện định kỳ hàng tháng vào hai ngày sóc vọng,([1]) đạo sư mở đầu với câu hỏi:
- Các con, trong triết học người ta hay nhắc tới ba câu hỏi căn bản. Các con biết chứ?
Một môn sanh mau mắn đứng dậy trả lời:
- Thưa thầy, ba câu hỏi ấy là: Ta từ đâu đến cõi đời này? Đến để làm gì? Xong rồi sẽ đi về đâu?
Mỉm cười, đạo sư gật đầu, ra dấu mời học trò ngồi xuống:
- Phải đó các con. Hôm nay chúng ta cũng có ba câu hỏi, nhưng khác hơn ba câu hỏi vừa rồi. Trước hết, các con hãy nghe chuyện này:
Ngày kia, hoàng đế một nước cường thịnh nọ chợt nghĩ ra ba câu hỏi:
Lúc nào là quan trọng nhất?
Ai là người quan trọng nhất?
Việc làm nào là quan trọng nhất?
Dẫu thông minh, đủ tài kinh luân thao lược và tế thế an bang, vua lại lúng túng, không thể tự mình trả lời ổn thỏa.
Được vời đến để hỏi ý kiến, ba vị đại thần trong hội đồng tư vấn tối cao e dè đưa mắt nhìn nhau như thể ngầm hội ý. Thế rồi họ lần lượt đáp:
- Muôn tâu thánh thượng anh minh, thời kỳ thánh thượng cai trị trăm họ chính là lúc quan trọng nhất. Vì vậy, người quan trọng nhất chính là thánh thượng. Việc làm quan trọng nhất chính là công nghiệp mở mang bờ cõi của thánh thượng.
Vua tỏ vẻ không hài lòng. Ba vị đại thần chột dạ, cảm thấy uy tín bị suy giảm trước ngôi cửu ngũ.([2]) Để vớt vát, họ cùng quỳ xuống, xin ngài thân hành tham vấn một hiền giả nơi thâm sơn cùng cốc. Vốn tính ham học hỏi, vua chuẩn tấu.
Hôm sau, khi gần tới chỗ hiền giả ẩn cư, vua ra lệnh cho toán ngự lâm quân hãy dừng lại hết ở chân núi, cứ để ngài một thân một mình leo lên. Bởi ngài nghĩ, đi gặp hiền nhân thánh triết cầu học mà đem theo lính tráng giáo gươm bảo vệ thì quá tệ.
Lên tới một vách đá cheo leo, vua tìm được ẩn sĩ đang đắm chìm thiền định trong hang động. Giữ lễ, không dám thất thố kinh động, ngài rón rén tìm chỗ ngồi nghỉ chân, kiên nhẫn chờ đợi. Rồi mệt mỏi, ngài lăn quay ra ngủ ngon lành.
Khi vua choàng tỉnh, ánh nắng sớm mai đang hắt vào cửa động. Không khí trong lành cùng với tiếng chim ríu rít gọi bầy giữa tàn cây khóm lá khiến ngài lâng lâng sảng khoái. Hiền giả đã đi đâu rồi, để lại tấm nệm cỏ ngồi thiền trống trải.
Vua mon men bước ra triền núi, nhìn bao quát và thấy xa xa bên dưới kia, dải giang san của ngài tắm ánh bình minh mới đẹp làm sao! Bất chợt ngài bừng nở nụ cười, cõi lòng sung sướng tràn trề.
Chưa bao giờ ngài hưởng được buổi sáng thần tiên như thế này! Nhiều năm qua, mỗi sáng sớm ngự triều, ngài cứ phải nặng lòng lo nghĩ tính toan khi nghe bá quan lần lượt trình tấu tình hình nội chính và ngoại giao. Để gây uy tín cá nhân với vua, các quan khi báo cáo thường khéo léo tô vẽ sớ trình, thế nên ngài luôn luôn phải tỉnh táo để phân biệt giữa hư và thực, khiến cho hầu như lúc nào ngài cũng căng thẳng và căng thẳng!
Giữa lúc chiêm ngưỡng giang sơn gấm vóc, vua bỗng nhận thức thật rõ lý do vì sao ngài phải ngồi trên ngai vàng, mục đích thật sự của “nghề” làm vua là gì, những lo toan nhọc nhằn cân não của ngài là cốt yếu để đánh đổi được những gì cho con dân của ngài…
Tiếng sỏi lạo xạo sau lưng cắt ngang dòng suy nghĩ của nhà vua. Ngài quay lại và bắt gặp hiền giả đang tới sát bên ngài, chiếc gậy trúc trong tay chỉ như món trang trí vì hiền giả đứng thật thẳng lưng.
Nhà vua chẳng hề phật lòng khi thấy ẩn sĩ tuy giữ lễ vua tôi nhưng chẳng tỏ ra tí gì khúm núm, quỵ lụy như mắt ngài đã quá quen nhìn mỗi ngày mỗi giờ.
Ắt hẳn có tha tâm thông, tự rõ biết ba điều nhà vua đang thắc mắc, nên vua chưa kịp hỏi thì hiền giả đã hỏi ngược lại:
- Thưa bệ hạ, ngài nói đi: Lúc nào là quan trọng nhất?Ai là người quan trọng nhất?Việc làm nào là quan trọng nhất?
Vua làm thinh, ánh mắt lóe nhanh một tia sáng, và ngài mỉm cười.
Một tay chống gậy trúc, bàn tay kia dịu dàng xòe ra làm dấu chỉ đường quay xuống núi, hiền giả ôn tồn nói:
- Bệ hạ, chúc ngài hồi cung bình an.
Ngừng kể, chờ một lúc cho các môn sanh kịp thấm câu chuyện, đạo sư đưa mắt từ ái nhìn khắp giảng đường rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Nếu là vị minh quân ấy, các con trả lời ẩn sĩ thế nào?
Câu trả lời thứ nhất
Một môn đệ mau mắn đứng dậy xin phép trả lời:
- Thưa thầy, theo câu chuyện thầy kể thì con hiểu rằng lúc hạnh phúc nhất của nhà vua là được thanh thản tận hưởng buổi sáng. Chính vào cái thời khắc đó nhà vua không còn bị vướng bận vào công việc ngày hôm qua, cũng không lo nghĩ về chuyện ngày hôm sau. Câu hỏi thứ nhất: Lúc nào là quan trọng nhất? Con suy ra hiện tại là quan trọng nhất. Người Anh gọi hiện tại là present. present cũng là món quà tặng. Hiện tại là quà tặng cho chúng ta, chúng ta phải biết tận hưởng nó.
Đạo sư gật đầu, mỉm cười:
- Con nói hay lắm! Nghe có vẻ hiện sinh lắm, con nhỉ?
Mọi người cười ồ. Chờ cho tĩnh lặng lại, đạo sư hỏi tiếp:
- Nhưng con áp dụng điều vừa nói vào chính đời tu hành của con thế nào cho ích lợi đây?
Thấy học trò lúng túng, đạo sư ra dấu mời ngồi xuống.
Không thấy đồng môn nào trả lời thêm, quản thủ Tàng Kinh Các bèn đứng lên thủ lễ chào thầy và nói:
- Thưa thầy và các huynh đệ, nói gần thì con có thể áp dụng vào lúc tập thiền. Giờ nào việc đó. Hiện tại đang là giờ hành thiền thì con chỉ nên biết tập trung vào thiền định. Đừng để chuyện cũ hay chuyện tương lai xâm lấn tư tưởng, bắt cái ý của con rong chơi bay nhảy.
Đạo sư mỉm cười, gật đầu:
- Đó là con nói gần. Xa hơn thì sao?
- Thưa thầy, con được đọc Tương Ưng Bộ Kinh do một tỳ kheo Ấn Độ dịch từ tiếng Pali ra tiếng Anh. Con dịch hai đoạn con thích thú sang quốc ngữ như sau:
Việc qua rồi chẳng than
Việc chưa tới chẳng màng
Hiện tại hãy bảo thân
Thế nên được tĩnh thanh.
Việc chưa tới mà cầu
Việc qua rồi chẳng buông
Kẻ vô minh úa xào
Như khô héo cỏ lau.([3])
Đạo sư trìu mến nhìn “con mọt sách”, khuyến khích:
- Con cứ tiếp tục nói cho hết ý.
- Thưa thầy và các huynh đệ, qua tám câu ấy, Đức Phật Tổ khuyên người tu giữ chánh niệm, đừng để tâm ý mình điên đảo theo quá khứ hay tương lai. Sống với hiện tại đối với người chân tu cũng là tận dụng tất cả quỹ thời gian mình đang có để chuyên cần tu tập, không phung phí vào các việc phù phiếm. Phải biết sợ rằng mình có thể chết bất kỳ lúc nào mà dang dở đường tu. Đức Phật từ bi luôn nhấn mạnh điều này, vì vậy trong Trung Bộ Kinh, Phật dạy tương tự như tám câu con vừa đọc. Dựa theo bản tiếng Anh của một vị tỳ kheo Ấn Độ, con dịch như sau:
Quá khứ chớ đuổi theo
Tương lai đừng mơ ước
Quá khứ bỏ đàng sau
Tương lai đâu đã đến.
Quý báu là lúc này
Hãy nhìn rõ hiện tại
Tâm an không chuyển lay
Dưỡng tâm chẳng hư hoại.
Hãy trì tu hôm nay
Biết đâu mai sẽ chết
Cái chết chẳng chờ ai
Nào ai hoãn được chết.([4])
- Thầy cảm ơn con. Người chân tu là như vậy. Cho nên muốn tu giải thoát, những giao tế phù phiếm đời thường làm mất thời gian tu luyện, thì chúng ta đừng màng tới. Bây giờ, thầy mời các con trả lời sang câu hỏi thứ hai.
Câu trả lời thứ hai
Môn sanh phụ trách trù phòng (nhà bếp) đứng dậy đáp:
- Thưa thầy và các huynh đệ, theo con hiểu thì người quan trọng nhất chính là vị hiền giả. Nếu không có ngài trợ duyên (giống như một chất xúc tác) thì nhà vua không thể tự mình tìm ra đáp án cho ba câu hỏi.
Môn sanh trông coi thái viên (vườn rau) nói:
- Thưa thầy và quý sư huynh, sư đệ cho phép. Con nghĩ rằng câu trả lời thứ nhất giúp ta giải đáp câu hỏi thứ hai. Hiền huynh quản thủ Tàng Kinh Các vừa rồi nói rất rõ rằng hiện tại là quan trọng nhất. Đem triết lý này áp dụng vào đời tu thì đâu có ai quan trọng hơn chính ta. Ta phải biết thương ta sống nay chết mai, do đó hãy ý thức lợi dụng từng cơ hội hiện tại mà ráo riết tu trì mới mong tự cứu mình thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tóm lại, chính ta mới là người quan trọng nhất, hãy lo giải thoát cho bản thân ta trước khi lo giải thoát cho ai khác.
Trà đồng xin phép góp ý:
- Kính thưa sư phụ và quý huynh trưởng đại xá cho con. Sư huynh thái viên nói nghe rất có lý, nhưng con e rằng nếu cứ nhấn mạnh cái ta của mình nhiều như thế thì có phải là mình quá ích kỷ chăng? Hôm rồi sư huynh trưởng tràng kèm chúng con tiếng Anh, có giảng về chữ egoism và sư huynh dịch ra chữ Nho là tự ngã chủ nghĩa. Ý kiến của sư huynh thái viên vừa rơi vào egoism, vừa sẽ khiến người ta nhớ tới quan điểm nhất mao bất bạt của Dương Chu thời Chiến Quốc, tức là nhổ một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ thì ông cũng chẳng thèm. Vậy thì đức bác ái, lòng từ bi của người tu còn biết nhắm vào đâu bây giờ?
Thấy trà đồng phản bác có vẻ hăng quá, lại còn nhắc tới mình, nên trưởng tràng bèn đứng dậy, đưa mắt nhìn chú em ngầm bảo hãy ngồi xuống. Cung kính chắp tay xá đạo sư, trưởng tràng nói:
- Kính thưa thầy, thưa các hiền đệ, chúng ta đang sống trong cõi nhị nguyên, mọi giá trị đều có hai mặt đối lập. Ý kiến của hiền đệ thái viên và của trà đồng vừa rồi chính là hai mặt đối lập của một giá trị mà chúng ta mệnh danh là sống đạo.
Môn tâm lý phân tích (psychoanalysis) có nói tới ego, tức là tự ngã. Cái mà họ gọi là ego hình thành từ thuở đứa trẻ chào đời và phát triển dần trong cuộc sống, khi tiếp xúc với môi trường xã hội chung quanh. Trong vô thức, ai ai cũng có những ham muốn thầm kín, thế thì cái ego này là một ý thức mang tính trách nhiệm xã hội, bởi vì nó điều hòa, tiết độ những ham muốn của cá nhân sao cho phù hợp với những quy ước hay những chuẩn mực về nhân cách và đạo đức của xã hội.
Đã đành hiện tại là quan trọng nhất, nhưng áp dụng triết lý này một cách xơ cứng thì hậu quả sẽ ra sao? Tới giờ hái rau hiền đệ thái viên không thèm ra vườn vì bảo tập thiền quan trọng hơn; hoặc tới giờ nấu cơm hiền đệ trù phòng vì mải lo tập thiền cứ mặc cho bếp lò lạnh tanh. Rốt cuộc cả đạo viện sẽ đói meo thì có đúng không? Thế nên cái ego đó sẽ điều chỉnh thái độ và hành vi của hai hiền đệ ấy để đạo viện còn có cơm ăn; bằng không, bụng đói cồn cào thì đố ai ngồi thiền cho yên! Đành phải rời khỏi bồ đoàn ([5]) mà than rằng:
Ngồi thiền ta quyết thành chánh quả
Bao tử réo sôi phải xả thiền!
Mọi người cười ồ. Đạo sư cũng cười vui vẻ. Khi bầu khí lắng xuống, đạo sư nói:
- Đúng vậy đó các con. Có một triết gia mà thầy quên tên, nói rằng ego hay self-awareness là ý thức về chính mình; nó giúp mình đạt được mục tiêu do mình đặt ra. Ông ấy ví von rằng ego hay tự ngã cũng giống như móng tay ở đầu các ngón tay. Nếu để móng tay mọc quá dài, thì nó cản trở, vướng víu, ta không nắm được đồ vật. Vậy, phải biết cắt móng tay cho gọn gàng, vừa phải. Tóm lại, ta chính là người quan trọng nhất, nhưng chớ quên đặt cái ta, cái tôi của mình trong tương quan xã hội.
Ngừng một chút, đạo sư tiếp tục:
- Tới đây thầy nghĩ các con có thể luận ra câu trả lời thứ ba rồi. Việc làm nào là quan trọng nhất? Hãy trình bày ý kiến các con đi!
Câu trả lời thứ ba
Môn sanh phụ trách trù phòng hăng hái trả lời câu hỏi thứ hai nhưng không đúng nên trong bụng còn ấm ức, chỉ mong có dịp gỡ lại “bàn thua” trước đạo hữu đồng môn. Vì thế, khi đạo sư vừa nhắc tới câu hỏi thứ ba thì liền chụp lấy cơ hội, anh đứng phắt dậy và nói luôn một mạch:
- Thưa thầy, thưa các huynh đệ, nhà vua tự tìm ra đáp án cho câu hỏi thứ ba trong lúc nhìn ngắm giang san xinh đẹp của mình. Khi ấy, vua hiểu rằng ông ngự trên ngai vàng chẳng phải để ăn trên ngồi trước muôn dân; trái lại, ông phải làm sao giúp cho dân của ông được hạnh phúc ấm no và giữ gìn đất nước được thanh bình, thịnh trị. Đó là cái đạo làm vua của những ông vua hiền đức mà sử sách ca tụng là thánh vương, minh vương.
Thấy đạo sư gật đầu khuyến khích, anh chàng phấn khởi, bèn nói tiếp:
- Nếu bàn rộng ra thì cái đạo làm vua hay thấp hơn một bực là đạo làm quan có thể được gói ghém trong mười bốn chữ bất hủ của ông Phạm Trọng Yêm đời nhà Tống như sau: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.([6]) Nghĩa là kẻ làm vua hay phận làm quan phải biết lo âu trước khi thiên hạ âu lo, và chỉ nên sướng vui sau khi thiên hạ đã được vui sướng. Bởi vậy, ông quan Tô Đông Pha đời Tống, nhìn thấy dân chúng trong địa phận do ông cai trị còn đói khổ thì ông luôn tự hổ thẹn rằng bản thân chưa đủ tài kinh luân thao lược để cứu cái bao tử rỗng của dân lành.
Thấy nhà bếp thao thao bất tuyệt, đạo sư cười tươi và nói vui:
- Thầy trò trong đạo viện ta phải biết ơn con nhiều lắm. Bao lâu con còn phụ trách trù phòng thì chắc chắn mọi người ở đây còn được ăn no và ăn ngon trước khi con ăn ngon và ăn no. Đó cũng là cái đạo làm trù phòng mà con học được từ danh nho Phạm Trọng Yêm, phải không con?
Mọi người cười ồ vui vẻ. Đạo sư nhắc:
- Hãy trở lại câu hỏi thứ ba. Theo con thì việc làm nào mới quan trọng nhất?
- Thưa thầy, lòng thương yêu và chăm lo cho người khác mới là việc quan trọng nhất. Vì vậy, đã đành chính ta là người quan trọng nhất, nhưng đừng đem ích lợi của ta đặt lên trên ích lợi người khác.
Đạo sư gật đầu, ra dấu mời đệ tử ngồi xuống, rồi đưa mắt nhìn trà đồng như ngầm bảo những lời ngài sắp nói là để hóa giải thắc mắc của chú nhỏ lúc tranh luận với môn sanh trông coi thái viên:
- Phải đó các con. Lý tưởng của hạnh bồ tát là gì? Một mặt đối với bản thân thì bồ tát ráo riết tu tập cho tựu thành chánh quả, thành Phật; nhưng trước nỗi khổ đau của chúng sanh thì bồ tát lại phát nguyện nếu thế gian còn nước mắt tuôn rơi thì bồ tát chưa chịu đi về cõi niết bàn cực lạc riêng mình.
Các chánh pháp và chánh giáo đông tây xưa nay tuy lời lẽ diễn bày khác nhau, mà cốt tủy vẫn chung một chân lý ấy, là bác ái và từ bi, tức là thương yêu người khác càng nhiều càng tốt.
Môn đồ nhà Phật hay nhắc câu này: “Phật thương chúng sanh như mẹ thương con.”
Đức Dalai Lama phát biểu: “Đạo của tôi rất đơn giản. Đạo của tôi là lòng nhân từ.” ([7])
Đức Cao Đài Tiên Ông dạy: Các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ thương Thầy thì ắt thương Ðạo, mà hễ thương Ðạo thì thương hết chúng sanh. ([8])
Đức Khổng Tử thì đem đức Nhân đặt lên đầu năm giá trị của bậc quân tử là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; mà đức Nhân của Nho Giáo nào khác chi đức Mến bên Công Giáo. Các con nhớ xem, Đức Giêsu há chẳng dạy chúng ta như thế ư? Chúa khuyến nhủ: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.(Gioan 13:34) 
HUỆ KHẢI




([1]) Sóc: Mùng một âm lịch. Vọng: Ngày rằm (mười lăm âm lịch).
([2]) Cửu ngũ: Kinh Dịch gọi hào dương là cửu, gọi hào âm (một vạch đứt) là lục. Hào thứ năm (ngũ) của một quẻ kép (có sáu hào) tượng trưng ông vua. Hào thứ năm quẻ Càn là hào dương (một vạch liền), nên gọi là hào cửu ngũ. Văn học dùng thuật ngữ cửu ngũ trong Kinh Dịch để ám chỉ ngôi vua.
([3]) Tương Ưng Bộ Kinh, I.8. Bản tiếng Anh:
They make no lamentation o’er the past, 
They yearn not after that which is not come,
By what now is do they maintain themselves;
Hence comes it that they look serene of hue.
By yearning after that which is not come,
By making lamentation o’er the past,
Hence comes it that the foolish wither up
E’en as a tender reed by sickle shorn.
(Kindred Saying I. 8)
([4]) Trung Bộ Kinh, 131. Bản tiếng Anh:
One would not chase after the past,
nor place expectations on the future.
What is past is left behind.
The future is as yet unreached.
Whatever quality is present
one clearly sees right there, right there.
Unvanquished, unshaken,
that's how one develops the mind.
Ardently doing one’s duty today,
for – who knows? – tomorrow death may come.
There is no bargaining
with Death and his mighty horde.
(Majjhima Nikaya, 131)
([5]) Bồ đoàn: Tấm nệm dùng khi ngồi thiền.
([6]) 先天下之憂而憂,後天下之 樂而樂. Câu này trích trong bài Nhạc Dương Lâu Ký 岳陽樓記 (ghi chép ở lầu Nhạc Dương) của Phạm Trọng Yêm.
Phạm Trọng Yêm 范仲淹 (989-1052), tự Hy Văn 希文, thụy Văn Chính 文正, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống.
([7]) My religion is very simple. My religion is kindness.
([8]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển I. Đàn ngày 02-02-1927.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.