Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

4. BAO KHOAI TÂY / Nẻo Về Tâm Linh


BAO KHOAI TÂY
Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Matthêu 18:21-22
Đây là chuyện tôi nghe:
Môn đệ nọ luôn phiền não vì cứ ôm trong lòng những lời nói hay việc làm mà người khác xúc phạm anh. Một hôm đạo sư vời anh tới, trao cho cái bao rỗng và một giỏ đầy ắp khoai tây. Ngài bảo:
- Tất cả những ai thời gian qua đã làm gì hay nói gì khiến con không thể nào tha thứ được, con hãy khắc tên của họ vào những củ khoai này. Mỗi củ khắc tên một người, rồi bỏ vào bao.
Anh vâng lời. Chẳng mấy chốc cái bao rỗng đã nặng trĩu những khoai là khoai.
Đạo sư lại bảo:
- Trong một tuần liền, đi đâu bất kỳ, con hãy vác theo bao khoai này. Con chẳng được rời nó. Trong tuần, hễ có ai lại làm con hờn oán, thì cứ lấy thêm một củ khoai và khắc tên kẻ đó rồi bỏ vào bao.
Vì rất tôn kính đạo sư, anh một mực làm theo lời thầy dạy. Dần dà trọng lượng cái bao lại tăng thêm, và càng vác lâu ngày thì càng mệt; anh thấy mình phải gắng sức nhiều hơn.
Sau vài ngày, những củ khoai bị khắc chữ bắt đầu thối rữa dần. Vác bao khoai bốc mùi khó chịu như thế kè kè bên mình chẳng khác gì một cực hình.
Cuối cùng, kỳ hạn một tuần rồi cũng qua. Đạo sư lại vời anh tới, và hỏi:
- Sao con? Ý con thế nào?
- Thưa thầy, phải vác bao khoai thối rữa suốt bên mình nhiều ngày liền, con cảm thấy khổ sở lắm. Thế rồi con suy nghĩ thêm, tại sao thầy muốn con làm việc này. Bao khoai nặng và thối phải chăng cũng giống như những hờn oán cứ đeo mang trìu trĩu trong lòng, làm con khổ tâm?
Đạo sư gật đầu:
- Phải đó con. Khi nuôi trong lòng một mối ác cảm, chúng ta quả thật rất khổ tâm. Vậy, phải làm sao trút bớt gánh nặng này cho nhẹ lòng vơi dạ, hở con?
- Thưa thầy, con phải bớt bỏ khoai vào bao, nghĩa là đừng hờn oán ai nữa.
Đạo sư mỉm cười:
- Khoan dung, tha thứ cho một người cũng giống như con bỏ bớt ra khỏi bao một củ khoai thối. Bao mà trống rỗng tức là con chẳng còn nuôi lòng ác cảm với ai cả. Con có thể tha thứ cho bao nhiêu người đã làm khổ con?
Lúng túng một lúc, môn đệ thú thật:
- Thưa thầy, tha thứ chẳng dễ chút nào! Nhiều lúc con cũng muốn tha thứ họ, nhưng trong con liền có một lực vô hình ngăn cản. Con nghĩ, có lẽ là con tự ái.
Đạo sư dịu dàng đặt bàn tay lên vai môn đệ, bóp nhẹ:
- Phải đó con. Tự ái tức là yêu cái ta của mình nhiều quá. Nó cản ngăn không để mình mở lòng ra mà tha thứ, khoan dung người khác. Một vận động viên điền kinh phải khổ luyện gân cốt, cơ bắp thì người tu chúng ta cũng phải khổ luyện tâm hồn, trui rèn ý chí để tự thắng những tình cảm thấp thỏi thường tình.
- Thưa thầy, đã đành con phải rèn luyện khổ nhọc để tập khoan dung, nhưng trong lúc con chưa thể tha thứ được những người cũ thì có thêm vài người mới lại gây phiền não cho con! Làm sao kiểm soát được việc làm hay lời nói của kẻ khác để con khỏi khổ lòng?
- Chúng ta không thể buộc kẻ khác hay ngoại cảnh phải theo đúng ý ta muốn! Vấn đề là chính ta phải biết tự kiểm soát trước kẻ khác và ngoại cảnh. Trở lại với bao khoai của con. Củ khoai thối là gì? Cái bao đựng khoai là gì?
- Củ khoai thối là những ác cảm, những hờn oán. Cái bao là… Thưa thầy, nó là cái chứa đựng ác cảm, oán hờn. Nó là… nó là…
Môn đệ lúng túng. Đạo sư từ ái nhìn, nhẫn nại chờ học trò tự tháo gỡ vấn đề. Lúc sau, anh nói tiếp:
- Nó là cái gì đó ở trong con, khiến con cứ day dứt, gặm nhấm những điều phiền não do kẻ khác gây ra… À, nó là huyễn tưởng rằng cái tôi của con rất quan trọng; con là cái rún của năm châu thế giới. Cho nên hễ ai trái ý, xúc phạm con thì dứt khoát không thể bỏ qua.
- Vậy, theo con, chỉ cần trút bỏ khoai thối hay là nên quẳng luôn cái bao chứa nó?
Như bừng tỉnh, môn đệ liền chắp tay xá thầy tạ ơn:
- Thưa… thưa thầy… hãy quẳng cái bao đi, ném cái tôi đi. Khi ấy, bất kể thiên hạ nói gì hay làm gì nghịch ý con, cũng không còn là chuyện lớn lao nữa.
Đạo sư gật đầu, mỉm cười:
- Nói thì dễ, mà quẳng cái bao đi không dễ, con nhé! Con phải rèn tập, cố gắng rất nhiều. Nhưng Đạo thì tự nhiên, không phải gắng sức. Chỉ khi nào con không còn thấy có khoai, có bao, có quăng bỏ… thì bấy giờ mới tạm gọi là đạt tới Đạo khoan thứ.
30-12-2013
HUỆ KHẢI

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.