Theo giáo lý nhà Phật, Bồ Tát (Bodhisattva) là đấng có lòng đại từ đại bi, thương xót chúng sanh
vô bờ bến. Các Ngài luôn sẵn sàng hy sinh không giới hạn để cứu khổ ban vui cho
chúng sanh.
Bồ Tát là đấng gần thành Phật (Buddha), nghĩa là thấp hơn Phật, nhưng cao hơn La Hán (Arhat).
La Hán tuy thấp hơn Bồ Tát nhưng là bậc Thánh có được sáu
phép thần thông. Một trong số đó là Tha Tâm Thông, tức là “đọc” được ý nghĩ, tư tưởng thầm
kín của người khác.([1])
Đây là chuyện tôi nghe:
Vị đạo sư nọ đã
tu chứng tới quả La Hán. Hôm ấy có việc, ngài dắt theo một đệ tử cùng cuốc bộ
đường xa. Qua cánh đồng, hai thầy trò bắt gặp tốp nông phu đang cày ruộng. Trâu
và người đều mệt nhoài dưới nắng trưa chói chang.
Khi lưỡi cày vỡ
đất ra, lật tung lên từng khối, thì rất nhiều sâu bọ, côn trùng bị giết hoặc bị
thương, oằn oại dọc theo những đường cày. Thế là chim chóc liên tục sà xuống
kiếm mồi.
Chứng kiến cảnh
ấy, trò nghĩ thầm: “Cuộc đấu tranh sinh tồn sao mà khổ đến thế! Ta nguyện tu
thành Phật để cứu rỗi hết thảy chúng sanh.”
Lập tức bắt được làn sóng tư tưởng do đệ tử phóng ra, đạo sư bảo ngay:
- Mau đưa hết hành lý cho ta quảy, và hãy đi trước ta.
Trò bối rối, không hiểu gì cả, nhưng nào dám cãi, cứ răm rắp
làm đúng theo lệnh thầy.
Cả hai tiếp tục
lội bộ dưới nắng trưa trên con đường trống trải chẳng một tàn cây. Thỉnh thoảng
vài cơn trốt nóng hực lại cuốn bụi cát bay mù lên, phủ trùm lấy hai thầy trò.
Thấm mệt, trò vừa lê bước vừa ngẫm nghĩ: “Chúng sinh thì vô số và cảnh khổ thì
vô biên, vô lượng! Ta chỉ có một tấm thân yếu đuối này, làm sao cứu giúp tất cả
cho xuể! Có lẽ ta chỉ tu đủ để tự cứu được mình thì đã là may phúc lắm rồi!”
Lập tức bắt được làn sóng tư tưởng do đệ tử phóng ra, đạo sư liền bảo:
- Mau quảy hết hành lý cho ta, và hãy đi sau ta.
Trò bối rối, không
hiểu gì cả, nhưng nào dám cãi, cứ răm rắp làm đúng theo lệnh thầy.
Từ lúc ấy trở đi, chốc chốc thầy lại đổi hành lý cho trò
và cả hai cứ từng chập hoán chuyển vị trí: trò đi trước, thầy đi sau; rồi lại
trò đi sau, thầy đi trước...
Tới lúc tìm thấy một tàn cây trơ trọi ven đường, cả hai
dừng chân nghỉ mệt và chuẩn bị ăn trưa. Bấy giờ trò mới làm gan, kính cẩn xin
thầy giải thích lý do.
Thầy đáp:
- Khi anh phát tâm cứu khổ hết thảy chúng sanh, thì anh
là Bồ Tát, nên ta phải quảy hành lý và đi sau anh, vì ta mới là La Hán, thấp
hơn anh một bậc. Nhưng khi anh sanh lòng ích kỷ, anh không còn là Bồ Tát nữa,
vậy anh phải quảy hành lý và đi sau ta.
Thay lời bình luận, người kể chuyện dẫn lại lời Đức Vạn
Hạnh Thiền Sư dạy như
sau:
“Vậy
chớ mình là ai? Trong một ngày qua, có lúc mình là Phật, có lúc mình là Tiên,
có lúc mình là Thánh Thần, cũng có lúc mình quá phàm phu tục tử, và cũng có lúc
mình là ngạ quỷ,([2]) súc
sanh. Như vậy, hỏi lại mình là ai? Cũng đồng thời một nhục thể này, nhưng nhục
thể ấy cũng không phải là mình. Chính những nguồn tư tưởng phát xuất từ nội tâm
ấy đã đánh giá con người mình là Phật Tiên, Thánh Thần, phàm phu hoặc ngạ quỷ,
súc sanh.” ([3])
HUỆ KHẢI
25-9-2011
CGvDT
số 1827, ngày 30-9-2011
([1]) Lục
Thông: Sáu phép thần thông gồm có: 1. Thần túc thông: Biến hiện theo ý muốn, không hề
chướng ngại. 2. Thiên nhãn thông:
Nhìn thấy tất cả mọi hình sắc gần xa trong cả thế gian, nhìn thấy mọi hình
tướng khổ vui của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi. 3. Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh
trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong sáu nẻo luân
hồi. 4. Tha tâm thông:
Biết hết tất cả mọi ý nghĩ thầm kín của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi. 5. Túc
mệnh thông: Biết được
kiếp trước của bản thân và của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi, từ một đời,
hai đời cho đến muôn đời trước đều biết rõ, nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai,
tên gì, làm gì... 6. Lậu tận thông: Dứt trừ toàn bộ những thấy và biết
sai lầm trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi trong ba cõi (dục giới, sắc
giới, vô sắc giới), được giải thoát hoàn toàn.
([3]) Minh Lý Thánh Hội, ngày 06-11-1971.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.