Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Nẻo Về Tâm Linh 30/31


TRÒ BÊNH THẦY
Đức Phật Thích Ca có mười đại đệ tử, mỗi vị sở trường một lãnh vực. Nói như kiểu bây giờ thì mười vị ấy là Top Ten.
Đức Khổng Tử cũng có mười đại đệ tử, gồm các ông: Mẫn Tử Khiên, Bá Ngưu, Trọng Cung, Tể Dư, Tử Cống, Tử Hữu, Tử Lộ, Tử Du, Tử Hạ, Tử Trương. Cả nhóm “Top Ten” này được gọi chung là Thập Triết, được thờ trong Khổng Miếu.
Chuyện sau đây liên quan tới Tử Cống.
Tử Cống (họ Đoan Mộc, tên Tứ) sinh ở nước Vệ khoảng năm 520 trước Công Nguyên, kém hơn Đức Khổng chừng ba mươi mốt tuổi. Ông từng làm quan ở nước Vệ, nước Lỗ. Cuối đời ông ở nước Tề.
Tử Cống thường qua lại buôn bán giữa hai nước Tào và Lỗ, rất giàu. Vì thế, có thuyết cho rằng trong mấy năm Đức Khổng Tử và nhóm đệ tử ruột có được chi phí để chu du từ nước này sang nước khác đều nhờ vào đại gia Tử Cống tài trợ. Đức Khổng qua đời, Tử Cống dựng nhà ở luôn bên mộ thầy để chăm sóc và lo nhang khói suốt sáu năm dài.
Sách xưa chép rằng Tử Cống thông minh mẫn tiệp, có tài ăn nói; vì vậy khi làm quan ông hay du thuyết, tức là đi qua các nước Tề, Ngô, Việt, Tấn để đàm phán về các vấn đề chánh trị (na ná như Henry Kissinger ngày trước hay bà Hillary Clinton bây giờ).
Về tài biện luận của Tử Cống, Luận Ngữ (19:23-24) chép hai chuyện xảy ra ở nước Lỗ (quê hương Đức Khổng).
Lần nọ, quan đại phu nước Lỗ là Thúc Tôn Vũ Thúc nói với các quan đại phu trong triều:
- Tử Cống tài đức hơn Trọng Ni (Khổng Tử).
Quan đại phu Tử Phục Cảnh Bá (họ Tử Phục, tên Hà, tự Bá) bèn đem lời ấy thuật lại với Tử Cống. Tử Cống nói ngay:
- Bức tường rào nhà tôi chỉ cao tới ngang vai, nên người bên ngoài có thể nhìn thấy cái đẹp trong nhà tôi. Trái lại, bức tường rào nhà thầy tôi cao tới vài chục thước, nếu không bước qua cửa đi vào thì không sao thấy được vẻ đẹp và sự phong phú bên trong nhà thầy tôi. Tuy nhiên, hiếm người biết được cửa để bước vào. Vậy Thúc Tôn Vũ Thúc nói không đúng rồi!
Lần khác nữa, Thúc Tôn Vũ Thúc mở miệng chê bai Đức Khổng. Nghe vậy, Tử Cống bèn cãi:
- Chớ chê bai! Thầy tôi không ai chê được. Tài đức kẻ khác cao như gò như núi thì người ta có thể vượt qua được; còn tài đức thầy tôi cao như mặt trời mặt trăng, ai mà vượt qua nổi. Nếu chê bai thì chẳng tổn hại chi cho mặt trời, mặt trăng nhưng rốt lại chỉ cho thấy kẻ chê bai không biết cao thấp mà thôi.
Kể chuyện trò bênh thầy bên đạo Nho cũng nên nhắc tới bên đạo Phật.
Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (tạ thế khoảng năm 866, không rõ năm sinh) là tổ sáng lập phái Lâm Tế ở Trung Quốc. Phái này truyền sang Nhật Bản, Việt Nam…
Một thiền sinh thuộc phái khác “nổ” với học trò sư Lâm Tế:
- Thầy tôi giỏi làm phép lạ, vì vậy toàn thể môn sinh đều rất tôn kính. Tôi từng thấy thầy tôi làm nhiều việc phi thường vượt xa khả năng chúng ta. Còn thầy ông thì sao? Thầy ông biết làm những phép lạ kỳ diệu nào?
Học trò sư Lâm Tế đáp:
- Phép lạ huyền diệu nhất của thầy tôi là người chả thèm biểu diễn bất kỳ một xảo thuật thần kỳ nào để lòe học trò rằng người là bậc siêu phàm xuất chúng.
Bà Chiểu, 14-11-2012

HUỆ KHẢI