Đây là chuyện tôi nghe:
Trà đồng mang sách trả Tàng
Kinh Các. Sư huynh quản thủ trêu:
- Đệ đọc nhanh thế! Không
khéo biệt danh “con mọt sách” phải trao lại cho hiền đệ sớm thôi.
Trà đồng cười:
- Còn khuya đệ mới giành được
mỹ hiệu của sư huynh. Sách này vui quá, đệ bị cuốn hút nên đọc mau hết.
- Vậy ư? Có chuyện gì thú vị
kể huynh nghe với.
- Tác giả kể rằng bữa nọ Đức
Khổng Thánh đi dạo, dọc đường gặp hai thằng nhóc đang cãi nhau rất hăng. Thằng
Giáp nhứt quyết rằng mặt trời mới mọc thì gần, vì nhìn thấy mặt trời rất to; đến
giờ Ngọ thì xa, vì nhìn thấy mặt trời nhỏ lại. Thằng Ất không chịu. Nó nói mặt
trời mới mọc buổi sớm mai ở xa nên không khí mát mẻ; đến trưa mặt trời gần hơn
nên nóng hừng hực. Đức Khổng không phân xử được ai đúng ai sai. Hai thằng nhóc cười
ngất, bảo nhau: “Vậy mà thiên hạ cứ khen ông này hiểu rộng biết nhiều!”
Sư huynh quản thủ bẹo má chú
em, cười:
- Chuyện này trích từ sách Liệt
Tử đó. Gần và xa là một tương quan thuộc về không gian hay địa lý, nhưng nó còn
là tương quan thuộc về tâm lý nữa.
Trà đồng ngơ ngác. Sư huynh
quản thủ ngẫm nghĩ một thoáng rồi lấy tờ giấy và cầm bút viết luôn một câu chữ Nho
dài ngoằng:
- Đệ thọ giáo với sư huynh
trưởng tràng tới đâu rồi? Đọc và dịch câu này thử xem.
Thấy toàn là những chữ dễ, đã
học từ lâu, trà đồng mừng ra mặt, bèn đọc và dịch:
- Tu đạo nhất niên Phật tại tiền; tu đạo thập niên Phật tại thiên biên.([1]) Tu đạo một năm Phật ở trước mặt; tu đạo mười năm Phật tại ven trời.
- Giỏi lắm! Nhưng đệ có hiểu không?
Trà đồng lắc đầu. Sư huynh thông cảm:
- Câu này lý đạo rất sâu sắc. Để tự răn mình đừng lơi lỏng, giới tu hành
truyền tụng qua nhiều đời, do đó phát sinh vài dị bản. Nam Hoài Cẩn là một cư sĩ Trung Quốc nổi tiếng uyên thâm Đạo học.
Ông truyền lại câu nói như sau...
Sư huynh viết thoăn thoắt lên mặt giấy. Trà đồng đọc và dịch:
- Học Phật nhất niên, Phật tại
nhãn tiền; học Phật lưỡng niên, Phật tại đại điện; học Phật tam niên,
Phật tại Tây thiên.([2]) Học Phật một năm, Phật ở trước mắt;
học Phật hai năm, Phật trong chánh điện; học Phật ba năm, Phật tại Tây phương.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, trà đồng nói tiếp:
- Lạ quá, sư huynh! Ông Socrates bảo càng học nhiều càng thấy mình dốt.([3]) Đệ hiểu đó là đức khiêm tốn trong
học thuật. Nhưng nói rằng càng tu lâu năm càng thấy Phật cách xa mình hơn, thì phải
chăng nghịch lý? Hay là cư sĩ Nam Hoài Cẩn có ngụ ý gì khác?
- Sâu sắc chính ở chỗ đó. Khi mới phát tâm tu hành, phần đông chúng ta rất
siêng năng, hăng hái, nghiêm túc đàng hoàng. Với tâm lý đó, thái độ đó, chúng
ta cảm thấy mình sắp đắc đạo tới nơi rồi. Bởi vậy mà người xưa bảo tu đạo một
năm, Phật ở trước mặt, gần gũi. Tương tự, ông Nam cư sĩ nói học Phật một năm,
thấy Phật hiển hiện trước mắt mình.
Tu thêm thời gian nữa thì bắt đầu dể duôi chểnh mảng, quy giới lôi thôi,
kinh kệ bữa đực bữa cái... Phật không còn sống động trong tâm tưởng người tu nữa,
chỉ khi nào vào chánh điện cúng bái thì mới thấy pho tượng Phật trên bàn thờ; nên
ông cư sĩ bảo rằng tu hai năm thấy Phật trong chánh điện.
Cứ theo đà suy thoái đó, tu thêm thời gian nữa thì chỉ còn giữ hình thức
bề ngoài là người tu, còn trong tâm y chang kẻ trần tục chưa tu. Lúc này tâm
người ấy cách xa Phật quá chừng quá đỗi, nên cổ nhân bảo tu đạo mười năm Phật tại
ven trời; ông cư sĩ bảo học Phật ba năm thì Phật tận bên Tây phương xa lăng lắc.
Nhưng còn nghĩa này thâm thúy hơn: Nhiều người tu học lâu năm hay tự phụ
mình tài giỏi, hoặc tự đắc với phẩm trật chức sắc của mình, và sinh lòng kiêu
ngạo mà kinh Phật gọi là cống cao ngã mạn. Tâm địa như vậy thì đâu còn là tâm
Phật nữa. Phật không ngự trong tâm họ mà ở tít ven trời, ở tuốt bên Tây phương
cực lạc.
19-02-2014
HUỆ KHẢI
([3]) Socrates nói: The more I learn, the
more I learn how little I know. Albert Einstein nói tương tự: The more I learn, the more I realize how
much I don’t know.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.