Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

12/3. Kinh Cứu khổ chữ quốc ngữ trong đạo Cao Đài / KINH CỨU KHỔ TRONG ĐẠO CAO ĐÀI




Kinh Cứu khổ chữ quốc ngữ
trong đạo Cao Đài
Ngoài bài kinh Cứu khổ đọc theo âm Hán-Việt, qua cơ bút tín đồ Cao Đài còn có một bài kinh cứu khổ thứ hai, chữ quốc ngữ, dài ba mươi lăm câu (gồm bốn câu song thất lục bát và ba mươi mốt câu lục bát, tức là in sót một câu). Bài kinh này do Đức Văn Thù Bồ tát 文殊菩薩 ban cho, không rõ vào lúc nào, ở đâu, nhưng đã được tiền bối Cao Triều Phát (1889-1956), Bảo đạo chưởng quản Hiệp thiên đài Tòa thánh Hậu Giang sưu tầm, in trong cuốn Lễ Bổn: Dương sự, thể thức, tang tế, cầu siêu (Bạc Liêu: nhà in Nguyễn Lộc Tiêng, tháng 9-1939, tr. 11-12). Quyển Lễ bổn này trước đó đã được Đức Đông Phương Lão tổ 東方老祖 giáng cơ phê duyệt tại Thông thiên đài, thời Dậu, ngày 13-10 Đinh Sửu (thứ Sáu, 05-11-1937).
Năm 2008 hiền tỷ Cao Bạch Liên, ái nữ Cao Triều tiền bối, có lòng tín nhiệm chương trình Chung tay ấn tống kinh sách Cao Đài do thánh thất Bàu Sen đề xướng, và cậy chúng tôi giúp hiền tỷ trông nom tất cả công việc tái bản quyển di thư của tiên phụ để ấn tống. Chúng tôi hoan hỷ đón nhận mỹ ý của hiền tỷ. (Sách in xong tháng 12-2008, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội).
Trong lúc chăm chút việc san nhuận quyển di thư quý báu này, bào đệ Lê Anh Minh và tôi đã thấy Bài kinh cứu khổ được tiền bối Cao Triều xếp vào bài thứ sáu trong mười lăm bài kinh Dương sự (tức là kinh dành cứu độ cho người còn đang sống trên đời). Chúng tôi đã hiệu đính lỗi chánh tả, chú thích từ ngữ.
Nhân tìm hiểu về kinh Cứu khổ trong đạo Cao Đài, tôi xin trích lục in lại đây, để hiến quý đạo hữu, đạo tâm.
Bài kinh cứu khổ
Vì Tạo hóa từ bi cứu khổ
Khiến Long thần ([1]) bảo hộ an khương ([2])
Phổ đà ([3]) Phật tổ Tây phương
4. Quan Âm Bồ tát bốn phương vãng tuần ([4])
Tuy cao thăm thẳm chín từng
Ai người thiện nguyện sự mừng liền ban
Người ngay rủi gặp tai nàn
8. Niệm liền bảy chữ ([5]) khỏi đàng họa ương ([6])
Trong khi xảy việc bất tường ([7])
Vương mang bệnh hoạn giữa đường có khi
Oai linh ủng hộ tức thì
12. Tai qua nạn khỏi bịnh gì cũng an
Kính thành vọng tưởng Tây phang
Quan Âm Bồ tát hào quang chiếu liền
Trong khi giông gió xiêu thuyền
16. Phiêu lưu la sát ([8]) vào miền quỷ thương ([9])
Gặp loài tà mị ([10]) nhiễu nhương ([11])
Nghe oai Bồ tát tầm đường lánh xa
Người thù cầm kích xông pha
20. Nguyện cầu Bồ tát cải tà làm nhơn ([12])
Gặp hồi lạc tới lâm sơn ([13])
Hổ lang ([14]) ác thú chờn vờn giảo thân ([15])
Hô danh Bồ tát ân cần
24. Hổ lang ác thú lần lần lánh xa
Bốn phương chư Phật hằng hà
Thọ truyền Ngọc đế ta bà ([16]) độ dân
Năm trăm la hán ([17]) ân cần
28. Hộ ([18]) người lương thiện hưởng phần bình an
Cúi xin Phật tổ Tây phang
Từ bi cứu khổ độ an dân Trời
Người người lạc nghiệp ([19]) thảnh thơi
32. Gia vô bế hộ tứ thời hòa thinh ([20])
Cầu cho quốc vận khương ninh ([21])
Mưa hòa gió thuận ([22]) thái bình muôn năm
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ([23])
36. Chơn ngôn thập bát ([24]) khỏi lầm họa tai.
Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn
Quan Thế Âm Bồ tát Ma ha tát
Văn Thù Bồ tát
SO SÁNH KINH CỨU KHỔ CAO ĐÀI VỚI KINH PHÁP HOA
Nhiều câu trong bài kinh do Đức Văn Thù Bồ tát ban cho trong Tam kỳ Phổ độ (như dẫn trên đây) cũng tương hợp với lời Đức Phật Thích Ca dạy trong Nhị kỳ Phổ độ và được chép lại trong kinh Diệu pháp liên hoa 妙法蓮華 (gọi tắt kinh Pháp hoa 法華), quyển thứ Bảy, phẩm Quán Thế Âm Bồ tát Phổ môn (thường gọi tắt là kinh hay phẩm Phổ môn 普門).
Theo kinh Pháp hoa, bấy giờ có Bồ tát Vô Tận Ý cung kính đến trước Phật hỏi rằng: “Thưa Đức Thế tôn, Ngài Quán Thế Âm Bồ tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?”
Kinh Pháp hoa (KPH) chép lại lời Phật đáp như sau (lược trích):
KPH: Thiện nam tử! Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh đang chịu các khổ não, nhưng biết một lòng niệm danh Quán Thế Âm Bồ tát, tức thì Bồ tát xem xét tiếng niệm của họ, tất cả họ đều được giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, dẫu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì nhờ oai lực thần thông của Bồ tát mà được như vậy. Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ tát thì liền được vào chỗ cạn.
Kinh Cao Đài câu 7-8 (KCĐ 7-8) có hai câu tương thích:
Người ngay rủi gặp tai nàn
Niệm liền bảy chữ khỏi đàng họa ương
KPH: Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu các thứ báu, lạc vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền kia trôi tấp vào nước của quỷ la sát, trong số người ấy nếu có một ai xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thì tất cả những người đó đều được thoát khỏi nn quỷ la sát.
KCĐ 15-18:
Trong khi giông gió xiêu thuyền
Phiêu lưu la sát vào miền quỷ thương
Gặp loài tà mị nhiễu nhương
Nghe oai Bồ tát tầm đường lánh xa
(Căn cứ theo lời Phật dạy trong kinh Pháp hoa, chúng tôi giải thích quỷ thương 鬼滄 là biển của loài quỷ.)
KPH: Nếu có người sắp sửa bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thì dao gậy của đối phương liền gãy từng khúc, người sắp sửa bị hại liền được thoát nạn.
KCĐ 19-20:
Người thù cầm kích xông pha
Nguyện cầu Bồ tát cải tà làm nhơn
KPH: Nếu quỷ dạ xoa cùng la sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thì các quỷ dữ đó thậm chí không thể dùng mắt dữ mà nhìn người, hà huống còn làm hại người được.
KCĐ 17-18:
Gặp loài tà mị nhiễu nhương
Nghe oai Bồ tát tầm đường lánh xa
*
Kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn chép rất chi tiết lời Đức Phật giảng dạy Bồ tát Vô Tận Ý. Cơ hồ như bao nhiêu ngôn từ tỉ mỉ và dông dài cũng không thể diễn bày hết tất cả oai lực thần thông quảng đại của Đức Quan Thế Âm. Càng giảng giải thì càng thấy như thiếu sót.
Điều này khiến ta phải suy nghĩ cho thật sâu xa vì sao vị Bồ tát đến cung thỉnh Phật thuyết pháp về Đức Bồ tát Quan Âm lại có danh hiệu là Vô Tận Ý 無盡意.
Vô Tận Ý nghĩa là dẫu có cố gắng nói hoài, ráng sức nói mãi thì rốt cuộc vẫn cứ không trọn hết ý (indescribable)!
Kinh Pháp hoa mượndanh hiệu ngài Vô Tận Ý để khai duyên thỉnh pháp về Đức Quan Âm có lẽ nhằm mục đích kín đáo nói rằng chúng sanh không thể lãnh hội được trọn vẹn những huyền nhiệm sâu xa, vi diệu của đấng Bồ tát chuyên tầm thinh cứu khổ.
Điều này nhắc ta nhớ vì sao bản chữ Hán kinh Cứu khổ có câu Tự ngôn Quan Thế Âm anh lạc bất tu giải. Nghĩa là chúng sanh không nên phân tích, không nên giải thích, vì càng giảng giải lại càng bị giới hạn, bế tắc. Nói khác đi, làm sao diễn tả cho xiết cái lý lẽ vốn dĩ là vô tận ý!
Vô Tận Ý Bồ tát phải chăng là một ẩn dụ (metaphor)? Cũng như Hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát, a nậu đại thiên vương chánh điện bồ tát, ma kheo ma kheo, thanh tịnh tỳ kheo, rốt lại đều cũng là các ẩn dụ.
Đọc kinh hiểu lý, thì sẽ đi tới chỗ thay vì cầu ở tha lực, biết cầu ở tự lực để tự thắng phàm tánh của mình, tự biến mình thành bồ tát. Đó gọi là thánh hóa bản thân.
Cuối cùng, lưu ý rằng trước khi trả lời câu Bồ tát Vô Tận Ý hỏi về Đức Quan Âm, Đức Phật đã tán thán, khen ngợi Bồ tát là thiện nam tử. Vậy thì, các vị đạo tâm biết dành thời gian tìm hiểu, học hỏi nghĩa lý sâu kín của kinh Cứu khổ, quý vị cũng là thiện nam tử 善男子, thiện nữ nhân 善女人.Tức là các trai lành, gái lành, không phân biệt đang tại gia hay xuất gia, tất cả đều là bồ tát nếu có lòng tin Trời tưởng Phật và thành tâm tìm tu theo chánh pháp.
Phú Nhuận, 24-10-2008
HUỆ KHẢI



([1]) Long thần 龍神: Vị thần mang hình rồng (nāga), thường là các vị hộ pháp, trợ giúp người tu, bảo vệ nơi tu hành.
([2]) An khương (khang) 安康: Bình an và khỏe mạnh.
([3]) Phổ Đà (sơn) 普陀山: Núi này là nơi ngụ của Bồ tát Quán Thế Âm.
([4]) Vãng tuần 往巡(): Đi xem xét các nơi.
([5]) Bảy chữ: Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát.
([6]) Họa ương 禍殃: Tai họa.
([7]) Bất tường 不祥: Chẳng lành, xấu, rủi.
([8]) La sát 羅剎: Loài hung thần ác quỷ có hình dạng và mặt mày rất dữ tợn, thích ăn thịt người. Chúng thường ở biển cả. Giống đực gọi là la sát bà (rākchasas), giống cái gọi là la sát tư hay la sát nữ (rākchasis).
([9]) Quỷ thương 鬼滄: Biển của loài quỷ.
([10]) Tà mị 邪媚: Kẻ gian nịnh, cũng hiểu là tà ma 邪魔.
([11]) Nhiễu nhương 擾攘: Quấy rối, phá phách.
([12]) Cải tà làm nhơn: Bỏ lòng bất chánh để làm người hiền.
([13]) Lâm sơn 林山: Rừng núi.
([14]) Hổ : Cọp. Lang : Chó sói.
([15]) Giảo : Cắn. Giảo thân 咬身: Cắn xé thân thể.
([16]) Ta bà (sa bà) 娑婆: Cõi thế gian, nói đầy đủ là Ta bà thế giới 娑婆世界.
([17]) Ngũ bá a la hán 五百阿羅漢: Ngày xưa Phật Thích Ca thuyết pháp, ở bên cạnh Phật luôn có năm trăm vị la hán (arhat). La hán hay a la hán là các vị tu đắc quả nên không còn sai lầm, được giải thoát.
([18]) Hộ : Giúp đỡ, che chở.
([19]) Lạc nghiệp 樂業: Nói đủ là an cư lạc nghiệp 安居樂業 (thời thái bình, ai cũng có chỗ ở an lành và vui sống với nghề nghiệp).
([20]) Gia vô bế hộ 家無閉户: Nhà không đóng cửa (vì không sợ trộm cướp). Nguyên câu là Gia vô bế hộ, lộ bất thập di 家無閉户 路不拾遺 (Nhà không đóng cửa; không ai nhặt của rơi trên đường), mô tả đời thanh bình. Hòa thinh (hòa thanh) 和清: Yên ổn, thanh bình.
([21]) Quốc vận 國運: Vận mệnh đất nước. Khương (khang) : Mạnh khỏe. Ninh : An ninh, yên ổn.
([22]) Mưa hòa gió thuận: Phong điều võ (vũ) thuận 風調雨順.
([23]) Bản 1939 in sót một câu lục (sáu chữ).
([24]) Chơn (chân) ngôn 真言: Thần chú 神咒. Chơn ngôn thập bát 真言十八: Mười tám chữ của câu thần chú Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát Ma ha tát 南無大慈大悲救苦救難觀世音菩薩摩訶.
Huệ KhảiLê Anh Minh hiệp chú