Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

16/3. CHÚ GIẢI BÀI KINH NGỌC HOÀNG THIÊN TÔN BỬU CÁO



CHÚ GIẢI BÀI KINH
NGỌC HOÀNG THIÊN TÔN BỬU CÁO
PHÂN CÂU
Các bản in cũ thường xuống dòng như sau:
Thời thừa lục long,
Du hành bất tức,
Khí phân tứ tượng,
Oát triền vô biên.
Tôi phân lại:
Thời thừa lục long, du hành bất tức,
Khí phân tứ tượng, oát triền vô biên.
Tuy phân câu khác nhau, nhưng lúc đọc kinh vẫn theo nhịp hai là: Thời thừa / lục long, / du hành / bất tức, / Khí phân / tứ tượng, / oát triền  / vô biên...
Tôi phân câu lại vì có điểm ích lợi hơn vì:
a. cho thấy hình thức thể văn biền ngẫu;([1])
b. dễ nhận ra ý nghĩa câu kinh.
Thí dụ 1a, các bản cũ in:
Tiên thiên, hậu thiên,
Tịnh dục Đại Từ Phụ.
Kim ngưỡng, cổ ngưỡng,
Phổ tế Tổng Pháp Tông.
Tôi phân lại:
Tiên thiên, hậu thiên, tịnh dục Đại Từ Phụ.
Kim ngưỡng, cổ ngưỡng, phổ tế Tổng Pháp Tông.
Khi phân như tôi, cặp đối tỏ ra không chỉnh. Câu trên tiên / hậu (trước / sau) thì câu dưới nên là cổ / kim (xưa / nay).
Bản của Cao Đài Chiếu Minh, bản Quang Tự 1907, và bản Khải Định 1923, các bản chữ Hán của Trung Quốc, Đài Loan trên Internet đều in là Cổ ngưỡng, kim ngưỡng. Do đó, tôi vẫn giữ nguyên thứ tự câu dưới là cổ ngưỡng, kim ngưỡng.
Thí dụ 1b, hiền huynh N.V.H. giảng như sau:
“Tổng: Gom lại. Pháp: (…) Giáo lý của một nền tôn giáo. Tông: còn đọc là Tôn: Tôn giáo. Pháp tông là giáo lý của một tôn giáo.” ([2]) Theo hiền huynh N.V.H. tổng pháp tông nghĩa là “gom tất cả giáo lý của các nền tôn giáo”.
Như thế, hiền huynh hiểu tổng là động từ, là gom tất cả. Nhưng xét về phép đối, tương ứng với chữ Đại ở câu trên là tính từ thì tổng ở câu dưới phải là tính từ.
Vả lại, Tổng Pháp Tông đối với Đại Từ Phụ nên cả hai phải cùng mang ý nghĩa nói tới một đấng Thượng Đế hữu ngã (personal God). Do đó tôi giảng Tổng Pháp Tông là ông tổ của tất cả các pháp,
Thí dụ 2, do không quan tâm cách đối nhau trong thể biền ngẫu mà một số bản chú giải cũ đã giảng nghĩa không hợp lý:
Trạm tịch chơn đạo,
Khôi mịch tôn nghiêm.
Trong Cao Đài Giáo Lý, số 78, tháng 7-1972, tr. 14,([3]) tiền bối H.L. cho tịch (mở) và giải câu trên là “Rộng mở nền chơn đạo.” Như vậy, tiền bối hiểu tịch là động từ.
Theo tôi, trạm tịchkhôi mịch đều là tính từ và đối nhau. Bản gốc chữ Hán như bản in đời Quang Tự 1907, và đời Khải Định 1923, v.v… đều viết tịch.
Tôi hiểu trạm tịch 湛寂 là lặng lẽ sâu kín; khôi mịch 恢漠 là bao la, mênh mông.
TRÌNH BÀY
Bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo được khảo sát theo thứ tự như sau: (1) Kinh Văn; (2) Khảo Dị; (3) Chú Giải; (4) Tổng Luận.
Về Chú Giải, tôi giải theo từng câu, hoặc hai, ba hay bốn câu... cốt theo trọn ý văn mạch. Trước khi giải một câu, tôi xét từng chữ, từng từ của câu đó, có chú thêm chữ Hán và tiếng Anh bên cạnh để tiện tham khảo. Sau khi giảng xong hết từ trong một câu, tôi gom lại giảng theo cả câu.([4])
Về Tổng Luận, tôi muốn bổ túc cho phần Chú Giải một cái nhìn tổng quát, thoát ra sự giải thích kinh văn gò bó theo từng câu từng chữ.
KINH VĂN
NGỌC HOÀNG THIÊN TÔN BỬU CÁO
01. Đại La Thiên Đế,
02. Thái Cực Thánh Hoàng.
03. Hóa dục quần sanh,
04. Thống ngự vạn vật.
05. Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết,
06. Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh.
07. Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa,
08. Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh.
09. Thời thừa lục long, du hành bất tức,
10. Khí phân tứ tượng, oát triền vô biên.
11. Càn kiện cao minh, vạn loại thiện ác tất kiến,
12. Huyền phạm quảng đại, nhứt toán họa phước lập phân.
13. Thượng chưởng tam thập lục thiên, tam thiên thế giới,
14. Hạ ốc thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu.
15. Tiên thiên, hậu thiên, tịnh dục Đại Từ Phụ,
16. Cổ ngưỡng, kim ngưỡng, phổ tế Tổng Pháp Tông.
17. Nãi nhựt nguyệt tinh thần chi quân,
18. Vi Thánh Thần Tiên Phật chi chủ.
19. Trạm tịch chơn đạo,
20. Khôi mịch tôn nghiêm.
21. Biến hóa vô cùng, lũ truyền bửu kinh dĩ giác thế,
22. Linh oai mạc trắc, thường thi thần giáo dĩ lợi sanh.
23. Hồng oai, hồng từ, vô cực, vô thượng,
24. Đại thánh, đại nguyện, đại tạo, đại bi.
25. Huyền Khung Cao Thượng Đế,
26. Ngọc Hoàng tích phước, hựu tội Đại Thiên Tôn.

01. ,
02. .
03. ,
04. .
05. ,
06. .
07. , ,
08. , 使 .
09. , ,
10. , .
11. , ,
12. , .
13. , ,
14. .
15. , , ,
 16. , , .
17. ,
18. .
19. ,
20. .
21. , ,
22. , .
23. , , , ,
24. , , , .
25. .
26. 皇錫 , 罪大 .
KHẢO DỊ
Câu 10 phải đọc là oát triền nhưng thường in sai là hoát truyền.
Câu 16 theo bản Cao Đài Chiếu Minh, bản Quang Tự 1907, bản Khải Định 1923, bản gốc chữ Hán của đạo Lão Trung Quốc, v.v… đều in là Cổ ngưỡng, kim ngưỡng. Bản thường lưu hành của các hội thánh Cao Đài thường in là Kim ngưỡng, cổ ngưỡng.
Câu 26 tôi xếp thành một dòng giống như bản Khải Định 1923. Các bản khác thường xếp thành ba hay bốn dòng.
CHÚ GIẢI
Nhan đề:
Ngọc Hoàng Thiên Tôn 玉皇天尊: Đấng tôn kính ở cõi trời là Ngọc Hoàng (The Jade Emperor also the Heavenly Honoured One).
Bửu (bảo) : Quý báu.
Cáo : Lời bề trên bảo kẻ dưới biết.
Bửu (bảo) cáo 寶誥: Lời quý báu của bề trên bảo kẻ dưới biết. Ở đây hiểu là bài xưng tán (eulogy).
Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu (Bảo) Cáo: Lời ban truyền quý báu (do Đức Quan Thánh Đế Quân thỉnh Đức Phù Hựu Đế Quân dạy cho môn đồ) để xưng tán Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Eulogy to the Jade Emperor).
Câu 1:
Đại La 大羅: Tấm lưới lớn (the great net), ám chỉ bầu trời rộng, che khắp (the canopy of heaven). Có câu lưới Trời lồng lộng tuy thưa nhưng mảy lông khó lọt, ám chỉ luật Trời, Thiên lý. Vậy Đại La là luật Trời, theo triết học là Thượng Đế vô ngã (impersonal God).
Thiên Đế 天帝: Vua Trời (God, the Heavenly Emperor), là Thượng Đế hữu ngã (personal God).
Đại La Thiên Đế: Một trong những hồng danh của Đức Chí Tôn. Theo triết học hồng danh này nói đến Thượng Đế vừa vô ngã vừa hữu ngã.
Câu 2:
Thái Cực 太極: the Supreme Ultimate.
[Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 276] có câu : “Cái lý Thái Cực là lý đơn nhất, cầm quyền sanh hóa, thống chưởng càn khôn.”
Theo Dịch, Thái Cực gồm Lưỡng Nghi (the Two Primary Forms), tức Âm Dương (Yinyang), là cơ nguyên sanh hóa vũ trụ.
Theo triết học, Thái Cực cũng là Thượng Đế vô ngã.
Thánh Hoàng 聖皇: Vua Thánh (the Holy Emperor), tức là Thượng Đế. Theo triết học, Thánh Hoàng là Thượng Đế hữu ngã.
Thái Cực Thánh Hoàng: Một trong những hồng danh của Đức Chí Tôn. Theo triết học hồng danh này nói đến Thượng Đế vừa vô ngã vừa hữu ngã.
Câu 3:
Hóa : Sinh hóa (to give birth and to transform).
Dục : Nuôi dưỡng (to nourish, to bring up).
Hóa dục: Sinh hóa và nuôi dưỡng.
Quần sanh (sinh) 群生: Cũng gọi chúng sanh (all living beings), bao gồm muôn loài từ người, thú, cho đến vật chất vô tri vô giác.
Theo Phật Giáo, có bốn loại chúng sanh (tứ chúng) là:
- Noãn sanh: Sanh do trứng nở ra như, rắn, chim, cá... (birth from an egg).
- Thai sanh: Sanh do bào thai như người, loài thú có vú (viviparous birth).
- Thấp sanh: Sanh do ẩm ướt như rong rêu... (birth from dampness).
- Hóa sanh: Sanh do biến hình từ giống vật này sang vật khác như sâu thành bướm... (birth by transformation).
Câu 4:
Thống ngự 統御: Cai quản, trị vì (to govern, to rule).
Vạn vật 萬物: Muôn loài (all kinds of creation).
Câu 3-4 ý nói Trời sanh dưỡng và cai quản muôn loài vạn vật.
Câu 5:
Diệu diệu 渺渺: Rất to tát, vĩ đại (huge, very great).([5])
Huỳnh (hoàng) : Tức là hoàng, màu vàng (yellow).
Kim : Vàng (gold). Kim còn là các chất kim loại và có năm thứ chánh (ngũ kim: the five metals) là vàng, bạc, đồng, thiếc, sắt (gold, silver, copper, tin, iron).Do đó, để phân biệt rõ, nói hoàng kim, huỳnh kim là ám chỉ vàng.
Khuyết : Cái lầu canh đặt trước cổng vào cung điện (gate).
Huỳnh Kim Khuyết: Cổng bằng vàng (the gold gate), hiểu theo nghĩa rộng là cung điện nhà Trời (God's Palace).
Câu 6:
Nguy nguy 巍巍: Cao ngất, cao vòi vọi, nguy nga hùng vĩ (imposing).
Bạch Ngọc Kinh 白玉京: Kinh thành xây bằng ngọc trắng, tên gọi cái thành nơi Thượng Đế ngự (the White Jade Capital).
Câu 5-6 ý nói thành Bạch Ngọc nguy nga, cổng vào bằng vàng rất vĩ đại.
Câu 7:
Nhược thiệt (thật) nhược hư 若實若虛: Như thực như hư, như có như không, không thể lường biết được (as real and as unreal).
Bất ngôn 不言: Không nói năng, im lặng (saying nothing).
Nhi : Nhưng mà (however, but, nevertheless).
Mặc tuyên 默宣: Ngấm ngầm, lẳng lặng phô bày ra (to display something in silence).
Đại hóa大化: Sự sinh hóa to lớn, ám chỉ toàn thể sự vận hành trong vũ trụ không có lúc nào ngừng nghỉ (great changes of the universe).
Câu 7 ý nói tuy Trời im lặng, như hư như thật, nhưng lại phô bày ra cả đại cuộc vận hành sinh sôi nảy nở của vũ trụ.
Câu 7 ít nhiều có liên hệ đến lời của Đức Khổng Tử được chép trong Luận Ngữ, thiên Dương Hóa, câu 19: “Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách vật sanh yên. Thiên hà ngôn tai!([6]) (Trời nào có nói gì đâu thế mà bốn mùa thay đổi, muôn vật sinh thành. Trời nào có nói gì đâu!)
Câu 8:
Thị không thị sắc 是空是色: Là không là sắc, có hình tướng và không có hình tướng (having forms and having no forms).
Vô vi 無為: Làm mà không để ai thấy hoặc biết việc mình làm (wuwei, nonaction).
Nhi : Nhưng mà (but, however, nevertheless).
Dịch sử 役使: Sai khiến (to give orders).
Quần linh 群靈: Vạn linh (all spirits).
Quần sinh cũng là quần linh. Nói quần sinh là nhấn mạnh tới sự sống của muôn loài. Nói quần linh là nhấn mạnh tới điểm linh quang mà mỗi loài đều có, vì mỗi phần tử trong vạn loại là một tiểu linh quang xuất phát từ Thượng Đế là Đại Linh Quang.
Câu 8 ý nói Trời rất thần diệu, không ai nhìn thấy hoặc biết được việc Ngài làm, nhưng tất cả vạn linh đều do Ngài sai sử.
Câu 9:
Thời : Tùy thời cơ, hoàn cảnh (in harmony with each occasion).
Thừa : Cỡi, cưỡi (to ride).
Lục long 六龍: Sáu con rồng (six dragons).
Thật ra lục long ám chỉ sáu hào dương của quẻ Kiền hay Càn . Quẻ Kiền tượng trưng cho Đạo Trời. Sáu hào còn tượng trưng cho những hoàn cảnh, thời cơ khác nhau.
Du hành 遊行: Đi lại (to travel). Hiểu theo nghĩa rộng là vận hành, vần xoay (to operate).
Bất tức 不息: Không ngừng nghỉ (unceasingly).
Câu 9 có người giảng là Trời có lúc cỡi sáu con rồng đi tuần du các nơi không ngừng nghỉ. Theo tôi, nên hiểu khác, thoát ý hơn.
Thời thừa lục long liên quan đến câu “Thời thừa lục long dĩ ngự thiên dã. Vân hành vũ thí, thiên hạ bình dã.” ([7]) (quẻ Kiền, Văn Ngôn). Du hành bất tức cùng một nghĩa với thiên hành kiện trong câu “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.” ([8]) (quẻ Kiền, Đại Tượng Truyện)
Câu 9 có thể hiểu rộng như sau: Đạo Trời vốn cương kiện, mạnh mẽ và vận hành khắp cả vũ trụ không một phút giây ngừng nghỉ. Đạo Trời biến dịch đúng theo luật tắc, phù hợp hoàn cảnh, thời cơ (thời thừa lục long).
Câu 10:
Khí : Hiểu ngầm là Nhị Khí (the Dual Powers) tức là Lưỡng Nghi hay Âm Dương (the Two Primary Principles: Yinyang).
Phân : Tách ra, phân chia ra (to separate).
Tứ Tượng 四象: Theo Dịch, Tứ Tượng (the Four Symbols) gồm mặt trời (Thái Dương), mặt trăng (Thái Âm), còn các hành tinh và các ngôi sao khác gọi chung là Thiếu Dương và Thiếu Âm.
Oát : Xoay đi ra, chuyển động hướng ra ngoài (to revolve outwards). Các bản in cũ thường in sai là hoát (rộng).
Triền : Lẽ ra đọc đúng là tuyền. Xoay trở về, quay trở lại, chuyển động hướng vào trong (to revolve inwards). Các bản in cũ thường in sai là truyền (làm cho lan xa ra, như phổ truyền, truyền bá).
Oát triền (oát tuyền): Hai chiều vận động của Đạo, còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như : ly tâm và hướng tâm, tán tụ, xuất nhập, ra vô, đi về, vãng lai...
Thánh giáo từng dạy về lẽ oát triền như sau:
Từ Đại Đạo phát sinh Tam Giáo Đạo [oát]; từ Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo [triền, tuyền].
Tam Giáo Đạo (Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo) nghĩa rộng hơn Tam Giáo phương Đông (Khổng, Thích, Lão). Tuy nhiên, theo [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 60], lấy cái tiêu biểu là Tam Giáo phương Đông, có thể minh họa câu thánh giáo nêu trên bằng lời Thầy dạy ngày 08-11-1936 về nguyên lý lập giáo Kỳ Ba như sau:
a. Từ vô vi ra hữu vi [oát]:
“Tam Giáo xưa kia lập đạo, lúc ban sơ truyền bá cơ diệu lý quang minh, bắt từ chỗ vô vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà Đạo mầu thất chánh, tâm pháp lạc sai, ấy là cơ Đạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam Giáo thất chơn truyền diệu pháp.”
b. Từ hữu vi về vô vi [triền, tuyền]:
“Còn Đạo Thầy lại trái hẳn với Tam Giáo là bắt đầu truyền đạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng mau chóng. Vả lại Đạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi là cơ siêu phàm nhập thánh. Vậy thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ Đạo dễ lưu thông; rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không hư tức là vô vi thì đạo pháp mới phát minh, cơ diệu lý huệ tâm ứng lộ, thế là Đạo Thầy không hư hoại đặng. Mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi lên riết đến tận vô vi. Còn Tam Giáo xưa lại từ vô vi mà lần lần sa sụt xuống hữu hình mới thành đạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn.”
Ngày 04-02-1966, Đức Chí Tôn dạy:
Khóa chìa con đã sẵn sàng,
Khi vào cõi tục [oát] khi sang Thiên Đình [triền].
Ngày 22-01-1974, Đức Chí Tôn dạy:
Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ,
Một ra đi [oát] một trở lại Thầy [triền, tuyền].
Xét như thế, suy ra oát triền cũng là cuộc sống của con người: nửa đời đầu lăn thân ra xã hội mưu sinh; nửa đời sau quay về với Đạo, tìm tu.


Vô biên 無邊: Không giới hạn, không bến bờ (infinitely).
Câu 10 ý nói cả vũ trụ càn khôn bao gồm các tinh cầu, thiên thể, luôn cả trái đất này, đều vận hành, luân chuyển theo luật tắc thiên nhiên là Đạo.
Câu 11:
Càn kiện (Kiền kiện) 乾健: Như đã giải ở câu 9, hai chữ này ám chỉ đạo Trời cương kiện, mạnh mẽ (the vigorous Heavenly Law).
Cao minh 高明: Vô cùng sáng suốt (extremely wise).
Vạn loại thiện ác 萬類善惡: Tất cả mọi điều lành dữ, tốt xấu của muôn loài (all the good and the bad of all creatures).
Tất kiến 悉見: Nhìn thấy thấu suốt, rõ ràng; nhìn thấy hết tất cả (to see thoroughly).
Câu 11 ý nói Trời vô cùng sáng suốt, thấy biết hết tất cả mọi điều lành dữ, thiện ác của muôn loài vạn vật.
Hai chữ tất kiến gợi nhớ câu nói dân gian: Trời cao có mắt. Đó cũng là nghĩa lý của biểu tượng Thiên Nhãn.
Câu 12:
Huyền phạm 玄範: Cái khuôn mầu nhiệm, ám chỉ luật tắc của Tạo Hóa (the Heavenly Law). Theo triết học, huyền phạm ngụ ý nói tới Thượng Đế vô ngã.
Quảng đại 廣大: Rộng lớn (extensive).
Nhứt (nhất) toán 一算: Một sự tính toán (a reckoning).
Họa phước 禍福: Điều tai họa và phước lành (misfortune and fortune).
Lập phân 立分: Phân định rõ ràng (to make a clear decision).
Câu 12 ý nói luật Trời rộng lớn, phân định rạch ròi từng điều họa phước.
Có thể hiểu thêm như sau: Hễ con người vừa manh mún một ý nghĩ, mưu toan, dù chưa thi hành mà luật Trời đã phân định tội hay phước cho nghiệp ý đó rồi.
Câu 13-14:
Thượng : Ở trên (above).
Chưởng : Cai quản (to manage, to superintend, to control).
Tam thập lục thiên 三十六天: Ba mươi sáu từng trời (the thirty-six celestial spheres). Theo đạo Lão, trời cao có chín tầng, gọi là cửu trùng, cửu tiêu, cửu giai, cửu thiên. Mỗi tầng lại có thêm ba tầng nữa, tổng cộng là (4x9) ba mươi sáu tầng trời.
Tam thiên thế giới 三千世界: Thường được hiểu là ba ngàn thế giới (the three thousand worlds). Nhưng theo Trung Anh Phật Học Tự Điển của Soothill và Hodous, tam thiên thế giới là cách gọi tắt của tam thiên đại thiên thế giới 三千大千世界.
Thái dương hệ 太陽系 chứa cõi địa cầu này là một thế giới. Cứ 1.000 thái dương hệ hợp thành một tiểu thiên thế giới 小千世界. Cứ 1.000 tiểu thiên thế giới hợp thành một trung thiên thế giới 中千世界. Cứ 1.000 trung thiên thế giới hợp thành một đại thiên thế giới 大千世界.
Vì một đại thiên thế giới là 1.000x1.000x1.000 (tam thiên, ba ngàn) thái dương hệ nên một đại thiên thế giới cũng gọi là tam thiên đại thiên thế giới.
Hạ : Ở dưới, bên dưới (below).
Ốc : Lẽ ra đọc đúng là ác. Nắm giữ, cai quản (to manage, to control, to superintend). Cùng nghĩa với chữ chưởng ở trên.
Thất thập nhị địa 七十二地: Bảy mươi hai quả địa cầu (the seventy-two globes). Theo giáo lý Cao Đài, trái đất hiện nay là quả địa cầu 68. Sau Hội Long Hoa con người sẽ tiến hóa lên quả địa cầu 67.
Tứ đại bộ châu 四大部洲: Cũng gọi tứ châu, tứ đại châu (the four great continents).
Theo Phật Giáo, đó là Câu Lư Châu ở phương Bắc, Thiệm Bộ Châu ở phương Nam (chính là trái đất hiện nay), Ngưu Hạ Châu ở phương Tây, Thắng Thần Châu ở phương Đông.
Với cách hành văn như trên, câu 13-14 dễ khiến ta hiểu rằng trên thì Thượng Đế cai quản ba mươi sáu từng trời, ba ngàn thế giới và dưới thì Ngài trông coi bảy mươi hai địa cầu, bốn bộ châu lớn. Tức là ba mươi sáu từng trời và ba ngàn thế giới cao hơn bảy mươi hai địa cầu, bốn bộ châu lớn.
Tuy nhiên, theo [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1928: 57], ngày Chủ Nhật 19-12-1926 Đức Chí Tôn dạy như sau:
Nhơn phẩm nơi thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Đứng bực đế vương nơi trái địa cầu nầy chưa đặng vào bực chót của địa cầu 67. Trong địa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quý trọng của mỗi địa cầu càng tăng thêm hoài, cho tới đệ nhứt cầu, tam thiên thế giái; qua khỏi tam thiên thế giái thì mới đến tứ đại bộ châu; qua tứ đại bộ châu ([9]) mới vào đặng tam thập lục thiên; vào tam thập lục thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành nữa mới đặng lên đến Bạch Ngọc Kinh, là nơi đạo Phật gọi là niết bàn đó vậy.”
Như thế, dễ suy và hiểu rằng trái đất (địa cầu 68) thấp hơn địa cầu 67 và cao hơn các địa cầu 69-72. Đứng đầu thất thập nhị địa (72 địa cầu) là địa cầu số 1.
Thất thập nhị địa thấp hơn tam thiên thế giái (3000 thế giới).
Tam thiên thế giái thấp hơn tứ đại bộ châu (4 bộ châu lớn).
Tứ đại bộ châu thấp hơn tam thập lục thiên (36 tầng trời).
Tam thập lục thiên thấp hơn Bạch Ngọc Kinh (niết bàn).
Căn cứ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển như trên, có thể tạm hình dung thứ bậc trong vũ trụ từ thấp lên cao như sau:



Vậy hai chữ thượng, hạ trong kinh không nên hiểu là ở trên, ở dưới. Nên hiểu hai câu 13-14 là khắp nơi, khắp tất cả tam thập lục thiên, tam thiên thế giới, thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu đều do Thượng Đế chưởng quản.
Câu 15:
Tiên thiên 先天: Vũ trụ trước khi hình thành, vũ trụ hỗn mang (the former heaven).
Hậu thiên 後天: Vũ trụ sau khi hình thành (the later heaven).
Tịnh : đều như nhau, không khác (equally).
Dục : Nuôi nấng (to nourish, to bring up).
Tịnh dục: Đều dưỡng nuôi y như nhau. Hai chữ này trong Trung Dung, chương 30, mang nghĩa hơi khác: “Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại.” ([10]) (Muôn vật nuôi dưỡng nhau mà không làm hại nhau.)
Đại Từ Phụ 大慈父: Đấng Cha rất hiền (ám chỉ Thượng Đế: Heavenly Father the Great Mercy).
Câu 15 ý nói Thượng Đế là Đấng Cha Lành lặng lẽ dưỡng nuôi cả cõi tiên thiên và hậu thiên.
Câu 16 :
Cổ ngưỡng, kim ngưỡng 古仰今仰: Xưa ngưỡng kính nay cũng kính ngưỡng (to be respectfully worshipped at present and in the ancient time).
Phổ tế 普濟: Cứu giúp rộng khắp (to help all).
Tổng Pháp Tông 總法宗: Ông Tổ của tất cả các giáo pháp (the Ancestor of all doctrines).
Câu 16 ý nói xưa và nay bao giờ cũng kính ngưỡng Thượng Đế là ông Cha rất hiền và là ông Tổ của vạn pháp hay cứu giúp rộng khắp muôn loài.
Câu 17-18:
Nãi : Là, làm (to be).
Nhựt (nhật) nguyệt tinh thần chi quân 日月星辰之君: Đấng đứng đầu làm chủ mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao (tinh thần)... tức là vua của cả càn khôn thế giới (the emperor of the whole universe).
Vi : Làm, là (to be).
Thánh Thần Tiên Phật chi chủ 聖神仙佛之主: Làm chủ tất cả Thần Thánh, Tiên Phật (the lord of all heavenly powers).
Câu 17-18 ý nói Thượng Đế còn là chủ tể càn khôn thế giới, đứng đầu tất cả các đấng thiêng liêng.
Câu 19-20:
Trạm : Trong trẻo, không bợn nhơ; sâu dày (clear; deep).
Tịch : Lặng lẽ, im lìm (quiet, silent).
Trạm tịch: Lặng lẽ, sâu kín.
Chơn (chân) đạo 真道: Chánh đạo (the True Way).
Khôi : To tát (great).
Mịch : Bao la, mênh mông (vast, immense). Lẽ ra nên đọc là mạc.
Khôi mịch: Bao la, to tát. Lẽ ra nên đọc là khôi mạc.([11])
Tôn nghiêm 尊嚴: Vẻ uy nghiêm, tôn kính (dignity).
Câu 19-20 ý nói Đạo Trời lặng lẽ, sâu xa, kín nhiệm, và vô cùng uy nghiêm.
Câu 21:
Biến hóa vô cùng 變化無窮: Biến hóa không có chỗ giới hạn (infinite transformation).
: Thường, luôn (frequently, constantly).
Truyền : Truyền dạy (to preach); lưu truyền (to hand down).
Bửu (bảo) kinh 寶經: Kinh quý (precious scriptures).
: Để mà (so as to, in order to).
Giác thế 覺世: Giác ngộ người đời, làm cho người đời thức tỉnh, hết mê muội (to awaken mankind).
Câu 21 ý nói Đạo Trời biến hóa vô cùng. luôn truyền kinh báu để giác mê khải ngộ cho đời.
Câu 22:
Linh oai (uy) 靈威: Uy linh, uy nghiêm và linh thiêng (majesty and sacredness).
Mạc trắc 莫測: Không thể lường được (immeasurable).
Thường : Thường hay, thường xuyên (constantly, frequently).
Thi : Ban bố (to grant, to bestow).
Thần giáo 神教: Lời dạy diệu mầu (sacred teachings).
: Để mà (so as to, in order to).
Lợi sanh 利生: Làm ích lợi cho chúng sanh (to benefit all living beings).
Câu 22 ý nói uy linh của Trời không thể lượng biết và Trời luôn ban lời giáo huấn diệu mầu để giúp ích cho chúng sanh.
Câu 23-24:
Hồng : To tát, lớn lao (great).
Hồng oai (uy) hồng từ 洪威洪慈: Uy linh và từ bi rất lớn (great majesty and mercy).
Vô cực 無極: Không cùng tận, không giới hạn (without limits, infinite).
Vô thượng 無上: Cao trổi hơn hết thảy, không còn ai cao hơn nữa (supreme).
Đại thánh 大聖: Đức thánh lớn (great holiness).
Đại nguyện 大願: Lời nguyện lớn (great pledge).
Đại tạo 大造: Công sáng tạo to tát (great creation).
Đại bi 大悲: Lòng thương xót lớn lao (great compassion).
Câu 23-24 ngụ ý xưng tán Trời về nhiều phương diện như uy linh, tình thương, công đức tạo dựng muôn loài, đại nguyện cứu đời, v.v...
Môn sanh Cao Đài đều biết rằng trước khi xuống thế mở đạo Kỳ Ba Thầy đã lập đại nguyện. Đức Chí Tôn dạy:
“Nên hội Tam Giáo Công Đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh.
“Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.” ([12])
Muôn kiếp các con chịu lạc đường,
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương,
Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật,
Lập Đạo không thành chịu tội ương.([13])
Câu 25-26:
Huyền Khung 玄穹: Vòm trời sâu thăm thẳm (profound canopy).
Cao Thượng Đế 高上帝: Đức Thượng Đế trên cao; nay thường hiểu là Đức Thượng Đế Cao Đài (Caodai God).
Ngọc Hoàng 玉皇: Tức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Đế (the Jade Emperor).
Câu 27-28-29:
Tích phước 錫福: Ban phước (to bestow blessings).([14])
Hựu tội : Xá tội (to forgive sins).
Đại Thiên Tôn 大天尊: Đấng được cõi trời rất tôn kính (the One greatly honored by the Heaven).
Câu 25-29 ngụ ý xưng tán Trời với các hồng danh khác như Ngọc Hoàng, Huyền Khung Cao Thượng Đế, Đại Thiên Tôn, là đấng hằng ban phước, xá tội cho chúng sanh.
TỔNG LUẬN
Con người tôn giáo và con người triết lý nhìn Thượng Đế theo hai quan niệm khác nhau. Người tôn giáo có xu hướng nhìn Thượng Đế là Trời hữu ngã (personal God). Người triết lý nhìn Thượng Đế như là Trời vô ngã (impersonal God).
Nhìn Trời là Đấng hữu ngã, thi nhân cho rằng Trời cũng có những tình cảm mà con người suy diễn từ chính mình:
Trẻ Tạo Hóa ([15]) đành hanh quá đáng,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Lạ gì bỉ sắc tư phong,([16])
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
(Kiều)
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)
Ca dao Việt Nam vẽ nên hình ảnh Trời hữu ngã rất hóm hỉnh:
Ngồi buồn đốt một đống rơm,
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào.
Khói lên đến tận Thiên Tào,
Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?
Những hình ảnh, những tính cách được con người “gán” cho Thượng Đế như thế đã nói lên rằng con người có quan niệm coi Trời và người là đồng loại. Đây cũng là quan điểm Thiên nhân đồng hình (anthropomorphism).
Để diễn giải quan niệm này một cách giản dị, một đại sư (swami) Ấn Độ đã phát biểu: Nếu như con cá cũng có khái niệm về Thượng Đế, thì nó sẽ hình dung Thượng Đế là một con cá to lớn, đẹp đẽ và dũng mãnh hơn nó vô vàn.
Ở phương Tây, nhìn Trời là Đấng vô ngã, các triết gia dùng nhiều thuật ngữ khác khác nhau để gọi Trời vô ngã. Platon (khoảng 428-347 trước Công Nguyên) gọi Trời vô ngã là Thiện Thể (le Bien). Aristote (384-322 TCN) gọi là Nguyên Nhân Thứ Nhất (la Cause Première). Héraclite (khoảng thế kỷ thứ sáu, thứ năm TCN) gọi là Logos. Với Kant (1724-1804), Trời vô ngã là một Lý Tưởng và con người có thể suy tư (penser) về Ngài nhưng không thể biết được (connaitre) Ngài.
Ở Trung Quốc, đạo Lão quan niệm Trời là Đấng hữu ngã, nên gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, và cũng quan niệm Trời là Đấng vô ngã nên gọi là Nguyên Thủy Tổ Khí, Vạn Tượng Chủ Tể, Tạo Hóa Chi Nguyên, Huyền Tẫn Chi Môn, Thiên Địa Linh Căn, Tiên Thiên Nhất Khí, Đạo...
Do đó đã có thêm quan niệm thứ ba: Đức Thượng Đế vừa hữu ngã, vừa vô ngã (personal and impersonal God).
Bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo trong Kinh Cúng Tứ Thời của đạo Cao Đài, khi mở đầu nói Đại La, nói Thái Cực là hàm nghĩa Trời vô ngã; và kế đó nói Thiên Đế, nói Thánh Hoàng là ngụ ý Trời hữu ngã. Câu 1 kết hợp Đại La với Thiên Đế, câu 2 gộp chung Thái Cực với Thánh Hoàng là đã gắn quan niệm hữu ngã liền với vô ngã.
Quan niệm Trời vừa hữu ngã vừa vô ngã được phản ánh qua hồng danh của Đức Thượng Đế khi Ngài xưng là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cao Đài (cái đài cao) là vô ngã.
Tiên ÔngĐại Bồ Tát Ma Ha Tát là hữu ngã.
Như thế, theo Cao Đài, Thượng Đế là hữu ngã, là vô ngã, và đồng thời lại là hữu ngã và vô ngã tương dung (cũng như phương Tây quan niệm Trời là Dieu à la fois personnel et impersonnel).
*
Con người đức tin và con người duy lý tìm đến Thượng Đế và cảm nhận được sự hiện hữu của Thượng Đế theo những cách khác nhau. Mọi quan niệm về Thượng Đế chắc chắn đều phiến diện, nhưng trên hết tất cả, cho dù con người có chấp nhận hay không chấp nhận Thượng Đế thì đức hiếu sinh của Trời vẫn không vì thế mà thay đổi:
Con có thánh tâm sẽ có Thầy,
Thầy là Cha Cả của Đông Tây,
Tây Đông dù biết hay không biết,
Thì đức háo sanh cũng thế này.
Cao Đài Thượng Đế (15-01 Đinh Tỵ, 04-3-1977)
Qua bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo, con người thế gian biết được Trời có nhiều hồng danh khác nhau. Mỗi một hồng danh (tên gọi) phản ánh một góc cạnh mà con người quan niệm về Đức Thượng Đế. Phải chăng con người càng có nhiều quan niệm khác nhau về Trời thì Đức Thượng Đế càng có nhiều hồng danh hay tôn hiệu khác nhau?
Sang qua Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế xuống trần xưng là Cao Đài và gọi đó là tá danh − cái tên tạm mượn để làm phương tiện dẫn dắt con cái trần gian trở về cứu cánh miên viễn của mỗi con người.
Danh xưng của Đức Thượng Đế đã là phương tiện tạm mượn thì thế gian dẫu có xưng tán Đức Ngọc Hoàng Thiên Tôn bằng bao nhiêu ngôn từ mỹ miều cao quý cũng vẫn quẩn quanh trong vòng phương tiện tạm mượn. Điều cốt tủy là con người nên biết nương vào các phương tiện tạm mượn ấy mà tự tu và nội tu để tự cứu mình trở về với Đức Thượng Đế.
Có vượt lên khỏi hình danh ngôn ngữ, có thoát ra ngoài sắc tướng kệ kinh, bấy giờ con người ắt sẽ lãnh hội được diệu lý nhiệm mầu trong lời dạy sau đây của Đức Thượng Đế:
Tự con nhận hiểu đủ rồi,
Tên nào cũng phải, ngược xuôi làm gì.
Tu đi con hãy tu đi,
Tên nào cũng được, ngại chi con hiền.
Hiểu rằng nghiệp quả trần duyên,
Tên là cái giả triền miên muôn đời.
Xuống lên lên xuống luân hồi,
Đến tên Ngọc Đế mấy hồi đổi thay.
Khi xưng Giáo Chủ Cao Đài,
Khi xưng Thiên Chúa, khi khai Di Đà.
Lắm hồi Bồ Tát Ma Ha,
Bao lần Khổng, Mạnh cũng Già này đây.
Khuyên con an dạ từ rày,
Nghiệm suy cho hiểu lời Thầy định phân.
Thiên Lý Đàn, 30-12 Giáp Thìn (01-02-1965)
Bổ túc 09-8-2009
HUỆ KHẢI



([1]) Văn biền ngẫu từng cặp đối nhau như hai con ngựa chạy song song, nhờ vậy đọc lên có âm điệu nhịp nhàng. Kinh kệ muốn cho du dương, trầm bổng đều làm theo thể biền ngẫu, trong đó các chữ đều đối nhau.
([2]) Giảng “Pháp tông là giáo lý của một tôn giáo” thì không đúng với trật tự chữ Hán. (HK)
([3]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý xuất bản.
([4]) Dù hết sức cố gắng, chắc chắn tôi vẫn không thể tránh được lầm lẫn trong muôn một. Điều chân thành mong ước và biết ơn là sẽ có nhiều ý kiến quý báu đóng góp cho khảo luận nhỏ này.
([5]) Lẽ ra đọc là miểu miểu. Xem thêm trang 51-53.
([6]) 天何言哉! 时行百物生焉天何言哉!
([7]) 時乘六龍以御天也, 雲行雨, 施天下平也.
([8]) 天行健, 君子以自强不.
([9]) Các bản in về sau thiếu năm chữ qua tứ đại bộ châu.
([10]) 萬物並育而不相害.
([11]) Xem thêm trang 53.
([12]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 54]
([13]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 58]
([14]) Chữ tích là ban cho được dùng thông với chữ tứ cũng là ban cho. Thí dụ: Thiên Quan tứ phước 天官賜福 (vị quan của Trời ban phúc cho dân, tức là vua Nghiêu).
([15]) Trẻ Tạo Hóa tức là Hóa Nhi 化兒, là Con Tạo.
([16]) Bỉ sắc tư phong 彼嗇斯豐 là được mặt này thì mất mặt kia.