Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

4/7. Tiếng Nói Tri Âm / LÒNG CON TIN ĐẤNG CAO ĐÀI


Bá Nha và Tử Kỳ


Tiếng Nói Tri Âm

Thời Xuân Thu có Bá Nha làm quan thượng đại phu nước Tấn, chơi đàn tuyệt giỏi, thường phàn nàn thiên hạ hiếm người thưởng thức được tiếng đàn của ông. Một lần đi sứ nước Sở, trở về đến sông Hán Dương, trăng thanh gió mát hữu tình, Bá Nha cho quân ghé thuyền vào bờ, đem đàn ra khảy. Nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai quân lính lên bờ lục soát, bắt được người đốn củi là Chung Tử Kỳ.
Tử Kỳ thanh minh rằng ông không phải quân bất lương, chỉ tình cờ nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Bá Nha hỏi: “Hồi nãy ta đàn bản gì?” Tử Kỳ đáp: “Thưa quan lớn, là bản Khổng Tử khóc Nhan Hồi.”
Bá Nha giật mình, trân trọng mời Tử Kỳ xuống thuyền. Nắn phím so dây, Bá Nha vừa đàn vừa nghĩ tới cảnh non cao. Tử Kỳ tấm tắc: “Lành thay! Cao vút như núi Thái.” Khi Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy. Tử Kỳ tán thán: “Lành thay! Mênh mông như giang hà.” ([1])
Bá Nha vô cùng sung sướng, bởi vì Tử Kỳ chỉ cần nghe tiếng đàn mà biết rõ tâm chí của mình. Không câu nệ kẻ là quan thượng đại phu, người chỉ là ông tiều kiếm củi, Bá Nha kết bạn với Tử Kỳ. Do tích này, hai tiếng tri âm   được dùng để nói về những người hiểu thấu bụng dạ nhau, dù có thể chưa biết mặt, chưa quen nhau.
Giả Đảo (788-843) đời Đường khổ công làm thơ, trong ba năm gieo vần được hai câu tâm đắc, rồi không khỏi cảm khái:
Nhị cú tam niên đắc,
Nhất ngâm song lệ lưu.
Tri âm như bất thưởng,
Quy ngọa cố sơn thu.([2])
Dũ Lan dịch:
Ba năm làm được hai câu,
Một lần ngâm để rơi châu đôi hàng.
Tri âm như chẳng hiểu chàng,
Quay về núi cũ nằm tràn với thu.
Người bình dân cũng thèm bạn tri âm. Ca dao có câu:
Mông mênh góc biển chân trời,
Biết trong thiên hạ ai người tri âm?
Như vậy, diễm phúc to lớn là có tri âm. Thiếu tri âm là một thiệt thòi, trống vắng khó bù đắp.
Từ khi ra đời tới nay, qua ba phần tư thế kỷ, có một điều hy hữu thế gian là tình tri âm không hề thiếu vắng trong đạo Cao Đài. Người tín đồ mặn mà với Đạo đều cảm nhận rất rõ rằng tâm hồn mình hầu như luôn luôn được nhuần gội một tình tri âm thiêng liêng, bàng bạc mà sâu sắc.
Mắt phàm không thấy được hình bóng các Đấng thiêng liêng qua ngọn linh cơ; chỉ có lời thanh cao giọng bổng trầm truyền ra từ phương tiện trung gian là đồng tử. Vậy cớ sao nghe thấu tâm can, nghe lòng rưng rưng xúc động?
Khi những âm thanh ấy được tái hiện bằng nét chữ trên trang giấy, người đọc thánh giáo thánh ngôn tuy vẫn không nhìn thấy bóng dáng Ơn Trên, mà cớ sao rất dễ chạnh lòng, để cho nét chữ bỗng nhòe theo làn nước mắt?
Trước đây hai mươi lăm, hai mươi sáu năm, có kẻ thanh niên chưa biết đạo Cao Đài là gì, tánh ham văn chương, mê đọc sách. Thấy vậy, một cô bạn học cùng trường bèn cho mượn quyển Đại Thừa Chơn Giáo. Đó là nhân duyên khiến cho kẻ ấy mon men tiếp cận với đạo Cao Đài.
Kẻ ấy đọc say mê, được hơn hai mươi trang thì tới đoạn Đức Cao Đài dạy:
“Nên hội Tam Giáo Công Đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa, độ tất cả đám quần sanh.
“Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành, Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.” ([3])
Tuy chưa biết ông Cao Đài là ai, tự dưng đọc tới đó thì cả người hắn nổi gai ốc, nước mắt tuôn trào mà không làm sao giải thích được lý do. Và cũng kể từ buổi đó, dù chưa nhập môn và cũng chưa hề đặt chân tới bất kỳ một thánh thất nào, trong thâm tâm hắn đã tự coi mình là môn đệ Cao Đài rồi.
Những trải nghiệm tương tự như thế chắc chắn không lạ gì với người tín đồ Cao Đài. Đó cũng là một tình cảm thiêng liêng, đến nhẹ nhàng tự nhiên, âm thầm kín đáo, mà chứa chan và thấm thía biết bao nhiêu!
Đạo Sử Xây Bàn của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu (1887-1971) có chép thánh giáo ngày 23-10 Bính Dần (27-11-1926). Bấy giờ tiền bối Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) đang lo làm thánh tượng Thiên Nhãn. Đức Cao Đài dạy:
“Thơ! Con làm thánh tượng vậy đặng, con phải tính thế in cho nhiều một lần thì giá rẻ chút ít nghe.”
Không rõ tiền bối Nguyễn Ngọc Thơ bộc bạch điều chi mà Đức Cao Đài dạy tiếp rằng:
“Đặng con. Thầy biết một điều là trong hàng em út các con đều là phần nghèo; một đồng nó đỡ một đồng nghe con.”
Chuẩn bị cất Tòa Thánh Tây Ninh, tại chùa Gò Kén ngày 27-01 Đinh Mão (28-02-1927), Đức Lý Giáo Tông vẽ họa đồ thiết kế một kiến trúc hết sức to tát, cho thật tương xứng với tầm cỡ của đạo Cao Đài trong tương lai xa như Thiên cơ đã định. Chỉ riêng cái nền mà đã “cao từ đất lên thềm chín thước Lang Sa”. Một đàn cơ sau đó Đức Cao Đài dạy tiền bối Nguyễn Ngọc Thơ rằng:
“Thầy chẳng đành. Thảng như tốn kém nhiều, các con coi theo họa đồ tính làm theo thước mộc,([4]) nghe à.”
Dù thế, ngày 07-02 Đinh Mão (08-3-1927), tại chùa Gò Kén, tiền bối Nguyễn Ngọc Thơ vẫn xin đắp nền Tòa Thánh cao chín mét, thì Thầy dạy:
“Tốn kém nhiều lắm con ơi!”
Sau đó, Đức Lý Giáo Tông về dạy:
“Cười... Họa đồ của Lão, Chí Tôn chê và trách rằng hao phí vô nền nặng lắm. Chí Tôn sửa lại...”
Đọc sử đến đấy mà thương. Một ông Trời làm Chúa Tể cai quản khắp vũ trụ càn khôn nhưng vẫn lo lắng nêu gương tiết kiệm cho môn đệ. Tiết kiệm đến từng đồng. Và hiểu ra, khi Đức Cao Đài dạyThầy là cơ thể của thương yêu thì đó không hề là lời nói trừu tượng, hoa mỹ.
Người hành đạo biết nhớ học gương tiết kiệm của Thầy thì có thể răn lòng, có thể tỉnh táo tránh xa mọi hà lạm tiền bạc của nhơn sanh.
Mấy năm gần đây, đọc báo chí trong nước, thấy phanh phui những kẻ lạm quyền. Trong lúc dân đen còn cùng cực, nghèo khổ, họ dám vẽ vời những công trình trời ơi đất hỡi để xài công quỹ vài trăm tỷ đồng dễ dàng như xài tiền lẻ, thì càng ngậm ngùi, càng thấm thía lời dạy tiết kiệm của Đức Chí Tôn, và hiểu thêm rằng tuy đời đạo không phân hai, nhưng trong ứng xử nhân tình thì đạo vẫn có chỗ khác hơn đời rất nhiều.
Trở lại với sự cảm thụ thánh giáo. Người tín đồ có thể nhận biết rõ tình thương yêu của các Đấng thiêng liêng mỗi khi lòng rưng rưng theo dòng thánh giáo.
Tại sao thế? Phải chăng vì có một mối tri âm tương thông nối kết, nên mọi phân cách giữa hai cõi sắc tướng và vô vi đều được nhiệm mầu hóa giải? Đức Cao Triều Phát dạy:
Hiển u tuy có cách nhau xa,
Tình nghĩa thiêng liêng vẫn mặn mà.
Trách nhiệm điểm tô nền Đại Đạo,
Cũng đồng con quý của Trời Cha.([5])
Lời dạy này cho hiểu thêm ý nghĩa hai chữ đạo mạchHuyết mạch liên kết những người cùng một dòng tộc với nhau. Đạo mạch không những liên kết tín đồ với tín đồ mà còn liên kết người trần mắt thịt với các Đấng thiêng liêng cõi thượng trong cùng sứ mạng hoằng giáo Kỳ Ba.
Do đạo mạch mà Tiên Thánh vẫn xem kẻ phàm trần là anh em. Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy:
“Thật ra, trước Đấng Chí Tôn, chúng ta tất cả là anh em.”.([6])
Do đạo mạch mà Đức Bạch Liên Tiên Trưởng (thế danh Phan Thanh, 1898-1952) đã gọi kẻ phàm trần là cố hữu (bạn cũ). Đức Bạch Liên Tiên Trưởng dạy:
“Tuy là kẻ dương gian, người tiên cảnh, tình bạn đạo thuở nào nay vẫn còn lưu luyến, và trách nhiệm cũng hòa đồng như nhau.”([7])
Có lần Đức Mẹ hỏi làm sao có thể nghe được âm thanh của cây địch không lỗ hay âm thanh của cây đàn không dây. Câu hỏi giống như một công án thiền. Tùy sự tu học bản thân, mỗi người có một kiến giải khác nhau. Riêng trộm hiểu, âm thanh của cây địch không lỗ hay của cây đàn không dây là âm thanh của vô thanh. Không thể nghe bằng tai mà phải nghe bằng tâm. Tiếng nói của Thầy, Mẹ và các Đấng thiêng liêng qua ngọn linh cơ cũng vậy. Chỉ có nghe và hiểu bằng tâm thì tri âm mới gặp tri âm.
Đối với Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, thánh giáo của các tiền bối khai Đạo là một dòng tri âm rất đặc biệt.
Thành lập đầu năm 1965, Cơ Quan là bộ máy sau cùng của Đạo. Ngay mấy năm đầu tiên, các tiền bối khai Đạo thường xuyên trở lại cõi trần ban trao lời châu tiếng ngọc, và lúc nào cũng gieo vào lòng người sau những tâm tình rung cảm thiết tha, un đúc cho đàn em hoài bão của cả một thế hệ tiền nhân quá vãng.
Giữa các bậc tiền khai và đàn em hậu tấn hầu như không có khoảng cách. Một phần vì thời gian hành đạo của các ngài tính cho tới nay cũng chỉ trong vòng ba phần tư thế kỷ. Tâm tư và hành trạng các ngài lúc còn tại thế có lẽ ở một mức độ nào đó cũng không quá đỗi khác biệt so với tâm tư và hành trạng lớp đàn em thời đại bây giờ.
Những khi trở lại trần gian qua ngọn linh cơ, các tiền khai dành rất nhiều thời gian kết liên tình đạo mạch, đỡ nâng, rèn đúc tâm chí can trường thiết thạch cho lớp lớp đàn em tiếp nối. Mỗi vị một cách, mỗi vị một nét tâm tình. Hoặc nhắc sứ mạng hoằng giáo độ nhân, nhắc căn kiếp khi xưa, nhắc lời đại nguyện, nhắc đạo nghiệp sinh thời. Hoặc bày tỏ nỗi ưu tư trước sứ mạng còn dài mà biết cậy trông ai gánh vác...
Tiếp Pháp Trương Văn Tràng (sinh năm1893) quy thiên tháng 02-1965, thọ bảy mươi ba tuổi. Năm sau trở về hội ngộ, Ngài tỏ lòng thông cảm với đàn em về nỗi buồn ly biệt:
Kẻ ở người đi gẫm cũng buồn,
Xét ra mỗi phận mỗi vai tuồng.
Miễn sao sứ mạng nơi trần thế,
Hành đạo phải hành chẳng nói suông.([8])
Tiền khai Đoàn Văn Bản (1876-1941) khi trở lại trần gian có lần bày tỏ:
Nhìn huynh đệ lòng thương và đau như cắt,
Ngó anh em rồi lệ mắt bỗng rưng rưng.
Muốn viết luôn, tay lại ngập ngừng...([9])
Tiền bối Phan Thanh rời quê hương Việt Nam sang Anh truyền đạo (1951); rồi qua Pháp phổ hóa đạo Thầy (1952). Nhưng định mệnh an bài, ngài quy thiên ở Versailles (Pháp), dở dang chí lớn. Mười lăm năm sau trở lại trần gian, Đức Bạch Liên Tiên Trưởng (Phan Thanh) tỏ rõ nỗi niềm:
Non nước xa vời cảnh Á Âu,
Vì thương dân đạo mới đương đầu.
Trùng dương bao nệ dòng thương hải,
Muôn dặm sá gì cuộc bể dâu.
Chí dốc hoằng dương cơ chánh giáo,
Lòng mong quảng bá pháp siêu mầu.
Hay đâu định mệnh bao nhiêu đó,
Kẻ ở người đi cũng tủi sầu.([10])
Tiên Thánh là các đấng không còn bị thất tình lục dục chi phối, tác động. Nên sẽ không khỏi có người thắc mắc khi thấy trong thánh giáo Cao Đài vẫn có chỗ dành cho những giọt lệ, cho nhớ thương, buồn tiếc, xót xa...
Thực ra, xét cho kỹ, những tình cảm ấy rất thanh cao, thánh thiện, vì đó là tình cảm gắn liền với sứ mạng Kỳ Ba cứu thế.
Các tiền khai Đại Đạo, sinh thời mỗi vị một sở trường, mỗi người một địa phương hoằng giáo, tâm tư các vị có thể cũng không tránh khỏi một nỗi niềm riêng. Nhưng sau khi rũ bỏ xác phàm, từ cõi thượng trở về phàm giới, các Đấng đều chung một tiếng nói, đều san sẻ chung một tấm lòng. Trong đó, có nỗi luyến tiếc phải trả bỏ xác phàm quá sớm. Sớm không phải vì so với tuổi tác, mà sớm vì đạo nghiệp dở dang.
Đức Đoàn Văn Bản trải lòng qua ngọn linh cơ:
Buồn là buồn chưa làm nên đạo nghiệp,
Thương là thương số kiếp chẳng cho thêm...([11])
Quy thiên (1951) năm bảy mươi mốt tuổi, buổi trùng lai Đức Nguyễn Ngọc Tương thổ lộ:
Thương vì nhục thể sớm tiêu tan,
Đạo nghiệp đành cam chịu dở dang...([12])
Quy thiên (1934) ở tuổi năm mươi chín, sau tám năm liên tục hành đạo, đến lúc tái ngộ đàn em Đức Thượng Trung Nhựt không giấu nỗi ngậm ngùi:
Gánh đạo vừa mang được nửa đường,
Éo le lại gặp phải vô thường.
Bao nhiêu chí cả chưa thành tựu,
Tiên cảnh hồng trần mãi vấn vương.([13])
Tiền bối Lê Kim Tỵ (1893-1948) bình sinh mải bôn ba, dãi dầu với Đạo, từng chịu cảnh tù đày nơi rừng sâu nước độc. Quy thiên ở tuổi năm mươi bảy, Ngài vẫn không thể vui hưởng cảnh nhàn. Đầu xuân Bính Ngọ, mượn ngọn linh cơ, Đức Lê Kim Tỵ tâm tình:
Nay về chốn Tiên tòa cảnh cũ,
Tệ Huynh nào vui thú chi đâu.
Nhiệm vụ xưa mấy lúc dãi dầu,
Chưa thành đạt lòng này còn luyến tiếc.([14])
Đạo nghiệp tiền nhân dở dang không phải vì người xưa thiếu kế hoạch hay chưa dốc sức dốc tài. Trái lại, đó là một lẽ huyền vi của cơ Trời máy Tạo.
Quy thiên (1959) ở tuổi bảy mươi, mười năm sau có lần trở về Đức Phạm Công Tắc đã phân tỏ cho đàn em hiểu phần nào nỗi éo le đó:
Những việc từ xưa đã sắp bày,
Nhưng chưa tiện nói để ai hay.
Trớ trêu con Tạo chia đôi ngả,
Đạo nghiệp linh đinh đến nỗi này.([15])
Đức Phạm Hộ Pháp dạy tiếp:
“... bao nhiêu sứ mạng đã sắp bày, bao nhiêu kế hoạch đã định sẵn, chỉ chờ thời gian tuần tự tiến hành. Nhưng than ôi! Lòng người thời vậy mà thời cơ chưa được vậy! (...) Cơ đạo lúc bấy giờ luôn luôn ứng phó xoay trở với bao nhiêu áp lực từ bên ngoài đưa đến. Dầu tài cán đến bực nào cũng không làm sao tiến hành cho kịp lúc.”
Với dòng thánh giáo chỉ bày triết lý cao siêu, con đường tu tâm dưỡng tánh, phương pháp thiền định giải thoát, v.v... đạo Cao Đài có điểm chung đồng với các tôn giáo khác. Nhưng với dòng thánh giáo chở chuyên tâm sự người xưa như dẫn trên, hầu như đây là một nét riêng, độc đáo của đạo Cao Đài.
Thử hỏi, tại sao các tiền bối lại nhiều phen nhọc công trở lại cõi trần để giãi bày nỗi lòng? Câu trả lời có thể tìm thấy qua lời dạy của Đức Thượng Trung Nhựt và Đức Ngọc Lịch Nguyệt:
“Lời thành thật Tiên Huynh nói đây để các em hiểu cho các anh, dầu được về nơi cõi thượng, nhưng cũng vẫn hành đạo trong sứ mạng của mình. Tiên Huynh mong rằng lời nói hôm nay các em hãy xem là tất cả tấm lòng ưu ái của các anh đối với các em nơi cõi thượng.” ([16])
Là bậc chân tu yêu nước thương dân, tháng 9-1954 tiền bối Cao Triều Phát (sinh năm 1889) tập kết ra Bắc. Sau những năm kháng chiến gian khổ ở khắp các chiến khu, tiền bối vì tuổi già, bệnh nặng, hai giờ chiều ngày 09-9-1956 đã quy thiên tại Hà Nội. Xác phàm tiền bối gởi lại miền Bắc, lúc đầu ngay tại Hà Nội, rồi dời ra tận nghĩa trang Yên Kỳ, xã Bất Bạt (tỉnh Sơn Tây).([17]) Từ đó, chơn linh của Đức Cao Triều giong ruổi khắp nơi, góp sức vô vi vào sứ mạng Cao Đài:
Thân xác gởi dặm trường quan ải,
Hồn linh còn đi lại các nơi.
Để lo xây dựng Đạo Trời,
Chờ cơ hội đến chờ thời phục hưng.
Đem giáo lý phong thuần mỹ tục,
Cho muôn dân hưởng phút thanh nhàn.
Cho người đừng tưởng trái ngang,
Đời đời đạo đạo mà toan nghĩ lầm.([18])
Bằng cách thổ lộ nỗi niềm như vậy, các tiền bối khai Đạo đã gieo ý thức hành đạo cho đàn em tiếp nối. Lớp người sau mỗi năm nhìn lại đời mình, tuổi tác chồng chất, sức khỏe hao mòn, càng gẫm suy lời các tiền bối ắt càng lo sợ rằng bản thân mình vẫn chưa biết tận dụng hữu hiệu những ngày trần thế để hành đạo cho hiệu quả rốt ráo.
Các tiền bối ôn lại chuyện cũ, bộc bạch can tràng đều nhằm định hướng cho đàn em trên đường hoằng giáo, trong đó có cả phần giúp đàn em rút tỉa kinh nghiệm của những người đi trước.
Tiền bối Cao Triều Trực (1884-1968) lúc về đàn đã dạy:
“Trong tình bạn đạo, gặp lại nhau, không thể không ôn lại những gì diễn tiến từ dĩ vãng đến hiện tại, những nỗi buồn vui bại thành trên bước đường hành đạo, để giúp đỡ cho nhau những kinh nghiệm sống. Âu đó cũng là bổn phận của người đi trước. Có chỉ bảo cho nhau để lớp người sau biết những gì cần phải tránh, để làm vốn liếng thực hiện đại chí của bực hướng đạo, làm sao cho đúng với tôn chỉ khai Đạo mà Đức Chí Tôn đã định, để hoàn thành sứ mạng thế Thiên hành hóa và cũng để khỏi ân hận nuối tiếc như lớp người đã đi qua trong quá khứ.” ([19])
Nhớ lại những năm 20 của thế kỷ 20. Việc các tiền khai tuân theo lời dạy của Đức Chí Tôn qua huyền cơ diệu bút là một sự kiện rất hy hữu. Như tiền bối Ngô Văn Chiêu (sinh năm 1878), đang còn trong chốn quan trường, đang còn phải ràng buộc với các quan hệ giao tế xã hội của giới thượng lưu, thì bất ngờ mùng 1 Tết Tân Dậu (08-02-1921), Đức Cao Đài Tiên Ông giáng cơ dạy:“Chiêu, tam niên trường trai.”
Ngô tiền bối vâng lời, chẳng phải chỉ ba năm mà là ăn chay luôn từ buổi đó cho đến khi quy thiên (18-4-1932). Điều gì đã khiến Ngài trọn tuân theo lệnh dạy? Nếu giải thích bằng đức tin thì e rằng cũng chưa đủ.
Ngày 30-10 Ất Sửu (15-12-1925), ba vị tiền bối Cao Quỳnh Cư (1888-1929), Phạm Công Tắc (1890-1959) và Cao Hoài Sang (1901-1971) tuân lịnh Đức Cao Đài, mặc áo dài đội khăn đóng chỉnh tề, cùng ra hết ngoài đường mà quỳ giữa chốn đông người qua lại, để vọng Thiên cầu đạo. Đã thế, nhà thơ Bồng Dinh (trong chỗ quen biết) tình cờ bắt gặp, còn đứng sán một bên, ngâm nga thơ phú... Một việc làm vô cùng khác thường trước ánh mắt thế nhân, tránh sao không lôi cuốn nhiều kẻ hiếu kỳ tụ lại! Năm ấy hai tiền bối Tắc, Cư đang tuổi băm sáu, băm tám; còn tiền bối Sang mới có hai mươi lăm tuổi.
Người ta ai mà chẳng có lòng hổ ngươi, mắc cỡ. Vậy thì ba con người trẻ tuổi đêm hôm ấy chắc chắn cũng phải hết sức nhẫn lòng để thi hành trọn vẹn lịnh dạy của Thầy.
Nhiều năm về sau, ngày rằm tháng 8 Kỷ Sửu, khi thuyết pháp tại Đền Thánh Tây Ninh nhân lễ Hội Yến Diêu Trì, chính tiền bối Hộ Pháp Phạm Công Tắc hồi tưởng lại đêm hôm ấy, đã chân thành thổ lộ:
“... không còn biết vị kỷ nhục nhã chi hết, giữa khoảng đường nơi châu thành Sài Gòn thiên hạ tấp nập, mà Đức Chí Tôn buộc phải quỳ ngoài đường dựa bên lề ấy, quỳ đặng cầu nguyện xin Đạo cho chúng sanh. Tội nghiệp thay, Ngài thử thách cho đến nước...”
Việc làm của ba vị Cao, Phạm năm xưa chắc chắn cũng không thể chỉ lấy đức tin mà giải thích.
Tiền bối Trần Đạo Quang (1870-1946) và các vị Thái Lão Sư khác của đạo Minh Sư đang ở vào vị trí trên là tổ dưới là các ngài; thân phận là lãnh tụ tinh thần của hàng ngàn đệ tử, làm chủ nhiều cảnh chùa ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, vinh dự to lớn đến thế, vậy mà chỉ một ngọn cơ, chỉ một lời vô hình chỉ dạy, các ngài lãnh đạo Minh Sư lập tức bỏ hết quyền lực, ngôi vị tôn quý để trở thành tín đồ Cao Đài, chịu ngang hàng với những người có khi tuổi đời còn kém hơn các ngài, công phu tu luyện và tri thức kinh điển có lẽ cũng còn non hơn các ngài ít nhiều. Việc làm của các ngài Thái Lão Sư ngày trước cũng không thể chỉ lấy đức tin mà giải thích.
Nếu đức tin không đủ giải thích, thì điều gì đã khiến cho những người có địa vị trong xã hội, có chức quyền trong tôn giáo dễ dàng gạt bỏ hết lòng tự tôn vị kỷ và sỉ diện cá nhân để tuân lời dạy vô vi qua ngọn linh cơ? Phải chăng đó là tiếng gọi thiêng liêng từ trong tiền kiếpCó lẽ là như thế. Hai đấng tiền khai Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt chung lời phân giải trên ngọn cơ linh:
“Các em ôi! Chúng Tiên Huynh đã trải qua nhiều tiền kiếp trong hai thời kỳ lập đạo, đem đạo độ đời. Đến Tam Kỳ ân xá, chúng Tiên Huynh cũng xuống hồng trần, phải mang xác phàm hóa độ người đời nơi đất Việt Nam. Chúng Tiên Huynh đã trải qua biết bao nhiêu lúc thăng trầm bĩ thới, trở ngại khó khăn, vào khám ra tù, lưu vong đất khách, hy sinh để tiếp nhận sứ mạng lập nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ năm Bính Dần cho đến ngày cổi bỏ xác phàm, rũ sạch những oan khiên nghiệp chướng.” ([20])
Các tiền khai hé lộ cho biết các ngài chính là nguyên nhân tá thế để làm sứ mạng Kỳ Ba. Các ngài là lớp tiên phong được Đức Chí Tôn phân công cho xuống thế trước để mở đường vạch lối sẵn cho đoàn người phía sau tiếp bước. Khi tiết lộ nguyên căn của mình, các tiền bối cũng nhân đó mà nhắc đàn em hậu tấn nhớ lại nguyên căn của mỗi người.
Năm 1966, Đức Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài cho biết đàn em các ngài sở dĩ có duyên với đạo Cao Đài chính vì xưa kia đã có một lời nguyện với Đức Chí Tôn:
Ngôi xưa em có nhớ cùng chăng,
Trước điện Linh Tiêu đã nguyện rằng,
Đi xuống trần gian y thánh chỉ,
Cứu đời dụng đạo để làm căn.([21])
Từ Thượng Đế ra đi, nguyên căn lớp lớp bước vào trần gian. Lẽ ra cũng sẽ có lớp lớp nguyên nhân quay về với Thượng Đế, như lời Thầy dạy:
Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ,
Một ra đi, một trở lại Thầy...([22])
Nhưng than ôi! Đi nhiều mà về ít. Bởi vì trần gian là một trận đồ bát quái, là một mê cung thừa sức cầm chân níu gót nhiều nguyên nhân hết kiếp này sang kiếp khác.
Một tiền bối Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý là Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn (1904-1973). Ngài nguyên là bồng lai tiên tử, cũng nằm trong số phận éo le đó. Tới chừng trở về được cõi thiên rồi, trong một lần thăm lại đàn em, nhớ lại kiếp người đã qua mà Ngài không khỏi ngậm ngùi than thở:
Cho hay cảnh giới hữu tình,
Men đời chưa thấm mà mình đã say.([23])
Vì thế, để giúp đàn em tỉnh ngộ trước men say cõi tục, Đức Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài vừa nhắc cho nhớ ngôi xưa vị cũ vừa cảnh tỉnh lớp người sau đừng phí uổng kiếp sống tại trần để khỏi lỡ làng đại nguyện:
Căn bản nay còn có nhớ không?
Hay là vì bận chuyện bao đồng?
Thê nhi, sự nghiệp, cùng chung đỉnh,
Sớm tối nha môn mãi chạy rong.
Chạy rong càng lúc lại càng xa,
Quên lẫn bên lưng một kiếp già.
Sức mỏi, lực cùng còn lẩn quẩn,
Hơi tàn rồi phải đọa trầm kha.([24])
Mấy mươi năm trôi qua, thánh giáo của các tiền bối ban trao có rất nhiều, có thể kết thành những tập dày dặn, với biết bao thơ văn chứa chan, phong phú. Dù dạy vào thời điểm nào, dù giáng cơ ở địa phương nào, dù giảng về một chủ đề nào, thì tất cả cùng có chung một ý chỉ xuyên suốt là nỗi ưu tư nặng lòng về tương lai nền Đạo.
Các tiền bối là người đã khai hoang, đã ươm trồng lên những thân cây cho mảnh vườn Đại Đạo. Người làm vườn tuy đã trao lại cho người sau tiếp tục ươm trồng, vun tưới nhưng không phải vì thế mà coi như đã xong phần trách nhiệm của tiền nhân.
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) ngày xưa còn có thể mơ ước kẻ sĩ sẽ đến ngày “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”. Nhưng các tiền bối khai Đạo dù đã trở về Tiên cảnh vẫn chưa thể vỗ tay reo thanh thản.
Trước thực trạng chông chênh của nỗi đạo tình đời, ĐứcThượng Trung Nhựt và Đức Ngọc Lịch Nguyệt cùng chung lời tha thiết:
“Các em ôi! Các sứ mạng đến trần gian ngày nay phải chịu trọng trách ở những danh từ chi phái, tịnh thất, nào phải đột nhiên mà có đâu. Nhưng có để cùng hút nhựa sống của thân cây hầu đơm bông trổ trái; mà cây có đầy nhựa sống để nuôi cành lá là do sự chăm sóc, vun tưới, giữ gìn của kẻ làm vườn. Hỡi các em! Ai chăm sóc? ai gìn giữ? ai vun quén? mà chúng Tiên Huynh cùng các em lắm lúc cùng mang một trạng huống đau lòng.” ([25])
Những lời hỏi ai thiết tha ấy cũng là lời Đức Cao Triều Phát từng hỏi:
Tuy Tệ Huynh nay đà khuất bóng,
Nhưng lòng còn xúc động tình thâm.
Thế gian bao ngõ thăng trầm,
Cái cơ nghiệp cũ ai cầm vững cho? ([26])
Một lần khác, Đức Cao Triều Phát cũng hỏi:
Nghìn xưa đó, tuổi tên ai đó?
Hiện giờ đây đã có ai đây?
Đứng ra xây dựng đạo Thầy,
Bằng lòng hy hiến, bằng dây hòa đồng? ([27])
Sinh thời là Bảo Đạo Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Hậu Giang, tiền bối Cao Triều Phát quy thiên (1956), rồi đúng mười năm sau Tiền Bối trở về, tỏ lời tâm sự:
Tệ Huynh hổ phận mình Chưởng Quản,
Công chưa thành chưa đáng công phu.
Còn đây sứ mạng vận trù,
Tương lai hỏi có mịt mù hay chăng? ([28])
Ưu tư vì tương lai nền Đạo, gởi gắm niềm tin vào vào đàn em tiếp nối, các tiền bối khai Đạo luôn luôn dành những lời yêu thương, động viên, nâng đỡ tha thiết, chân tình. Đức Cao Triều Phát dạy:
“Tiên Huynh đã đi qua, chiếc bóng đã nằm xuống. Nhưng tinh thần của Tiên Huynh mãi mãi theo gót chân của các em mà đi vào ánh sáng Đạo, vào bóng tối của trần gian.” ([29])
Là người yêu nước, nói tới sứ mạng vô cùng vẻ vang mà Thượng Đế ban trao cho dân tộc được chọn, những lời dặn dò tâm huyết của Đức Cao Triều Phát bao giờ cũng mang mặc tình dân tộc nghĩa nước non, gắn liền với mối đạo đã sinh ra từ đất nước Việt Nam:
“Các em là những con người Việt, những thoi vàng được trui luyện trong lò lửa của chiến chinh, của ly loạn. Giá trị đang chờ đợi các em. Tiên Huynh chỉ là một vang bóng của các em trong quá khứ, một hùng khí của các em trong tương lai. Hãy gắng lên các em! Cơ hội cứu thế Kỳ Ba bỏ qua chắc không bao giờ gặp lại.”([30])
*
Trở lại với chuyện Bá Nha, Tử Kỳ. Chia tay nhau, một năm sau Bá Nha mới có dịp trở về bến Hán Dương thăm bạn. Than ôi, Tử Kỳ đã ra người thiên cổ! Bá Nha đau đớn tìm đến tận mộ vĩnh biệt Tử Kỳ, rồi đập vỡ cây đàn, bởi vì đã mất bạn tri âm thì còn biết đàn cho ai nghe nữa!
Ở Việt Nam, đầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) cũng vậy. Bạn thơ là Dương Khuê (1839-1902) qua đời, ông không muốn làm thơ nữa, thở than trong bài Khóc Bạn:
Câu thơ nghĩ đắn đo chẳng viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Lấy tình đời tri âm mà xét tình đạo tri âm. Vắng bóng tri âm, người trần gian còn tiếc lời tiếc lẽ đến mức như thế, hà huống là Thánh Tiên, Trời Phật. Cho nên, càng ngẫm nghĩ lại càng giật mình và càng vô cùng cảm kích. Bởi vì một khi Ơn Trên, một khi các Đấng tiền bối khai Đạo còn tiếp tục ban trao lời châu tiếng ngọc, còn tin yêu gởi gắm can tràng, khuyến nhủ thiệt hơn, ấy là các Đấng còn kỳ vọng khách trần là kẻ tri âm, là người biết lắng lòng để nghe rồi hiểu và hành theo thánh giáo.
Tri âm... Đó chính là lòng kỳ vọng của người xưa, của Đức Cao Triều Phát:
Nay Tệ Huynh được về hội ngộ,
Gởi đôi lời chứng tỏ tri âm.
Hậu Giang một mối cơ cầm,
Xin đem gởi gắm đạo tâm giữ gìn.
Cơ quan đạo trung minh chánh giáo,
Nối tiếp người gây tạo tương lai.
Cùng trong con cái Cao Đài,
Kẻ u người hiển thi tài làm nên.([31])
Lắng nghe tiếng nói tri âm chứa chan hoài bão ấy, xin nguyện cầu cho càng ngày càng có thêm thật nhiều người con áo trắng xứng đáng là tri âm đích thực của các Đấng thiêng liêng Tam Kỳ Phổ Độ.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
 Phú Nhuận, 08-4-2001
Huệ Khải


* Bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 9.00 giờ sáng 15-3 Tân Tỵ (Chủ Nhật 08-4-2001).
([1])     ,     .     : “      !”     ,     : “        !” Bá Nha cổ cầm, chí tại cao sơn. Chung Tử Kỳ viết: “Thiện tai! Nga nga hề nhược Thái Sơn!” Chí tại lưu thủy, Chung Tử Kỳ viết: “Thiện tai, dương dương hề nhược giang hà!”
([2])      /      /      /     . ( )
([3]) Đại Thừa Chơn Giáo. Sài Gòn 1950, tr. 54. (Đàn ngày 25-9 Bính Tý, bài Chỉ Ý Thuyết Minh.)
([4]) Thước mộc = 0,425 mét, chưa bằng nửa thước tây hiện nay.
([5]) Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Bình Hòa), 28-8 Đinh Mùi (01-10-1967).
([6]) Cao Đài Hội Thánh (Dương Đông, Phú Quốc), 14-3 Đinh Mùi (23-4-1967).
([7]) Thánh thất Liên Hoa Cửu Cung, 01-11 Đinh Mùi (02-12-1967).
([8]) Vĩnh Nguyên Tự, 01-01 Bính Ngọ (21-01-1966).
([9]) Thánh thất Nam Thành, 22-8 Đinh Mùi (25-9-1967).
([10]) Thánh thất Liên Hoa Cửu Cung, 01-11 Đinh Mùi (02-12-1967).
([11]) Thánh thất Nam Thành, 22-8 Đinh Mùi (25-9-1967).
([12]) Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Bình Hòa), 28-8 Đinh Mùi (01-10-1967).
([13]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30-9 Canh Tuất (29-10-1970).
([14]) Vĩnh Nguyên Tự, 01-01 Bính Ngọ (21-01-1966).
([15]) Thánh thất Bình Hòa, 26-12 Đinh Mùi (25-01-1968).
([16]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 14 rạng 15-02 Đinh Mùi (24-3-1967).
([17]) Xem thêm: Cao Bạch Liên và Huệ Khải, Hành Trạng Tiền Bối Cao Triều Phát. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 31.
([18]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 05-01 Bính Ngọ (25-01-1966).
([19]) Thiên Lý Đàn, 09-9 Canh Tuất (08-10-1970).
([20]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 14 rạng 15-02 Đinh Mùi (24-3-1967).
([21]) Thánh thất Liên Hoa Cửu Cung, 04-01 Bính Ngọ (24-01-1966).
([22]Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974).
([23]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).
([24]) Thánh thất Liên Hoa Cửu Cung, 04-01 Bính Ngọ (24-01-1966).
([25]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 14 rạng 15-02 Đinh Mùi (24-3-1967).
([26]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 05-01 Bính Ngũ (25-01-1966).
([27]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-10 Tân Hợi (02-12-1971).
([28]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 05-01 Bính Ngọ (25-01-1966).
([29]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-10 Tân Hợi (02-12-1971).
([30]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-10 Tân Hợi (02-12-1971).
([31]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 05-01 Bính Ngọ (25-01-1966).