Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

16/6. ĐỨC PHÙ HỰU ĐẾ QUÂN, TÁC GIẢ NGỌC HOÀNG THIÊN TÔN BỬU CÁO


ĐỨC PHÙ HỰU ĐẾ QUÂN, TÁC GIẢ
NGỌC HOÀNG THIÊN TÔN BỬU CÁO

Bát Tiên theo thứ tự gồm tám vị như sau:
1. Chung Ly Quyền. Ngài họ Chung Ly, tên Quyền, cũng gọi là Hán Chung Ly vì sống vào đời Hán; tự là Tịch Đạo; hiệu là Vương Dương Tử Vân Phòng Tiên Sinh.
2. Trương Quả Lão.
3. Lữ Động Tân. Động Tân có nghĩa là khách ở động, khách cõi tiên. Người Việt thường gọi sai là Lữ Đồng Tân.
4. Tào Quốc Cữu. Ngài họ Tào, tên Cảnh Hưu. Ngài là em trai của Tào Hậu, mà Tào Hậu là vợ vua Tống Nhân Tông, tức là mẹ vua Tống Anh Tông. Xét về vai vế, ngài là em vợ Tống Nhân Tông và là cậu của Tống Anh Tông. Theo người Hoa, anh hay em của mẹ và anh hay em của vợ đều gọi là cữu, và vì ngài thuộc hoàng tộc nên được gọi là Quốc Cữu, ghép với họ gọi là Tào Quốc Cữu. Người Việt thường gọi sai là Tào Quốc Cựu.
5. Lý Thiết Quải, cũng gọi là Thiết Quải Lý. Ngài họ Lý, tên Huyền, thường chống gậy sắt. Thiết Quải nghĩa là cây gậy sắt, nhưng người Việt thường gọi sai là Lý Thiết Quài.
6. Hàn Tương Tử, tự là Thanh Phu.
7. Lam Thái Hòa, người Việt thường gọi sai là Lam Thể Hòa.
8. Hà Tiên Cô.
Trong số Bát Tiên, vị thứ ba là Đức Lữ Tổ, cũng là Phù Hựu Đế Quân. Ngài là đấng đã ban cho bài Khai Kinh (Biển trần khổ vơi vơi trời nước...) mở đầu Kinh Cúng Tứ Thời và bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo.
Tiểu thuyết Đông Du Bát Tiên, cho biết tiểu sử Đức Lữ Tổ với nhiều hư cấu. Ngoài ra, còn có thể căn cứ các sách sau đây để tìm hiểu thêm thân thế ngài:
[Mayers 1971], The Chinese Reader’s Manual.
[Werner 1969], A Dictionary of Chinese Mythology.
[Lai 1972], The Eight Immortals.
[Lý Thúc Hoàn 1971], Đạo Giáo Yếu Nghĩa Vấn Đáp Tập Thành.
[Ngô Phong 1994], Trung Hoa Đạo Học Thông Điển.([1])
I. THÂN THẾ ĐỨC LỮ TỔ
1. Họ tên
Ngài họ Lữ; tên Nham [Ngô Phong 1994].
Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], ngài tên là Thiệu Tiên. (Thiệu Tiên: nối tiếp người xưa, kế nghiệp tiền nhân.)
2. Các hiệu
- Thuần Dương Tổ Sư, Thuần Dương Tử [Ngô Phong 1994]. (Thuần Dương Tử: bậc chân nhân đã dứt hết âm trược.)
- Hồi Đạo Nhân [Ngô Phong 1994].
- Hồi Đạo Sĩ [Bát Tiên 1950].
Hồi là biến thể của Lữ (đều gồm hai chữ khẩu ). Có thể hiểu Hồi Đạo Nhân hay Hồi Đạo Sĩ là ông đạo họ Lữ; hoặc hiểu là người trở về với Đạo (Hồi nghĩa là trở lại).
3. Ngày sinh
Ngài sinh đời Đường, nhưng không rõ ngày [Ngô Phong 1994].
Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], ngài sinh ngày 14 tháng 4 Bính Ngọ, đời Đường Thái Tông, năm Trinh Quán thứ hai mươi (646).
Theo các tác giả khác, như [Lai 1972], [Mayers 1971] và [Werner 1969], ngài sinh năm 755, tức là vào đời Đường Huyền Tông, năm Thiên Bảo thứ mười bốn.
4. Nơi sinh
Ngài sinh ở huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung, là Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây sau này. Có thuyết bảo quê ở Đông Bình hoặc Bồ Bản, thuộc Kinh Xuyên.
5. Gia đình
- Ông nội: Lữ Vị [Ngô Phong 1994].
- Cha mẹ: [Ngô Phong 1994] không nói rõ.
Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], mẹ ngài họ Vương; cha tên Nhượng, làm quan ở Hải Châu [thuộc Giang Tô].
Theo [Bát Tiên 1950: 35], cha ngài là Lữ Nghị, làm quan thứ sử Hải Châu.
- Vợ: [Ngô Phong 1994] không nói rõ.
Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], năm hai mươi tuổi, ngài cưới con gái quan hiệu úy họ Lưu.
Theo [Werner 1969], năm hai mươi tuổi ngài cao gần một mét sáu và vẫn chưa vợ.
Theo [Bát Tiên 1950: 36], Lữ Nham không chịu lấy vợ, năm hai mươi tuổi xưng hiệu là Thuần Dương.
6. Cử nghiệp
Ngài từng học theo Nho Mặc, nhưng thi tiến sĩ ba lần không đậu, nản chí, phiêu lãng giang hồ [Ngô Phong 1994].
Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], thời Vũ Hậu, ngài ba lần thi hỏng tiến sĩ; năm Thiên Thụ thứ hai (691) đã bốn mươi sáu tuổi, lại đi thi lần thứ tư.
Theo [Werner 1969], ngài thi đậu năm 770, ra làm quan. Theo [Mayers 1971], ngài làm quan ở huyện Đức Hoa, nay thuộc tỉnh Giang Tây.
7. Thọ pháp
Theo [Ngô Phong 1994], ngài lần lượt được nhiều vị truyền dạy các pháp môn tu luyện khác nhau:
Khổ Trúc Tiên Sinh truyền pháp Cao Bôn Thượng Thánh;
Thái Tố Chân Quân truyền pháp Thái Huyền Nhật Nguyệt;
Hỏa Long Chân Nhân truyền dạy Thiên Độn Kiếm Pháp.
Theo [Werner 1969], ngài gặp Hỏa Long Chân Nhân ở Lư Sơn, Giang Tây khoảng năm hai mươi tuổi.
Theo [Bát Tiên 1950: 36], ngài được Hoàng Long Chân Nhân ([2]) truyền dạy kiếm pháp chém yêu. Do đó, dân gian tin rằng Đức Lữ Tổ rất giỏi kiếm pháp, truyền tụng rằng ngài mang gươm đi trừ yêu diệt quái; lại vẽ tranh ngài đeo gươm sau lưng như kiếm khách.
Đức Chung Ly Quyền thử thách ngài mười lần mới truyền pháp Kim Đan Thái Ất [Ngô Phong 1994].
Cuộc hội ngộ của hai vị Chung, Lữ
[Bát Tiên 1950: 36-37] kể tỉ mỉ rằng năm sáu mươi bốn tuổi họ Lữ gặp Đức Chung Tổ ở Trường An. Trong lúc Tổ nấu nồi kê vàng, họ Lữ nằm ngủ trên gối phép của Tổ, mơ thấy mình thi đậu, làm quan tới chức thừa tướng, cưới vợ, có con cháu, rồi phạm lỗi nên bị triều đình trị tội, bắt lưu đày, gia sản bị tịch biên... Họ Lữ giật mình tỉnh dậy thấy nồi kê vẫn chưa chín. Ngẫm lại, thấy rằng bao nhiêu vinh hoa phú quý, thăng trầm kiếp người, tất cả chỉ thoảng qua như một giấc mộng, còn ngắn ngủi hơn cả thời gian nấu chín một nồi kê, họ Lữ giác ngộ lẽ vô thường, chán chường tuồng ảo hóa, liền xin theo Đức Chung Tổ học đạo Tiên.
Do tích này, để ám chỉ chuyện công danh phú quý thế gian chỉ là hư ảo, phù du, trong văn học có thành ngữ giấc mộng hoàng lương, giấc mộng kê vàng (hoàng lương mộng).
Mười lần Đức Chung Tổ thử thách tâm đạo của họ Lữ
Theo [Bát Tiên 1950: 37-39], họ Lữ đã vượt qua được mười cảnh ảo do Đức Chung Tổ hóa ra để thử lòng đệ tử như sau:
(1) Thấy toàn gia quyến bị bệnh dịch chết hết mà không hề oán trời trách đất;
(2) Bị người mua gian bán lận mà không buồn giận;
(3) Cho tiền kẻ xin ăn, bị họ mắng nhiếc mà vẫn tươi cười;
(4) Thấy cọp đói vồ dê, Lữ hy sinh thân mình để cứu dê;
(5) Gặp gái trẻ đẹp lả lơi, rù quến mà không động lòng tà;
(6) Bị trộm ăn cắp hết của; rồi cuốc đất gặp vàng ròng mà lòng thản nhiên không thèm nhặt;
(7) Mua đồ đồng, người bán đưa lộn vàng thật, liền đem ra tiệm trả lại;
(8) Chịu uống thuốc độc bỏ kiếp này miễn là kiếp sau thành tiên;([3])
(9) Bị nạn lụt lớn mà không kinh hãi;
(10) Bị âm hồn đòi mạng vẫn vui lòng trả nợ kiếp trước; không tham học phép hoàng bạch (chỉ đá hóa vàng) để khỏi gây hại đời sau vì biết khi hết thời hạn, vàng ấy sẽ trở lại thành đá.
Theo [Mayers 1971], trong khi họ Lữ đang làm quan ở huyện Đức Hoa, nay thuộc tỉnh Giang Tây, thì ngài gặp Đức Chung Tổ ở Lô Sơn.([4])
Theo [Werner 1969], ngài gặp Đức Chung Tổ ở kinh thành Trường An, tỉnh Thiểm Tây; rồi theo Tổ đến Hạc Lĩnh, Chung Sơn, Thiểm Tây.
Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], năm 691, bốn mươi sáu tuổi, họ Lữ đi thi tiến sĩ lần thứ tư. Đến kinh thành Trường An, được Đức Chung Tổ mời uống rượu, họ Lữ ngủ say, mơ một giấc kê vàng, khi tỉnh dậy chán ngán mùi đời, bỏ nhà theo Đức Chung Tổ đến ngọn Hạc Lĩnh, Nam Sơn, tu tiên; lúc này ngài đổi tên là Nham, tự Động Tân.
- Nham: Núi cao ngất; hang núi. Tên này cũng ngụ ý người tu tiên thường vào núi ẩn cư (chiết tự, tiên là người sống ở núi ).
- Động: Còn là cõi tiên. Trong đạo Lão, động không phải chỉ là hang động thông thường trong núi; nơi tiên ở gọi là động phủ; nhiều cuộc lễ quan trọng của đạo Lão xưa kia đã được tổ chức trong hang động. Vậy, Động Tân nghĩa là người khách ở động, cũng hiểu là người cõi tiên.
8. Năm tạ thế (quy thiên)
[Ngô Phong 1994] không nói.
Theo [Werner 1969], ngài mất năm 805.
Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], căn cứ vào Lữ Tổ Toàn Thư Lữ Tổ Bản Truyện, cho biết Đức Lữ Tổ về chầu Đức Nguyên Thủy Ngọc Hoàng năm sáu mươi bốn tuổi.
9. Đạo nghiệp
Trước Đức Lữ Tổ, đã có các thuật sĩ đạo Lão chú trọng thuật luyện đan, tức ngoại đan. Thuật ngữ đạo Lão gọi là phép đan diên và hoàng bạch [Ngô Phong 1994].
Đan là đan sa, chu sa, thần sa (cinnabaris), màu đỏ thắm. Trong Kinh Cúng Tứ Thời (bài Tiên Giáo) của đạo Cao Đài có nói Đơn tích vi mang, thì đơn chính là đan sa. Diên là chì. Hoàng bạch thường được phái ngoại đan giảng là phép luyện đá (màu trắng) hóa vàng.
Ngày nay, mượn thuật ngữ Tam Công của Cao Đài, có thể luận khái quát về đạo nghiệp của Đức Lữ Tổ hay Phù Hựu Đế Quân như sau:
* Về công phu, Đức Lữ Tổ có công đổi phép luyện ngoại đan (đan diên và hoàng bạch) thành phép tu nội đan, tức là tham thiền, tịnh luyện.
* Về công quả và công trình, Đức Lữ Tổ chủ trương lấy từ bi độ thế làm con đường ngắn để tu thành tiên. Đức Lữ Tổ ôm hoài bão cứu đời, luôn cho rằng người thế gian nếu biết trung với nước, hiếu hữu với gia đình, thành tín với bạn bè, nhân ái với kẻ dưới, không kiêu căng ngạo mạn, không làm việc sái quấy nơi vắng vẻ, biết dùng phương tiện vật chất cứu tế, như thế sẽ được người khác yêu mến, mà quỷ thần cũng kính trọng.
10. Môn đệ
Theo [Ngô Phong 1994], một số học trò có tên tuổi của Đức Lữ Tổ là Quách Thượng Táo, Triệu Tiên Cô, Nam Liễu, Hà Tiên Cô (vị thứ tám trong Bát Tiên)...
Tương truyền Vương Trùng Dương đã được Tổ truyền đạo pháp, cho nên phái Toàn Chân (do Vương khai sáng) thờ Tổ là một trong năm vị tổ Bắc Tông; các đạo quán của phái này đều có điện hay miếu thờ Tổ, mà một trong ba tổ đình lớn nhất là Vĩnh Lạc Cung.
Nguyên ngài Lữ Nham sinh ở huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung. Vĩnh Lạc nằm ở phía tây nam tỉnh Sơn Tây. Theo [Lai 1972], năm 1272, Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) đã cho xây dựng cung Vĩnh Lạc, trong điện có một bức bích họa (tranh vẽ trên tường) rất lớn miêu tả những chuyến ngao du của ngài Lữ Động Tân theo truyền tụng dân gian.
Về mối quan hệ thầy trò giữa hai vị Lữ và Vương, truyện Thất Chơn Nhơn Quả, hồi thứ nhất, kể rằng ngài Vương Trùng Dương được hai người khách phương xa đến nhà và ở qua đêm để hóa độ vào đạo. Khi Vương hỏi tên, hai vị ấy xưng danh là Kim TrọngVô Tâm Xương. Đây là hai tá danh, vì theo cách chiết tự thì:
- Kim Trọng hợp thành Chung . Vậy Kim Trọng chính là Đức Chung Tổ.
- Xương gồm hai chữ Viết chồng lên nhau; nay bỏ ruột (vô tâm) thì còn hai chữ Khẩu chồng lên nhau; tức là chữ Lữ (giản thể ). Vậy Vô Tâm Xương chính là Đức Lữ Tổ.
11. Thần tích
Đức Lữ Tổ hành tung ẩn hiện, biến hóa khôn lường, tuy đắc đạo rồi vẫn nguyện thăng giáng nơi cõi trần ô trược để tìm cơ duyên độ dẫn người có thiện căn bước vào đường tu tiên giải thoát. Trải qua Đường, Tống, Nguyên các đời, Tổ hiển hiện nhiều linh dị, dân chúng sùng bái, lập miếu thờ, lưu truyền nhiều kỳ tích huyền bí. Đời Thanh quy định nghi thức hành lễ tôn kính Đế Quân.
Uy linh của Đức Lữ Tổ còn ảnh hưởng sang tận Việt Nam. Giữa lòng Hà Nội, xưa là kinh thành Thăng Long, trên hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Gươm) là đền Ngọc Sơn rất nổi tiếng. Lúc đầu đền này thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, sang thế kỷ 19 thì thờ thêm Đức Văn Xương Đế Quân, rồi sau lại thờ thêm Đức Phù Hựu Đế Quân.
* Ngoài ra, vì xuất thân là nho sĩ, Tổ cũng được người Trung Quốc tôn làm thánh tổ của nghề làm mực. Theo [Lai 1972], ngài là tổ của giới nho sĩ, mặc dù nhiều truyền thuyết chép rằng ngài thi đâu rớt đó.
* Theo [Werner 1969], dân gian Trung Quốc thường minh họa Tổ qua những hình ảnh như sau:
- cầm phất trần [là một pháp khí của tiên gia];([5])
- hoặc đeo kiếm sau lưng [vì ngài đã học kiếm pháp trừ yêu với Hỏa Long Chân Nhân];
- hoặc bồng một bé trai [tượng trưng sự truyền tử lưu tôn mặc dù theo nhiều sách thì ngài chưa từng cưới vợ, tức là không có con nối dòng];
* Theo [Lý Thúc Hoàn 1971], sách Thần Tiên Giám nói Tổ là Hoàng Đàm giáng thế; nhưng theo [Bát Tiên 1950: 35], Tổ là Hoa Dương Chân Nhân giáng thế.
* Cũng theo [Bát Tiên 1950: 45], đời Tống Huy Tông, năm Chính Hòa (khoảng 1111-1117), Tổ cùng Đức Quan Thánh Đế Quân vào hoàng cung trừ yêu quái.
[Bát Tiên 1950: 41-42] lại kể: Tổ đến thành Nhạc Dương uống rượu ở quán Tân Thị nửa năm, không hề bị chủ quán đòi tiền. Tổ hóa phép vẽ hình chim hạc trên vách, dặn chủ quán khi có khách tới thì vỗ tay, hạc sẽ bay ra múa, hết khách thì hạc lại nhập vào tranh trên vách. Vài năm sau, Tổ trở lại, chủ quán đã quá giàu; Tổ lấy sáo thổi, hạc bay ra chở Tổ đi mất.
Giai thoại hạc múa ấy có lẽ trùng lắp với một truyền thuyết khác về ông tiên Phí Văn Vi. Vị này thường cỡi hạc đến chơi trên một cái lầu ở phía tây huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Lầu ấy vì thế được gọi tên là lầu Hoàng Hạc.
Đời Đường, nhà thơ Lý Bạch đến đây chơi, thấy phong cảnh xinh đẹp, muốn làm một bài thơ, nhưng lại thôi, chỉ lưu hai câu ngắn:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.([6])
(Trước mắt có cảnh đẹp mà không tả được,
Trên đầu đã có Thôi Hiệu đề thơ rồi.)
Là hai nhà thơ đồng đại, Lý Bạch (701-762) và Thôi Hiệu (704-756) cùng vang danh từ đời Đường. Trong hai câu thơ trên, Lý Bạch ám chỉ bài Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, sau này được Tản Đà (1888-1939) dịch ra lục bát rất tài với bốn câu đầu như sau:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà nay Hoàng hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay...
* Về việc đắc đạo của Đức Lữ Tổ, [Bát Tiên 1950: 41] kể rằng Đức Chung Tổ bảo Đức Lữ Tổ: “Ta về chầu Trời sẽ tâu ghi tên ngươi vào sổ tiên. Mười năm nữa hãy gặp ta ở hồ Động Đình.”
Tỉ mỉ hơn, theo [Lý Thúc Hoàn 1971], trong Lữ Tổ Toàn Thư Lữ Tổ Bản Truyện cho biết: Đức Lữ Tổ đắc đạo do Đức Chung Tổ truyền, lại đắc kiếm pháp do Đức Hỏa Long Chân Nhân truyền. Kiếm pháp có ba điều: một là đoạn phiền não; hai là đoạn sắc dục; ba là đoạn tham sân. Lúc đầu Đức Lữ Tổ đến sông Hoài ([7]) thử kiếm linh, diệt được cái họa giao long [thuồng luồng] ở đây. Rồi Tổ đến hồ Động Đình lên lầu Nhạc Dương uống rượu một mình. Bỗng Đức Chung Tổ hiện ra, bảo: “Đúng lời hẹn trước, Đức Thượng Đế ban mệnh cho ngươi và quyến thuộc cư ngụ ở động phủ Kinh Sơn; còn tên ngươi đã ghi vào sổ bộ Ngọc Thanh.” Lúc năm mươi ba tuổi, Tổ về Lư Sơn. Khi sáu mươi bốn tuổi, Tổ triều kiến Đức Nguyên Thủy Ngọc Hoàng.
Về việc luyện kiếm pháp của Tổ, nếu xét về thiền, thì có lẽ là ẩn dụ. Đoạn văn trích dẫn ở trên có câu: “Kiếm pháp có ba điều: một là đoạn phiền não; hai là đoạn sắc dục; ba là đoạn tham sân.- vậy, kiếm tức là huệ kiếm (gươm trí huệ); cho nên thanh kiếm giắt sau lưng Đức Lữ Tổ có thể cũng là lưỡi kiếm mà ngày nay trong kinh cầu siêu của đạo Cao Đài bảo rằng:
Dâng gươm huệ kiếm xin cầm,
Chặt lìa trái chủ đặng tầm ngôi Thiên.
12. Tôn hiệu
Hồng danh Phù Hựu Đế Quân của Đức Lữ Tổ có lẽ xuất phát từ tôn hiệu Thuần Dương Diễn Hóa Cảnh Hóa Phù Hựu Đế Quân mà vua Nguyên Vũ Tông đã hiến Tổ vào năm Chí Đại thứ ba (1310).
Các đời vua trước cũng hiến Ngài hai tôn hiệu khác:
- Diệu Thông Chân Nhân: do vua Tống Huy Tông hiến vào năm Tuyên Hòa thứ nhất (1119), theo [Werner 1969] năm 1115.
- Thuần Dương Diễn Chính Cảnh Hóa Chân Quân: do vua Nguyên Thế Tổ hiến vào năm Chí Nguyên thứ sáu (1269).
Ngoài ra, theo một bản kinh Cảm Ứng dùng trong Cao Đài Chiếu Minh, thì Đức Lữ Tổ còn có hồng danh là Ngọc Hư Sư Tướng, Kim Khuyết Tuyển Tiên, Phù Hựu Đế Quân, Diệu Đạo Thiên Tôn.
Trong một bản kinh của đạo Lão nhan đề Lữ Tổ Bửu Cáo, lại thấy ghi tôn hiệu ngài là Ngọc Thanh Nội Tướng, Kim Khuyết Tuyển Tiên. Tôn hiệu này cho thấy ngài có vai trò và tầm quan trọng rất lớn:
(1) Ngọc Hư Sư Tướng: ngài là tướng súy của cung Ngọc Hư (nơi Trời ngự);
(2) Ngọc Thanh Nội Tướng: ngài là tướng súy của cung Ngọc Thanh;
(3) Kim Khuyết Tuyển Tiên: ngài là giám khảo xét tuyển những bậc chơn tu xứng đáng để sau đó họ được Đức Thượng Đế sắc phong vào hàng tiên gia nơi Huỳnh Kim Khuyết (cung Trời).
(4) Phù Hựu Đế Quân: ngài là bậc Đế Quân linh hiển, dân chúng rất tin cậy ở sự che chở, bảo hộ của ngài (Phù: được tín nhiệm; Hựu: bảo hộ, phù hộ).
(5) Diệu Đạo Thiên Tôn: ngài là đấng được cõi trời tôn kính là bậc đạo pháp huyền diệu.
13. Tác phẩm
Nhiều bậc hành giả tu đơn, chuyên về tâm pháp (thiền) thường không muốn lập ngôn (viết sách). Trái lại, Đức Lữ Tổ dù coi trọng tu thiền hay pháp môn vô vi (công phu), ngài vẫn tích cực nhập thế phổ độ và hăng say trứ tác để giáo hóa (công quả, công trình). Điều đó giải thích vì sao xưa nay Tổ đã là một tên tuổi lừng lẫy của đạo Lão Trung Quốc.
Tác phẩm của Đức Lữ Tổ để lại cho đời rất nhiều, được chép trong Đạo Tạng Tập Yếu, một số có thể do đời sau ngụy tạo, một số do cơ bút Đạo giáo dân gian (như bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo đời Thanh).
Lược kể một số tác phẩm chính như sau:
(1) Bách Vấn Thiên
(2) Bí Truyền Chính Dương Chân Nhân Linh Bảo Tất Pháp
(3) Chỉ Huyền Thiên
(4) Cửu Chân Ngọc Thư
(5) Linh Bảo Thiên
(6) Phá Mê Chính Đạo Ca
(7) Thập Giới Công Quá Cách
(8) Truyền Đạo Thượng Thiên; Trung Thiên; Hạ Thiên
(9) Trửu Hậu Tam Thành Thiên
(10) Chung, Lữ Truyền Đạo Tập ([8])
(11) Hoa Dương Thiên
(12) Hội Chân Thiên
(13) Tây Sơn Chúng Tiên Hội Chân Ký
(14) Tu Chân Chỉ Huyền Thiên, v.v...
II. ĐỨC PHÙ HỰU ĐẾ QUÂN VỚI ĐẠO CAO ĐÀI
Chưa có thể nói chính xác từ ngày khai Đạo đến nay, trong kho tàng thánh giáo Cao Đài đã có bao nhiêu bài dạy đạo của Đức Lữ Tổ cũng như các vị khác trong Bát Tiên. Tuy nhiên, có thể biết rằng ngay từ buổi đầu, khi các tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang mới tập cầu tiên ở phố Hàng Dừa (đường Arras, nay là Cống Quỳnh, quận 1), đã có năm vị trong Bát Tiên lâm đàn. Riêng về Đức Lữ Động Tân, trong Đại Đạo Truy Nguyên của Huệ Chương (1929), có chép lời Đức Lữ Tổ dạy như sau:
Riêng vui nguyệt chiếu sắc trong ao,
Đền Ngọc từng khi để bước vào.
Rảnh hứng trăm hoa khoe đảnh ngự,
Nhàn vầy mấy bạn dự Bàn Đào.
Độ đời rảo gót non sông lướt,
Cứu thế dìu nhân đạo đức trau.
Chờ buổi tuần hoàn thiên địa trở,
Nương gươm thần huệ một vừng cao.
Hỷ chư đạo hữu.
Đạo gặp kỳ phổ độ,
Khá biết cải thế thì [thời].
Đạo khả trọng,
Đức năng trau.
Đời dời đổi,
Đạo chờ người.
Khách tục nương thuyền độ,
Non tiên tiếng khánh đưa.
Gắng nhọc thế lọc lừa,
Tìm đường ngay thẳng rẳng.
Nguồn rửa bợn, nhiều đường cay đắng,
Bước nâu sòng, dặm lắm gay go.
Liệu sao khỏi trễ con đò,
Mới thoát vòng khổ hải.
Gắng sức vì sanh mạng,
Lao tâm chớ sợ bởi căn xưa.
Đường quanh co,
Bước khá ngừa.
Nẻo hiểm trở,
Chân nên lánh.
[Huệ Chương 1953: 25]
Như vậy, Đức Phù Hựu Đế Quân đã đến với môn sanh Cao Đài rất sớm. Nhưng mối quan hệ của ngài với môn sanh đạo Cao Đài không phải chỉ ngần ấy.
Các tác phẩm dạy tu đơn của Đức Phù Hựu Đế Quân (lược kể trên đây) cho thấy về mặt công phu tịnh luyện, ngài là một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đối với các Đạo gia Trung Quốc. Về mặt công trình, đáng lưu ý rằng Thập Giới Công Quá Cách là tác phẩm quan trọng của Đức Lữ Tổ, rất nổi tiếng trong giới đạo gia tu tiên.([9])
Thập giới gồm mười giới cấm về (1) sát sinh; (2) trộm cắp; (3) dâm dục; (4) độc mồm độc miệng; (5) cãi cọ; (6) lời nói thêu dệt [ỷ ngữ]; (7) nói dối [vọng ngữ]; (8) tham; (9) sân; (10) si.
Mỗi ngày hành giả phải tự kiểm điểm thân tâm, căn cứ theo mười giới răn về công quá cách để tự đánh giá tư tưởng và hành vi trong một ngày của bản thân. Hành giả sẽ tự mình cộng, trừ nhiều hay ít điểm; từ đó thấy rõ đạo đức, hạnh kiểm của bản thân tăng hay giảm. Tổ dạy: “Học đạo là việc liên quan đến thân tâm và tính mệnh. Nên lấy Thập Giới để định công (thiện) và quá (ác).
* Đối chiếu công quá cách của Đức Lữ Tổ
với vô ngã kiểm của Cao Đài
Ngày 16-6 Canh Tuất (18-7-1970), tại Minh Lý Thánh Hội (82 Cao Thắng, quận 3), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý làm vô ngã kiểm. Về phương pháp thực hiện, Đức Bồ Tát dạy hai cách thức.
Một là, sắm ba cái hộp, một hộp đựng đậu đỏ, một hộp đựng đậu đen. Khi kiểm điểm trong ngày thấy bao nhiêu lỗi thì đếm bấy nhiêu hột đậu đen bỏ vô hộp thứ ba. Nếu có bao nhiêu việc tốt thì đếm bấy nhiêu hột đậu đỏ cũng bỏ chung vô hộp thứ ba. Sau một thời gian tùy theo đậu đỏ nhiều hay ít hơn đậu đen mà biết mình tu tiến hay lùi.
Hai là, “sắm một cuốn sổ tay nhỏ, hai cây bút có hai màu đen, đỏ. Trên cuốn sổ đó hãy chia nhiều hàng theo chiều ngang, nhiều hàng theo chiều dọc. Khi vô tư tự kiểm, thấy rằng trong ngày nay có nhiều điểm thiện, từ tư tưởng, ngôn ngữ đến hành động, thì ghi bút màu đỏ bằng một chấm hoặc khoanh tròn nhỏ. (...) Ngược lại, khi vô tư tự kiểm, nếu thấy mình có những tư tưởng, ngôn ngữ, hành động nào có vẻ bất thiện, thì ghi theo thứ tự mỗi cột bằng bút mực màu đen và đồng thời ghi sang bản đồ bên trang kế theo sự trồi sụt của nó. (...)
Lời Đức Bồ Tát cho thấy phương pháp làm sổ vô ngã kiểm không khác một phương pháp của phái Tịnh Minh Đạo đời Nguyên. Phái này giữ Thập Giới, trong đó giới thứ ba buộc mỗi người tu phải có một quyển sổ nhật ký nhỏ gọi là Nhật Lục, và giải thích: “Nhật lục là nơi tu dưỡng và kiểm điểm việc thiện ác của mình.” ([10]) Có thể Nhật Lục này là một phương pháp ứng dụng Thập Giới Công Quá Cách của Đức Lữ Tổ đời Đường.
Phương pháp vô ngã kiểm của Cao Đài ngày nay không khác cách luyện kỷ của Đạo gia Trung Quốc. Điều này cho thấy đạo Cao Đài mang đậm dấu ấn của đạo Lão, đạo Tiên. Thế nên giáo chủ đạo Cao Đài là Cao Đài Tiên Ông; tín đồ Cao Đài được gọi là học trò tiên, và cơ bút - phương tiện dạy đạo của Cao Đài - cũng bắt nguồn từ các đàn tiên theo truyền thống đạo Lão...
 Phú Nhuận, 29-12-1997
HUỆ KHẢI



([1]) Trong bài này, [Ngô Phong 1994] được sử dụng là chính; các tác giả khác được dùng để đối chiếu, khảo dị, bổ sung. Xin chân thành đa tạ bào đệ Lê Anh Minh đã dịch các sách chữ Hán như [Lý Thúc Hoàn 1971] và [Ngô Phong 1994] để cung cấp Huệ Khải các thông tin phong phú.
([2]) Có lẽ là Hỏa Long Chân Nhân, nhưng tiểu thuyết viết nhầm.
([3]) Đây là ẩn dụ, người tu muốn được giải thoát hãy coi thân mình như cái xác chết rồi nhưng chưa chôn, có vậy thì dứt bỏ được mọi ham muốn, và được vững vàng, tinh tiến trên đường đạo.
([4]) viết gần giống nhau, có lẽ Mayers lầm.
([5]) Phất trần (phất chủ) cùng với kinh Xuân Thu (Nho), bình bát vu (Thích) được Cao Đài Giáo coi là ba pháp khí tượng trưng Tam Giáo.
([6]) 眼前有景道不得,崔顥題詩在上頭.
([7]) Sông Hoài bắt nguồn từ tỉnh Hà Nam, qua tỉnh An Huy chảy vào tỉnh Giang Tô.
([8]) Một số nhà nghiên cứu ngờ rằng năm tác phẩm từ số 10-14 đều do môn đệ của Tổ soạn.
([9]) Theo Lê Anh Minh, công quá cách đã có từ đời Hán. Đến Đức Lữ Tổ, ngài đưa ra mười giới răn để làm một bảng tiêu chuẩn (cách) rất tỉ mỉ, phân định rõ đâu là những tư tưởng và hành vi thiện (công) hay ác (quá). Tìm đọc thêm Thiện Thư của Lê Anh Minh (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009, 208 trang), chương trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài thực hiện.
([10]) Nhật lục giả, sở dĩ tu kiểm thiện ác chi xứ. 錄者, 所以修檢善惡 之處.