Con nhà đạo vào đời thời @
Cơ
duyên
Tôi được mời nói chuyện với sinh viên,
các bạn trẻ của Hội thánh Truyền giáo đề tài này, có lẽ vì tôi đang làm cha hai
đứa con, trong đó cậu cả thuộc thế hệ 8x,([1]) nghĩa là nay mai em
nó cũng sẽ nối bước các bạn trẻ ở đây vào đời trong thời đại @.
Tôi vào đời nhằm lúc xã hội đói nghèo,
khép kín trong vòng lạc hậu. Nửa sau thập niên 70 thế kỷ trước, cuộc sống có lẽ
chỉ hơn mức khổ hạnh. Khác hơn các bạn bây giờ, tôi không phải là con nhà đạo
dòng, đạo gốc mà xuất thân trong gia đình đạo Phật (thuở bé đã được đi tịnh xá,
tập ăn chay kỳ, và được sư cô ở làng cho pháp danh).
Không rõ các bạn trẻ ngồi đây đang ôm ấp
hoài bão gì, riêng phần tôi, thuở đang tràn trề mộng ước thanh xuân, tôi đã
phải ngậm ngùi ngâm hai câu thơ của Hoài Khanh:
Thôi em hạnh phúc giã từ,
Em
này không phải là em gái, không phải là tình nhân. Em chỉ là một hình tượng
nhân cách hóa mộng ước thanh xuân.
Thế
mà chính trong tuổi hai mươi mịt mù sương khói đó, tôi hạnh ngộ Đại thừa chơn giáo, đọc đại nguyện của
Thầy,([3])
để rồi một mình, tôi lặng lẽ chọn cho mình đạo Cao Đài, dù chưa có một thủ tục
nhập môn, chưa thỉnh thánh tượng Thiên Nhãn.
Mãi
hai năm sau (1977) tôi mới được nhập môn ở Vĩnh Nguyên Tự, và vài năm sau nữa
một lần tôi cảm khái Ơn Thầy dìu dắt:
Tạ ơn Thầy âm thầm đưa con tới
Chiếc thuyền từ giữa bể khổ đầy vơi
Thân nghiệp chướng nếu không Thầy soi lối
Con làm sao thành thật biết ơn đời
Tôi
biết ơn đời năm tôi hai mươi tuổi đã tặng cho tôi một trận mù mịt khói sương,
nhờ thế tôi hạnh ngộ Cao Đài.
Nhắc
chuyện cũ để xác nhận rằng tôi thua các bạn ở chỗ tôi không có cơ hội vào đời
thời @ mà cũng không phải xuất thân con nhà đạo dòng như các bạn. Trong buổi
nói chuyện này, tôi thử lấy suy nghĩ của một người cha có đứa con thế hệ 8x và
từ những mong ước cho con mình, tôi chia sẻ với các bạn trẻ.
Các bạn là ai? đang ở đâu?
Các
bạn không thể tự chọn một gia đình để xuất thân. Nhưng các bạn đã là con nhà
đạo. Đó là cái duyên lớn. Các bạn không thể tự chọn thời đại để làm người.
Nhưng các bạn đã làm người của thiên niên kỷ thứ ba, mà thời đại này là một
triển vọng hứa hẹn để các bạn học tập và làm được chút gì đó cho đạo, cho đất
nước.
Thực trạng
Hiện
nay nền đạo đang manh mún, trì trệ. Xã hội vừa lắm điều bất cập vừa chẳng ít sự
thái quá. Các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media) hầu như chỉ cổ xúy cho sự vong thân, tha hóa, cám dỗ
thanh niên vào một nhận thức sai lầm kiểu “Hãy
cho cả thế giới biết bạn là ai” nhưng thực chất là dắt tuổi trẻ vào những
giá trị ảo. Con người chạy theo tiêu dùng, mua sắm không vì nhu cầu thiết thực
mà chỉ vì muốn phô trương. Con người đang bóc lột trái đất và nô lệ vật chất.
Các giá trị chân chánh truyền thống đều bị khinh thường. Chúng tôi là cha mẹ,
kinh hãi khi thấy con mình vào đời trong cảnh trạng này.
Thời đại @
Nhưng
ngược lại, chúng tôi mừng khi thấy các bạn đang sống ở thời đại mà Đức Lão Tử
ngày xưa mơ ước: Bất xuất hộ, tri thiên
hạ.([4])
Không ra khỏi cửa mà biết hết việc thế gian, đó là kỳ diệu của thời @. Thật
vậy, ngày nay, với Internet, với Google, với Unicode… các bạn đã phần nào đạt
được khả năng tri thiên hạ của thánh nhân dù đang ngồi trong góc nhà nhỏ hẹp.
Vậy phải biết định hướng học tập thời @ để đừng bỏ lỡ công năng kỳ diệu của nó.
Học gì?
Về cơ
bản, phải có kỹ năng đọc hiểu thành thạo một ngoại ngữ, tối thiểu là tiếng Anh.
Nó là công cụ không thể thiếu để khai thác Internet, tiếp cận với xu thế toàn
cầu hóa (globalization). Đây là ngõ
thoát cho các bạn tự học để tự bổ túc những thiếu sót và chậm trễ của hệ thống
giáo dục nhà trường. Bằng con đường này các bạn tự mở mắt cho mình để tự nâng
cao tri thức. Con nhà đạo thời @ còn có nhiệm vụ lâu dài là phải biết hướng tư
duy @ vào giáo lý Cao Đài để hiện đại hóa phong cách học hỏi, truyền bá Cao Đài
ngõ hầu tránh khỏi nhược điểm theo nếp xưa cũ. Các bạn trẻ cũng cần hiểu xu thế
toàn cầu hóa ở mặt tích cực để tư duy thêm về triển vọng của Tam kỳ Phổ độ.
Phải biết chọn nghề gì không trái đạo. Chẳng hạn, đã
là con nhà đạo thì đừng làm bác sĩ phá thai, đừng kinh doanh lò mổ gia súc, gia
cầm, cũng đừng mở quán nhậu, v.v...
Ra
đời năm 1926, trong Tân luật Cao Đài,
nơi phần Thế luật (điều thứ hai mươi)
đã quy định:
“Kể từ ngày ban hành luật này, người bổn đạo
chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật; chẳng được làm nghề gì mà
tồi phong bại tục; chẳng được soạn hay là ấn hành những truyện phong tình, huê nguyệt, không đặng buôn bán các thứ
rượu mạnh và á phiện là vật độc làm cho giảm chất con người.”
Sẽ có
nghề giúp các bạn dễ dàng kiếm ra rất nhiều tiền, nhưng bạn sẽ không còn là con
nhà đạo! Sẽ có nghề khiến bạn vẻ vang trên trường đời danh lợi, nhưng bạn không
phụng sự được chút gì cho đạo. Hãy biết chọn nghề gì để sống được đàng hoàng,
có nhân cách và còn điều kiện thời gian, tim óc để hành đạo.
Tóm lại,
chọn nghề gì để đừng hối tiếc khi nhớ câu kinh Thánh mà thánh Françoise Xavier
hay nhắc nhở:
Dầu cho được cả thế gian này mà đánh mất
linh hồn mình thì cũng chẳng ích gì!
Hôn nhân
Chẳng
biết trong các bạn trẻ có ai sẽ chọn đường độc thân hành đạo như tiền bối Bảo pháp
Thanh Long của Hội thánh Truyền giáo? Ở đây ta nói chuyện theo lẽ thường, tức
là các bạn trẻ rồi sẽ có người yêu và kết hôn. Vấn đề đặt ra là người phối ngẫu
của bạn có cùng đạo Cao Đài như bạn không.
Tân luật
Cao Đài, nơi phần Thế luật (điều thứ sáu) đã quy định rõ:
“Việc hôn ([6]) là việc rất trọng đời người. Phải chọn hôn trong người đồng đạo; trừ
ra khi nào người ngoài ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu.”
Thực
tế cho thấy, vẫn có không ít trường hợp cha mẹ là chức sắc hay chức việc nhưng
con nhà đạo gốc lại kết hôn không theo quy định Tân luật. Hệ quả là có khi con
cái phải cải đạo, trở thành tân tòng theo yêu cầu ràng buộc của gia đình người
phối ngẫu. Có khi họ tạm thỏa thuận nguyên tắc “đạo ai nấy giữ” nhưng trong nhà
vẫn khó lập Thiên bàn, khi đau yếu, từ trần không được vợ (hay chồng) chấp
thuận cho làm các bí tích của Cao Đài. Thậm chí muốn ăn chay cũng không được
ủng hộ. Vợ hay chồng muốn đi thánh thất tu học, hành đạo phải lén lút. Sự mâu
thuẫn càng căng hơn khi hai người có con, sẽ nảy sinh tranh chấp là con cái bị
buộc theo đạo của cha hay đạo của mẹ. Trong hoàn cảnh ấy, gia đình luôn xào xáo
vì nội chiến tín ngưỡng.
Đây
là vấn đề nhạy cảm vô cùng. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-01 Kỷ Dậu
(thứ Hai 03-3-1969), Đức Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh dạy như sau:
“Phần nhiều gia đình Thiên phong chức sắc,
chức việc, đến hàng đạo hữu, cha mẹ có đạo Cao Đài, con cái lại đi đạo khác,
rồi trở về chống đối lại đường lối hành đạo của mẹ cha. Vẫn biết đạo nào cũng
quý, cứu cánh cùng rốt cũng như nhau. Điểm đề cập nơi đây là khía cạnh giáo dục
của phận làm cha mẹ.”
Thế
nên, trừ trường hợp những ai có đại chí hiến dâng trở thành giáo sĩ, khi còn
trẻ các bạn cần chuẩn bị hôn nhân với người đồng đạo Cao Đài. Sinh hoạt thanh
niên trong môi trường đồng đạo là điều kiện tốt nhất để quen biết và tìm hiểu
nhau. Cha mẹ hai bên lại cùng chung họ đạo, tình đồng đạo khăng khít mà trở
thành tình thông gia hòa hảo nữa thì rất hay. Cha Cao Đài, mẹ Cao Đài, nuôi dạy
con cái trở thành tương lai kế truyền Cao Đài. Con đường thế đạo gẫm ra cũng
cần thiết để nối tiếp những “Cao Đài tử”, phải thế không các bạn?
Khi mùa thu tới
Còn
khoảng ba thập niên nữa các bạn trẻ đang ngồi đây sẽ bước vào cái tuổi “tri
thiên”, cũng là tuổi “gió heo may đã về”, tuổi “vào thu”.
Ngày
xưa, khi nhìn lại đời mình lúc tuổi sang thu, nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916-1976)
ngậm ngùi than:
Xuân đời chưa hưởng kịp,
Mây mùa thu đã sang…
Tôi
tin rằng các bạn trẻ là con nhà đạo, có nền nếp đạo đức của gia đình, các bạn
còn được Hội thánh Truyền giáo chăm lo cho đời sống và hướng dẫn tinh thần. Với
những điều ấy, chắc chắn các bạn vào đời không phải chỉ để hưởng thụ riêng. Cho
nên các bạn sẽ không thèm tiếc rẻ là xuân đời chưa hưởng kịp.
Người
ta nói thanh niên là tương lai của đất nước. Các bạn còn hơn thế, vì các bạn
còn là tương lai của Hội thánh Truyền giáo, tương lai của Cao Đài. Nói cách
khác, các bạn là con nhà đạo, thì cha mẹ, ông bà các bạn, Hội thánh Truyền giáo
của các bạn luôn kỳ vọng các bạn sẽ nối tiếp đạo nghiệp ông cha.
Các
bạn thành tài, sẽ vào đời, và nên biết định hướng từ bây giờ để sẽ làm được
chút gì đó cho Hội thánh, cho Cao Đài trong khả năng và chí nguyện của các bạn.
Đến
chừng tuổi các bạn sang thu, mong sao đừng có ai phải ngậm ngùi than rằng:
Đạo nghiệp còn tay trắng,
Mây mùa thu đã sang!
Đó
cũng là lời chúc lành tôi gởi chào các bạn.
Đầu năm học mới 2005-2006
Thánh thất Trung Minh
HUỆ KHẢI
[2] Nhà thơ Hoài Khanh tên thật Võ Văn Quế,
sinh ngày 20-3-1934 tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Trước năm 1975 ông còn
viết văn, dịch sách, lập nhà xuất bản Ca dao tại Sài Gòn. Sau 1975, ông về sống
ẩn dật ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
[3] “Ðể làm chi cứ mang lấy nạn khổ mãi luân hồi, Thầy dòm thấy luống chua
xót đứng ngồi không yên dạ.
Nên
hội Tam giáo Công đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem Ðạo mầu phổ hóa độ tất cả đám
quần sanh.
Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Ðạo
không thành Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.” Đàn ngày 25-9 Bính Tý (bài “Chỉ
ý thuyết minh”, Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 54.)
[5] Hai mục Chọn nghề và Hôn nhân đã được dùng lại trong bài Trách nhiệm của cha mẹ đối với con nhà đạo.
Nếu lược bớt cho khỏi trùng lắp khi in sách thì bài viết thiếu liên tục. Mong
quý bạn đọc lượng thứ. (Huệ Khải)