III.
TIỀN BỐI NGÔ VĂN CHIÊU VÀ NHÓM CAO-PHẠM
Một năm sau ngày tiền bối
Ngô Văn Chiêu trở lại Sài Gòn, có một nhóm công chức người tỉnh Tây Ninh đang làm
việc ở Sài Gòn thực tập xây bàn (la table tournante, la table frappé) để tiếp
xúc với cõi siêu hình theo cách chỉ dẫn trong các sách Thông linh học
(Spiritisme) in bên Pháp. Bấy giờ, những năm 1924-1925, đang có một làn sóng
Thông linh học lan tràn khắp cả Nam Kỳ, theo báo cáo của một chủ quận được ghi
nhận trong phúc trình “Le Caodaϊsme” (01-01-1932)
của Lalaurette, Thanh tra chánh trị và hành chánh sự vụ (Inspecteur des
affaires politiques et administratives).([1])
1. Nhóm xây bàn ở
phố Hàng Dừa
Nhóm xây bàn ở phố Hàng Dừa (Arras ) lúc đầu chỉ có bốn người:
- Tiền bối Cao Quỳnh Cư (1888-1929) và vợ là Nguyễn
Thị Hiếu (tức Hương Hiếu, 1887-1971). Tiền bối Cư bấy giờ làm thơ ký Sở Hỏa xa
Sài Gòn, ngạch tham tá (commis), thuê nhà ở số 134 đường Bourdais (nay là
Calmette, quận 1).
- Tiền bối Cao Hoài Sang (1901-1971), tham tá Sở
Thương chánh Sài Gòn,([2]) thuê nhà ở đường
Arras , cách nhà
tiền bối Phạm Công Tắc một căn.([3])
- Tiền bối Phạm Công Tắc (1890-1959), thơ ký Sở Thương chánh Sài
Gòn.
Việc xây bàn hàng đêm
của nhóm Cao-Phạm diễn tiến như sau (lược ghi một số điểm chính):
Thứ Sáu 24-7-1925 (04-6 Ất Sửu): Hai tiền bối
Cư, Tắc ghé nhà tiền bối Sang tập xây bàn, nhưng không kết quả.
Chủ Nhật 26-7-1925 (06-6 Ất Sửu): Xây bàn, tiếp được chơn linh Cao Quỳnh Tuân (1844-1896) là
thân phụ tiền bối Cư. Từ đó, các vị hàng đêm xây bàn.
Thứ Sáu 28-8-1925 (10-7 Ất Sửu): Xây bàn tại nhà tiền bối Cư, tiếp được Đức Chí tôn, nhưng
Ngài ẩn danh, chỉ xưng là AĂÂ, mượn ba con chữ đầu tiên của bảng chữ cái quốc
ngữ.
A do Alpha hay a (con chữ đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp), tượng trưng
đầu mối của vũ trụ vạn vật, tức là Thái cực với biểu tượng cổ là [. Thái cực sinh lưỡng nghi (âm dương). Ă và Â là biến thể
của A, như là âm và dương. Dấu Ú trên chữ Ă trông giống phần âm ngửa lên, màu đen ; dấu ^ trên chữ A trông giống phần dương úp
xuống, màu trắng trong biểu tượng [. Có thể hiểu AĂÂ là một cách biểu thị Thái cực âm dương.
Vì thế, cũng như Thái cực, AĂÂ biểu thị Thượng đế vô ngã (impersonal God).
Trung tuần tháng 9-1925 (hạ tuần tháng 7 Ất Sửu): Nhóm Cao-Phạm chuyển sang dùng đại ngọc cơ để
cầu tiên theo phương pháp cổ truyền của đạo Lão.
Thứ Ba 15-12-1925 (30-10 Ất Sửu): Lần đầu tiên nhóm xây bàn được nghe hồng danh Cao Đài khi
Đức AĂÂ dạy ba vị tiền bối Cao-Phạm: “Ngày
mồng 1 tháng 11 này tam vị phải vọng thiên cầu đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra
quỳ giữa trời, cầm chín cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm
Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng đế ban ơn đủ phúc lành cho ba
tôi cải tà quy chánh.” Ba vị chính thức trở thành môn đệ Cao Đài từ ngày
16-12-1925.
Thứ Hai 11-01-1926 (27-11 Ất Sửu): Tiền bối Lê Văn Trung (1876-1934) đến nhà tiền bối Cao Quỳnh Cư (134 Bourdais) hầu đàn, được Đức Cao
Đài ban ơn cho bốn câu thơ.
Thứ Hai
18-01-1926 (05-12 Ất Sửu): Tuân lịnh Đức Cao Đài, nhóm Cao-Phạm mang
đại ngọc cơ đến nhà tiền bối Lê Văn Trung (ở đường Quai Testard, nay là Châu
Văn Liêm, quận 5). Đức Cao Đài giáng cơ thâu nhận Lê tiền bối làm môn đệ.
2. Nhóm Cao-Phạm
hiệp với tiền bối Ngô Văn Chiêu
Khoảng hạ tuần tháng 01-1926 (trung tuần tháng 12 Ất
Sửu): Đức Cao Đài dạy nhóm Cao-Phạm phải hiệp cùng tiền bối Ngô Văn Chiêu lo mở
đạo Cao Đài, và phải kính tiền bối Chiêu làm Anh Cả.
Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng
dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), kinh cúng thời, v.v. Từ đó, việc lập đàn
cầu tiên được tổ chức như sau: Ngô tiền bối làm pháp đàn; hai tiền bối Cư và
Tắc làm đồng tử âm dương (song đồng); tiền
bối Hương Hiếu làm điển ký.
Tại Sài Gòn, chiều 30 Tết (thứ Sáu 12-02-1926), các
tiền bối cùng nhau đi một vòng ghé nhà từng bạn đạo. Bắt đầu đi từ nhà tiền bối
Võ Văn Sang (Cầu Muối, quận 1), rồi lần lượt ghé các tiền bối: Cao Quỳnh Cư,
Vương Quan Kỳ (80 Lagrandière, nay là Lý Tự Trọng, quận 1), Lê Văn Giảng (85
Lagrandière), Nguyễn Trung Hậu (Đa Kao, quận 1), Nguyễn Văn Hoài, Phạm Công
Tắc, Đoàn Văn Bản (42 Général Leman, nay là Cao Bá Nhạ, quận 1), Nguyễn Hữu Đắc
(100 Lục Tỉnh, nay là Hùng Vương, quận 6)([4]), Lý Trọng Quý.
Cuối cùng về đến nhà tiền bối Lê Văn Trung thì vừa kịp đón giao thừa.
Tại từng nhà,
tiền bối Ngô Văn Chiêu và cặp đồng tử Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư lập đàn cơ.
Đức Cao Đài Tiên ông ban ơn cho mỗi vị chủ nhà một bài tứ tuyệt, ngụ ý khuyến
tu, khích lệ các tiền bối gắng công gầy dựng nền tôn giáo Cao Đài.
Tết Nguyên đán Bính
Dần trôi qua. Sang giờ Tý ngày mùng 9, các tiền bối thiết lễ vía Trời lần đầu
tiên tại nhà tiền bối Vương Quan Kỳ (đêm thứ Bảy 20-02-1926). Đức Cao Đài dạy:
Bửu
tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy
nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung
hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.
Tiền bối Ngô Văn Chiêu bạch với Đức Cao Đài, xin một bài thơ điểm danh
chung cho những người đang có mặt. Đức Cao Đài ban ơn như sau:
Chiêu, Kỳ, Trung, độ dẫn Hoài sanh,
Bản, đạo khai Sang, Quý, Giảng thành.
Hậu, Đức,
Tắc, Cư thiên địa cảnh,
Quờn, Minh,
Mân đáo thủ đài danh.
Quờn, Minh, Mân là ba người khách của tiền bối Vương Quan Kỳ. Sang có thể
là Cao Hoài Sang, trùng tên với Võ Văn Sang. Như vậy, tuy bài thơ nêu mười hai
tên gọi, nhưng có thể hiểu là điểm danh mười ba vị đệ tử đầu tiên, trong đó
tiền bối Ngô Văn Chiêu đứng đầu, làm Anh Cả.
Theo luật đạo Cao Đài, đứng đầu Hội thánh (Cửu trùng đài) là giáo tông.
Giáo tông được giải thích là anh cả. Toàn thể môn đệ đối với nhau là anh chị em
như con một nhà, cùng thờ chung một Cha hay một Thầy thiêng liêng là Đức Cao
Đài Thượng đế.
3. Tiền bối Ngô Văn Chiêu tách ra khỏi nhóm phổ độ
Khi nhóm phổ độ
(trước đây gọi là nhóm Cao-Phạm) vâng lịnh Đức Cao Đài tiếp xúc Ngô tiền bối
(hạ tuần tháng 01-1926) thì người đang trong thời kỳ tu luyện theo nội giáo tâm
truyền (esotericism) do Đức Cao Đài truyền dạy. Thế nên tiền bối không trực
tiếp tham gia hoạt động phổ độ hay ngoại giáo công truyền (exotericism). Vì
vậy, trong đêm giao thừa đón năm mới Bính Dần (12-02-1926), Đức Cao Đài dạy chung
ba vị tiền bối Lê Văn Trung, Vương Quan Kỳ và Nguyễn Văn Hoài như sau: “Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay mặt
Chiêu mà đi độ người. Nghe và tuân theo.”
Mỗi thứ Bảy, tiền
bối Ngô Văn Chiêu cho làm một tiệc chay ở căn phố trọ (số nhà 110 Bonard, Sài
Gòn) để đãi các em đã thay mặt người đi truyền đạo. Tiền bối còn xuất tiền may
áo dài tặng một vài vị để mặc cho tươm tất mỗi khi đi phổ độ các nơi.([5])
Ngô tiền bối hướng dẫn nhóm phổ độ được khoảng ba
tháng thì bắt đầu diễn ra những sự kiện quan trọng để chuẩn bị thành lập Hội
thánh Cao Đài. Ba sự kiện có liên quan tới Ngô tiền bối như sau:
- Tháng
4-1926: Đức Cao Đài dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc
gặp tiền bối Ngô Văn Chiêu, truyền lịnh may thiên phục giáo tông (áo trắng, có
thêu tám quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn). Tiền bối Hương Hiếu
được lịnh đem lại bàn cơ chén nước lạnh để Đức Cao Đài vẽ kiểu thiên phục. Khi
nào may xong áo, sẽ lập đàn cơ để Đức Cao Đài chỉ rõ vị trí đặt tám quẻ trên
áo.
- Chủ Nhật
18-4-1926 (07-3 Bính Dần): Đức Cao Đài dạy tiền bối Hương Hiếu cách may
mão giáo tông (màu trắng, cao
33,30cm, có hai dải thòng xuống vai, rộng bản 3cm, dài 30cm). Ngày hôm sau,
tiền bối Hương Hiếu làm thử một cái mão bằng giấy dâng lên để Đức Cao Đài sửa
lại cho đúng.
- Thứ Năm
22-4-1926 (11-3 Bính Dần): Cầu cơ tại nhà tiền bối Cao Quỳnh Cư. Trong
lúc dâng lên Đức Cao Đài cái mão giáo tông làm thử (lần thứ nhì), tiền bối
Hương Hiếu tỏ ra vội vàng, nên Đức Chí tôn dạy: “Trúng. Mà ai đội con phòng lật đật!”
Phải chăng Ðức Chí Tôn đã
tiên tri Ngô tiền bối sẽ không nhận phẩm giáo tông? Thật vậy, đó là lúc tiền
bối Ngô Văn Chiêu quyết định tách ra khỏi nhóm phổ độ. Duy trì nếp sống ẩn tu
cố hữu trong sáu năm qua, người dốc trọn tâm chí và dành nhiều thời gian vào
việc tu thiền cho thành công ngõ hầu xây dựng nền tảng vững chắc cho nội giáo
tâm truyền.
Năm mươi bốn năm sau đàn cơ ấy, thứ Năm
13-3-1980 (27-01 Canh Thân), sự kiện này được Đức Ngô Minh Chiêu giãi bày tại
đàn cơ ở tu viện Minh Đức (Vũng Tàu): “Nhưng
rất tiếc, Tiên huynh chưa hoàn thành được chỗ nội đơn đại dược, nên Tiên huynh
không dám nhận ngôi vị giáo tông mà Từ phụ ban cho (…).”
Tiền bối Ngô Văn Chiêu từ tạ ngôi vị giáo tông vào
ngày thứ Bảy 24-4-1926 (13-3 Bính Dần). Người cũng hoàn lại tiền bối Hương Hiếu
số tiền đã mua vải để may bộ thiên phục và mão giáo tông.
Tuy Ngô tiền bối từ tạ, nhưng ngày nay người vẫn được
kính ngưỡng là Đệ nhất Giáo tông.
[1] “Une
véritable vague de spiritisme sévissait en 1924-1925 dans toute la Cochinchine.”
(Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận
hóa, 1996, tr. 43.)
[2] Sở thương chánh (bureau des douanes et régies): Cũng gọi
nhà đoan, quan thuế, hải quan.
[3] Nền cũ hai nhà này rất có thể
là vị trí Cơ quan Phổ thông Giáo lý hiện nay (số 171B Cống Quỳnh, phường Nguyễn
Cư Trinh, quận 1).
[4] Tiền bối Nguyễn Hữu Đắc là thân hữu của nhóm
Cao-Phạm, về sau tu theo đạo Minh Lý (thánh sở nay ở đường Cao Thắng, quận 3).
[5] Lịch sử quan phủ Ngô Văn Chiêu.
Sài Gòn: 1962, tr. 41.