Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

6/2. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÁC LẬP PHÁP NHÂN CAO ĐÀI / ĐẤT NAM KỲ − TIỀN ĐỀ PHÁP LÝ MỞ ĐẠO CAO ĐÀI




PHẦN II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÁC LẬP PHÁP NHÂN CAO ĐÀI
Vào đêm thứ Năm 18 rạng sáng thứ Sáu 19-11-1926 (14 rạng sáng 15-10 Bính Dần) đã chính thức khai mạc một đại lễ để tấn tôn các chức sắc đầu tiên của Hội thánh Cao Đài sơ khai. Báo chí Việt, Pháp thời ấy khi đưa tin về cuộc lễ đã góp phần mang danh xưng Cao Đài vượt ra ngoài phạm vi quốc nội và truyền sang quốc tế.
Bấy giờ để có địa điểm tổ chức đại lễ, Hội thánh Cao Đài đã mượn chùa Thiền Lâm 禪林 của hòa thượng Như Nhãn (tức là Thích Từ Phong, thế danh Nguyễn Văn Tường, 1864-1938). Được giấy phép xây dựng vào cuối năm 1925, nay ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, Thiền Lâm Tự cũng gọi chùa Gò Kén vì cất trên một gò đất rộng khoảng bốn mẫu, nơi ấy mọc nhiều cây kén, là một loại dây leo, thân cứng, lá xanh đậm, trái chín đỏ, tròn cỡ hột mít.([1])
Giấy phép tổ chức cuộc lễ được chính quyền thuộc địa ký ngày 07-11-1926.([2]) Lúc đầu dự trù triển khai trong ba ngày, nhưng vì thiện nam tín nữ các tỉnh lũ lượt tìm về chùa Gò Kén xin nhập môn không ngớt, Hội thánh phải kéo dài ra ba tháng. Sau đó Hội thánh trả chùa cho hòa thượng Như Nhãn và tiến hành khai hoang để cất Tòa thánh Tây Ninh (nay ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) trên khoảnh rừng mua lại của viên kiểm lâm người Pháp tên là Aspar.
I. PHÂN BIỆT KHAI MINH ĐẠI ĐẠO VÀ KHAI TỊCH ĐẠO
Đại lễ tại chùa Gò Kén lúc đầu thường được gọi là lễ Khai Đạo 開道. Trải qua bốn mươi bốn năm (1926-1970), đến giờ Tý đêm thứ Ba 22 rạng ngày thứ Tư 23-9-1970 (đêm 22 rạng ngày 23-8 Canh Tuất), trong một đàn cơ do bộ phận Hiệp thiên đài Cơ quan Phổ thông Giáo lý thiết lập tại thánh thất Nam Thành (đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Sài Gòn), Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) giáng dạy và chính thức xác lập tên gọi Khai minh Đại đạo 開明大道.
Từ ấy, hàng năm ngày 15-10 âm lịch (tháng 11 dương lịch) được các thánh sở Cao Đài tổ chức đại lễ kỷ niệm với tên gọi Khai minh Đại đạo. Năm đạo Cao Đài cũng tính từ ngày này.
Khai minh (to enlighten) là làm cho sáng tỏ, giúp mọi người hiểu biết, không còn u tối, dốt nát (vô minh: ignorance). Khai minh Đại đạo là làm cho mọi người đều biết tới tôn giáo Cao Đài, tức là Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (nói tắt là Đại đạo). Thoạt kỳ thủy, Khai minh Đại đạo là đại lễ để tấn tôn các chức sắc đầu tiên của Hội thánh Cao Đài sơ khai. Với ý nghĩa này có thể dịch ngày Khai minh Đại đạo là Caodai Inauguration Day.
Cũng trong đàn cơ ngày 22-9-1970 nói trên, Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc xác lập tên gọi ngày kỷ niệm 23-8 âm lịch hàng năm là ngày Khai tịch Đạo 開闢道Trước kia, ngày này từng được gọi là ngày Khai Đạo, do đó dễ gây ngộ nhận rằng đạo Cao Đài có hai ngày Khai Đạo: 23-8 âm lịch và 15-10 âm lịch.
Hai chữ Khai tịch gợi nhớ tới bốn chữ khai thiên tịch địa 開天闢地 nghĩa là tạo lập vũ trụ (the creation). Ở đây, khai và tịch đồng nghĩa là mở ra, tạo lập (to open up, to found, to establish, to create). Từ bá 词霸 (từ điển của Đại học Bắc Kinh, chữ Hán giản thể) giảng khai tịch 开辟 là khai phát kiến thiết 开发建设, nghĩa là mở mang, xây dựng.
Vậy, ngày Khai tịch Đạo tức là ngày thành lập tôn giáo Cao Đài (Caodai Foundation Day) bằng cách đăng ký (register) với chánh quyền theo đúng thủ tục pháp lý quy định để có tư cách pháp nhân (legal entity) cho nền tôn giáo mới hình thành.
II. CUỘC HỌP KHAI TỊCH ĐẠO
Đêm thứ Tư 29-9-1926 (23-8 Bính Dần), lúc 8 giờ, tại nhà tiền bối Nguyễn Văn Tường (1887-1939, cũng gọi Võ Văn Tường), số 237 bis, trong một hẻm trên đường Gallieni (nay là số 208 đường Cô Bắc, quận 1), có cuộc họp đông đảo để chuẩn bị đăng ký tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài. Ngay trước cuộc họp, một cơn mưa như trút kéo dài nhiều giờ đã làm ngập nhiều nơi chung quanh. Cuộc họp vì thế được cô lập khỏi sự tò mò của người ngoài cuộc, nhất là cảnh sát thuộc địa.
Có thể xem đây là phép mầu nhiệm thiêng liêng để cuộc họp không bị nhà chức trách ngăn trở, vì lẽ thời ấy họp từ hai mươi người trở lên phải xin phép chánh quyền. Chưa biết cuộc họp khoảng hai trăm năm mươi người hôm ấy có xin phép hay không, nhưng khi chọn chỗ họp tại nhà tiền bối Nguyễn Văn Tường, ngoài yếu tố nhà rộng, ắt còn có yếu tố tâm lý vì đấy là nhà của một viên chức cảnh sát. Thật vậy, tiền bối Nguyễn Văn Tường vốn làm nghề thông ngôn (interprète) tại Sở Tuần cảnh Sài Gòn.
Dưới sự đồng chủ trì của ba vị tiền bối Lê Văn Trung (Đầu sư Thượng Trung Nhựt, 1876-1934, sau này là Quyền giáo tông), Ngọc đầu sư Lê Văn Lịch (Ngọc Lịch Nguyệt, 1890-1947) và Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư (1888-1929), cuộc họp lịch sử này quy tụ hàng trăm chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài.
Kết quả có hai trăm bốn mươi lăm vị ký tên vào danh sách đính kèm theo hồ sơ. Còn văn bản tiếng Pháp có hai mươi tám môn đệ ký tên,([3]) ghi ngày 07-10-1926, được tiền bối Lê Văn Trung đích thân mang đến Phủ Thống đốc Nam Kỳ ([4]) gởi cho Quyền thống đốc Nam Kỳ Le Fol.([5]) Bản dịch như sau:
Sài Gòn, ngày 07 tháng 10 năm 1926
Thưa ông Thống đốc,
Những người ký tên dưới đây hân hạnh kính báo cho ông biết những điều sau:
Từ xưa đến nay ở Đông Dương đã có Tam giáo (Phật, Lão, Khổng). Tổ tiên chúng tôi đã tu hành theo giáo lý Tam giáo và sống hạnh phúc nhờ tuân thủ nghiêm nhặt những lời dạy tốt lành của Tam giáo Đạo tổ.
Thời xưa, dân chúng sống vô ưu lự đến độ có thể ngủ không cần đóng cửa, và chẳng màng nhặt của rơi ngoài đường (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di 家無閉户,路不拾遺 là câu nói đã được sử sách chúng tôi ghi lại).
Than ôi! Thời đại tốt đẹp đó không còn nữa vì những lý do sau đây:
1. Tín đồ của các tôn giáo ấy tìm cách chia rẽ nhau trong khi mục đích của vạn giáo đều đồng nhất: làm lành lánh dữ, chí thành thờ kính đấng Tạo hóa.
2. Họ đã làm sai lạc hoàn toàn ý nghĩa của các giáo lý thiêng liêng và quý giá này.
3. Sự đua chen theo bả vinh hoa, mồi phú quý, lòng tham vọng của con người, tất cả những cái đó cũng là các nguyên nhân chính của những bất đồng tư tưởng hiện nay. Người Việt Nam bây giờ đã từ bỏ hoàn toàn những mỹ tục và truyền thống của thời xa xưa.
Đau lòng trước những trạng huống này, một nhóm người Việt Nam, gồm những người có nhiệt tâm với truyền thống và việc tu hành, đã nghiên cứu canh tân tất cả các tôn giáo này, để hiệp nhất thành đạo Cao Đài hay Đại đạo.
Danh xưng ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ có nghĩa là kỳ Ba đại ân xá,([6]) danh xưng này đã do Đức Chí linh ban cho và Ngài đã lâm trần phù trợ cho những người ký tên dưới đây thành lập nền tôn giáo mới này.
Đức Chí linh đã đến với danh xưng NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, tức CAO ĐÀI hay là “ĐẤNG TỐI CAO, THƯỢNG ĐẾ TOÀN NĂNG”.
Thông qua ngưòi đồng tử phò loan, Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ truyền cho những người ký tên dưới đây các thánh giáo nhằm mục đích kết tinh và giảng dạy các giáo huấn tốt đẹp của Tam giáo ngày xưa.
Nền giáo lý mới sẽ dạy cho dân chúng các điều sau đây:
1. Luân lý cao siêu của Đức Khổng Tử.
2. Những đức tính được dạy trong Phật và Lão giáo. Những đức tính này gồm có làm lành lánh dữ, yêu thương nhân loại, sống hòa hiệp, tránh hoàn toàn sự chia rẽ và chiến tranh.
Những người ký tên dưới đây hân hạnh gửi kèm theo cho ông:
1. Một vài đoạn trích lục từ tập “Thánh ngôn” của Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, những lời dạy được đánh giá là quý báu hơn hết thảy mọi sự hiện hữu ở thế gian này.
2. Bản dịch một vài đoạn trong quyển kinh cầu nguyện mà Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ đã dạy chúng tôi.
Mục đích những người ký tên dưới đây theo đuổi là đưa nhân loại trở lại cái thời xưa hòa bình và hòa hiệp. Như vậy con người sẽ hướng về một thời đại mới hạnh phúc khôn tả.
Nhân danh đông đảo những người Việt Nam đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu này và có danh sách kèm theo, những người ký tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý thiêng liêng này.
Tin tưởng rằng nền tôn giáo mới này sẽ mang đến cho tất cả chúng ta hòa bình và hòa hiệp, những người ký tên dưới đây yêu cầu ông hãy chính thức tiếp nhận tuyên ngôn của chúng tôi.
Thưa ông Thống đốc, những người ký tên dưới đây xin ông ghi nhận những tình cảm trân trọng và chân thành của chúng tôi.([7])
III. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ XÁC LẬP PHÁP NHÂN ĐẠO CAO ĐÀI
Trong đàn cơ tại thánh thất Nam Thành ngày 22-9-1970 nói trên, Đức Phạm Hộ pháp diễn tả: “Ngày 23 tháng 8 là ngày Khai tịch Đạo trên bình diện pháp lý thế đạo.
Bình diện pháp lý thế đạo tức là phương diện pháp luật của xã hội mà mỗi tổ chức muốn hoạt động đều phải tuân thủ. Để hoạt động hợp pháp, trước tiên tôn giáo Cao Đài phải có tư cách pháp nhân cho tổ chức của mình. Đó là lý do tiền bối Đầu sư Thượng Trung Nhựt ngày thứ Năm 07-10-1926 đích thân nộp cho Quyền thống đốc Nam Kỳ Le Fol các văn bản cần thiết đúng theo quy định của luật pháp thời ấy, gồm có:
a. Một văn bản dài khoảng 500 chữ để trình bày tên gọi và mục đích của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.
b. Vài đoạn trích lục thánh giáo và vài đoạn tiếng Pháp dịch kinh cúng.
c. Danh sách các tín đồ.
Liền sau đó các tiền bối Cao Đài tích cực mở rộng hoạt động khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh mà không cần đợi bất kỳ một “giấy phép” nào hết! Bởi vì luật pháp thời ấy không hề đòi hỏi phải có giấy phép. Chỉ cần một thủ tục “đăng ký” đơn giản là đã có thể hoạt động.
Điều khiến hậu thế ngày nay không hiểu là tại sao việc khai tịch Đạo tại Sài Gòn lại diễn ra quá dễ dàng và quá suôn sẻ. Nhưng khi biết rõ được sự việc thì sẽ lãnh hội vì sao đạo Cao Đài phải khởi đầu ở Nam Kỳ thời thuộc Pháp (Cochinchine − colonie française) chứ không thể chọn Trung Kỳ hay Bắc Kỳ là nơi luật pháp không hề thuận lợi.
Thật vậy, vì là thuộc địa của Pháp, Nam Kỳ đã chịu sự chi phối của luật pháp nước Pháp. Quá trình áp dụng luật lệ nước Pháp tại Nam Kỳ sớm được thực dân Pháp triển khai sau khi mới chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ chứ không chờ đến lúc chiếm hết cả sáu tỉnh (24-6-1867).
Liên quan đến quá trình áp dụng luật pháp của nước Pháp tại Nam Kỳ, có thể tạm dẫn ra một số điểm mốc lịch sử chủ yếu như sau:
01-9-1858: Liên quân Pháp và Tây Ban Nha nã những phát đại bác đầu tiên đánh chiếm bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng (người Pháp trước kia gọi là Tourane), mở màn cho quá trình thôn tính Việt Nam.
05-6-1862 (09-5 Nhâm Tuất): Triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp và Tây Ban Nha tại Sài Gòn. Đại diện Pháp là Louis Adolphe Bonard, chuẩn đô đốc, tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ. Đại diện Tây Ban Nha là Don Carlos Palanca y Gutierres, tổng chỉ huy quân viễn chinh Tây Ban Nha tại Nam Kỳ. Theo hiệp ước này ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn (Pháp gọi là Poulo Condor) trở thành thuộc địa của Pháp.
21-12-1864: Thống đốc Nam Kỳ, chuẩn đô đốc De la Grandière ([8]) cho công bố luật pháp của nước Pháp sẽ áp dụng ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Tháng 6-1867: Pháp đánh chiếm ba tỉnh Vĩnh Long (ngày 20), An Giang (ngày 22) và Hà Tiên (ngày 24).
25-6-1867: Chuẩn đô đốc De la Grandière, tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ, tuyên bố từ ngày này Nam Kỳ Lục Tỉnh là của Pháp; triều đình Huế không còn quyền lực nữa, ở Nam Kỳ chỉ còn duy nhất chính quyền của người Pháp.([9])
23-8-1871: Một nghị định của Pháp quy định những người Việt Nam sinh sống ở Nam Kỳ đều phải xét xử theo luật pháp của nước Pháp, ngoại trừ bảy dân tộc Chàm, Hoa, Mã Lai Châu Đốc, Miên, Minh Hương,([10]) Xiêm (Siam),([11]) và Stieng thì xử theo luật Việt Nam.([12])
31-8-1874: Chuẩn đô đốc Jules François Émile Krantz, Quyền thống đốc Nam Kỳ,([13]) ra quyết định đồng hóa người Minh Hương thành người Việt Nam (để xét xử họ theo luật pháp của nước Pháp).([14])
06-3-1877: Tổng thống Pháp ([15]) ra sắc lệnh cho áp dụng bộ Hình luật của nước Pháp ở tất cả các thuộc địa của Pháp trong đó có Nam Kỳ.
03-10-1883: Tổng thống Pháp ([16]) ra sắc lệnh cho thi hành ở Nam Kỳ một số điều khoản trong bộ Dân luật của nước Pháp.([17])
06-01-1903: Toàn quyền Đông Dương ([18]) ra nghị định, theo đó tất cả người Việt ở Nam Kỳ dù chưa được xếp vào loại “công dân nước Pháp” (citoyen français) cũng đều phải xét xử dựa trên bộ Hình luật của nước Pháp đang áp dụng ở thuộc địa Nam Kỳ.([19])
Vào đầu thế kỷ 20, tiền bối Lê Văn Trung và không ít tiền bối Cao Đài khác vốn là công chức ngạch cao trong Phủ thống đốc Nam Kỳ, hoặc là các chủ quận. Do đó các tiền bối khai đạo Cao Đài đương nhiên am tường thủ tục hành chánh và luật lệ Pháp áp dụng tại thuộc địa Nam Kỳ.
 Khi khai tịch Đạo, các tiền bối đã theo Luật hiệp hội 01-7-1901.([20]Luật mang chữ ký của Pierre Marie René Ernest Waldeck-Rousseau (1846-1904), là thủ tướng nước Pháp (nhiệm kỳ 1899-1902) dưới thời tổng thống Émile Loubet (nhiệm kỳ 1899-1906). Waldeck-Rousseau thuộc đảng Cộng hòa, sinh tại thành phố Nantes và tạ thế tại Corbeil. Ông đã ký luật 01-7-1901 một năm trước khi từ nhiệm vì sức khỏe suy kém.
Toàn văn Luật 01-7-1901 được đăng trên Công báo nước Pháp ngày 02-7-1901. Ngoại trừ Điều 12 (Thiên II), ba Điều 14, 16, 19 (Thiên III), và mười bốn Điều 22-35 (Thiên IV) hiện không còn nữa, hầu hết nội dung các điều còn lại có thể tìm thấy trên mạng quốc tế (Internet).([21])
Trích dịch Luật hiệp hội 01-7-1901

Điều 2.

Các hiệp hội có thể được tự do thành lập không cần cho phép hay khai báo trước, nhưng chỉ được hưởng năng lực pháp lý nếu phù hợp với những quy định ở Điều 5.
Điều 5.
Mi hiệp hội muốn có năng lực pháp lý dự kiến trong Điều 6 phải được những người sáng lập công bố.
Việc khai báo trước được thực hiện ở cơ quan của tỉnh hay của quận nơi hiệp hội đóng trụ sở. Hiệp hội thông báo tên và mục đích của mình, trụ sở các cơ quan và tên, nghề nghiệp, nơi ở và quốc tịch của những người trong ban quản trị hay ban lãnh đạo hiệp hội với chức danh của họ. Hai bản điều lệ đính kèm tờ khai. Bản biên nhận tờ khai sẽ được cấp trong vòng năm ngày.
(...).
Việc công bố hiệp hội được đăng trong Công báo bằng cách xuất trình bản biên nhận này.
Hiệp hội phải cho biết trong vòng ba tháng mọi sự thay đổi xảy ra trong ban quản trị hay ban lãnh đạo cũng như mọi sự điều chỉnh trong bản điều lệ.
(…)
Ngoài ra, nhng s thay đổi và điu chnh này phi được ghi chép trong mt cun s riêng để trình cho nhà chc trách hành chánh hay tư pháp khi h yêu cu.
Điều 21 bis.
Luật này được áp dụng ở các lãnh thổ hải ngoại và ở tập thể lãnh thổ Mayotte.([22])
*
Tóm lại, tìm hiểu khái quát quá trình áp dụng luật pháp của nước Pháp tại thuộc địa Nam Kỳ và nội dung Luật thành lập hiệp hội 1901 với những quy định rất thoáng, người đời sau có thể hiểu thêm vì sao tôn giáo Cao Đài đã được xác lập tư cách pháp nhân một cách rất dễ dàng và đơn giản ở Sài Gòn vào năm 1926. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao xuất phát điểm của đạo Cao Đài không thể là Trung Kỳ hay Bắc Kỳ mà phải là Nam Kỳ.
Phú Nhuận, 14-11-2007
HUỆ KHẢI



([1]) Được biết ở sau chùa Linh Sơn Vạn Giã ở thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cây kén có độ tuổi khoảng 300 năm đã trở thành cổ thụ, cao vút.
([2]) [CQPTGL 2005, 323].
([3]) Đức Cao Đài giáng cơ tại nhà tiền bối Nguyễn Văn Tường ngay sau buổi họp, và ban ơn cho 28 vị (chọn trong danh sách 245 vị) được đồng ký tên dưới Tờ khai Đạo. Các vị này gồm có:
1. Bà Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ, Vũng Liêm. / 2. Ông Lê Văn Trung, cựu thượng nghị viên, ngũ đẳng bửu tinh, Chợ Lớn. / 3. Ông Lê Văn Lịch, thầy tu, làng Long An, Chợ Lớn. / 4. Ông Trần Đạo Quang, thầy tu, làng Hanh Thông Tây, Gia Định. / 5. Ông Nguyễn Ngọc Tương, tri phủ, chủ quận Cần Giuộc. / 6. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, nghiệp chủ, Sài Gòn. / 7. Ông Lê Bá Trang, đốc phủ sứ, Chợ Lớn. / 8. Ông Vương Quan Kỳ, tri phủ, Sở Thuế thân, Sài Gòn. / 9. Ông Nguyễn Văn Kinh, thầy tu, Bình Lý Thôn, Gia Định. / 10. Ông Ngô Tường Vân, thông phán Sở Tạo tác, Sài Gòn. / 11. Ông Nguyễn Phát Đạt, nghiệp chủ, Sài Gòn. / 12. Ông Ngô Văn Kim, điền chủ, đại hương cả, Cần Giuộc. / 13. Ông Đoàn Văn Bản, đốc học trường Cầu Kho, Sài Gòn. / 14. Ông Lê Văn Giảng, thơ ký kế toán hãng Hippolito, Sài Gòn. / 15. Ông Huỳnh Văn Giỏi, thông phán Sở Tân đáo, Sài Gòn. / 16. Ông Nguyễn Văn Tường, thông ngôn Sở Tuần cảnh, Sài Gòn. / 17. Ông Cao Quỳnh Cư, thơ ký Sở Thương chánh, Sài Gòn. / 18. Ông Phạm Công Tắc, thơ ký Sở Thương chánh, Sài Gòn. / 19. Ông Cao Hoài Sang, thơ ký Sở Thương chánh, Sài Gòn. / 20. Ông Nguyễn Trung Hậu, đốc học trường tư thục Đa Kao, Sài Gòn. / 21. Ông Trương Hữu Đức, thơ ký Sở Hỏa xa, Sài Gòn. / 22. Ông Huỳnh Trung Tuất, nghiệp chủ, Chợ Đũi, Sài Gòn. / 23. Ông Nguyễn Văn Chức, cai tổng, Chợ Lớn. / 24. Ông Lại Văn Hành, hương cả, Chợ Lớn. / 25. Ông Nguyễn Văn Trò, giáo viên, Sài Gòn. / 26. Ông Nguyễn Văn Hương, giáo viên, Đa Kao. / 27. Ông Võ Văn Kỉnh, giáo tập, Cần Giuộc. / 28. Ông Phạm Văn Tỉ, giáo tập, Cần Giuộc. [Lê Anh Dũng 1996: 173-175].
([4]) Nay là Bảo tàng Thành phố, số 65 Lý Tự Trọng, quận 1.
([5]Xem bản tiếng Pháp ở trang 67-69.
([6]) Đại đạo Tam kỳ Phổ độ nên hiểu là công cuộc phổ độ lần thứ ba của Đại đạo. (Huệ Khải chú)
([7]) [Lê Anh Dũng 1996: 166-172]. Đinh Thị Thanh Mai dịch.
([8]) Pierre Paul Marie de La Grandière, nhiệm kỳ từ 16-10-1863 đến 04-4-1868.
([9]) [Dương Kinh Quốc 1999: 11, 32, 66-67].
([10]) Minh Hương  nghĩa là “làng người Minh”. Đây là tên gọi chung con cháu những người có mẹ là Việt Nam nhưng cha là người Hán (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam sau khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh, lập nên triều nhà Thanh.
([11]) Xiêm (Siam) là tên gọi cho tới ngày 24-6-1939. Sau đó, nước Xiêm đổi tên thành Muangthai tức là Thái Lan (Thailand).
([12]) [Dương Kinh Quốc 1999: 84].
([13]) Jules François Émile Krantz (1821-1914), nhiệm kỳ từ 16-3-1874 đến 30-11-1874.
([14]) [Dương Kinh Quốc 1999: 103].

([15]) Patrice de Mac-Mahon (1808-1893), đảng Quân chủ, một nhiệm kỳ (1873-1879).

([16]) Jules Grévy (1807-1891), đảng Cộng hòa, hai nhiệm kỳ (1879-1886, và 1886-1887).
([17]) [Dương Kinh Quốc 1999: 41].
([18]) Jean Baptiste Paul Beau, nhiệm kỳ từ tháng 10-1902 đến tháng 02-1907.
([19]) [Dương Kinh Quốc 1999: 279-280].
([20]) Loi du 1er Juillet 1901 régissant les associations, Loi du 1 Juillet 1901 relative au contrat d'association, Loi sur les associations 1901. Tài liệu tiếng Anh thường gọi là The Associations Bill of 1901(Xem bản tiếng Pháp ở trang 73-74.)
([21]) Chẳng hạn: http://mapage.noos.fr/iriv.info/Loi_1901.htm.
([22]) Mayotte là một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp trong quần đảo Comores, nằm ở phía bắc eo biển Mozambique (trong Ấn Dộ Dương), giữa Madagascar và Mozambique. Tiến sĩ Phan Văn Hoàng dịch và chú (30-10-2006).