PHẦN
I. ĐẤT NAM KỲ
TRƯỚC KHI CAO ĐÀI XUẤT THẾ
I. NGUỒN GỐC TÊN NAM KỲ LỤC TỈNH
Nghiên cứu lịch sử một tín ngưỡng
không thể tách rời lịch sử của đất nước đã là cái nôi của nền tín ngưỡng đó.
Lịch sử khai đạo Cao Đài khởi nguyên trong thập niên 20 của thế kỷ 20, tại miền
Nam, lúc ấy còn được gọi là Nam Kỳ, Nam Kỳ Lục Tỉnh, Lục Tỉnh, và Lục Châu. Bối
cảnh lịch sử miền Nam hay là một cái
nhìn tổng quát về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của miền Nam ở
đầu thế kỷ 20 rất cần thiết cho việc tìm hiểu lịch sử Cao Đài, cũng như sẽ “hiểu thêm tại sao miền Nam có vài sắc thái
tôn giáo mà ngoài Bắc ngoài Trung không có...” ([1])
Theo Ðại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm Mậu
Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua
Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định; đến năm Mậu Thìn (1808) đổi tên
trấn Gia Định ra thành Gia Định gồm năm trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường,
Vĩnh Thanh, Hà Tiên.
Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn,
1832) vua Minh Mạng đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An, năm trấn chia thành sáu tỉnh là Phiên An, Biên Hòa, Định
Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Như vậy tên Lục Tỉnh đã có từ năm 1832.
Hai năm sau (Giáp Ngọ, 1834), Lục Tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ. Năm 1835, tỉnh
Phiên An đổi tên là tỉnh Gia Định.([2])
Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền
Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa (1862) và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh
Long, An Giang, Hà Tiên (1867), thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới
hành chánh cũ của triều Nguyễn.
Lúc đầu Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arrondissement thay cho huyện.([3]) Khoảng năm 1868,
Nam Kỳ Lục Tỉnh có hơn hai mươi arrondissement
(gọi là hạt hay địa hạt, do tham biện cai
trị, cơ quan hành chánh gọi là tòa tham
biện, chịu dưới quyền thống đốc đóng ở Sài Gòn, thư ký địa hạt cũng gọi là bang biện tức là secrétaire d’arrondissement).
Nghị định ngày 07-6-1871 thu hẹp hai
mươi hạt lại còn mười tám hạt; rồi tăng lên mười chín hạt (1876); tăng lên hai
mươi hạt (1880); bỏ hạt hai mươi (1881); rồi lại lập thêm hạt Bạc Liêu (1882)
và hạt Cap Saint-Jacques (1895) thành hai mươi mốt hạt.
Nghị định ngày 16-01-1899 đổi tên
hạt thành tỉnh (province), tham biện
đổi thành chủ tỉnh (chef de
province), tòa tham biện gọi là tòa bố
(cơ quan hành chánh cấp tỉnh).
II. LỤC TỈNH CHIA RA HAI MƯƠI MỐT TỈNH
Vài chục năm sau mới chia tỉnh ra
quận (délégation) dưới quyền chủ quận; quận chia ra tổng (canton), đứng đầu là cai tổng (chef de canton). Tổng chia
thành xã.([4])
Do có thay đổi tên theo Nghị định
1899, dân Nam Kỳ thời trước còn gọi viên chức đầu tỉnh là quan tham biện chủ tỉnh; người thông ngôn cho
chủ tỉnh được gọi là thông ngôn đứng bàn
ông chánh.([5]) Như vậy, do Nghị
định 1899, từ năm Kỷ Hợi (1899), Lục Tỉnh của Nam Kỳ chia thành hai mươi mốt
tỉnh như sau:
- Gia Định chia thành năm tỉnh:
Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Tân An, Tây Ninh.
- Biên Hòa chia thành bốn tỉnh:
Bà Rịa, Biên Hòa, Cap Saint-Jacques (tức Vũng Tàu), Thủ Dầu Một.
- Định Tường đổi thành Mỹ Tho.
- Vĩnh Long chia thành ba tỉnh:
Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
- An Giang chia thành năm tỉnh: Cần
Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng.
- Hà Tiên chia thành ba tỉnh: Bạc
Liêu, Hà Tiên, Rạch Giá.
Chia lại đất Nam Kỳ thành hai
mươi mốt tỉnh,([6]) có lẽ thực dân Pháp
muốn xóa nhòa hai chữ Lục Tỉnh trong lòng người Việt, cũng là cách cắt đứt lòng
lưu luyến với truyền thống, một thủ đoạn tâm lý bên cạnh các cuộc đàn áp những
phong trào yêu nước kháng chiến. Nhưng dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng Lục Tỉnh. Nên
mãi đến năm Mậu Thân (1908) trên tờ báo Lục
Tỉnh tân văn do ông Gilbert Trần Chánh Chiếu (1868-1919) làm chủ bút, vẫn
xuất hiện thường xuyên tên Lục Tỉnh, Lục Châu. Mùa Thu năm Bính Dần (1926), khi
khởi đầu công cuộc phổ độ ở miền Nam, các vị tiền bối khai đạo Cao Đài đã gọi
đó là cuộc phổ độ Lục Tỉnh. Mãi đến hai thập niên 1950 và 1960, ở
miền Nam cũng còn nói, nhắc đến hai chữ xa xưa này.
Pháp còn giữ lại hai chữ Nam Kỳ,
gọi là Cochinchine, phân biệt với Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam. Người
Anh, Mỹ gọi Nam Kỳ là Cochinchina. Giới học giả trong và ngoài nước từng đưa ra
nhiều cách lý giải khác nhau về xuất xứ tên gọi Cochinchine.([7])
III. VÀI THUẬT NGỮ HÀNH CHÁNH
Ở NAM KỲ THUỘC
PHÁP
1. Thống đốc và thanh tra
Đúng đầu bộ máy hành chánh Nam Kỳ
thời Pháp chiếm là Thống đốc Nam Kỳ
(Gouverneur de la Cochinchine). Viên chức này do Toàn quyền Đông Pháp (tức Đông
Dương thuộc Pháp) giới thiệu và được Tổng trưởng Thuộc địa bổ nhiệm.
Toàn quyền còn cử thêm một viên
chức lưu động, hàng năm thanh tra các tỉnh một lần và báo cáo cho Thống đốc. Đó là Thanh tra chánh trị và hành chánh sự vụ (Inspecteur des affaires
politiques et administratives).
Các thanh tra này dĩ nhiên chỉ phục vụ cho quyền lợi của thực dân Pháp, cho
nên mọi phúc trình của họ về tình hình Nam Kỳ đều đi ngược lại với lợi ích của
dân Việt Nam. Chẳng hạn, thanh tra Lalaurette trong phúc trình ngày 01-01-1932,
dài hai mươi bốn trang đánh máy khổ 21x33cm, khi trình bày về “Le Caodaïsme” đã
dùng nhiều lời lẽ thiếu khách quan. Người nghiên cứu đạo Cao Đài cần hiểu rõ
khía cạnh này để hiểu rõ vì sao năm 1970, khi cho khởi đăng chuyên khảo “An Introduction to Caodaism” trên tạp
chí The Bulletin of the School of
Oriental and African Studies (BSOAS), của Viện đại học London, Giáo sư Ralph
Bernard Smith (1939-2000) cảnh giác mọi người hãy cẩn thận khi đọc những gì
liên quan đến đạo Cao Đài được viết ra do những nhà chính trị thực dân, và Giáo
sư Smith gọi cái óc thiếu vô tư, thiếu trung thực của họ là “the cynicism of political observers” −
óc hoài nghi và thói mỉa mai cay độc của các quan sát viên chánh trị.([8])
2. Soái phủ
Trụ sở của Thống đốc đặt tại Sài
Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long). Người miền Nam quen gọi là Soái phủ Nam Kỳ (Gouvernement des
Amiraux), vì cho tới năm 1878 nó còn là dinh của một quan võ Pháp, hàm
Lieutenant-Gouverneur, tức Phó soái.
Kể từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống đốc Nam Kỳ (dân sự) đầu
tiên là Le Myre de Vilers. Mãi đến năm 1926, khi gọi Quyền thống đốc Le Fol,([9]) người Nam Kỳ vẫn
còn quen miệng kêu lẫn lộn là Thống soái, Phó soái, dù ông không phải là sĩ
quan.
3. Hội đồng Quản hạt Nam
Kỳ
Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (Conseil
colonial de Cochinchine) đại diện Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Gò Công, Tây
Ninh. Hội đồng thành lập năm 1880, dưới thời Thống đốc Le Myre de Vilers, có
nhiệm vụ thảo luận ngân sách địa phương. Lúc đầu thành viên gồm có mười người
Pháp, sáu Việt. Sau tăng lên mười bốn Pháp, mười Việt. Thành viên người Việt do
đại diện các hương chức Nam Kỳ bầu. Hai vị tiền bối Cao Đài Lê Văn Trung và Cao
Triều Phát từng là thành viên Hội đồng này.
4. Hội đồng Tư vấn
Hội đồng Tư vấn (Conseil privé)
còn gọi là Hội đồng Chính phủ Đông Dương (Conseil de Gouvernement de
l’Indochine), làm tư vấn cho Toàn quyền Đông Dương, gồm ba mươi hai thành viên
người Pháp, và năm thành viên người Việt trong đó Toàn quyền chỉ định ba.([10]) Tiền bối Lê Văn Trung từng là thành viên Hội đồng này.
5. Hội đồng Thượng nghị viện Đông
Dương
Đây là tên gọi thường gặp trong tiểu sử tiền bối Lê Văn Trung, vì tiền bối
từng là ủy viên (sách sử Cao Đài thường viết là nghị viên) của tổ chức này. Tổ chức có tên Conseil supérieur de l’Indochine (Hội đồng Tối cao Đông Dương),
được thành lập do sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 17-10-1887, cùng ngày thành
lập Liên bang Đông Dương (Union
indochinoise). Đứng đầu Hội đồng là Toàn quyền Đông Dương.([11]) Thành viên Hội
đồng gồm có: Tổng tư lệnh Bộ binh Pháp ở Đông Dương, Tổng tư lệnh Hải quân Pháp
ở Viễn Đông, Tổng thơ ký Phủ Toàn quyền Đông Dương, Chánh quan Tư pháp, Giám
đốc Thương chánh và Độc quyền, Thống đốc Nam Kỳ, Tổng trú sứ Trung-Bắc Kỳ, Khâm
sứ ở Cao Miên. Khi Tổng trú sứ Trung-Bắc Kỳ bị bãi bỏ (09-5-1889) thì thay vào
là Thống sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ. Khi Lào có chức Khâm sứ (19-4-1899) thì
Hội đồng có thêm ủy viên là Khâm sứ Lào.
Hội đồng có chức năng tư vấn (consultatif)
cho Toàn quyền Đông Dương các vấn đề về ngân sách, thuế khóa, thiết lập các
thành phố, các phòng thương mại, các phòng canh nông, chế độ báo chí… Hội đồng
ngưng hoạt động năm 1894. Ngày 03-7-1897 Tổng thống Pháp ra sắc lệnh tái lập
Hội đồng. Ngày 20-10-1911 Tổng thống Pháp ra sắc lệnh đổi tên Hội đồng là Conseil de Gouvernement de l’Indochine,
tức là Hội đồng Chánh phủ Đông Dương.
Với tên gọi mới này, Hội đồng có thêm ba ủy viên người bản xứ do Toàn quyền chỉ
định hàng năm, chọn trong số các kỳ hào (notables)
ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên (mỗi nơi chọn một ủy viên).([12]) Có lẽ đó là lý do
tiền bối Lê Văn Trung có chân trong Hội đồng Chánh phủ Đông Dương từ ngày
10-12-1914.
6. Chủ tỉnh, chủ quận, tri phủ, tri
huyện
Tỉnh ở Nam Kỳ chia thành nhiều quận,
đứng đầu là chủ quận. Trong khi đó, ở
Bắc Kỳ, tỉnh chia thành nhiều phủ, đứng đầu là tri phủ;
phủ chia thành nhiều huyện, đứng đầu
là tri huyện.
Ở Nam Kỳ, quận chia thành nhiều tổng, đứng đầu là cai tổng (chef de canton). Tổng chia thành nhiều làng.
Chủ tỉnh là người Pháp. Do Nghị
định ngày 15-02-1898, chủ quận được tuyển trong số viên chức hành chánh người
Việt nào đã có ngạch huyện, phủ, đốc phủ sứ. Cho nên tri huyện, tri phủ ở Nam
Kỳ chỉ là ngạch trật về hành chánh, không phải là quan chức như ở Bắc Kỳ và
Trung Kỳ, mặc dù người miền Nam quen gọi chủ quận là quan phủ, quan huyện. Những
viên chức người Việt này xuất thân là thơ ký, có thể có một ít vốn chữ Nho, học
ở trường làng trước khi vào học chương trình Pháp ở Collège de Mỹ Tho,([13]) và trường Bổn quốc
ở Sài Gòn, tức là Collège Chasseloup Laubat.([14]) Phần lớn các bậc
tiền bối có công khai đạo Cao Đài đã xuất thân từ hai trường học này. Hai
trường trung học lớn khác là Petrus Ký ở Sài Gòn và Collège de Cần Thơ.
IV. VÀI ĐẶC ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý Ở NAM KỲ
1. Số dân
Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn và Chợ Lớn
là hai khu vực riêng biệt. Riêng Sài Gòn rộng chừng 780 mẫu tây.
Số dân toàn Nam Kỳ (từ 15 tuổi
trở lên) năm 1905 là 2.876.417; năm 1909 là 2.975.838. Số dân tăng lên vì có
nhiều người từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Quảng Đông, Phước Kiến vào miền Nam làm ăn.([15]) Cho đến năm 1920,
số dân Nam Kỳ ước độ 3.600.000, và riêng số người Việt ở vùng Sài Gòn (không kể
Chợ Lớn) vào năm 1921 là 308.512 người.([16]) Năm 1930 tổng số
dân miền Nam khoảng bốn triệu người.([17])
2. Bộ mặt chung của Sài Gòn
Sài Gòn đến thế kỷ 20 chưa liệt
vào “Hòn ngọc Viễn Đông” − la perle de l’Extrême-Orient. Sơn Nam miêu tả: “Ánh đèn điện chỉ rọi sáng khu trung tâm
thành phố. Phía ngoại ô từ rạch Thị Nghè đi Bà Chiểu, nhà cửa thưa thớt, ban
đêm tối om.” Nhiều tin đồn ma quỷ hiện ở Cầu Bông, và khu Lăng ông Bà
Chiểu. Tại Thủ Đức, Hóc Môn còn có cọp xuất hiện.([18])
Chợ Bến Thành năm 1911 chưa có, “ba năm sau (1914) thì cất xong nhưng trước
mặt còn ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp, chưa có dự
kiến nên nối liền, còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn, đợi
đến năm 1916 mới bắt đầu đắp đường, trải đá ong ...” (Đó là đường Gallieni,
nay là Trần Hưng Đạo.)
Trên đường Paul Blanchy (nay là
Hai Bà Trưng), phía sau Nhà hát lớn đã có nhà đèn, lập từ cuối thế kỷ XIX. Về
sau nó được “dời về Chợ Quán với quy mô
to hơn, chạy hơi nước. Năm 1909, Sài Gòn và Chợ Lớn thiết bị tạm xong hệ thống
đèn điện ở ngoài đường.” ([20])
“Về mặt hành chánh, đô thành Sài Gòn lần lần nới rộng, bao gồm vùng bên
này Cầu Bông, Tân Định, rồi Khánh Hội, Chánh Hưng. Diện tích thành phố Sài Gòn
(không có Chợ Lớn) vào năm 1907 là 1.674 héc-ta. Tuy thêm nhà cửa, dinh thự
nhưng khu vực náo nhiệt vẫn chưa phát triển ra khỏi đường Cách mạng Tháng Tám,([21]) đường Nguyễn Thái Học. Giữa Sài Gòn
và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng
rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ. Phương
tiện xê dịch thông dụng là xe kiếng khi đổ mưa; người đánh xe mặc áo tơi bằng
lá giống như áo tơi của nông dân vậy thôi. Chở chuyên hàng hóa thì dùng xe bò.”
([22])
3. Tín ngưỡng và khoảng trống ý thức hệ
Theo Sơn Nam , “Việc
thờ phượng Quan công, thờ Phật, việc tin tưởng vào chư tiên chư thánh đã có sẵn
từ lâu ở miền Nam ...”
([23])
Nhận xét về “giới bình dân đông đảo ở nông thôn và lớp nghèo thành thị”, Sơn Nam thấy rằng
họ đã “xây dựng một nếp sống tinh thần
khá ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa
huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung cang nghĩa khí lúc khó khăn,
hiếu động. Đúng là nếp sống tinh thần kết tinh đạo Phật, Lão, Khổng.” ([24])
Những nhận xét này cho thấy trước
khi đạo Cao Đài xuất thế, ở Nam Kỳ đã có sẵn mảnh đất tốt cho một tín ngưỡng
tổng hợp Tam giáo phát triển. Tuy nhiên, khi xét về chiều sâu, thì ảnh hưởng
Tam giáo ở Nam Kỳ hầu như chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân Nam
Kỳ.
Đinh Văn Hạnh nhận định: “Như vậy, suốt một thời gian dài, trong cộng
đồng cư dân người Việt ở đất mới Nam Bộ [Nam Kỳ] đã không có một hệ tư tưởng hay tôn giáo chủ đạo nào chi phối, mà trái
lại, bị nhiều hệ tư tưởng, tôn giáo khác nhau (mới và cũ) cùng tác động.” ([25])
Sơn Nam
viết: “Lúc thực dân đang thắng thế, người
ở Nam
Bộ [Nam Kỳ] nói chung đã tùy thời mà
sống, hệ ý thức cũ đã mất sinh lực.” ([26])
Nói về đời sống tâm linh của
người Nam Kỳ trước khi đạo Cao Đài xuất hiện, Jayne Susan Werner xác định rõ
rằng đã có khoảng trống lớn về ý thức hệ ở Nam Kỳ trước thế kỷ 20: “Đạo Phật và Khổng suy thoái, để lại một
khoảng trống văn hóa thuận lợi cho việc sáng lập các giáo thuyết mới nhắm vào
mục đích khôi phục nền văn hóa Việt Nam.” ([27])
Khoảng trống đó là hậu quả của
đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm, biến Nam Kỳ thành thuộc địa. Werner viết:
“... sau khi Pháp xâm chiếm, đạo Khổng và
Phật đã suy thoái. Các thầy tu có học thức của Phật và Lão thực tế đã không có
mặt ở Nam
Kỳ trong những năm 1920. Đạo Khổng không còn sức mạnh là một học thuyết chính
trị và xã hội, mặc dù đạo Khổng vẫn còn là căn bản cho đạo đức gia đình trong
những thập niên 1920 và 1930.” ([28])
Điều này giải thích vì sao khi đạo
Cao Đài phổ độ Lục Tỉnh, số tín đồ quy tụ rất mau lẹ và đông đảo, khiến thực
dân Pháp hết sức lo ngại. Thật vậy, căn cứ theo “Số ước lượng
tín đồ Cao Đài do Thống đốc Nam Kỳ cho biết, trong một báo cáo gởi Toàn quyền
Đông Dương ngày 14-12-1934. Hồ sơ riêng của Thống đốc Pagès”,([29]) Jayne Susan Werner viết: “Vào khoảng năm 1930, có từ năm trăm ngàn tới một triệu nông dân theo đạo
Cao Đài, trong lúc tổng số dân [Nam Kỳ]
là từ bốn tới bốn triệu rưỡi.” ([30])
4. Cách ăn mặc
“Trừ một số ít được theo Tây học, làm
công chức (từ thơ ký thi tuyển lên huyện, phủ) ưa mặc Âu phục còn đại đa số
(luôn cả người theo Tây học) thích xuất hiện, ăn tiệc, chụp ảnh với cái khăn
đóng, áo dài đen, quần trắng, đi giày hàm ếch, tay chống ba-ton, để râu trái ấu
vuốt sáp; giới quan quyền mặc áo dài lụa xanh thêu chữ thọ, mang giày da buộc
dây.” ([31]) Ai theo thời mới thì “mặc Âu phục,
đội nón Tây, thắt nơ, râu vuốt sáp, tóc ngắn.” ([32]) Bên cạnh đó, “công chức hạng nghèo thuở ấy mặc áo dài
đen.” Đấy cũng là hình ảnh các tiền bối Cao Đài thời mở đạo. Còn những
người thuộc “giới công nhân và lao động
chịu hớt tóc ngắn, nhưng còn giữ búi tóc, bịt khăn đầu rìu hoặc ở trần, đi chân
đất không phải ít.” ([33])
5. Tâm lý quần chúng
Nhận xét tâm lý quần chúng ở Nam
Kỳ dưới chế độ khắc nghiệt của thực dân Pháp, tuần báo Lục Tỉnh tân văn số 46, ngày 01-10-1908 viết: “Tánh người An Nam
mình hay sợ sệt lắm...” Do đó, khi chủ xướng những công cuộc lớn lao, muốn
vận động, thu hút quần chúng, trong thành phần nhân sự nòng cốt bao giờ cũng
cần có các công chức. Sơn Nam
nêu ra lý do là dân chúng “tin rằng công
chức luôn luôn đàng hoàng, không làm quốc sự.” Ngay cả trong chuyện kinh
doanh, điều này vẫn đúng, cho nên số báo nói trên viết rằng trong thương mại “hễ có các ông nha môn [công chức] ra làm đầu thì đâu đâu ai cũng xin vô hùn.”
([34])
Tìm hiểu thời kỳ khai nguyên đạo
Cao Đài nên lưu ý yếu tố tâm lý này. Trong số các vị môn đồ của buổi đầu khai
sơn phá thạch, có đủ thành phần: nông dân, nhà tu xuất gia, cư sĩ, nghệ sĩ, nhà
báo, nhà giáo, nhà buôn... và một con số không ít gồm các công chức. Các công
chức này đã góp phần lớn trong việc thu hút đông đảo dân chúng nhập môn đạo Cao
Đài, nhất là khi nhân cách của các vị chinh phục được tình cảm của rất nhiều dân
chúng địa phương. Có thể nêu một trường hợp tiêu biểu là tiền bối Nguyễn Ngọc
Tương (1881-1951), Giáo tông Hội thánh Ban Chỉnh Đạo, đã từng làm chủ quận Châu
Thành (tỉnh Cần Thơ), quận Hòn Chông (tỉnh Hà Tiên), quận Cần Giuộc (tỉnh Chợ
Lớn), quận Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa).
V. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ -XÃ HỘI
Nổi bật ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 là
phong trào Minh tân do ông Gilbert Trần Chánh Chiếu (1867-1919) và các đồng chí
như Dũ Thúc Lương Khắc Ninh (1862-1943), Mạnh Tự Trương Duy Toản (1885-1957)...
lãnh đạo. Phong trào bị thực dân Pháp đàn áp.
Trên tuần báo Lục Tỉnh tân văn,
ông chủ bút Gilbert Chiếu thường gọi các đồng chí của mình là “vị Minh tân” hay “tay Minh tân”.([35]) Tiền bối Lê Văn
Trung (1876-1934) được Lục Tỉnh tân
văn số 27, ngày 21-5-1908 giới thiệu là “người
Minh tân”, và Sơn Nam ghi nhận tiền bối Lê Văn Trung “về sau này là vị Quyền giáo tông của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (đạo Cao
Đài), một tôn giáo mới tổng hợp Đông Tây thâu hút đồng bào Minh tân lúc trước,
khiến thực dân Pháp lo ngại.” ([36])
Tiền bối Phạm Công Tắc (1890-1959)
suýt cũng bị Pháp bắt trong vụ thất bại của phong trào Minh tân. Lúc ấy, phong
trào tổ chức đưa thanh niên ra nước ngoài học (Đông du), ba chuyến đầu trót
lọt. Tiền bối Phạm Công Tắc được bố trí đi chuyến thứ tư. Lần này bị lộ, Pháp
ập đến trụ sở Minh tân Công nghệ xã, nhờ ông Dũ Thúc Lương Khắc Ninh kịp thủ
tiêu hồ sơ và chứng tích nên không ai bị bắt.
Do ít nhiều mối liên hệ giữa cá
nhân hai tiền bối Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc với phong trào yêu nước Minh
tân như vậy, nên sau này không tránh khỏi có một ít người ngộ nhận, lầm tưởng
rằng Cao Đài là “dư âm”, là “hậu thân” [sic] của phong trào Minh tân.([37])
Đã đành có rất đông tín đồ buổi
đầu khai Đạo cũng là những người yêu nước chống thực dân, như nhà sử học Phạm
Văn Sơn đánh giá: “Ngày nay dù sao chúng
ta cũng không thể phủ nhận lòng ái quốc chân thành của các nhà lãnh đạo Cao
Đài...” ([38]) nhưng yêu nước chỉ
mới là một trong nhiều nội dung của giáo lý Cao Đài, và được đạo Cao Đài coi là
một tiêu chuẩn luân lý của đạo làm người (thế đạo hay nhân đạo). Tuy vậy không
thể đơn thuần chỉ xét cạnh khía này rồi đồng hóa đạo Cao Đài với các phong trào
chính trị, không khách quan nhìn thấy đạo Cao Đài là một tín ngưỡng độc đáo của
dân tộc Việt Nam .
Tình hình chính trị ở Nam Kỳ đầu
thế kỷ 20 vô cùng phức tạp, gay gắt. Có những biến cố lớn như sau:
- 1903: Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940)
vào tận Châu Đốc để tìm hiểu phong trào cách mạng ở Nam Kỳ.
- 1908: Pháp đàn áp phong trào
Minh tân.
- 1913: Kỳ ngoại hầu Cường Để (1882-1951)
vào Nam Kỳ, lưu lại ba tháng. Phan Xích Long (1893-1916) xưng là hoàng đế, khởi
nghĩa ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, rồi bị bắt giam ở khám Lớn (Sài Gòn).
- 1914: Thế chiến thứ Nhất bùng
nổ ở châu Âu.
- 1915: Pháp bại trận. Phát xít
Đức chiếm Paris .
các phong trào yêu nước ở Việt Nam
hy vọng có thể lợi dụng tình thế này để giành lại độc lập.
- 1916: Dân chúng đánh khám Lớn
giải cứu Phan Xích Long, nhưng thất bại. Mười ba tỉnh của Nam Kỳ cực kỳ xáo
trộn vì loạn lạc, và bị giặc Pháp khủng bố.
- 1920: Toàn quyền Maurice Long
tổ chức lại Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ, tức Hội đồng Quản hạt (Conseil colonial), là nơi các nhóm tư
bản Hoa, Pháp và tư sản Nam Kỳ tranh giành quyền lợi. Sự xâu xé ấy lan ra báo
chí, chiếm chỗ trên các báo: La tribune
indigène của Bùi Quang Chiêu
(1872-1945) và Nguyễn Phú Khai (1887-?), L’Indochine của luật sư Paul Monin, La Voix libre của Edgar Ganofsky
(1880-1943), La Cloche fêlée của
Nguyễn An Ninh (1900-1943), L’Écho annamite
của Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phan Long (1889-1960)…
Bên cạnh đó, do nghề in phát
triển, sách vở có nội dung cách mạng được lưu hành bí mật hay phổ biến công
khai.([39])
Trong lúc giới trí thức Nam Kỳ
gần như lạc vào trận đồ bát quái thì quần chúng bình dân thế nào? Các thanh tra
chánh trị và hành chánh sự vụ của thực dân báo động rằng các cuộc cầu cơ hỏi chuyện
“quốc sự”, nói sấm tiên tri thời cuộc đang lan tràn khắp Lục Tỉnh. Có câu rằng:
Ngựa lồng quỷ mới nhăn răng,
Cha con dòng họ thầy tăng hết thời.
Người ta đoán đến một năm Ngọ nào
đó “thằng Tây” sẽ thua (thầy tăng hết
thời), và tại một vùng sông nước linh thiêng nào đó sẽ xuất hiện vị cứu
tinh của dân tộc Việt Nam :
Bảo giang thiên tử xuất,
Bất chiến tự nhiên thành,
Rồi đây mới biết thánh minh,
Mừng đời được lúc hiển vinh reo hò.
Người ta chờ, hy vọng sẽ thấy minh
vương (vua sáng suốt):
Bao giờ Nam Việt thạnh thời,
Minh vương sửa trị ngôi Trời đặt an.
Có lẽ do đức tin đó, năm 1913,
Phan Xích Long khi khởi nghĩa cho thêu trên lá cờ những chữ Nho bí hiểm: Bửu sơn kỳ hương 寶山奇香, và Thánh minh vương phật 聖明王佛.
Còn những người an phận, thích
tìm nơi hoang vắng tu hành, chịu khổ hạnh đợi hội Long hoa, chờ Phật vương ra
đời.
Không khí tín ngưỡng dân gian
nhuộm khắp Lục Châu. Giới trí thức ở thành thị cũng không kém.
Thanh tra Lalaurette, trong phúc
trình “Le Caodaïsme” (1932), báo cáo
rằng những năm đầu thập niên 1920, trong giới công tư chức Nam Kỳ nổi lên một
phong trào tìm hiểu và thực hành thông công với thế giới siêu hình qua sách vở
chữ Pháp của các tác giả Thông linh học như Allan Kardec (Pháp, 1804-1869), Nicolas Camille Flammarion (nhà thiên
văn Pháp, 1842-1925), và các tác giả Thông thiên học ([40]) như Helena
Petrovna Blavatsky (1831-1891), Henry Steel Olcott (1832-1907), Annie Besant
(nữ sĩ Anh, 1847-1933), v.v...
Theo Lalaurette, một chủ quận hồi ấy ghi nhận: “Une véritable vague de spiritisme sévissait en 1924-1925 dans toute la
Cochinchine.” (Một làn sóng thông linh học lan tràn khắp Nam Kỳ những năm
1924-1925.)
Buổi ban sơ gầy dựng nền tảng phổ độ của đạo Cao Đài cũng bắt đầu từ nhóm
công chức người tỉnh Tây Ninh đang làm việc ở Sài Gòn, thực tập xây bàn (la
table tournante, la table frappé) tại phố Hàng Dừa (Arras) để tiếp xúc với cõi
siêu hình theo cách chỉ dẫn trong các sách Thông linh học in bên Pháp.([41])
Thanh tra Lalaurette còn cho biết Pháp đã tìm đủ mọi cách để trấn áp, như
áp dụng các hình phạt nặng, vận dụng điều 144 của Hình luật, Quyển 6, để xử
giảo nạn nhân, hoặc truy nã theo Nghị định 22-4-1873 của Chuẩn đô đốc (Contre-amiral) Dupré. Pháp còn cho người
trà trộn vào các nơi đáng nghi để theo dõi, chỉ điểm, dựa theo những quy định
về thu dụng nhân viên chìm, chế độ trả tiền cho kẻ điềm chỉ... mà Chuẩn đô đốc
Lafont ban hành ngày 06-7-1878.
Trong tình hình như thế, việc cầu cơ vẫn xuất hiện khắp cả ba kỳ, mặc dù
phải dè dặt, kín đáo; phải tổ chức lẻ tẻ, ít người tham dự.([42]) Chính các đàn cơ ở
khắp nơi như vậy dã có ít nhiều liên hệ với sự xuất thế của đạo Cao Đài.
VI. CƠ BÚT TIÊN TRI CAO ĐÀI XUẤT THẾ
Các đàn tiên tri quy tụ những người hầu đàn cơ gồm đủ mọi tầng lớp trong xã
hội, do nhiều mục đích khác nhau. Có thể chia ra ba nhóm chính:
- Nhóm sĩ phu ưu thời mẫn thế, mượn đàn cơ để hỏi việc thiên cơ, hầu
biết vận mệnh đất nước ra sao. Những đàn này thường lập rất kín đáo.
- Nhóm mặc khách tao nhân, mượn
đàn cơ để xướng họa thi phú với thần tiên, di dưỡng tính tình. Những đàn này
thường lập trong số ít người đồng thanh khí.
- Nhóm bình dân, gồm những người
cần xin thuốc chữa bịnh, cầu thọ ... Những đàn này phổ biến hơn cả, rất đa
dạng. Qua sự linh ứng nhãn tiền, đông đảo dân chúng đã có đức tin nơi siêu
hình. Những đàn này thường chỉ hoạt động trong một thời gian nhất định, tại một
địa phương nào đó, rồi ngưng hẳn (bế đàn). Ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 có một số
đàn hữu danh thuộc loại này, như đàn Hiệp Minh (ở Cái Khế, tỉnh Cần Thơ), đàn
Minh Thiện (ở Thủ Dầu Một, Bình Dương), đàn Chợ Gạo (tỉnh Chợ Lớn)... Trước khi
biết đạo Cao Đài, tiền bối Ngô Văn Chiêu (1878-1932) đã nhiều lần đến các đàn
tiên Hiệp Minh, Minh Thiện để cầu thọ hoặc xin thuốc tiên cho mẹ.([43])
Trong số các đàn tiên tri sự xuất hiện của đạo Cao Đài, có thể dẫn lại ba
trường hợp tiêu biểu như sau:
1. Đàn tại quận Cao Lãnh (1913)
Thứ Sáu, ngày 03-01-1913 (26-11 Quý Sửu), tại quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc,
một nhóm sĩ phu lập đàn tại nhà ông Lê Quang Hiển (1872-1950),([44]) mục đích hỏi về
thiên cơ, quốc sự. Chơn linh nhà Nho yêu nước Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (1841-1875)
giáng cơ ban cho bài thơ chữ Nho ([45]) như sau:
Dung tất Cao Đài nhiệm khuất thân,
Tứ chiêm đào lý nhứt môn xuân.
Canh tân bồi úc giang sơn cựu,
Trừ cựu thời thiêm tuế nguyệt tân.
Cửu thập thiều quang sơ bán lục,
Nhất luân minh nguyệt vị tam phân.
Thừa nhàn hạc giá không trung vụ,
Mục đổ Cao Đài tráng chí thân.
Ngài lại ban cho bài thơ dịch:
Co duỗi Cao Đài khoẻ tấm thân,
Dạo xem đào lý đượm màu xuân.
Giang sơn chẳng khác ngàn năm cũ,
Ngày tháng chờ thay một chữ tân.
Chín chục thiều quang vừa nửa sáu,
Một vừng trăng rạng chửa ba phân.
Thừa nhàn cưỡi hạc không trung ruổi,
Hai chữ Cao Đài được nhắc tới bốn lần nhưng không ai hiểu ngụ ý gì. Gia
đình ông Lê Quang Hiển sao lại hai bài thơ, cất lên trang thờ làm kỷ niệm.
Tháng 10-1926 (tháng 9 Bính Dần), khi các tiền bối Cao Quỳnh Cư (1888-1929),
Cao Hoài Sang (1901-1971), Lê Bá Trang (1878-1936), Vương Quan Kỳ (1880-1940)...
trong đợt phổ độ Lục Tỉnh đến truyền đạo Cao Đài tại quận Cao Lãnh, bấy giờ mọi
người mới nhớ hai bài thơ mười ba năm trước.
2. Đàn tại miễu Nổi (1923) và
chùa Ngọc Hoàng (1923)
Miễu Nổi (Phù Châu miếu 浮州廟) không biết có
từ bao giờ, nằm trên một cồn nhỏ nổi giữa sông Vàm Thuật, Bến Cát, nay thuộc
phường 5, quận Gò Vấp (bên kia bờ là An Phú Đông, quận 12).
Trong một đàn lập ở miễu Nổi đêm thứ Hai 30-7-1923 (17-6 Quý Hợi), một vị
trong Bát tiên là Tào Quốc cữu giáng cơ khuyến tu, có đoạn: “Chư nhu có phước có duyên nên mới gặp Đạo
kỳ này là kỳ thứ Ba. Thiệt chư nhu có đại căn mới gặp trước thiên hạ đó. Hữu
duyên đắc ngộ Tam kỳ độ, tiên thánh đều lâm phàm mà độ kẻ nguyên nhân.” ([47])
Cùng năm ấy tại chùa Ngọc Hoàng (Ngọc Hoàng điện 玉皇殿), nguyên của đạo Minh Sư ([48]) còn có một đàn cơ tiên tri khác, vào đêm Chủ nhật 02-9-1923 (22-7 Quý Hợi):
Huê phát Tam kỳ Đạo dĩ khai,
Quang minh tứ hướng thướng tam tài.
Đại phước kim đơn thân đắc ngộ,
Đế quân giáng hạ, nhữ vô tai.([49])
Bài thơ khoán thủ thành Huê Quang Đại đế 華光大帝, là vị giáng đàn. Câu một nói “Tam
kỳ Đạo dĩ khai” (Đạo kỳ Ba đã mở rồi) ám chỉ việc tiền bối Ngô Văn Chiêu
(1878-1932) đã học đạo với Đức Cao Đài Tiên ông trước đó hai, ba năm
(1920-1921). Câu hai nói “tứ hướng thướng
tam tài” (bốn phương đều kéo cờ ba màu)([50]) tiên tri từ năm 1926 trở đi khắp nơi sẽ nhìn thấy cờ của đạo Cao Đài gồm ba
màu vàng, xanh, đỏ, tượng trưng cho Tam giáo (Phật, Lão, Nho). Câu ba nói tới “kim đơn” nhằm ngụ ý liên hệ tới phần
nội giáo tâm truyền (tu thiền hay tịnh luyện, esotericism) của đạo Cao Đài.
HUỆ KHẢI
Lưu ý – Cước chú này cho biết đoạn
trích dẫn trên đây mượn trong một quyển sách của Sơn Nam xuất bản năm 1971, trang VII.
Về chi tiết của nguồn tài liệu, xem Thư
tịch cuối chuyên khảo này (tr. 76).
“Chúng ta có thể tóm tắt: địa
danh COCINCINA chia ra làm hai phần COCIN và CINA. Cocin nguyên trước là Co Ci,
do phiên âm hai tiếng Giao Chỉ mà thành (vì thế Tự vị An Nam−La Tinh mới
dịch Người Giao Chỉ là Cocincinenses). Còn Cina thì bởi âm Sin hay Ts’inn và
người mình đọc là Tần mà ra. Bên Ấn Độ có một thành phố tên COCHIN, sợ lẫn với
Cochi hay Cochin, nên phải ghi rõ “Giao Chỉ (gần) Tần” và chữ La Tinh ghi thành
COCINCINA (mà người Nhật hay Trung Hoa ghi ra Giao Chỉ Chi Na). Trên các bản đồ
Tây phương vẽ Đông Nam Á, từ trước cho tới thế kỷ XVII, đều ghi trên địa phận
nước ta tên COCINCINA, CAUCHINCHINA, COCHINCHINA, COCHINCHINE hoặc dạng tự nào
đại khái như thế để nói lên đó là xứ GIAO CHỈ GẦN NƯỚC TẦN. Do đó, ta có thể đoán
địa danh ấy đã xuất hiện từ khi nước ta gọi là quận Giao Chỉ bị nhà Tần đô hộ.
“Từ đầu thế kỷ XVII, hai họ
Trịnh-Nguyễn tranh giành quyền lực, phân chia nước ta thành hai vùng cai trị
Đàng Trong và Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm ranh giới phân ly. Trên bản đồ
cũng như trong văn kiện, người Tây phương gọi Đàng Ngoài là TUNQUYN (hoặc nhiều
dạng tương tự như TUMQUYN, TUNKIN, TONGKING, TONKIN...) tức lấy tên thủ đô ĐÔNG
KINH để gọi bao quát cả Đàng Ngoài. Còn Đàng Trong thì họ vẫn dùng tên cũ
COCINCINA mà gọi. Đàng Trong dưới thời Đắc Lộ (Từ điển Việt-Bồ-La) rộng từ sông Gianh tới núi Đá Bia ở dinh Phú
Yên. Trên một thế kỷ sau – thời của Bỉ Nhu với Tự vị An Nam−La Tinh –, địa danh
COCINCINA lại chỉ thêm phần đất phương nam rất rộng lớn. Phần Nam Bộ xưa được
mệnh danh là xứ Đồng Nai. Năm 1698, xứ Đồng Nai được thiết lập phủ huyện. Phủ
GIA ĐỊNH tồn tại suốt từ đó đến năm 1800 và bao gồm toàn thể đất Nam Bộ. (...)
Lại từ sau 1885, khi Pháp đã chiếm hết Việt Nam, Pháp chia cắt nước ta thành ba
khúc và mệnh danh: TONKIN là BẮC KỲ; ANNAM là TRUNG KỲ; COCHINCHINE là NAM KỲ
“Cả ba địa danh Đông Kinh, An Nam, Giao Chỉ (gần) Tần đã bị Tây ngữ hóa và
đặt tên cho những phần đất chẳng ăn nhằm gì với ý nghĩa của nguyên ngữ.”
Nói thêm: COCHIN mà nhà
sử học Nguyễn Đình Đầu nói tới là một cảng trên bờ biển Malabar ở tây nam Ấn
Độ, là nơi người phương Tây đặt chân lên nước Ấn trước tiên. Cảng bị thực dân
Bồ Đào Nha chiếm từ năm 1502. (Huệ Khải chú)
([9]) Ngày 09-4-1926 Aristide
Eugène le Fol, ngạch tham biện hạng nhất (administrateur de 1er
classe), được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 19-4-1926. Như vậy
các sách sử Cao Đài hay chép Le Fol là “thống đốc” thì không đúng. Ông ta chỉ
là quyền thống đốc, đảm nhiệm chức vụ trong khoảng hơn nửa năm trong lúc chờ một
thống đốc chính thức từ Pháp bổ sang. Tuy nhiên, trong cách xưng hô (như trên Tờ
khai Đạo ngày 07-10-1926), mọi người vẫn gọi ông là “Thống đốc” vì phép lịch sự.
([13]) Collège de Mỹ Tho do Chuẩn
đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ, Bá tước Louis Charles Georges Jules Lafont lập ngày
17-01-1879. Đến ngày 14-6-1881 thì Đại tướng, Quyền thống đốc Nam Kỳ Arthur de
Trentinian đổi tên trường thành Collège le Myre de Vilers. [Dương Kinh Quốc, 1999: 109]. Từ năm 1953 đổi tên thành trung học
Nguyễn Đình Chiểu cho tới nay. Charles Marie le Myre de Vilers là cựu
tỉnh trưởng (préfet), cựu giám đốc dân sự vụ (directeur des affaires civiles) ở
Algérie, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ ngày 13-5-1879, nhậm chức từ 07-7-1879 đến
11-01-1883, vắng mặt ở Sài Gòn từ 04-3-1881 đến 31-10-1881. (Theo Commission
française du Guide des Sources de l’Histoire des Nations, Sources de l’Histoire de l’Asie et de l’Océanie dans les Archives et
Bibliothèques françaises. Part I: Archives. [Ouvrage préparé avec l’aide et
sous les auspices de l’Unesco.] München: K.G. Saur, 1981, pp. 538-539.).
([14]) Lược sử Collège
Chasseloup-Laubat như sau: Pháp thành lập École Normale coloniale (trường sư phạm
thuộc địa, 10-7-1871); xây trên phần đất chùa Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên
thành Collège Indigène (trường bản xứ, 1874). Đổi tên thành Collège
Chasseloup-Laubat (1876), chia ra khu Âu (quartier européen) và khu bản xứ
(quartier indigène). Tách khu bản xứ nhập sang Collège de Cochinchine (trung học
Nam Kỳ, 15-7-1927). Collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành Lycée
Chasseloup-Laubat (1928), còn Collège de Cochinchine đổi tên thành Lycée Petrus
Ký. [Nguyễn Đình Đầu 1998: 696,
730]. Trường lại đổi tên là Lycée Jean-Jacques
Rousseau (1958), và sau cùng là trường trung học Lê Quý Đôn (1966
cho tới nay). Chasseloup-Laubat là Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa của
triều đình Pháp, chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ thuận lợi cho quân viễn
chinh Pháp ở Viễn Đông. Ông ta tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính
sách xâm lược, cướp Nam Kỳ làm thuộc địa.
([22]) [Sơn Nam 1981: 147]. Trong Sài Gòn năm xưa (Phần thứ tám – Tây đến rồi Tây lại đi), Vương Hồng Sển
giải thích như sau: Xe kiếng dành cho khách phong lưu và người có tiền. Thùng
xe bít bùng, cánh cửa gắn kính (kiếng) trong suốt cho có ánh sáng. Người Pháp
gọi xe ấy là voiture malabare vì xà
ích phần đông là người Mã Lai. [Lưu ý:
Malabar là tên miền đất phía nam
Ấn Độ, giữa rặng núi Sahyadri và
biển Ả Rập. (Huệ Khải chú)]
([41])
Khởi sự đêm thứ Sáu 24-7-1925 (04-6 Ất
Sửu), nhóm xây bàn lúc đầu chỉ có bốn vị: Tiền bối Cao Quỳnh Cư
(1888-1929), thơ ký Sở Hỏa xa Sài Gòn, ngạch tham tá (commis), và vợ là Nguyễn
Thị Hiếu (tức Hương Hiếu, 1887-1971); tiền bối Cao Hoài Sang (1901-1971), tham
tá Sở Thương chánh Sài Gòn; tiền
bối Phạm Công Tắc (1890-1959), thơ ký Sở Thương chánh Sài
Gòn. [Huệ Khải 2008b: 29-30].
([44]) Nổi tiếng hào phóng, ông Lê Quang
Hiển là một trong những người đầu tiên xin khai hoang Đồng Tháp Mười, rồi trở
thành một đại điền chủ giàu có bậc nhất tại quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Con rể
ông là nhà báo Diệp Văn
Kỳ (1895-1945). Ông Kỳ là con ông Diệp Văn Cương (tự Thọ Sơn, bút hiệu Yên
Sa) người làng An Nhơn, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Ðịnh. Sau khi tốt nghiệp trung
học, ông Cương được học bổng sang Pháp và đậu tú tài. Về Việt Nam , ông dạy trường
Chasseloup-Laubat, rồi được Toàn quyền Paul Bert đưa ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ làm
việc. Ở Huế, ông Cương dạy vua Ðồng Khánh (1864–1889)
học, rồi cưới công chúa Thiên Niệm (Thiện Niệm?) sinh ra Diệp Văn Kỳ.
([48]) Năm 1863, đời vua Tự Đức, tổ thứ mười lăm của
Minh Sư là Đông Sơ rời Trung Quốc sang Việt Nam lập ngôi chùa mang tên Quảng Tế
Phật đường 廣 濟 佛 堂 ở tỉnh
Hà Tiên. Công quả xây chùa có ông Ngô Cẩm Tuyền, sau tu lên phẩm đại lão sư
(pháp danh Ngô Đạo Chương). Năm 1905, ông Ngô lập Ngọc Hoàng điện ở Đa Kao. Vì
thiếu tiền, ông phải nhượng lại ngôi chùa còn dang dở. Từ năm 1982 chùa đổi tên
là Phước Hải tự, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nay ở
số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1.