Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

5/7. Tìm hiểu khái quát ĐẠO NHỰT THƯỜNG HÀNH / LUẬT NHÂN QUẢ THEO GIÁO LÝ CAO ĐÀI



Tìm hiểu khái quát
ĐẠO NHỰT THƯỜNG HÀNH
1. Nguồn gốc
Các bài kinh Đạo nhựt thường hành được trích từ quyển thứ Ba của bộ Thánh đức chơn kinh (Sài Gòn: ấn quán Công Lý, 1965, tr. 124-141), được tái bản do sắc lịnh tại Huờn Cung Đàn (Minh Tân). Từ đây về sau, khi nhắc đến Thánh đức chơn kinh, đôi lúc sẽ gọi tắt là bản kinh 1965.
Thánh đức chơn kinh được tiếp nhận do lịnh Ơn Trên dạy lập đàn tại Ngũ Phụng Kỳ Sơn vào đầu xuân năm Mậu Dần (1938).
Theo kết quả điền dã của hiền hữu Đạt Truyền Hà Văn Phủ (Cơ quan Phổ thông Giáo lý), Ngũ Phụng Kỳ Sơn hiện nay thuộc Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm trong đất của ông Lê Văn Sở là tín đồ Cao Đài Tây Ninh. Đây là cái động nhỏ (rộng khoảng hai mét, sâu khoảng ba mét) nằm trên đỉnh núi Heo, phía sau núi Bà, trông qua núi Phụng. Trước khi lên tới động, phía dưới có khối đá lớn, trên viết sáu chữ bằng sơn đã phai dần theo thời gian và mưa nắng: Kỳ Sơn động, Ngũ Phụng cung.
Đạo nhựt thường hành ra đời do chiếu của Đức Khương Thái công thỉnh Đức Lý Giáo tông giáng dạy tại Ngũ Phụng Kỳ Sơn. Tổng cộng gồm hai mươi tám bài nhưng trong bản kinh 1965 không đánh số thứ tự.
Cuối mỗi bài kinh đều có câu chú niệm hồng danh Đức Chí tôn; liền sau đó là tôn hiệu vị tả kinh:
– có bốn bài ghi tôn hiệu là Thái Bạch Kim tinh (bài 17), Trường Canh Thái Bạch (bài 22), Lý Trường Canh (bài 7, 23);
– có một bài không ghi tôn hiệu (bài 25), có lẽ do in sót;
– còn lại hai mươi ba bài đều ghi tôn hiệu là Lý Thái Bạch.
2. Tìm hiểu các tôn hiệu của Đức Lý
Trong một kiếp ở đời Đường (Trung Quốc), Đức Lý là thi hào Lý Bạch 李白 (699-762), sinh ra ở miền đất xa xôi heo hút phía Tây là làng Thanh Liên, huyện Xương Minh (sau đổi thành Chương Minh), tỉnh Tứ Xuyên. Ngài tự là Thái Bạch 太白, hiệu là Trường Canh 長庚, biệt hiệu Thanh Liên 青蓮 (cành sen xanh). Do đó, khi kết hợp với họ Lý, Ngài có các tôn hiệu như Lý Thái Bạch, Lý Trường Canh, Lý Thanh Liên, Thanh Liên Cư sĩ, Thanh Liên Học sĩ. Hai tôn hiệu khác của Ngài là Thái Bạch Kim tinhĐộng Đình hồ Đại tiên trưởng (hồ Động Đình 洞庭湖 ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc).
Theo huyền sử, trước khi sinh Ngài, mẹ Ngài nằm mộng thấy sao Kim (Venus) rơi vào bụng. Sao Kim tức là Kim tinh 金星, người Trung Quốc gọi là sao Thái Bạch, sao Trường Canh, sao Khải Minh 啟明; người Việt Nam gọi là sao Hôm, sao Mai.
Sao Kim to gần xấp xỉ trái đất, là thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm. Sao Kim quay quanh mặt trời từ Đông sang Tây còn trái đất quay quanh mặt trời từ Tây sang Đông. Quỹ đạo sao Kim nhỏ hơn trái đất nên sao Kim quay giáp một vòng (vận tốc 35 km/giây) chỉ mất 243 ngày trong khi trái đất quay (vận tốc 29,8 km/giây) mất hết 365 ngày 6 giờ.
Do sao Kim quay quanh mặt trời ngược chiều và nhanh hơn trái đất, nên người trần gian có thể nhìn thấy sao này ở phía Tây vào đầu hôm (sau khi mặt trời lặn một lúc), nên gọi là sao Hôm, sao Trường Canh; và có thể nhìn thấy ở phía Đông trước khi mặt trời mọc nên gọi là sao Mai, sao Khải Minh. Sao Hôm, sao Mai còn có tên là Sâm Thương 參商.
3. Về số câu các bài kinh
Đạo nhựt thường hành gồm hai mươi tám bài, chỉ có hai bài 22 và 27 viết theo thể song thất lục bát, còn lại hai mươi sáu bài đều là lục bát. Một bài kinh ngắn nhất có bốn câu, hai bài dài nhất có hai mươi bốn câu. Toàn bộ hai mươi tám bài kinh có ba trăm năm mươi câu thơ. Cụ thể như sau:
Số câu Số bài   Các bài kinh số
24       2           1, 2
22       2           21, 22
18       1           25
16       1           23
14       2           6, 20
12       4           17, 19, 24, 26
10     12          3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14, 15, 28
 8        3           11, 16, 18
 4        1           27
4. Ý nghĩa Đạo nhựt thường hành
và nhan đề hai mươi tám bài kinh
Đạo nhựt thường hành 道日常行 hiểu thoát ý là Đạo thực hành hàng ngày.
Trong số nhan đề hai mươi tám bài kinh, có mười sáu bài (bài 1-2, và từ bài 9 tới 22) gọi là Giới... và sáu bài (từ bài 3 tới 8) gọi là Khuyến...
Giới là cảnh báo, răn dạy để con người biết giữ mình cho khỏi lầm lạc. Chẳng hạn, bài 16 (Giới sân kinh) nhằm răn dạy con người biết dằn lửa giận, kềm chế tính nóng.
Khuyến là khuyên bảo, khích lệ cho con người gắng sức hơn lên. Chẳng hạn, bài 3 (Khuyến ái quốc gia kinh) nhằm khuyên con người hãy biết yêu nước thương nòi.
5. Chủ đề tư tưởng của bộ kinh
a. Xác định lập trường: phải có đức tin và có tâm
Bộ kinh mở đầu với bài Giới đức tin kinh, nhằm răn dạy cho con người biết rằng có Trời, có luật công bình thưởng phạt vô tư của Tạo hóa. Con người do Trời hóa sinh, phải giữ đức tin ở Trời và tôn trọng luật Trời để sống lương thiện, biết làm lành lánh dữ, trau dồi đạo đức.
Nếu không có đức tin vào lẽ Trời thưởng phạt báo ứng thì con người sẽ sống buông lung, tung hê tất cả, điều đại ác cũng chẳng e dè, nhất là khi người ta đầy thế lực đến mức có thể vô sự trước mọi luật lệ thế gian. Nếu không có đức tin thì kinh sách chỉ là giấy mực vô tri, vô giá trị. Vì lẽ đó vừa mở đầu là phải xác định liền đức tin.
Có đức tin rồi cũng chưa đủ, vì nếu con người không có tâm, không có tấm lòng thanh cao hướng thiện thì kinh dù hay, đạo dù mầu nhiệm, người ta cũng chẳng bao giờ trân trọng ghé mắt tới để học hỏi, tuân hành theo lời dạy trong kinh. Do đó, ngay sau khi đã giới đức tin thì bài thứ hai lập tức là Giới tâm kinh.
b. Sáu đề mục tu thân lập đức hàng ngày
Đạo nhựt thường hành định hướng một ngày của người tu vào sáu đề mục chính yếu như sau:
Tam cương, gồm ba bài: Khuyến ái quốc gia kinh (bài 3); Khuyến hiếu phụ mẫu kinh (bài 4); Giới phu thê kinh (bài 15).
Ngũ thường, gồm năm bài: Giới nhơn kinh (bài 12); Giới nghĩa kinh (bài 13); Giới lễ kinh (bài 14); Khuyến trí kinh (bài 8); Giới tín kinh (bài 9).
Quan hệ thầy trò, quyến thuộc, bạn bè, gồm ba bài: Khuyến kỉnh sư phụ kinh (bài 5); Khuyến kỉnh công cô kinh (bài 6); Khuyến bằng hữu kinh (bài 7).
Luyện kỷ, gồm tám bài: Giới thân kinh (bài 10); Giới ý kinh (bài 11); Giới sân kinh (bài 16); Giới si kinh (bài 17); Giới ái kinh (bài 18); Giới ố kinh (bài 19); Giới kiên nhẫn kinh (bài 20); Giới buồn rầu nhân quả kinh (bài 21).
Sinh hoạt tâm linh, gồm năm bài: Giới đức tin kinh (bài 1); Giới tâm kinh (bài 2); Giới tư tưởng kinh (bài 22); Phát nguyện tu hành (bài 25); Kinh cầu khi tham thiền (bài 26).
Sinh hoạt đời thường, gồm bốn bài: Kinh cầu khi đi ngủ (bài 23); Kinh thức giấc (bài 24); Kinh cầu khi ăn cơm (bài 27); Kinh cầu khi xuất hành (bài 28).
6. Các điểm triết giáo hàm chứa trong bộ kinh
Bộ kinh hai mươi tám bài mà Đức Lý Giáo tông ban cho chính là phương tiện tu thân để người môn đệ Cao Đài thời thời khắc khắc thực hành chánh đạo trong cuộc sống đời thường.
Trên đây, khi tìm hiểu chủ đề tư tưởng bộ kinh Đạo nhựt thường hành thì phân ra sáu đề mục tu thân lập đức. Nhưng tất cả sáu đề mục ấy gom lại thì gói gọn trong hai phương diện thiên đạothế đạo của pháp môn Cao Đài.
Ngoài bài tản văn mở đầu bộ kinh, hai mươi tám bài kinh với ba trăm năm mươi câu thơ còn hàm chứa nhiều điểm triết giáo của Cao Đài. Có thể tạm nêu ra một số điểm như sau:
a. Vũ trụ quan
Càn khôn chúa tể là Trời,
Linh quang xuống thế vốn người nữ nam. (Bài 1)
b. Nhân sinh quan
Làm người phải học tánh Trời,
Phải tin Tạo hóa, phải dồi đạo tâm. (Bài 1)
c. Luật luân hồi nhân quả
Luân hồi quả báo cao thâm,
Có vay có trả cân cầm chẳng ly. (Bài 1)
Lỗi lầm nhơn quả đến liền,
Họa tai, hoạn nạn, thảm phiền chẳng sai. (Bài 1)
Cũng vì nhiều kiếp con gây,
Ngày nay mới chịu nỗi này chớ sao? (Bài 21)
Xét ra muôn sự trần ai,
Đều do tiền kiếp trả vay rõ ràng. (Bài 21)
d. Luật cảm ứng
Vì chưng tâm vốn thiện căn,
Cơ Trời máy Tạo tâm hằng giao thông. (Bài 2)
Lưới Trời lồng lộng tuy thưa,
Mà trong trí tưởng Trời thừa hiểu xa. (Bài 8)
Tưởng lành, tưởng phải, tưởng nhàn,
Cơ Trời máy Tạo mở đàng giao thông. (Bài 22)
e. Ba giới cấm 1, 2, 5 trong ngũ giới cấm
Vạn vật chung ở trong trần,
Sát sanh chẳng dám phạm nhầm vì thương.
(Bài 12, giới 1: Nhứt bất sát sanh)
Không lòng trộm cướp tham lam,
Lỗi người nguyện xá, lo làm phước duyên.
(Bài 13, giới 2: Nhì bất du đạo)
Làm người chữ tín làm đầu,
Dối đời gạt chúng có đâu đặng bền.
(Bài 9, giới 5: Ngũ bất vọng ngữ)
f. Tứ đại điều quy
Lòng thành kỉnh trước như sau,
Dầu khi hoạn nạn, ba đào chẳng xa. (Bài 6)
Ghi chú:
Theo Tân luật, Chương V, Điều thứ Hai mươi hai, Điều quy thứ Tư như sau: “Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau.”
g. Vô ngã kiểm (xét lỗi mình một cách khách quan)
Đêm ngồi suy nghĩ việc mình,
Những điều lầm lỗi giữ gìn ngày mai. (Bài 23)
h. Công bình, bác ái, từ bi
Từ bi tập tánh chìu lòn,
Xử thế bác ái vật nhơn thương đồng.
Công bình càng nhắc nơi lòng,
Mỗi điều cẩn thận tâm không chẳng mòn. (Bài 2)
v.v...
Một số điểm triết giáo lược kể trên đây cho thấy tính phong phú của bộ kinh Đạo nhựt thường hành. Lời kinh cũng dễ nhớ, và rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín đồ Cao Đài. Do đó, hai mươi tám bài kinh này còn có thể đưa vào bài giảng của các lớp bồi dưỡng giáo lý hay hạnh đường. Các học viên cũng nên được hướng dẫn để học thuộc và ngày ngày tụng niệm để làm phương tiện kềm thúc tánh phàm, trau giồi và phát huy tâm lành sẵn có. Đạo nhựt thường hành như thế cũng là tâm kinh mà người tín đồ cần siêng năng trì hành.
Cần lưu ý rằng Đức Lý từ bi, e là người đời sơ tâm khinh suất, không lãnh hội đúng và trọn vẹn công năng diệu dụng của bộ kinh này, nên trước khi ban cho hai mươi tám bài kinh, Đức Giáo tông kết thúc bài tản văn mở đầu bộ kinh bằng một câu rất hệ trọng như sau:
“Còn kẻ biết tuân theo lời dạy mà làm theo Đạo nhựt thường hành thì được thần linh bảo giám, hộ mạng hằng ngày, chẳng bao lâu sẽ đặng phát minh mà rõ cơ mầu nhiệm.”
*
Tiếp theo đây, khi trích in lại kinh Đạo nhựt thường hành từ bản in 1965, tôi chú ý sửa chữa các lỗi chánh tả, các lỗi in ấn rải rác trong kinh, và khi cần thiết thì nêu rõ ý kiến trong chú thích.
Xuân phân Bính Tuất
Tháng 3-2006
HUỆ KHẢI