Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

5/8. Trích THÁNH ĐỨC CHƠN KINH / LUẬT NHÂN QUẢ THEO GIÁO LÝ CAO ĐÀI



Trích THÁNH ĐỨC CHƠN KINH
TIẾP ĐIỂN
THI
Lý chánh tu tâm dưỡng chí thanh,
Giáo khai Đại đạo chọn nhơn lành.
Tông truyền nhứt bổn kỳ Tam hội,
Giáng dạy tu thân đạo nhựt hành.
Chào chư sĩ.
BÀI
Động Đình ([1]) nhàn hưởng đào nguyên,([2])
Sớm vui luyện thuốc,([3]) chiều yên thị thần.([4])
Những mong tế độ ([5]) nơi trần,
Noi đường chánh giáo mới gần Ngọc kinh.([6])
Nghĩ thảm bấy ([7]) sanh linh nguơn hạ,
Xót xa thay nhơn quả nhập nhồi.([8])
Pho kinh Thánh đức chưa rồi,
Cầu xin Từ phụ điểm hồi tâm nhơn.([9])
THI
Tâm nhơn ([10]) chuyển lại nẻo tâm thành,
Học tập sớm khuya đạo đức hành.
Nương máy huyền vi ([11]) về với Đạo,
Cậy cơ giáo hóa cứu nhơn sanh.
Mới đắc thành,
Đạo dương danh,([12])
Hết cạnh tranh.
Cạnh tranh nhơn quả thêm nhồi,
Đời tàn xáo lộn đời ôi có tường.([13])
Than thế sự tang thương biến động,
Chưa hết sầu thấy bóng Thái công,([14])
Quỳ tâu mấy vị tiên đồng,([15])
Rằng nay có chiếu Thái công đến mời.
THI
Đến mời Lão xuống chốn Kỳ Sơn,([16])
Dạy phép tu hành đặng cứu nhơn.
Mây tỏa trổi lần chơn giá hạc,([17])
Xuống cơ gầy nhịp mấy dây đờn.
Lão giảng dạy về Đạo nhựt thường hành.

Đạo nhựt thường hành

Chư sĩ khá tịnh tâm.
Ở cõi phàm gian nhiều lý tưởng, nào tôn giáo, văn chương, khoa học, nên con người mảng mê say xu hướng theo lối tân tạo của đời. Vì vậy mà tinh thần hao kém, sa đắm nhơn dục mà hủy mình với sắc tài tửu khí,([18]) danh lợi thế quyền ([19]). Rồi ngày giờ qua lại, nhơn dục ép đè Thiên lý cho đến suy đồi, nghiệt quả ([20]) tàn sát lẫn nhau. Cơ tấn hóa của đời tấn bộ chừng nào thì nhơn tâm biến thiên chừng nấy.
Đại đạo Tam kỳ từ ngày Ngọc Hoàng Thượng đế giáng cơ đến nay đã mười hai năm ([21]) mà chưa có chơn truyền nên nhơn sanh không biết đâu mà tu hành, chỉ lo cúng lạy rồi chán chê đi. Đến nay hết thời kỳ hoằng khai giáo lý, đã đến thời kỳ khai hóa chơn truyền, nên quyển Thánh đức kỳ này, một chương giải luận về giáo lý tức là thế đạo, còn một chương về tinh thần tức là thiên đạo. Vậy chơn truyền của Đại đạo ngày nay đã ban xuống thế. Quý báu thay! Hữu căn hữu hạnh thay cho nhơn sanh nhuần gội [ơn phước] ([22]) của Đức Cao Đài!
Từ đây nhơn sanh tu hành đã có phương pháp mà hành theo chơn đạo. Nếu chúng sanh mà cượng lý thì bị đọa tam đồ bất năng thoát tục.([23])
từ khi ([24]) vào đạo Cao Đài tức là tu theo chơn truyền đạo Cao Đài vậy. Còn kẻ biết tuân theo lời dạy mà làm theo Đạo nhựt thường hành thì được thần linh bảo giám, hộ mạng hằng ngày, chẳng bao lâu sẽ đặng phát minh mà rõ cơ mầu nhiệm.

Lý Thái Bạch



[1] Động Đình: Hồ Động Đình ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Động Đình hồ Đại tiên Trưởng là một tôn hiệu của Đức Lý Thái Bạch.
[2] Đào nguyên: Cảnh tiên.
[3] Luyện thuốc: Âm dương, ngũ hành... trong cơ thể là các món thuốc (nội dược). Luyện thuốc trường sinh bất tử (thoát luân hồi) tức là dùng thiền (tịnh luyện, nội tu) để khai thác huyền năng diệu dụng của các món thuốc sẵn có trong cơ thể mỗi người.
[4] Thị thần: Xem các vị thần. Theo kinh Huỳnh đình, mỗi bộ phận nhỏ trong cơ thể con người đều có một vị thần ngự trị. Hiểu thoát ý, thị thần là quán sát nội thân, tức cũng là phép thiền.
[5] Tế độ: Tế và độ đồng nghĩa đưa người qua sông. Về mặt hữu hình, tế độ là cứu giúp. Về mặt siêu hình, tế độ là cứu rỗi linh hồn.
[6] Mới gần Ngọc kinh: Mới gần Bạch Ngọc kinh, được chầu Thượng đế.
[7] Nghĩ thảm bấy: Nghĩ mà đau lòng đến mức ấy.
[8] Nhập nhồi: Nhập chung lại một lần và nhồi chung lại thành một khối. Nhơn quả nhập nhồi: Các tội lỗi gây tạo từ nhiều kiếp trước (nhân) đến nay tạo thành nghiệp báo (quả) tích lũy và dồn dập tác động cùng một lượt (nhập nhồi) làm con người đau khổ cùng cực.
[9] Hồi tâm nhơn: Người có lòng quay về nẻo thiện (hồi tâm hướng thiện).
[10] Tâm nhơn: Lòng người, lòng phàm.
[11] Huyền vi: Nhiệm mầu, tinh vi (nên rất khó nhận biết, xét đoán). Máy huyền vi: Máy Tạo. Cơ thể con người cũng là bộ máy huyền vi vì con người có thể nhờ phép tu thiền để phát huy các khả năng siêu nhiên tiềm tàng trong xác thể.
[12] Dương danh: Tiếng tăm được lan truyền xa, rộng khắp nơi.
[13] Tường: Hiểu rõ.
[14] Thái công: Khương Thái công (Khương Thượng, Tử Nha), Giáo chủ Thần đạo.
[15] Tiên đồng: Đồng tử theo hầu các vị tiên.
[16] Kỳ Sơn: Là Ngũ Phụng Kỳ Sơn, nơi đang lập đàn tả Thánh đức chơn kinh.
[17] Giá là xe. Giá hạc là xe tiên, do chim hạc kéo. Chim hạc chở vị tiên trên lưng cũng ví như xe, nên gọi là giá hạc.
[18] Sắc tài tửu khí: Trụy lạc sắc dục, say mê cờ bạc, be bét rượu chè, hút chích ma túy. Bốn thứ này cũng gọi tứ đổ tường.
[19] Danh lợi thế quyền: Danh tiếng, lợi riêng, thế lực, quyền hành.
[20] Nghiệt quả: Quả ác, quả báo xấu.
[21] Đạo khai năm Bính Dần (1926). Thánh đức chơn kinh được ban vào năm Mậu Dần (1938).
[22] Có lẽ bản kinh 1965 in sót chữ. Mạn phép ghi tạm là ơn phước.
[23] Đọa tam đồ: Bị luân hồi, sinh vào ba đường ác (tam ác đạo) để chịu trừng phạt các tội lỗi. Tam đồ là hỏa đồ (hồn ở địa ngục, bị thiêu đốt); đao đồ (hồn làm ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát và đao kiếm hành hạ); huyết đồ (hồn làm súc sinh, bị người hay thú khác giết hại để làm miếng ăn). Bất năng thoát tục: Không thể thoát khỏi cõi trần tục.
[24] Bản kinh 1965 in “Vì trước khi”.