Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

12/2. KINH VĂN / KINH CỨU KHỔ TRONG ĐẠO CAO ĐÀI




KINH VĂN (a)
Nam mô đại từ đại bi quảng đại linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát. [Đọc ba lần]
Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát, bá thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật. Phật cáo A Nan ngôn: Thử kinh đại thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bá nạn khổ. Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn; tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn. Nam mô Phật lực oai, nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm, linh nhơn thân đắc độ. Hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát, a nậu đại thiên vương chánh điện bồ tát, ma kheo ma kheo, thanh tịnh tỳ kheo, quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu. Chư đại bồ tát, ngũ bá a la hán, cứu hộ đệ tử nhứt thân ([1]) ly khổ nạn. Tự ngôn Quan Thế Âm, anh lạc bất tu giải, cần độc thiên vạn biến, tai nạn tự nhiên đắc giải thoát, tín thọ phụng hành. Tức thuyết chơn ngôn viết: Kim bà kim bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà la ni đế, ni ha la đế, tì lê ni đế, ma ha già đế, chơn lăng càn đế, ta bà ha. [Đọc kinh ba lượt]
Nam mô Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát.
[Đọc ba lần]
KINH VĂN (b)
南無大慈大悲廣大靈感觀世音菩薩
Nam mô đại từ đại bi quảng đại linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát.
南無救苦救難觀世音菩薩百千萬億佛
Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát, bá thiên vạn ức Phật,
恒河沙數佛無量功德佛。佛告阿難言
hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật. Phật cáo A Nan ngôn:
此經大聖能救獄囚能救重病能救
Thử kinh đại thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu
三災百難苦。若有人誦得一千遍
tam tai bá nạn khổ. Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến,
一身離苦難誦得一萬遍合家離苦難。
nhứt thân ly khổ nạn; tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn.
南無佛力威南無佛力護使人無惡心
Nam mô Phật lực oai, nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm,
令人身得度。回光菩薩回善菩薩阿耨大
linh nhơn thân đắc độ. Hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát, a nậu đại
天王正殿菩薩摩邱摩邱清淨比邱
thiên vương chánh điện bồ tát, ma kheo ma kheo, thanh tịnh tỳ kheo,
官事得散,訟事得休。諸大菩薩五百阿羅漢
quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu. Chư đại bồ tát, ngũ bá a la hán,
救護弟子一身離苦難。自言觀世音,
cứu hộ đệ tử nhứt thân ly khổ nạn. Tự ngôn Quan Thế Âm,
纓絡不須解,勤讀千萬遍,災難自然得
anh lạc bất tu giải, cần độc thiên vạn biến, tai nạn tự nhiên đắc
解脫,信受奉行。即說真言曰:
giải thoát, tín thọ phụng hành. Tức thuyết chơn ngôn viết:
金婆金婆帝,求訶求訶帝,陀羅尼帝,尼羅帝,
Kim bà kim bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà la ni đế, ni ha la đế,
毘黎 訶伽帝陵乾,莎婆訶.
tì lê ni [nễ] đế, ma ha già đế, chơn lăng càn đế, ta bà ha.
南無高臺仙翁大菩薩摩.
Nam mô Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát.
CHÚ GIẢI
1. Nam mô đại từ đại bi quảng đại linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát.
Câu này gần giống với câu trong Bạch y Quan Thế Âm Đại sĩ linh cảm thần chú 白衣觀世音大士靈感神咒 (gọi tắt là Bạch y thần chú 白衣神咒): Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm Bạch y Quan Thế Âm Bồ tát.
Nam mô 南無 (Namah): Quy y, vâng theo, cung kính noi theo.
Đại từ 大慈: Rất hiền, rất lành.
Đại bi 大悲 (mahākaruā): Rất thương xót.
Quảng đại 廣大: Rộng lượng.
Linh cảm 靈感: Cảm ứng. (Linhứng nghiệm. Cảm là xúc động đến.) Con người chí thành cầu khẩn Bồ tát Quan Âm thì cảm đến Ngài, và Ngài đáp ứng lại lòng thành cầu khẩn đó. Như vậy gọi là linh cảm, cảm ứng.
Quan (Quán) : Xem xét, xét thấu. Lưu ý: Đừng lầm với chữ quán là thông suốt.([2])
Thế Âm 世音: Âm thanh của thế gian, tiếng kêu của người trần thế.
Bồ tát 菩薩: Nói đầy đủ là Bồ đề tát đóa 菩提薩埵 (Bodhisattva), dịch nghĩa là Ðại sĩ 大士. Bồ tát là bậc hành giả tuy đã đắc quả Phật nhưng lập đại nguyện không nhập niết bàn vì còn vào đời cứu độ chúng sinh đang trầm luân, chưa giác ngộ. Bồ tát sẵn sàng nhận lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh…
Quan Thế Âm Bồ tát 觀世音菩薩 (Avalokiteśvara): Vị bồ tát lắng nghe mọi tiếng thế gian. Cũng gọi Quan Âm Bồ tát, Quan Âm Đại sĩ.
* Câu 1 ý nói: Xin vâng theo Đức Bồ tát Quan Thế Âm đại từ, đại bi, quảng đại, linh cảm.
2. Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát, bá thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật.
Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát 救苦救難 觀世音菩薩: Bồ tát Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn
Bá thiên vạn ức Phật 百千萬億佛: Trăm, ngàn, mười ngàn, trăm ngàn vị Phật. Nên hiểu là vô số Phật.
Hằng hà sa số Phật ()河沙數佛: Các vị Phật nhiều như số cát sông Hằng (the Ganges) ở Ấn Độ. Nên hiểu là vô số Phật.
Vô lượng 無量: Không thể đo lường được.
Công đức 功德: Công lao và ơn đức. Lưu ý: Không nên hiểu là ơn đức chung cho mọi người vì chữ công là chung cho mọi người (public) viết khác chữ công là công lao.
Vô lượng công đức Phật 無量功德佛: [Các] vị Phật có công đức lớn đến mức không thể đo lường được.
* Câu 2 ý nói: Xin vâng theo Đức Bồ tát Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn, vô số Phật, các vị Phật có công đức lớn đến mức không thể đo lường được.
3. Phật cáo A Nan ngôn: Thử kinh đại thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bá nạn khổ.
Cáo : Bảo, nói cho biết.
A Nan: Nói đầy đủ là A Nan Đà 阿難陀 (Ānanda). Cùng họ với Phật Thích Ca Mâu Ni, là em con chú. Gia nhập giáo hội sau khi giáo hội thành lập hai năm. Trở thành người hầu cận (thị giả) của Phật. Nhớ hết những lời Phật dạy. Là vị thứ hai (Ða văn đệ nhất − Nghe kinh nhiều nhất) trong mười đại đệ tử của Phật. Là người xây dựng giáo pháp cơ bản trong lần kết tập kinh thứ nhất, và là Nhị tổ của Thiền tông Ấn Ðộ. Lần kết tập thứ nhất được tổ chức tại thành Vương Xá 王舍 (Rājagha) ngay sau khi Phật diệt độ (khoảng năm 408 trước Công nguyên), có 500 tỳ kheo 比丘 (bhiku) đã chứng quả a la hán tham dự. Vị triệu tập đại hội này là Ma Ha Ca Diếp 摩訶迦葉 (Mahākāśyapa, Nhất tổ Thiền tông Ấn Độ, vị thứ nhất trong mười đại đệ tử, là Ðầu đà đệ nhất − khổ hạnh hơn hết thảy). Ca Diếp mời Ưu Ba Li 優波離 (Upāli, vị thứ chín trong mười đại đệ tử, là Giới luật đệ nhất − giỏi giới luật hơn hết thảy) đọc lại giới luật; và mời A Nan đọc lại các kinh. Do đó, hầu hết kinh Phật đều mở đầu với công thức Như thị ngã văn 如是我聞 (Tôi nghe như vầy). Nhờ công đức của Ưu Ba Li mà Luật tạng 律藏 (Vinaya-piaka) thành hình. Nhờ công đức của A Nan mà Kinh tạng 經藏 (Sūtra-piaka) thành hình. Kinh và Luật tạng là hai trong ba tạng kinh nhà Phật. Tạng thứ ba là Luận tạng 論藏 (Abhidharma-piaka).
Ngôn : Rằng.
Phật cáo A Nan ngôn 佛吿阿 難言: Phật bảo A Nan rằng.
Thử kinh đại thánh 此經大聖: Kinh này rất linh ứng, rất mầu nhiệm. (Đừng hiểu lầm đại thánh là vị thánh lớn.)
Năng cứu 能救 : Có thể cứu được.
Ngục tù 獄囚: Cảnh tù ngục, giam cầm.
Trọng bịnh 重病: Bệnh nặng.
Tam tai 三災: Ba tai họa lớn là hỏa tai (như cháy nhà), thủy tai (như lũ lụt), phong tai (như bão tố).
Bá nạn khổ 百難苦: Trăm điều đau khổ, nạn tai. Nên hiểu là vô số khổ nạn. Lưu ý: Nói tam tai bá nạn thì không hợp lý. Lẽ ra phải nói tam tai bát nạn. Bát nạn là tám hoàn cảnh chướng ngại. Ai sinh vào tám hoàn cảnh này thì rất khó có duyên lành tu học: (1) Sanh vào cõi địa ngục; (2) Sanh làm ngạ quỷ hay quỷ đói; (3) Sanh làm súc sanh; (4) Sanh ở cõi quá sung sướng nên ham hưởng thụ, không biết lo tu hành; (5) Sanh vào cõi trời Vô tưởng thiên 無想天 (là nơi không có tư tưởng) nên không tu học được; (6) Sanh bị khuyết tật là mù, điếc, câm, ngọng; (7) Sanh làm người thế trí biện thông (nên ỷ mình thông minh, giỏi biện bác theo thế sự mà không lo tu học); (8) Sanh trước khi Phật ra đời và và sanh sau khi Phật đã tịch diệt, do đó khó có cơ hội theo học chánh pháp. Một số bản kinh của Phật giáo (xem phần khảo về dị bản, tr. 23-26) thường viết là thiên tai bá nạn 千災百難 (ngàn tai trăm nạn) hợp lý hơn, có nghĩa là vô số tai nạn. Do đó, khi có thể được, bản kinh Cao Đài nên sửa lại là thiên tai bá nạn.
* Câu 3 ý nói: Phật bảo A Nan rằng kinh này rất mầu nhiệm, có thể cứu người thoát khỏi cảnh ngục tù, có thể cứu người thoát khỏi trọng bịnh, có thể cứu người thoát khỏi ba tai ách (lửa cháy, nước lụt, bão tố) và vô số tai nạn, đau khổ.
4. Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn; tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn.
Nhược hữu nhơn tụng đắc 若有人誦得: Nếu có người tụng được.
Nhứt thiên biến 一千遍: Một ngàn lượt. Lưu ý: Ðọc trọn bài kinh hay quyển kinh suốt từ đầu tới cuối gọi là một biến.
Nhứt thân 一身: Một tấm thân, bản thân người tụng kinh.
Ly khổ nạn 離苦難: Lìa xa nạn tai, đau khổ.
Tụng đắc nhứt vạn biến 誦得一萬遍: Tụng được mười ngàn lượt.
Hiệp gia 合家: Cùng tất cả những người trong nhà của người tụng kinh.
* Câu 4 ý nói: Nếu có người tụng kinh này được một ngàn lượt thì bản thân người ấy thoát khỏi đau khổ và tai nạn; tụng được mười ngàn lượt thì người ấy cùng với những người trong nhà đều thoát khỏi đau khổ và tai nạn.
5. Nam mô Phật lực oai, nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm, linh nhơn thân đắc độ.
Phật lực oai 佛力威: Sự uy nghiêm của sức Phật. (Lẽ ra đọc là uy, nhưng giọng miền Nam quen đọc là oai.)
Phật lực hộ 佛力護: Sự giúp đỡ từ sức của Phật.
Sử nhơn 使人: Khiến, xui cho người ta.
Vô ác tâm 無惡心: Không có lòng dạ ác độc.
Linh (lịnh) : Khiến, xui. Thí dụ: Linh nhân khởi kính 令人起敬 (khiến cho người ta nảy sinh lòng kính trọng); sử linh 使令 (sai khiến).
Linh nhơn 令人: Khiến cho người ta. (Cùng nghĩa với sử nhơn.)
Thân đắc độ 身得度(): Tấm thân của họ được đưa khỏi bến mê sang bờ giác.
* Câu 5 ý nói: Xin nương theo oai lực Phật, xin nương nhờ sức cứu giúp của Phật, xin khiến cho con người không có lòng ác, xin khiến cho con người được cứu độ.
6. Hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát, a nậu đại thiên vương, chánh điện bồ tát, ma kheo ma kheo, thanh tịnh tỳ kheo, quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu.
Hồi : Trở về.
Hồi quang 回光: Trở về với sự sáng. Nói tắt của Hồi quang phản chiếu 回光反照: Soi xét bản thân để nhận ra lỗi lầm mà sửa chữa.
Hồi quang bồ tát 回光菩薩: Người tu đại thừa biết trở về với lẽ sáng, biết soi xét bản thân, từ bỏ chỗ tăm tối sai lầm.
Hồi thiện 回善: Trở về với điều lành.
Hồi thiện bồ tát 回善菩薩: Người tu đại thừa biết trở về với điều thiện, bỏ điều ác.
A nậu 阿耨: Nói đầy đủ là a nậu đa la (anouttara): A là vô; nậu đa la là thượng. A nậu đa la là vô thượng, cao hơn hết.
Thiên vương 天王 (devarāja): Các vị tướng cõi trời bảo vệ chánh pháp và những nơi truyền bá chánh pháp.
A nậu đại thiên vương: Các vị đại thiên vương cao tột.
Chánh điện 正殿: Nơi có bàn thờ Phật, Trời cho đông người cúng lạy.
Chánh điện bồ tát 正殿菩薩: Người tu đại thừa biết tôn kính và giữ gìn nơi thờ tự.
Ma kheo (): Có lẽ là nói tắt từ ma ha tỳ kheo 摩訶比丘 (đại tỳ kheo).
Tỳ kheo (khưu) 比丘 (bhiku): Nhà sư nam giữ 250 giới. Nhà sư nữ giữ 348 giới gọi là tỳ kheo ni 比丘尼 (bhikunī).

Thanh : Trong trẻo. 
Tịnh : Sạch.
Thanh tịnh tỳ kheo 清净比丘: Người tu đại thừa giữ gìn giới hạnh đầy đủ nên gọi là bậc tỳ kheo trong sạch.
Quan sự 官事: Việc rắc rối phải đem đến chánh quyền xử lý.
Tụng sự 訟事: Việc thưa kiện, kiện cáo ở tòa án.
Ðắc tán 得散: Ðược tiêu tan hết.

Ðắc hưu 得休: Ðược bãi bỏ. (Thoái hưu 退休: Về hưu.)
* Câu 6 ý nói: Người tu đại thừa biết soi xét bản thân mà từ bỏ chỗ tăm tối sai lầm, người tu đại thừa biết trở về với điều thiện, người tu đại thừa giống như các bậc đại thiên vương cao tột biết bảo trọng chánh pháp và nơi tôn nghiêm thờ tự, người tu đại thừa biết giữ gìn trọn vẹn các quy giới và nhờ thế mà đức hạnh trong sạch, [tất cả các vị ấy] đều khỏi vướng mắc vào những việc kiện thưa, tranh chấp.
7. Chư đại bồ tát, ngũ bá a la hớn, cứu hộ đệ tử nhứt thân ly khổ nạn.
Chư : Tiếng gọi chỉ số nhiều. Như chư tăng là các nhà sư.
Đại bồ tát 大菩薩 (Mahābodhisattva): Cũng gọi là Bồ tát Ma ha tát, Đại bồ tát Ma ha tát (Mahābodhisattva Mahāsattva).
A la hớn 阿羅漢 (arhat): Gọi tắt là la hán (hớn). Bậc thánh không còn phải luân hồi sanh tử, không còn sai lầm, không còn bị trói buộc vì những ràng buộc thế gian như ngu dốt (vô minh), phiền não, tham sân si, kiêu ngạo, chấp trước, v.v…
Ngũ bá a la hớn 五百阿羅漢: Năm trăm vị la hán. (Xem lại chú giải về A Nan, kỳ kết tập kinh lần thứ nhất.)
Cứu hộ : Cứu và che chở.
Đệ tử 弟子: Kẻ học trò, người học đạo, tín đồ.
Nhứt thân 一身: Một tấm thân, bản thân người tụng kinh.
Ly khổ nạn 離苦難: Lìa xa nạn tai, đau khổ.
* Câu 7 ý nói: Cầu xin các vị đại bồ tát và năm trăm a la hớn hãy cứu giúp một thân này của đệ tử được thoát khỏi đau khổ và tai nạn.
8. Tự ngôn Quan Thế Âm, anh lạc bất tu giải, cần độc thiên vạn biến, tai nạn tự nhiên đắc giải thoát, tín thọ phụng hành.
Tự : Chính mình, tự mình.
Ngôn : Nói ra.
Tự ngôn Quan Thế Âm 自言觀世音: Chính mình niệm hồng danh hay chơn ngôn (thần chú) Ðức Quan Thế Âm Bồ tát.
Anh lạc 纓絡 (cũng viết là 瓔珞): Anh là lèo mũ, giải mũ, dây lưng bằng tơ cuộn lại. Lạc là các dây thần kinh và mạch máu chạy ngang thân thể, các thớ xoắn xít trong trái cây. Từ điển Mathews’ Chinese-English dictionary (Thượng Hải 1931), mục từ 7463 giảng 纓絡 là “fringes”. Theo Oxford advanced learner’s dictionary, 7th edition (CD-ROM), thì fringe là “a strip of hanging threads attached to the edge of something to decorate it”, tức là các loại dây tua trang trí để viền thảm hay khăn, màn, v.v...
Nếu chọn dị bản, viết anh lạc là 瓔珞, thì có nghĩa là Chuỗi ngọc quý. Trong A dictionary of Chinese Buddhist terms, (Đài Bắc: Phật giáo Văn hóa Phục vụ xứ, 1962), William Edward Soothill và Lewis Hodous giảng: “A necklace of precious stones; things strung together.
Dưới đây sẽ căn cứ theo cả hai cách viết anh lạc (纓絡瓔珞) và gộp chung hai nghĩa để giảng giải câu kinh này.
Tu : Nên. Tiếng Việt cổ đọc trại ra là tua. Thánh giáo Cao Đài hay gặp chữ tua này. Thí dụ: Tua gắng sức (Nên cố gắng).
Bất tu 不須: Không nên (cùng nghĩa với vô tu 無須).
Bất tu giải 不須解: Không nên giải thích; không nên tháo ra.
Anh lạc bất tu giải: Không nên gỡ tháo dây tơ cuộn xoắn xít vào nhau hay các viên ngọc đã xâu thành chuỗi (vì tháo ra sẽ làm nó hỏng); tức là không nên giải thích, phân tách.
Cần : Siêng năng, chăm chỉ.
Độc : Đọc, tụng.
Thiên vạn biến 千萬遍: Ngàn vạn (1.000 x 10.000) lần. Nên hiểu là vô số lần, tức là tụng kinh hoài.
Tai nạn tự nhiên đắc giải thoát 災難自然得解: Tự nhiên được giải thoát khỏi các tai nạn.
Tín : Tin tưởng.
Thọ : Nhận lãnh.
Phụng : Kính vâng lời.
Hành : Thi hành, làm.
Nhiều quyển kinh Phật kết thúc bằng công thức Tín thọ phụng hành. Thí dụ, Kinh Kim cang kết thúc như sau: Văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành. 聞佛所說,皆大歡喜, 信受奉行. (Nghe Phật thuyết kinh rồi, tất cả đều rất vui vẻ, tin chịu và vâng lời làm theo.)

* Câu 8 ý nói: Tự mình niệm hồng danh hay đọc thần chú của Đức Bồ tát Quan Thế Âm, thì không nên giải thích, cứ siêng chăm tụng kinh mãi thì tự nhiên sẽ được giải thoát khỏi mọi tai nạn, hãy tin tưởng nhận lãnh và vâng lời làm theo [lời dạy này].
9. Tức thuyết chơn ngôn viết: Kim bà kim bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà la ni đế, ni ha la đế, tì lê ni đế, ma ha già đế, chơn lăng càn đế, ta bà ha.
Tức : Tức thì, ngay lập tức.
Thuyết : Nói.
Chơn ngôn 真言: Thần chú, cũng gọi là đà la ni 陀羅呢 (dhāraī). Thường dùng để kết thúc bài kinh hay quyển kinh.
Viết : Rằng.
Tức thuyết chơn ngôn viết 即說真言: Liền đọc thần chú rằng.
Tì : Còn đọc là bì.
Ni : Còn đọc là nễ.
Ta bà ha ()娑婆訶 (Svāhā): Thành tựu, tốt lành, tiêu tai tăng phước, kính Phật chứng minh. Ta bà ha thường đặt cuối những câu thần chú (chơn ngôn). Có lẽ cũng tương tự như ở Thiên Chúa giáo, kết thúc lời cầu nguyện là chữ Amen (tiếng Hebrew), có nghĩa khẳng định là: Quả như vậy; Xin nguyện được đúng như vậy (So it be; Let it be; Truly; Verily).
Chơn ngôn (thần chú, đà la ni) là mật ngữ. Khi đọc chơn ngôn, âm thanh phát ra đúng cách sẽ mang đến hiệu quả mầu nhiệm. Có thể xem chơn ngôn là mật khẩu (password) để tiếp xúc với cõi thiêng liêng. Do đó không dịch nghĩa câu thần chú.
* Câu 9 ý nói: Lập tức đọc thần chú rằng: Kim bà kim bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà la ni đế, ni ha la đế, tì lê ni đế, ma ha già đế, chơn lăng càn đế, ta bà ha.
DỊCH NGHĨA BÀI KINH
Xin vâng theo Đức Bồ tát Quan Thế Âm đại từ, đại bi, quảng đại, linh cảm.
Xin vâng theo Đức Bồ tát Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn, vô số Phật, các vị Phật có công đức lớn đến mức không thể đo lường được. Phật bảo A Nan rằng kinh này rất mầu nhiệm, có thể cứu người thoát khỏi cảnh ngục tù, có thể cứu người thoát khỏi trọng bịnh, có thể cứu người thoát khỏi ba tai ách (lửa cháy, nước lụt, bão tố) và vô số tai nạn, đau khổ.([3]) Nếu có người tụng kinh này được một ngàn lượt thì bản thân người ấy thoát khỏi đau khổ và tai nạn; tụng được mười ngàn lượt thì người ấy cùng với những người trong nhà đều thoát khỏi đau khổ và tai nạn. Xin nương theo oai lực Phật, xin nương nhờ sức cứu giúp của Phật, xin khiến cho con người không có lòng ác, xin khiến cho con người được cứu độ. Người tu đại thừa biết soi xét bản thân mà từ bỏ chỗ tăm tối sai lầm, người tu đại thừa biết trở về với điều thiện, người tu đại thừa giống như các bậc đại thiên vương cao tột biết bảo trọng chánh pháp và giữ gìn nơi tôn nghiêm thờ tự, người tu đại thừa biết giữ gìn trọn vẹn các quy giới và nhờ thế mà đức hạnh trong sạch, [tất cả các vị ấy] đều khỏi vướng mắc vào những việc kiện thưa, tranh chấp. Cầu xin các vị đại bồ tát và năm trăm a la hớn hãy cứu giúp một thân này của đệ tử được thoát khỏi đau khổ và tai nạn. Tự mình niệm hồng danh hay thần chú Đức Bồ tát Quan Thế Âm nhưng không nên giải thích, và cứ siêng chăm tụng đọc mãi, thì tự nhiên sẽ được giải thoát khỏi mọi tai nạn, hãy tin tưởng nhận lãnh và vâng lời làm theo lời dạy này. Lập tức đọc thần chú rằng: Kim bà kim bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà la ni đế, ni ha la đế, tì lê ni đế, ma ha già đế, chơn lăng càn đế, ta bà ha.
Nam mô Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát.
CHỦ ĐỀ TƯ TƯỞNG CỦA BÀI KINH
Bài kinh này nên hiểu và hành theo lẽ Thiên nhân hiệp nhất 天人合一 (Trời hay Thiêng liêng và con người hòa làm một).
Về phần Thiên là cầu xin tha lực 他力, tức là trông cậy và nương nhờ vào thần thông và đức từ bi của Bồ tát Quan Thế Âm.
Về phần nhân là phải dùng tự lực 自力, tức là chính bản thân mình phải hành động, phải sống ra sao để xứng đáng đón nhận ân phước cứu độ của Đức Bồ tát.
Nếu một người không biết làm lành lánh dữ, không biết giữ gìn quy giới, không biết tôn trọng và bảo vệ chánh pháp, sống buông lung sa đọa, vi phạm pháp luật, v.v… thì người đó ắt mắc phải tội lỗi, tự chuốc cho mình những bệnh ngặt nghèo, bị tai họa, bị thưa kiện, bị giam cầm. Lúc đó có tha thiết khẩn cầu, van xin Đức Bồ tát, thì dù đại từ, đại bi, quyền năng vô hạn, Bồ tát cũng đành ứa lệ xuôi tay nhìn con người phải trả cái quả xấu do chính con người đã tự gieo nhân xấu. Ngài cũng như các Đấng không thể can thiệp làm mất luật công bình của trời đất. Đức Quan Âm Bồ tát dạy rõ:
Tình thương bao la của Đấng Chí tôn và lòng từ bi bao khắp của hàng chư Phật cũng không thể giải thoát giùm cho chư hiền những nhân quả chằng chịt ấy đâu. (…) Những gì con người hành động, những gì con người khổ đau, những gì con người than trách thuộc ngoài phạm vi đạo lý thì chính con người chịu lấy, chớ Phật Trời nào bênh vực để trái luật công bình, mặc dầu vẫn thông cảm những trạng thái của con người.” ([4])
Trái lại, một người tu chân chánh, tuân thủ giới luật, giữ gìn vẹn tròn tâm hạnh đại thừa (xứng đáng được gọi là bồ tát hữu hình ở thế gian), thì luôn luôn được chư thần thánh, tiên phật âm thầm bảo vệ, giúp đỡ. Dầu người ấy có vướng mắc tai nạn, bệnh hoạn do phải trả nghiệp cũ kiếp trước, cũng sẽ được các đấng ban ơn cứu độ để tiếp tục tu hành cho tới ngày thành tựu.
Nếu một người biết làm lành lánh dữ, biết giữ gìn quy giới, biết tôn trọng và bảo vệ chánh pháp, biết sống lành mạnh và đạo đức, biết tôn trọng pháp luật, v.v… thì người đó không mắc phải tội lỗi, không tự chuốc những bệnh ngặt nghèo, cũng không bị người khác thưa kiện, giam cầm. Thế thì, dù không cầu Bồ tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn, đương nhiên đã không bị khổ nạn rồi. Do đó trong kinh có đoạn như sau: Hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát, a nậu đại thiên vương chánh điện bồ tát, ma kheo ma kheo, thanh tịnh tỳ kheo, quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu. (Người tu đại thừa biết biết soi xét bản thân mà từ bỏ chỗ tăm tối sai lầm, người tu đại thừa biết trở về với điều thiện, người tu đại thừa giống như các bậc đại thiên vương cao tột biết bảo trọng chánh pháp và giữ gìn nơi tôn nghiêm thờ tự, người tu đại thừa biết giữ gìn trọn vẹn các quy giới và nhờ thế mà đức hạnh trong sạch, [tất cả các vị ấy] đều khỏi vướng mắc vào những việc kiện thưa, tranh chấp.) Nói cách khác, hãy hiểu bồ tát trong đoạn kinh này là chính mình, là người tu gương mẫu.([5])
Thông thường bản tính con người là mau quên, không kiên trì rèn tập tâm tánh (luyện kỷ, lập đức, lập hạnh). Vì thế con người cần phải thường xuyên và lâu dài tự nhắc nhở mình phải lập hạnh, lập đức, luyện kỷ. Tự nhắc nhở bằng cách tụng kinh để nhớ hoài lời dạy hành thiện. Do đó trong kinh lặp đi lặp lại những câu như: tụng đắc nhứt thiên biến, tụng đắc nhứt vạn biến, cần độc thiên vạn biến. Nên hiểu là tụng hoài, tụng mãi, tụng suốt đời để tự nhắc nhở mình hãy luôn luôn cố gắng sống đúng theo lời Phật dạy.
Trái lại, chỉ biết tụng cho đủ con số quy định, miệng đọc kinh ra rả như cái máy vô hồn mà lòng tà vạy trước sau vẫn không chịu sửa đổi thì chắc chắn không bao giờ có Bồ tát Quan Âm nào cảm ứng cứu giúp.
NGUỒN GỐC BÀI KINH CỨU KHỔ
Trong khóa tu Thu phân Mậu Tý (tháng 9-2008) tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý, một hôm tôi đang đứng bên cạnh hiền hữu Huệ Khai (Đào Thiên Niên) chờ vào cúng thời Ngọ, thì hiền huynh Chí Kiên (Võ Văn Liêm) nhẹ bước tới bên cạnh, nói nhỏ vào tai, cho biết rằng hiền huynh từng có hai bản giải nghĩa kinh Cứu khổ do tiền bối Lâm Xương Quang (cũng gọi Lâm Đạo Nguơn) soạn.
Tôi nhớ ngay: Lâm tiền bối tu đến bậc Lão sư, trong gia đình là con thứ tám, cho nên còn được gọi là ông Lão Tám. Đây là dịch giả nhiều kinh sách nổi tiếng, như Thất chơn nhơn quả 七真因果. Những năm cuối thập niên 1920 tiền bối tu ở Phổ Đức Phật đường 普德佛堂 (chùa Minh Sư được gọi là Phật đường), ở làng Thanh Phú Long, tổng Thanh Mục Hạ, tỉnh Tân An.([6]) Thế là tôi kết luận: Vậy kinh Cứu khổ trong Cao Đài có nguồn gốc từ đạo Minh Sư.
Năm ngoái, tôi tình cờ biết hiền hữu Huệ Khai xuất thân trong gia đình gốc Minh Sư. Riêng bản thân hiền hữu còn có được một mối tình cảm rất quý trọng mà các bậc tôn túc bên Minh Sư luôn dành cho. Do đó, tôi quay sang Huệ Khai, cậy hiền hữu khi mãn khóa tu Thu phân, về nhà hãy hỏi các vị bên Minh Sư mượn giúp tôi bản chữ Hán kinh Cứu khổ.
Tôi chưa kịp dứt lời, hiền hữu nói gọn lỏn: “Nhà em có!”
Thì ra vài năm trước đây một vị ở Minh Sư đã tặng Huệ Khai một tấm ván khắc kinh (tức là bản ). Huệ Khai đang giữ ở nhà. Tôi mừng quá, thầm tạ ơn Đức Quan Âm Bồ tát, vì mới tuần trước, khi chú giải kinh Cứu khổ, tôi phân vân không biết trong câu Tự ngôn Quan Thế Âm anh lạc bất tu giải thì hai chữ anh lạc viết chữ Hán ra sao, nên không giảng được nghĩa, và tôi đã cầu nguyện xin Đức Bồ tát linh ứng trợ duyên cho đệ tử tìm ra bản gốc chữ Hán.
Mãn khóa tu, hiền hữu Huệ Khai về nhà, xoa mực tàu lên bản khắc gỗ, in tặng tôi bản kinh gốc. Tôi thật vô vàn cảm kích. (Huệ Khai 慧開 và Huệ Khải慧啟 tôi cùng thọ ơn Đức Tôn sư Đông Phương Lão tổ ban thánh danh chung một đợt.)
Có được bản chữ Hán này, tôi xác định anh lạc viết là 纓絡. Muốn tìm kiếm thêm các cách giảng nghĩa của người xưa, bèn gõ hai chữ 纓絡 để tìm kiếm trên Internet. Chẳng những tìm ra một cách viết khác của hai chữ anh lạc 瓔珞, mà lại thấy thêm khá nhiều dị bản chữ Hán của bài kinh này trong kho tàng kinh văn Phật giáo.
Từ những kết quả ấy, tôi trộm nghĩ rằng bài kinh Cứu khổ hiện hành trong đạo Cao Đài vốn mượn từ kinh tụng của đạo Minh Sư. Nhưng bài kinh này cũng rất phổ biến trong kinh văn Hán tạng của đạo Phật, với không ít dị bản.
MÔ TẢ BẢN KINH CỨU KHỔ CỦA MINH SƯ 

Bản in khắc ván mà hiền hữu Huệ Khai tặng tôi gồm hai trang. Cả hai ghép lại chỉ nhỉnh hơn khổ A4 thông dụng.
Trang phải vẽ hình Bồ tát Quan Âm ngồi tòa sen bên rừng trúc. Cạnh đó, góc trái tranh, vẽ chim anh vũ (chim két?) ngậm chuỗi ngọc (một số sách gọi là chuỗi anh lạc).
Hàng trên tranh vẽ là sáu chữ Hán nằm ngang (đọc từ phải sang trái): Cao vương Quan Âm Bồ tát 高王觀音菩薩.
Trang bên trái gồm một dòng nhan đề và mười dòng kinh văn viết xuôi xuống, đọc từ phải sang trái. Trừ dòng nhan đề, dòng 1, dòng 7, và dòng 10, tám dòng còn lại mỗi dòng có 21 chữ Hán. Dòng 7 chỉ có 20 chữ, vì khi khắc chữ thứ 18 thì bỏ trống một ô thứ 19, khắc hai chữ Quán Thế lùi xuống (thay cho phép viết đài ).
Dòng 1 là nhan đề: Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm cứu khổ chân kinh 南無大慈大悲觀世音救苦真經. (Khi dùng trong đạo Cao Đài, nhan đề này không còn, và thay bằng câu chú Nam mô đại từ đại bi quảng đại linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát. Câu chú 15 chữ này cũng không thấy dùng làm nhan đề trong một số dị bản kinh Cứu khổ của Phật giáo, như tìm thấy trên Internet.)
Dòng 1 và dòng 2 đều viết trồi đầu cao hơn các dòng còn lại một chữ. Đây là phép đài trong Hán văn, để tỏ ý tôn kính. Nếu tỏ ý tôn kính nhiều hơn (như khắc hồng danh Thượng đế) thì phải đài cao hơn hai chữ. (Ngày xưa học trò đi thi, viết bài văn chữ Hán không đúng phép đài là phạm trường quy. Không đáng đài mà lại đài, hay ngược lại quên đài chỗ phải đài, hoặc đài không hợp cách thì bị đánh hỏng.)
Từ dòng 2 trở đi thì giống như bản kinh hiện hành trong đạo Cao Đài. Toàn bài kinh không có một dấu chấm câu nào. Cũng không có các dấu khuyên bên cạnh những chữ phải gõ chuông báo hiệu cho tín đồ cúi đầu hay cúi lạy khi tụng kinh đến chữ đó.
DỊ BẢN KINH CỨU KHỔ
A. Trong số các bản kinh có khá nhiều chỗ khác xa với bản của Minh Sư hay Cao Đài. Sau đây là một bản tiêu biểu, tìm thấy tại: http://www.geocities.com/directx_user/sutra/av_sutra.htm.
Các chữ không giống thì được in xiên. Chỗ nào “thiếu” chữ thì ghi dấu [*]. Chỗ các chữ không đúng thứ tự với bản của Minh Sư hay Cao Đài thì ghi dấu [+].
南無救苦難觀世音菩薩百千萬億佛
Nam mô cứu khổ [*] nạn Quan Thế Âm Bồ tát, bá thiên vạn ức Phật,
恒河沙數佛無量功德佛
hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật,
南無釋迦牟尼佛佛告阿難言
nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Phật cáo A Nan ngôn,
此經大乘能救獄囚能救重病能救
thử kinh đại thừa, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu
百難苦若誦此經者得離一切苦
[*] bá nạn khổ, nhược tụng thử kinh giả, đắc ly nhứt thiết khổ,
若誦一千遍一身離苦難
nhược tụng nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn,
若誦一萬遍合家離苦難南無佛力威
nhược tụng nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn, nam mô Phật lực oai,
南無佛力護使人無惡心令人身得度
nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm, linh nhơn thân đắc độ,
迴光菩薩迴善菩薩阿育大天王
hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát, A Dục đại thiên vương,
正大菩薩五百大阿羅漢救護弟子
chánh điện bồ tát, [+] ngũ bá đại a la hán, cứu hộ đệ tử,
身得離諸苦難摩休摩休清淨比丘
thân đắc ly chư khổ nạn, ma hưu ma hưu, thanh tịnh tỳ kheo,
官事得散私事得休瓔珞不須解
quan sự đắc tán, sự đắc hưu, [*] anh lạc bất tu giải,
勤念此經者自然得解脫。
cần niệm thử kinh giả, [*] tự nhiên đắc giải thoát.
南無救苦救難觀世音菩薩
Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát,
歡喜信受奉行。真言曰:「娑婆離婆帝
hoan hỷ tín thọ phụng hành. [*] Chơn ngôn viết: “Taly bà đế,
救阿救阿帝陀羅尼帝尼阿囉帝揭帝羅尼帝
cầu ha cầu ha đế, đà la ni đế, ni ha la đế, yết đế la ni đế,
菩薩娑婆訶。
bồ tát ta bà ha.”
Ghi chú: Trong bản trên, hai chữ tụng sự khắc lầm thành tư sự 私事, vì tụng gần giống nhau.
B. Sau đây là bản kinh Cứu khổ chỉ có dăm ba chỗ khác so với bản Minh Sư hay Cao Đài, tìm được từ hai địa chỉ sau:
CBETA: Chinese Buddhist Electronic Text Association 中華電子佛典協會 / Trung Hoa Điện tử Phật điển Hiệp hội), http://www.cbeta.org.
EBS: Electronic Buddhadharma Society 美國佛教會電腦 資訊庫功德會(資功會)/ Mỹ quốc Phật giáo hội Điện não Tư tấn khố Công đức hội (Tư công hội), http://www.baus-ebs.org.
Mười một chỗ khác nhau được đánh số từ [1] đến [11].
觀世音菩薩救苦經
Quan Thế Âm Bồ tát cứu khổ kinh
南無救苦觀世音菩薩百千萬億佛
Nam mô cứu khổ [1] Quan Thế Âm Bồ tát, bá thiên vạn ức Phật,
恒河沙數佛無量功德佛。佛告阿難言
hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật. Phật cáo A Nan ngôn:
此經大聖能救獄囚能救重病能救
Thử kinh đại thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu
千災百難苦。若有人誦得一千遍
thiên [2] tai bá nạn khổ. Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến,
一身離苦難誦得一萬遍合家離苦難。
nhứt thân ly khổ nạn; tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn.
南無佛力威南無佛力護使人無惡心
Nam mô Phật lực oai, nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm,
令人身得度。回光菩薩回善菩薩阿耨大
linh nhơn thân đắc độ. Hồi quang bồ tát, hồi thiện bồ tát, a nậu đại
天王正殿菩薩摩邱摩邱清淨比
thiên vương,[3] chánh điện bồ tát, ma kheo ma kheo, thanh tịnh tỳ
官事得散私事得休。諸大菩薩,五百羅
kheo, quan sự đắc tán, [4] sự đắc hưu. Chư đại bồ tát, ngũ bá la
漢,救護弟子身,悉皆離苦難,自然觀世
hán,[5] cứu hộ đệ tử thân, tất giai [6] ly khổ nạn, tự nhiên [7] Quan Thế
音,纓絡不須解,勤誦千萬遍,災難自然得
Âm, anh lạc bất tu giải, cần tng [8] thiên vạn biến, tai nạn tự nhiên đắc
解脫,信受奉行。即說真言曰:
giải thoát, tín thọ phụng hành. Tức thuyết chơn ngôn viết:
今菩今菩提 陀羅尼帝 尼佉羅帝 菩提薩婆訶。
Kim bồ kim đề [9] đà la ni đế ni khư [10] la đế bồ đề tát bà ha [11].
So sánh hai bản
Bản trên Internet
Bản Minh Sư / Cao Đài
1. Namcứu khổ
Nam mô cứu khổ cứu nạn
2. thiên tai bá nạn khổ
tam tai bá nạn khổ
3. a nậu đại thiên vương,
Không ngắt câu sau chữ vương
4. sự
tụng sự
5. ngũ bá la hán
ngũ bá a la hán
6. đệ tử thân, tất giai ly khổ nạn
đệ tử nhứt thân ly khổ nạn
7. nạn, tự nhiên Quan Thế Âm
nạn. Tự ngôn Quan Thế Âm
8. cần tụng thiên vạn biến
cần độc thiên vạn biến
9. kim bồ kim bồ đề
kim kim bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà la ni đế
10. ni khư la đế
ni ha la đế, tì lê ni đế, ma ha già đế, chơn lăng càn đế,
11. bồ đề tát bà ha.
ta bà ha.
HUỆ KHẢI
Phú Nhuận, 20-10-2008



([1]) Nhiều bản kinh thay bốn chữ đệ tử nhứt thân bằng chỗ trống […] để điền họ tên của người đang cần được Bồ tát Quan Âm cứu khổ. Thí dụ, nếu cầu giải bệnh cho Nguyễn Bê thì đọc: cứu hộ Nguyễn Bê ly khổ bệnh. Cầu siêu cho Trần Xê thì đọc: cứu hộ Trần Xê đắc siêu thoát. Cầu an cho bá tánh thì đọc: cứu hộ chúng sanh ly khổ nạn.
([2]) Đức Khổng Tử dạy: Ngô đạo nhất dĩ quán chi. 吾道一以貫之. (Đạo của ta có một mà thông suốt tất cả.) Luận ngữ, Ch. IV, câu 15.
([3]) Nếu thay tam tai bá nạn bằng thiên tai bá nạn cho hợp lý, thì câu kinh ở đây có nghĩa “có thể cứu người thoát khỏi vô số tai ách và khổ nạn”.
([4]) Thánh thất Bình Hòa, 08-4 Canh Tuất (12-5-1970).
([5]) Thông thường tín đồ quen hiểu bồ tát là một đấng thiêng liêng vô hình. Cũng nên hiểu thêm theo nghĩa đại thừa, rằng bồ tát là người tu mang đại nguyện độ mình và độ đời thoát khổ. Một người tu thiền (hành giả) quyết lòng tu hành rốt ráo cho thành tựu công phu tọa thiền để đem trí huệ giải khổ cho đời, chính vị đó đang làm bồ tát hữu hình tại thế gian. Trong ý nghĩa này, đàn cơ tại Cơ quan Phổ thông Giáo lý,Tuất thời, 15-7 Đinh Tỵ (29-8-1977), Đức Quan Âm Bồ tát dạy:
Biển đời khổ nạn muôn trùng, / Đừng quên giữ một tâm trung vững vàng. / Vì đời còn lắm tai nàn, / Độ đời bồ tát nguyện hoàn công phu.
Hai chữ bồ tát trong câu thánh giáo này chính là hành giả; hoàn là trọn vẹn, hoàn tất (finished, completed). Độ đời bồ tát nguyện hoàn công phu” nghĩa là vị hành giả phát nguyện đại thừa quyết chí tu thiền cho thành tựu, cho chứng đắc, để có thể đem huyền năng cứu độ người đời. Hiểu như vậy, hai chữ bồ tát ở đây không cần viết hoa.
([6]) Nay gọi là xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.