Vĩnh Nguyên Tự. Ảnh tài liệu.
Tình Tiên Nghĩa Tục
Giọt lệ người xưa
Mỗi một tôn giáo đều có những địa điểm được chọn làm nơi hành hương cho tín đồ. Nơi hành hương là thánh địa. Trong đạo Cao Đài, hơn tám mươi năm qua cũng có nhiều thánh địa là điểm đến cho những cuộc hành hương. Và Vĩnh Nguyên Tự là một trong số đó, tuy nơi đây chỉ là một mái chùa đơn sơ giữa chốn làng quê mộc mạc.
Thật vậy, hằng năm, các bậc thiện tín thường ghi nhớ trở về Vĩnh Nguyên hành hương trong ba dịp lễ trọng:
Kỷ niệm tái thiết Vĩnh Nguyên (15-3 âm lịch);
Kỷ niệm ngày quy thiên của Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long (03-12 âm lịch);
Và như hôm nay, kỷ niệm ngày đăng tiên của Đức tiền bối khai đạo Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (1890-1947).
Giờ này đông đảo các bậc tôn túc và quý vị đạo tâm đang cùng nhau tề tựu nơi Thiên Phong Đường của mái chùa sắp tròn một trăm tuổi.([1]) Rõ ràng đây là một cuộc đại hội ngộ, một buổi hoan hỷ sum vầy vô cùng quý hóa.
Vâng, không quý hóa sao được khi mà mọi người đều chẳng ngại đường dài cách trở, đã rời chốn thị thành hay những địa phương xa xôi khác để tìm đến nơi sằn dã này. Tấm lòng quý báu của tất cả các bậc thiện tín hiện diện ắt hẳn đang diêu động đến cõi trời, và đang được các đấng tiền nhân Vĩnh Nguyên cũng như đang được Đức Ngọc Lịch Đại Tiên chứng giám.
Chúng ta có thể xác tín như vậy, bởi vì đã hơn một lần qua ngọn linh cơ, chính Đức Ngọc giáng phàm trong mấy dịp lễ kỷ niệm tương tự như hôm nay để bày tỏ tình cảm thiêng liêng của Ngài đối với những đàn em đang nối bước sau Ngài trên cõi tục.
Chẳng hạn vào năm Nhâm Tý (1972), nhân lễ kỷ niệm ngày tiền bối đăng tiên, Đức Ngọc Lịch Nguyệt đã giáng đàn tại Vĩnh Nguyên Tự vào giờ Ngọ, và ban trao trần gian những dòng chứa chan tình cảm như sau:
“Ngọc Lịch Nguyệt.
“Bần Đạo mừng chào chư Thiên mạng, chư Thiên ân hướng đạo và chư đạo tâm lưỡng phái.
“Hôm nay Ban Cai Quản Vĩnh Nguyên Tự cùng các nhục tử, nhục tôn của Bần Đạo cử hành lễ kỷ niệm ngày thoát xác phần nhục thể của Bần Đạo, đã có tư thơ hoặc chuyển ngôn từ thỉnh chư đạo tâm đến dự, chư liệt vị đã đáp ứng lời thỉnh mời ấy với tất cả thạnh tình.
“Bần Đạo cảm động hơn nữa là có những vị, tuy chưa nhận sự thỉnh mời, chỉ lóng nghe thôi cũng đã dành mọi sự nhiệt tình đến dự buổi lễ hôm nay. Đó là những nghĩa cử làm Bần Đạo cảm động rơi nước mắt.” ([2])
Giọt lệ Tiên gia đã nhỏ xuống trước bao tấm lòng của con người trần gian đang kính tưởng đến Ngài. Nhưng đó không phải là giọt lệ của thường tình phàm tục. Đó là giọt lệ thánh khiết trong tình đạo mạch thiêng liêng đã hòa quyện hai cõi sắc không trở thành một khối sắt son duy nhất để chung tay xoay chuyển bánh xe tiến hóa Kỳ Ba dưới bóng cờ Đại Đạo.
Thật vậy, chính Đức Ngọc Lịch Đại Tiên đã xác nhận rằng những ai có lòng tìm về Vĩnh Nguyên để dự lễ kỷ niệm như hôm nay, thì tất cả nào phải đâu chỉ do tình cờ tao ngộ. Nói cách khác, những lần hội ngộ thế này đều do thiện duyên đã kết thành từ trong tiền kiếp.
Bằng chứng là vào năm Giáp Dần (1974), cũng nhân lễ kỷ niệm ngày tiền bối đăng tiên, Đức Ngọc Lịch Nguyệt đã giáng đàn tại Vĩnh Nguyên Tự và để lời dạy như sau:
“Ngọc Lịch Nguyệt.
“Chào chư Thiên ân hướng đạo. Chào chư hiền đệ, hiền muội. Mừng các con, các cháu. Mời tất cả đồng an tọa điện tiền để cùng Tiên Huynh đàm đạo như tự thuở nào.
“Chư hiền đệ, hiền muội không nài vạn dặm để bước đến thôn quê cổ tự cùng Ban Cai Quản, nội thân, gia tộc dự lễ kỷ niệm thoát xác của Tiên Huynh. Đó là tình thiêng liêng đồng đạo bất diệt tự chốn Thiên Cung còn liên hệ cho đến ngày nay.” ([3])
Rõ ràng Đức Ngọc Lịch Đại Tiên soi sáng giúp chúng ta hiểu rằng quý quan khách đời lẫn đạo, sở dĩ hôm nay có mặt tại Vĩnh Nguyên bởi vì rất xa xưa khi còn trên thượng giới, chúng ta vốn sẵn có mối quan hệ thiêng liêng với Đức Ngọc.
Lời dạy trên đây của Đức Đại Tiên còn giúp chúng ta nhớ lại Thiên trách của mỗi người. Thiên trách tức là nhiệm vụ mà mỗi người nhận lãnh từ Đức Thượng Đế ở cái buổi chia tay nơi đỉnh thượng để đưa chân vào cõi trần ai hệ lụy.
Tiền bối Ngọc Đầu Sư là người đi trước, chúng ta là đàn em nối gót theo sau để làm tiếp sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ. Như thế, giọt lệ của Đức Đại Tiên đã nhỏ xuống khi chứng giám cuộc lễ kỷ niệm như hôm nay hoàn toàn không phải là giọt lệ tư riêng vị kỷ. Giọt lệ của Ngài là giọt lệ tri ân đối với những Thiên mạng đang bước theo dấu chân các tiền khai Đại Đạo để tạo nên một hình ảnh vừa uy hùng vừa lãng mạn như lời Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh diễn tả:
“Nhạc trùng dương trỗi muôn dòng trùng dương.” ([4])
Hôm nay, chúng ta đang ôn học lại các thánh giáo do chính Đức Ngọc Lịch dạy đúng vào các dịp lễ kỷ niệm ngày Ngài thoát xác. Qua lời châu tiếng ngọc còn lưu lại hơn ba mươi thu, chúng ta lãnh hội được lý do sâu xa vì sao một bậc Đại Tiên siêu phàm thoát tục mà còn phải bảo rằng “Đó là những nghĩa cử làm Bần Đạo cảm động rơi nước mắt.”
Hơn thế nữa, chúng ta cũng hiểu đấy là giọt lệ tri ân mà Đức Đại Tiên đang nêu gương sáng cho đàn em học hỏi ngõ hầu làm theo đại hạnh, đại đức của Ngài.
Quả vậy, cũng trong đàn tại Vĩnh Nguyên năm 1974, Đức Ngọc Lịch Đại Tiên bày tỏ như sau:
“Thật sự là tất cả người đi trước đều mang lấy thâm ơn đối với những người bước sau. Người bước sau cũng sẽ như thế, bởi sứ mạng và sứ mạng tương liên trong cõi đời hạ nguơn mạt kiếp.”([5])
Giọt lệ ấy còn là giọt lệ hoan hỷ trước tiền đồ Đại Đạo bởi vì Đức Đại Tiên có thể tin tưởng đàn em hôm nay để mà gởi gắm hoài bão của Ngài khi xưa. Cho nên, vào năm Tân Hợi (1971), cũng nhân ngày kỷ niệm thoát xác, Đức Đại Tiên nhắn nhủ:
“Này các em! Tiên Huynh đến trần gian đồng thời với ngày kỷ niệm thoát xác của Tiên Huynh, không phải chỉ có lý do tư hữu về gia thế nơi mình, song Tiên Huynh tưởng bình sinh cuộc đời với chí hướng hiến dâng cho đạo nghiệp, hoàn cảnh thân thế của mình cũng đặt hết vào đạo nghiệp, thì trong lẽ công tư không còn phải biệt phân chi nữa.
“Trước hết Tiên Huynh cũng chứng lòng thành tưởng niệm của các con cháu thân thích nơi ấy và cũng không quên ngỏ lời cảm ơn các em đã tưởng tình huynh đệ mà cùng nhau tương hội hôm nay.
“Các em ôi! Lòng hiếu thảo, nghĩa đạo đồng đã thể hiện như thế thì công nghiệp lớn lao hãy còn dang dở kia Tiên Huynh cũng đặt trọn vẹn tin tưởng nơi đàn em ngoan đạo.” ([6])
Đáp tạ khách trần
Tu theo Cao Đài là hít thở bầu không khí tràn ngập điển lành trong lẽ Thiên nhân hiệp nhất. Tu theo Cao Đài là trải nghiệm sự gần gũi và thiết thân giữa các Đấng thiêng liêng với lữ khách hồng trần. Gần gũi và thiết thân đến mức mọi khoảng cách hữu vô, không sắc đều được triệt tiêu nhờ ở tình thương trìu mến của các Đấng thiêng liêng.
Với tình từ ái ấy, khi chứng giám tấm lòng khách trần các nơi trở về Vĩnh Nguyên đông đủ để dự lễ kỷ niệm ngày thoát xác của Ngài, Đức Ngọc Lịch Đại Tiên đã đáp tạ lại tất cả bằng một món quà vô giá:
“Giờ đây chư hiền đệ, hiền muội nghĩ tình đạo mạch, Tiên Huynh không biết lấy chi cân xứng nên để những lời sau đây.” ([7])
Vâng, Tiên gia nào đem châu báu vô thường để tặng cõi vô thường. Món bảo vật Đức Ngọc ban trao để đáp tạ tấm lòng những thiện tín, đạo tâm đã đến dự lễ kỷ niệm Ngài chính là một thời pháp. Đem giáo pháp để nâng đỡ bước người tu trong thời mạt pháp, đó là Ngài đã đưa tay dắt chúng ta bước lên con đường trở về với Thầy Mẹ nơi cõi thượng.
Trong thời pháp ấy, Đức Ngọc Lịch Đại Tiên dạy chúng ta bốn điểm căn bản như sau:
1. Phải hành thiện, vì trong cơn sảy sàng khủng khiếp của thời tận diệt thì hành thiện là con đường tồn sinh duy nhất của chúng ta. Đức Đại Tiên dạy:
“Giữa buổi nhiễu nhương chánh tà lẫn lộn, bạc thiếc vàng thau chưa sáng tỏ, thì việc họa phước rủi may cũng chẳng biết đâu mà tránh mà tìm. Chỉ có một con đường duy nhứt là mỗi người phải ý thức tu tâm sửa tánh, ham tìm việc thiện mà làm.”
2. Phải biết chung lo làm đạo, vì đây là một cơ hội cho chúng ta liên thông với ơn phước hộ trì của Trời Phật. Đức Đại Tiên dạy:
“Ngoài ra cũng cần phải hợp tác nhau trong một chương trình đạo sự để có môi trường chằng chịt ràng buộc lẫn nhau, để nhờ đó tâm hồn mình nhớ nhung hoặc dính liền với Trời với Đạo. Đó cũng là tạo một trạm để Thiêng Liêng có thể tiếp ứng cho trong sự dìu dắt hộ trì.”
3. Phải luôn luôn gần gũi với Đạo để được cứu rỗi. Đức Đại Tiên dạy:
“Nên nhớ rằng Đạo là con đường cứu rỗi. Nếu ai muốn được cứu rỗi thì đừng vì lý do gì tìm cách này hay cách khác xa rời Đạo. Hễ gần Đạo tức gần Trời Phật, Tiên Thánh. Xa Đạo tức xa Trời Phật, Tiên Thánh, tức là trong tâm hồn mình như nhà bỏ trống, tha hồ cho quỷ ma đến ngự trị, cám dỗ, dẫn dắt vào nẻo diệt vong.”
4. Phải cảnh giác trước kế quỷ mưu tà để khỏi sụp cạm bẫy. Đức Đại Tiên dạy:
“Ăn để được no, nghỉ để được khỏe, tu để được cứu rỗi. Tự mình hãy lo cho mình. Trường hợp nghịch cảnh hoặc không đồng tư kiến, chấp nê, hờn giận giữa người, không đến chùa hành đạo học đạo, tức là mắc bẫy ma vương và cũng tự mình ngăn đường lấp ngõ trở về với Thượng Đế.” ([8])
Bốn yếu điểm trong thời pháp của Đức Ngọc Lịch Đại Tiên vô cùng giản dị và dễ hiểu. Tuy nhiên không phải người tu nào cũng có thể thực hành được trọn vẹn. Mà nếu đã trót không làm đủ và đúng bốn yếu điểm ấy, người tu sẽ trợt té, sẽ ngã quỵ trên vạn nẻo đường trần đầy cám dỗ và thử thách.
Đức Ngọc Lịch Đại Tiên cũng biết các em của Ngài sẽ có người té ngã. Nhưng Ngài khuyên chúng ta hãy biết dũng cảm đứng dậy để tiếp tục bước đi:
“Vì khi mang lấy xác phàm mọi người đều phải có dính dấp những hệ lụy trần gian, nhưng cố gắng vui vẻ đứng lên và đi mãi để khỏi phải hệ lụy muôn kiếp ngàn đời.” ([9])
Vâng, chúng ta phải đứng lên để đi tiếp, đi cho trọn con đường chúng ta đã chọn, đúng theo lời Đức Ngọc Lịch nhắc nhở:
Chim khôn chọn nhánh lựa cành,
Người khôn hãy chọn đường lành mà đi.
Hữu duyên gặp hội Tam Kỳ,
Nghĩa tình tiền bối
Thời gian qua mau. Buổi ôn học thánh giáo Đức Đại Tiên hôm nay cũng như buổi lễ kỷ niệm đầy nghĩa tình này sẽ đến lúc phải kết thúc. Họ đạo Vĩnh Nguyên sẽ lưu luyến tiễn quý đạo tâm, thiện tín ra về. Chúng ta lại tiếp tục bận bịu với nhịp đời nhịp đạo cố hữu.
Đứng về mặt hữu hình ai cũng biết như thế và cũng thấy rõ như thế. Nhưng về phần vô vi siêu hình thì hoàn toàn không phải như thế.
Đức Ngọc Lịch Đại Tiên đã đến chứng giám tấm lòng tất cả khách hành hương dự lễ. Ngài đã cảm kích tri ân, rồi đáp tạ bằng cách ban trao lời châu tiếng ngọc làm món quà quý báu vô song để dìu bước khách tục trên đường tu học. Thế rồi, khi cuộc lễ viên mãn, chúng ta chia tay Vĩnh Nguyên ra về nhưng Đức Đại Tiên vẫn chưa hề chia tay với chúng ta.
Vâng, bằng tình thương yêu và với quyền năng pháp lực của một bậc Đại Tiên, Đức Ngọc Lịch đã, đang, và sẽ mãi mãi theo sát chúng ta, hộ trì chúng ta.
Ôi, kẻ phàm trần chúng ta làm sao biết được tấm lòng bao la của Đức Ngọc Lịch Đại Tiên nếu như chính Ngài không thổ lộ qua những lời chan chứa nghĩa tình như sau:
“Sau cùng, Bần Đạo xin để lời cảm ơn chư Thiên ân hướng đạo cùng các em lớn nhỏ xa gần đã có tâm thương Thầy mến Đạo và tưởng tình gia quyến Bần Đạo, đã không nệ đường sá xa xôi thân hành đến vùng hẻo lánh tiêu sơ này với tất cả nhiệt tình không tính toán.
“Bần Đạo dụng tất cả những quyền năng đã có, theo hộ trì chư liệt vị trên đường hành đạo.” ([11])
Chúng ta hãy kính cẩn tưởng niệm và tạ ơn Tiền Bối:
Long An, 13-10-2007
Huệ Khải
([1]) Thành lập năm 1908, Vĩnh Nguyên Tự nay ở xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.