IV. SÁU
NĂM CUỐI ĐỜI (1927-1932)
Những người chọn con đường ẩn tu để hành thiền (tịnh
luyện) đã dần dần tìm đến tiền bối Ngô Văn Chiêu xin thọ pháp môn. Một nhóm môn
sanh ở Cần Thơ đã hình thành Chiếu Minh đàn. Chiếu Minh phát triển dần dần trở
thành một nhánh tu kín (esoteric) của đạo Cao Đài. Tháng 5-1927, các vị này tạo
lập nghĩa địa Chiếu Minh ở Cần Thơ.
1. Thăm núi Tà
Lơn lần đầu
Tháng 6-1928 (tháng 4 Mậu Thìn), Ngô tiền bối xin
nghỉ việc sáu tháng để thăm núi Tà Lơn([1]) (Cam Bốt) theo
lịnh của Đức Cao Đài. Lúc này số môn đệ Chiếu Minh tháp tùng theo tiền bối có
khoảng ba mươi người. Khởi hành ngày thứ Tư 13-6-1928.
Trở về làm việc ở Sài Gòn một thời gian, sau đó Ngô
tiền bối và một số môn đệ Chiếu Minh chu du sáu tỉnh ở Nam Kỳ. Chuyến đầu ghé
ba tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre. Chuyến sau đi ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc
Liêu.
2.
Hiển đạo tại thế
Thứ Năm 03-4-1930 (05-3 Canh Ngọ), Ngô
tiền bối vẫn đang ở Sài Gòn (110 Bonard), nhưng đàn cơ giờ Ngọ tại Hiệp Minh
đàn (Cái Khế, Cần Thơ) lại tiếp được một bài thơ thất ngôn bát cú do tiền bối
và tiên ông Vân Trung Tử cùng giáng cơ ban cho.
Sự kiện này chứng minh Ngô tiền bối đã đắc đạo tại
thế. Hàng năm, môn sanh Chiếu Minh lấy ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch làm lễ kỷ
niệm ngày tiền bối Ngô Văn Chiêu
hiển đạo tại thế.
3.
Thăm núi Tà Lơn lần thứ nhì
Tháng 12-1931 (Tân Mùi), tiền bối nghỉ
việc, lui về tỉnh Cần Thơ, ở tại nhà môn sanh Lý Trọng Quý, số 39, đường Nguyễn
An Ninh.
Thứ Tư 30-3-1932 (24-02 Nhâm Thân), Ngô
tiền bối đi thăm núi Tà Lơn lần thứ nhì. Người tỏ ý sẽ thoát xác nơi đây. Các
môn đệ đi theo hết sức khẩn khoản tiền bối trở về Cần Thơ.
Chủ Nhật 10-4-1932 (05-3 Nhâm Thân), tiền
bối về đến Cần Thơ và ở luôn tại đây cho tới ngày quy thiên.
Vì lần này tiền bối không chịu tá túc trong nhà của
bất kỳ môn đệ nào, môn sanh Chiếu Minh cất cho người một lều tranh giản dị
(thảo lư), không xa nghĩa địa Chiếu Minh, cách châu thành Cần Thơ khoảng 3km.
4.
Cỡi rồng về nguyên
Sáng thứ Hai 18-4-1932 (13-3 Nhâm Thân),
tiền bối bảo môn sanh chuẩn bị xe đưa người về nhà ở tỉnh Tân An. Sau khi xong
buổi ngồi thiền giờ Ngọ, đồng tử Lê Văn Ngưng (1906-1948) cõng tiền bối ra xe.
Tiền bối ngồi riêng ở băng sau. Ngoài
đồng tử Ngưng và vài môn sanh, cùng đi có con gái thứ năm của tiền bối (Ngô Thị
Nguyệt). Dọc đường, da mặt và thân thể tiền bối dần dần chuyển thành màu vàng
nghệ.
Xe qua phà Cần Thơ, đi tiếp đến Vĩnh Long
rồi xuống phà Mỹ Thuận. Phà chạy ra gần giữa sông Tiền (một nhánh sông Cửu
Long, chín rồng) thì Ngô tiền bối đã nhẹ nhàng thoát xác lúc 3 giờ chiều. Việc
này ứng hợp với lời Đức Cao Đài dạy tiền bối vào giữa năm 1924 (Giáp Tý):
Giờ này Thầy điểm
thâm công,
Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên.
Môn sanh yêu cầu quay phà trở lại. Trên đường về thảo
lư, da tiền bối trở lại bình thường, con mắt trái (dương) mở to ra, nhìn như
người sống, con mắt bên phải (âm) khép kín.
Thánh tượng Cao Đài là con mắt trái (Thiên nhãn).
Giống như trường hợp Ngô tiền bối, đối với những hành giả Cao Đài tu thiền
chứng đắc, mở mắt trái khi rời bỏ thế gian là một ấn chứng đắc đạo.
Môn sanh Chiếu Minh tìm thấy ở thảo lư
một bao thơ với di ngôn của tiền bối, ngắn gọn:
Thôi, các em nhứt tâm.
Thầy chẳng quên ta. Ta hằng tại.
Chẳng đặng nhiều lời.
Nay kỉnh tạ,
Bần đạo
Chiêu
22/8/31
Trong
bao thơ còn có một trăm đồng bạc. Tiền bối dặn dò chi phí cho lễ tang chỉ chừng
ngần ấy và không được nhận tiền phúng điếu.
Theo
di ngôn, các môn sanh tự tay khâm liệm di thể tiền bối trong tư thế ngồi thiền,
rồi đặt trong một áo quan hình lục giác, đường kính 0,8m, cao 1,20m.
Các
vị đẩy xe đưa lục giác ra nghĩa địa Chiếu Minh, cách thảo lư khoảng 200m. Lục
giác được đặt trên một nền đã xây sẵn, sau đó xây gạch bao kín chung quanh. Bên
ngoài xây thành một cái tháp sáu mặt, ba tầng.
Đám
tang rất đơn giản, không kèn trống, không tụng kinh cầu siêu. Lúc sinh tiền,
Ngô tiền bối bảo rằng người đã cầu nguyện cho bản thân hàng ngày, đã biết mình
là ai, chết rồi sẽ đi đâu, nên không cần đọc kinh cầu siêu nữa.
Hàng
ngàn người từ các nơi đổ về Cần Thơ. Các môn sanh và nhiều người khác đã xin
thọ tang. Tang lễ trở thành sự kiện đăng trên các báo.
Theo
đàn cơ lập tại thảo lư (Cần Thơ) vào giờ Dậu ngày thứ Sáu 03-8-1934 (23-6 Giáp
Tuất), Đại tiên Ngô Minh Chiêu
là Ngôi Hai Giáo chủ.([2])
HUỆ KHẢI, NGÔ VĂN CHIÊU -- NGƯỜI MÔN ĐỆ CAO ĐÀI ĐẦU
TIÊN
[1] Người Việt gọi Bokor là núi
Tà Lơn hay Trà Lơn. Núi cao 1.080m, thuộc tỉnh Kampot (người Việt gọi là Cần Giọt).
[2] Ngôi Một là Đức Cao Đài Thượng đế.