Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

16/2. NGUỒN GỐC BÀI KINH NGỌC HOÀNGTHIÊN TÔN BỬU CÁO



NGUỒN GỐC BÀI KINH
NGỌC HOÀNGTHIÊN TÔN BỬU CÁO
Năm 1994 tôi ấn hành Tìm Hiểu Kinh Cúng Tứ Thời, một năm sau đó lại sửa chữa và tăng bổ khá nhiều khi tái bản [Lê Anh Dũng 1995]. Về sau, hiền huynh Huệ Nhẫn (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) có công sưu tầm được hai bản kinh xưa, chữ Hán, bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo. Nhờ hai văn bản này tôi có điều kiện xác thực để hiệu đính lại ba từ Hán trong bản in năm 1995 của tôi,([1]) giảng lại hai từ liên quan. Để góp phần khai thác văn bản, dưới đây tôi nêu một số ý kiến, suy nghĩ liên quan tới hai bản chữ Hán bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo.
I. TÌM HIỂU BẢN IN ĐỜI QUANG TỰ (1907)
Đầu năm 1997 hiền huynh Huệ Nhẫn hoàn tất bản thảo Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Bài Kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo (50 trang, 14,5x20,5cm). Ngoài ba trang bản chữ Hán bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo trích từ các trang 36-39 của quyển Ngọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh do hiền huynh Huệ Nhẫn sao chụp, đáng chú ý là bản chụp lại bìa quyển Ngọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh [Huệ Nhẫn 1997: 6-8]. Quyển Ngọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh (chữ Hán) dày 80 trang, không kể bìa, in năm Quang Tự (1907) nhà Thanh (Trung Quốc).
1. Trang bìa cho thấy các chi tiết sau đây:
(1) Bên phải nhan đề in dòng nhỏ hơn, gồm mười chữ Hán: Quang Tự tam thập tam niên hạ nguyệt trùng tuyên,([2]) nghĩa là năm Quang Tự thứ ba mươi ba [1907],([3]) tháng hạ,([4]) khắc lại. Nhưng trang 1 quyển Ngọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh ghi: Bảo huấn ư Quang Tự nhị thập tứ niên tái khắc.([5])
Lưu ý: trùng tuyêntái khắc đều có nghĩa là khắc ván để làm lại bản in mới; nhưng trùng làm lại lần nữa; in mới một ấn bản là trùng san (khan);([6]) còn tái lần thứ nhì; bản in lần thứ nhì gọi là tái bản.([7]) Vậy, tái khắckhắc lần thứ nhì. Như thế, bản Ngọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh in năm 1907 đã được khắc lại dựa theo bản khắc lần thứ nhì năm Quang Tự thứ hai mươi bốn (1897).
(2) Giữa trang giấy, nhan đề in thành một dòng xuôi xuống, gồm sáu chữ Hán: Ngọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh (chân kinh giải cứu tai họa của Ngọc Hoàng).
(3) Bên trái nhan đề in dòng nhỏ thứ hai, gồm tám chữ Hán: La Phù Sơn Triều Nguyên Động tàng bản.([8])

Ngọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh (bìa)

Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (1)

Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (2)

Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (3)
Có thể hiểu như sau:
- Ngày xưa, kinh sách được in bằng cách khắc chữ trên ván, tấm ván khắc ấy gọi là bản.([9]) Các bản này được lưu giữ để dùng cho những lần in sau, gọi là tàng bản. Việc lưu giữ ấy cũng gọi là tàng bản; từ đó, tàng bản cũng có nghĩa là xuất bản, in sách,([10]) và người xuất bản kinh này là các đạo sĩ ở động Triều Nguyên, trên núi La Phù Sơn.
- Động có nhiều nghĩa: hang động; thông suốt; thâm viễn; vẻ mặt cung kính... Theo đạo Lão, động hay động phủ, động thiên là nơi tiên ở [Từ Hải 1948: 788].
- Theo đạo Lão, nguyên cũng như Đạo; triều nguyên cũng như quy nguyên phản bản, trở về với Đạo, chầu Trời, triều kính Thượng Đế.
- La Phù Sơn: Núi La Phù ở phía đông huyện Tăng Thành, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tương truyền, đạo sĩ Cát Hồng tu tiên đắc đạo ở núi này [Từ Hải 1948: 1066].
2. Về ba trang kinh văn
Bản in đời Quang Tự (1907) cho thấy sáu chữ nhan đề Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo đứng riêng hẳn một dòng (dòng 5, tr. 35 bản Hán), nét chữ khắc hơi đậm hơn, phân biệt với phần kinh văn tiếp theo đó (mười bảy dòng).
Xem xét cách trình bày bản khắc in, lại thấy rằng ba chữ Đại [La] (dòng 2, tr. 36 bản Hán), Đại [Thánh] (d. 5, tr. 38) trồi lên một hàng ngang; riêng Ngọc [Hoàng] (d. 5, tr. 35) và Huỳnh [Kim Khuyết] (d.1., tr. 39) trồi lên hai hàng ngang.
Đây là phép đài (viết trồi chữ lên) của người xưa, mỗi khi gặp những tiếng phải tỏ lòng tôn kính: đài hai hàng là bày tỏ lòng tôn kính nhiều hơn trường hợp đài một hàng.([11]) Trong bản kinh đang khảo sát, Ngọc Hoàng Huỳnh Kim Khuyết đài lên hai hàng, hai chữ Đại La Đại Thánh chỉ đài lên một hàng.
Ba trang kinh văn bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo này kết thúc với mười chín chữ (d. 1-2, tr. 39): Huỳnh Kim Kim Khuyết, Bạch Ngọc Ngọc Kinh, Huyền Khung Cao Thượng Đế, Ngọc Hoàng Hựu Tội Thiên Tôn.([12]) Như vậy, so với bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo trong Kinh Cúng Tứ Thời của đạo Cao Đài, hai phần kết không hoàn toàn giống nhau.
Tuy bản in đời Quang Tự (1907) này không cho biết vị nào đã tả kinh. Nhưng có thể đoán biết rằng, giống như nhiều kinh văn khác của đạo Lão đời Thanh, bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo này đã được tiếp nhận qua phương tiện cơ bút; cách cầu cơ này cũng truyền sang Việt Nam từ xưa, như các thiện đàn ở miền Trung, các đàn cầu tiên ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, trước khi có cơ bút của đạo Cao Đài.([13])

Văn Xương Đế Quân Cứu Kiếp Bảo Sanh Kinh

Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (1)

Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (2)


II. TÌM HIỂU BẢN IN ĐỜI KHẢI ĐỊNH (1923)
Tháng 9-1997, khi soạn thêm bốn trang Phần Bổ Sung Cho Tập Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Bài Kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo, hiền huynh Huệ Nhẫn cho biết đã sưu tầm thêm được một bản chữ Hán khác (chụp lại 4 trang) mà kinh văn hoàn toàn giống với bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo trong Kinh Cúng Tứ Thời của đạo Cao Đài. Đây chính là bản in đời Khải Định (1923).([14])
1. Trang bìa có các chi tiết như sau:
(1) Hàng ngang nằm trên cùng: Linh Quang Tự.
Vậy, đây là bản in của môn đệ Linh Quang Tự thuộc tông Phổ Tế, chi Minh Sư. Trước khi Thái Lão Sư Trần Đạo Quang (1870-1946) quy hiệp đạo Cao Đài, tiền bối từng có trách nhiệm cai quản Linh Quang Tự, ở xã Hanh Thông Tây, quận Gò Vắp, tỉnh Gia Định. Khoảng vài mươi năm sau, chùa đã dời về huyện Hốc Môn.([15])
(2) Giữa trang giấy, nhan đề in thành một dòng xuôi xuống: Văn Xương Đế Quân Cứu Kiếp Bảo Sanh Kinh (kinh giữ gìn mạng sống, giải cứu tai họa của Đức Văn Xương Đế Quân).([16])
(3) Bên phải nhan đề in dòng nhỏ hơn: Đại Nam Khải Định, Quý Hợi niên, trọng xuân, cát nhựt (ngày lành, giữa mùa xuân [tháng hai âm lịch], năm Quý Hợi [1923], đời vua Khải Định, nước Đại Nam).([17])
(4) Bên trái nhan đề in dòng nhỏ thứ hai: Tân An Lâm Thị Chợ ([18]) trùng san (khan) kỳ bệnh dũ (Lâm Thị Chợ ở Tân An tái bản để cầu khỏi bệnh).
Theo [Huệ Nhẫn 1997: 7], Lâm Thị Chợ “là chị thứ bảy của ông Lâm Xương Quang (ông Lão Tám Lâm Đạo Nguơn)... bà bị bệnh nặng, ấn tống kinh này cầu giải bệnh.”
Nói thêm về tiền bối Lâm Xương Quang, người nổi tiếng trong giới tu tiên ở Nam Kỳ qua các bản dịch Thất Chơn Nhơn Quả, Ngọc Lộ Kim Bàn, Hồi Dương Nhơn Quả, Ngọc Lịch Minh Kinh...
(5) Ba dòng dưới cùng, ở giữa: Thanh Thủy; Quan Âm Đường; loát san.([19]) Giải thích:
- Thanh Thủy là làng Thanh Thủy, thuộc tổng Thạnh Mục Hạ, quận Bình Phước, tỉnh Tân An.
- Quan Âm Đường ở làng Thanh Thủy, là chùa thuộc tông Đức Tế, chi Minh Sư.
- Loát là bàn chải, dùng bàn chải; san là khắc, in; loát san (khan) in bằng cách dùng bàn chải xoa mực đều lên bản khắc gỗ.
2. Về hai trang kinh văn
Bản in đời Khải Định (1923), cho thấy dưới nhan đề Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo là hai dòng: Quang Tự Tân Mão cửu nguyệt sóc, Quan Đế thỉnh Phù Hựu Đế Quân giáng tác thử cáo thập tụng ([20]) dĩ kính Thiên Đế.([21])
Hai dòng này cho biết ngày mùng 1 tháng 9 Tân Mão (1891), niên hiệu Quang Tự, Đức Quan Đế (Quan Thánh Đế Quân) đã thỉnh Đức Phù Hựu Đế Quân giáng cơ tả bài cáo này [để] tụng nhiều lần [tỏ lòng] kính ngưỡng Thiên Đế [Trời].
Việc tìm ra bản kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo do tín đồ Minh Sư ở Tân An ấn tống năm 1923 cũng góp phần cho thấy có mối quan hệ giữa tiền bối Ngô Văn Chiêu (1878-1932) và đạo Minh Sư.
Ngô tiền bối từng sống, làm việc và cầu tiên ở Tân An (1899-1919); sau này ở Phú Quốc ngài có kết giao với Thái Lão Sư Tùng Ngạc trong bước đầu học thiền với Đức Cao Đài Tiên Ông. Phải chăng Ngô tiền bối đã tiếp nhận bài kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo từ đạo Minh Sư? và phải chăng cũng vì thế mà môn sanh Chiếu Minh tu theo Ngô tiền bối cho tới nay vẫn đọc là cổ ngưỡng kim ngưỡng giống y như bản kinh chữ Hán của Minh Sư.
Nếu như thế, phải chăng Ngô tiền bối đã truyền lại bài kinh này cho các tiền bối khai đạo trước khi lập thành Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh [Lê Anh Dũng 1996: 57-69]? Nhưng rồi vì sao Cao Đài Tây Ninh lại đổi thứ tự thành kim ngưỡng cổ ngưỡng là một việc chưa tìm được sử liệu để hiểu lý do.
Bản in đời Khải Định (1923) hoàn toàn giống với bản kinh trong đạo Cao Đài hiện nay; nhưng vì sao lại quá khác biệt trong phần kết giữa bản in 1923 này và bản in đời Quang Tự (1907)? Có thể tạm giải thích như sau: Kinh cúng của đạo Lão khi lưu hành trong dân gian thường có dị bản. Sau đây là vài trường hợp dị bản khác nữa có thể tìm thấy trên Internet.
III. MỘT VÀI DỊ BẢN TRÊN INTERNET
Trên Internet có thể tìm thấy một số dị bản bài kinh xưng tán Đức Ngọc Hoàng Thiên Tôn (Thượng Đế). Các bài này đều viết Cổ ngưỡng kim ngưỡng chứ không đảo lại Kim ngưỡng cổ ngưỡng như Cao Đài Tây Ninh. Tạm kể như sau:
1. Bản A
Tại địa chỉ http://tw.myblog.yahoo.com/e-books/article?mid =1023&prev=1024&l=f&fid=6 ở Đài Loan có bài Ngọc Hoàng Thượng Đế Tiêu Kiếp Chân Kinh.([22]) Trừ chỗ viết Cổ ngưỡng kim ngưỡng, bài này giống với bài kinh tụng trong đạo Cao Đài cho tới câu Hồng oai hồng từ. Vô cực vô thượng. Đại thánh đại nguyện. Sau đó, kinh kết thúc như sau: Đại từ đại bi. Huỳnh Kim Kim Khuyết. Bch Ngc Ngc Kinh. Huyền Khung Cao Thượng Đế. Ngọc Hoàng Tích Phước Tội Đại Thiên Tôn.([23]) Những chỗ khác với bài kinh tụng trong đạo Cao Đài đã được gạch dưới. Bài trên mạng này cho biết tụng xong kinh thì lạy mười hai lạy (Thập nhị khấu đầu).
Bản A này hoàn toàn giống với bài Ngọc Hoàng Chân Kinh Tụng Bản ([24]) tại địa chỉ chchsong.myweb.hinet.net/index/ HeavenKingWay.doc.
2. Bản B
Tại địa chỉ http://www.jnk.org.tw/w02-20.htm cũng ở Đài Loan có bài Ngọc Hoàng Chân Kinh Tụng Bản. Bài này hoàn toàn giống với bản A trên đây, chỉ trừ một chữ; viết diệu diệu 緲渺 thay vì 渺渺. Chữ còn đọc là miều, diểu.
3. Bản C
Tại địa chỉ http://www.wretch.cc/blog/delete0471/9504691 có bài Ngọc Hoàng Chân Kinh Tụng Bản giống như bản A, nhưng không viết Đại từ đại bi như bản A mà viết Đại to đại bi như bài kinh tụng trong đạo Cao Đài.
*
Dẫn thêm vài trường hợp như trên để thấy rằng các kinh tụng của đạo Lão thường có không ít dị bản. Đối với bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo thì các chữ sai khác không nhiều. Tuy nhiên, khi tìm hiểu bài kinh cúng tứ thời xưng tán Nho Giáo trong đạo Cao Đài và đối chiếu với bản gốc chữ Hán sẽ thấy hai điểm đáng lưu ý như sau:
- Các bản chữ Hán của Trung Quốc ([25]) sai khác với nhau khá nhiều.
- Bản kinh của Cao Đài lại càng khác hơn bản gốc chữ Hán của Trung Quốc, tạo thành một dị bản tách rời ý nghĩa bản gốc và buộc phải đọc, hiểu theo cách của người đạo Cao Đài. Đây quả là điều khá “gút mắc” và sẽ được trình bày trong một khảo luận riêng.
Phú Nhuận, 25-11-1997
Bổ túc 07-8-2009
HUỆ KHẢI



([1]) [Lê Anh Dũng 1995] các tr. 41, 50, 158, 159 và tr. (1-3) phần chữ Hán: hai từ diệu diệu mịch.
([2]) 光緒三十三年夏月重鐫.
Tuyên cũng đọc là thuyên, quyên (chạm, khắc).
([3]) Cũng là năm chót trong ba mươi ba năm (1875-1907) làm vua của Đức Tông Cảnh Hoàng Đế nhà Thanh.
([4]) Tháng hạ gồm ba tháng âm lịch 4, 5, và 6.
([5]) 寶訓於光緒二十四年再刻.
([6]) to repeat; again. 重版 to issue a new edition. [Mathews 1931: 216], mục từ 1509; nghĩa (d), tiểu mục 6.
([7]) a second time; 再版 a second edition. [Mathews 1931: 975-976], mục từ 6658 và tiểu mục 35.
([8]) 羅浮山朝元洞藏版.
([9]) or blocks for printing from. [Mathews 1931: 676], mục từ 4885.
([10]) 藏版 to keep the blocks of a book; to publish. [Mathews 1931: 985], mục từ 6718, tiểu mục 11.
([11]) Ngày xưa đi thi, sĩ tử viết văn bài không đúng phép đài là phạm trường quy: không đáng đài mà đài, hoặc đáng đài mà đài không hợp cách thì bị đánh hỏng; nhưng nếu đáng đài mà lại không đài thì còn bị khép tội nữa [Ngô Tất Tố 1995: 229-231].
([12]) 黄金金闕, 白玉玉京, 玄穹高上帝, 玉皇宥罪天尊.
([13]) Về các thiện đàn, xem [Đào Duy Anh 1989: 186]. Về cơ bút, xem [Đông Hồ 1932: 393-401]; [Huệ Lương 1972: 19-31; 3-14; 5-10], và [Huệ Khải 2008: 26-30].
([14]) Chân thành biết ơn hiền huynh Huệ Nhẫn đã tìm được hai bản kinh chữ Hán đời Quang Tự (1907) và Khải Định (1923).
([15]) Về Thái Lão Sư, xem [Lê Anh Dũng 1996: 144-147].
([16]) 文昌帝君救刧保生經.
([17]) 大南啟定季亥年仲春吉日.
([18]) 新安林氏重刊祈病愈. Chợ là chữ nôm, mượn chữ Hán, viết với trợ (giúp) để lấy âm, rồi thêm thị (chợ) để lấy nghĩa.
([19]) 清水觀音堂刷刊.
([20]) Ở đây thập không phải là mười; thập tụng nghĩa là tụng nhiều lần.
([21]) 光緒辛卯年九月朔, 關帝請孚佑帝君降作此誥十誦以敬天帝.
([22]) 玉皇上帝消劫真經.
([23]) 大慈大悲. 黃金金闕. 白玉玉京. 玄穹高上帝. 玉皇錫福赦罪大 天尊. (十二叩首)
([24]) 玉皇真經誦本.
([25]) Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng cho biết thêm: bài Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo còn được in trong Quan Thánh Ðế Quân Cứu Kiếp Vĩnh Mạng Kinh. Theo đó, xuất xứ bài kinh như sau: “Quang Tự Tân Mão, cửu ngoạt, sóc, Quan Ðế thỉnh Phù Hựu Ðế Quân giáng tác thử cáo, phú tụng dĩ kính Thiên Ðế.” Nghĩa là năm Quang Tự (nhà Thanh), ngày 01-9 Tân Mão (03-10-1891), Ðức Quan Thánh thỉnh mời Ðức Phù Hựu Ðế Quân giáng cơ viết lời cáo nầy, cho người tụng kinh tôn kính Thượng Ðế.