Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

2/2. CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI ĐỨC CAO ĐÀI / NGÔ VĂN CHIÊU − NGƯỜI MÔN ĐỆ CAO ĐÀI ĐẦU TIÊN




II. CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI ĐỨC CAO ĐÀI
1. Nhân duyên với các đàn tiên
Xu hướng tín ngưỡng của tiền bối Ngô Văn Chiêu sớm bộc lộ từ buổi ấu thơ. Nhà dượng tiền bối tại Mỹ Tho có lập trang thờ Đức Quan thánh, do đó tiền bối quen dần với việc cúng kính và tụng kinh Minh thánh 明聖經 hàng ngày. Quyển kinh mỏng này thuộc loại thiện thư 善書 (kinh dạy làm lành lánh dữ) của đạo Lão, do Đức Quan thánh giáng cơ vào đời Thanh (Trung Quốc), được phổ biến ở Nam Kỳ qua nhiều nhan đề và bản dịch khác nhau.([1])
Ngoài ra tiền bối còn ăn chay mỗi tháng hai kỳ sóc vọng (mùng 1 và 15 âm lịch). Mãi đến năm 1920 (Canh Thân), lúc ở đảo Phú Quốc, vâng theo lời dạy của Đức Cao Đài, tiền bối mới thôi tụng kinh Minh thánh, chuyển sang tu thiền.
Ở tuổi đôi mươi tiền bối đã tin ở cơ bút. Trước khi gặp đạo Cao Đài tiền bối nhiều lần hầu đàn tiên do những nhân duyên khác nhau.
Năm 1902 (Nhâm Dần), muốn cầu thọ cho thân mẫu, tiền bối đến hầu đàn Minh Thiện (tại Thanh An tự) ở tỉnh Thủ Dầu Một. Một ông tiên ban cho tiền bối bài thơ thất ngôn tứ tuyệt.
Năm 1917 (Đinh Tỵ), vì thân mẫu đang đau nhiều, tiền bối tìm đàn Hiệp Minh ở Cái Khế, tỉnh Cần Thơ.([2]) Đến nơi thì đàn đã lập, đồng tử đang tiếp điển thiêng liêng. Tiền bối phải ở bên ngoài. Nào ngờ tiên gia gõ cơ cho phép tiền bối vào hầu, ban cho bài thuốc và hai bài thơ. Bài thơ thứ nhất dài mười câu lục bát:
Trời còn sông biển đều còn,
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần.
Thanh minh trong tiết vườn xuân,
Phụng chầu, hạc múa, gà rừng gáy reo.
Đường đi trên núi dưới đèo,  
Lặng tìm cao thấp ải trèo chông gai.
Phận làm con thảo há nài,     
Biết phương tiên phật bồng lai mà tìm.
Xem qua xét lại cổ kim,
Một bầu trời đất thanh liêm chín mười.
Sau này, có lẽ tuân hành lời dạy của thiêng liêng, tiền bối nối tiếp thêm bốn câu nữa, để dùng làm lời khấn khi cầu cơ:
Vàng trau ngọc chuốt càng tươi,
Bền lòng theo Phật cho người xét suy.
Thần tiên vốn chẳng xa chi,
Có lòng chiêm ngưỡng nhứt thì giáng linh.
Năm 1919 (Kỷ Mùi), vì thân mẫu đau nhiều, tiền bối trở lại đàn Hiệp Minh, nhưng tiên gia chỉ ban cho bài thơ dài chứ không cho thuốc. Sau đó tiền bối tìm đến đàn Minh Thiện ở tỉnh Thủ Dầu Một, được Đức Quan thánh ban cho một bài thất ngôn tứ tuyệt nhưng không cho thuốc. Cuối năm này thân mẫu tiền bối tạ thế.
2. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ nhất (1920)
Trước khi chuyển đi tỉnh Hà Tiên, khoảng tháng 1 hay 2 năm 1920 (Kỷ Mùi), tiền bối thường lập đàn cầu cơ tại tỉnh Tân An cùng các ông Đoàn Văn Kim (1868-1946), hương bộ Lê Kiển Thọ (1868-1946), thầy giáo Nguyễn Văn Vân (1893-1981), nhà giáo kiêm soạn giả Trần Phong Sắc (1873-1928). Ông Sắc là một nhà nho hữu danh, hồi ấy đã được khách Lục châu biết tên qua các một số tuồng hát và nhiều bản dịch truyện Tàu như Đại Minh hồng võ (1907), Anh hùng náo tam môn giai (1907)...
Phận sự các ông trong những buổi lập đàn tiên như sau:
- Pháp đàn: Trần Phong Sắc (vẽ bùa để trấn đàn, ngăn cản tà quái xâm nhập đàn cơ).
- Đồng tử âm: Lê Kiển Thọ. Đồng tử dương: Nguyễn Văn Vân. (Hai người cùng thủ cơ, bốn bàn tay giữ đại ngọc cơ viết chữ trên mặt bàn.)
- Điển ký: Đoàn Văn Kim (ghi chép lời dạy nhận được qua phương tiện cơ bút và đồng tử).
- Độc giả: Ngô Văn Chiêu (nhìn ngọn cơ viết chữ trên mặt bàn và đọc ra tiếng để cho điển ký ghi chép).
Trong một buổi lập đàn tại nhà tiền bối Ngô Văn Chiêu, khi đọc bài cầu cơ đến câu Ngũ chơn bửu khí lâm trần thế... thì cơ gõ mạnh xuống bàn, một đấng xưng danh Cao Đài Tiên ông 高臺仙翁, bảo pháp đàn sửa lại câu này. Ông Sắc không chịu tuân theo. Tiên ông bảo tiền bối Ngô Văn Chiêu sửa. Tiền bối đổi lại là Bửu chơn ngũ khí lâm trần thế 寶真五氣臨塵世. Tiên ông gõ cơ khen.
Không rõ Cao Đài Tiên ông là đấng nào, các vị bạch, xin cho biết lai lịch. Tiên ông trả lời:
Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh,
Đố ai biết được cái danh Cao Đài.
Các bài cầu cơ thỉnh tiên lưu truyền trong dân gian thường có vài dị bản. Chẳng hạn, ngoài quyển Vạn pháp quy tông 萬法歸宗 của đạo Lão Trung Quốc truyền sang Việt Nam, bài cầu cơ ở nhà tiền bối Ngô Văn Chiêu cũng có trong quyển Thần chú thỉnh tiên (Sài Gòn: nhà in Phát Toán, 1907, tr. 3-4), mà La Thành Đầm tự Mộ Tần (thơ ký nhà Đoan) gọi là Bài thỉnh tiên sơ thỉnh (dài 46 câu), trong đó câu 9 in là Ngọc chơn bửu khí lâm trần thế 玉真寶氣臨塵世.
3. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ hai (1920)
 Xong tuần bá nhật (một trăm ngày) của thân mẫu, ngày thứ Hai 01-3-1920 (11-01 Canh Thân) tiền bối Ngô Văn Chiêu đổi ra tỉnh Hà Tiên. Ở đó, tiền bối thường lên núi Thạch Động cầu tiên. Một vị tiên cô xưng danh Ngô Kim Liên ban cho tiền bối hai vé thơ, ngụ ý khuyến tu:
Văng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu,
Rằng trời cùng đất vẫn xa mù.
Non tây ngoảnh lại đường gai góc,
Gắng chí cho thành bực trượng phu.
Ngần ngần trăng tỏ giữa trời thu,
Cái cảnh Tây phương vẫn mịt mù.
Mắt tục nào ai trông thấy đấy,
Lắm công trình mới đúng công phu.
Đêm trung thu năm Canh Thân (Chủ Nhật 26-9-1920), tiền bối cùng các ông Cao Văn Sự, Nguyễn Thành Diêu lập đàn tại nhà ông Lâm Tấn Đức. Tiên ông ban cho bốn câu thơ vừa xưng danh vừa điểm danh như sau:
Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu,
Linh lung vạn hộc thể Quan, Diêu.
Vô thậm Sự, Đức nhiệm ngao du,
Bích thủy, thanh sơn tương đối tiếu.
Chưa biết Quan (Quang?) là ai. Diêu và Sự thì đã rõ. Riêng Lâm Tấn Đức (1866-1934, tự Hữu Lân, không con) là anh ruột của Lâm Tấn Thoại, và ông Thoại là cha của Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969), danh sĩ đất Hà Tiên.
4. Thọ pháp (1921)
Thứ Ba 26-10-1920 (15-9 Canh Thân), tiền bối Ngô Văn Chiêu đổi ra đảo Phú Quốc.
Về hòn đảo này, Đông Hồ cho biết: “Ở Phú Quốc phần nhiều là còn giữ được cái phong tục, cái đức tính cổ thời, rõ là xã hội ‘gia vô bế hộ’. Nhà ở không bao giờ có làm cửa. Những nhà hào phú muốn làm cửa là cho tốt coi chớ ban đêm cũng vẫn không khóa. Cửa bỏ ngỏ mà không bao giờ có kẻ trộm.” ([3])
Tại hòn đảo này, tiền bối thường lập đàn cầu tiên trên núi Dương Đông. Đàn được lập ở một Phật đường của đạo Minh Sư, tục gọi là chùa Quan Âm, cách dinh quận chừng 500 mét.
Đông Hồ Lâm Tấn Phác tả chùa Quan Âm như sau: “Chùa cất trên tuyệt đỉnh, trước mặt thì có núi cao bình án, sau lưng thì có biển rộng hoành triều, rất được thế non nước. Tường đá rào tre quanh co, các thứ nhàn hoa cổ thụ, u ảo thanh tịnh vô cùng.” ([4])
Chùa của Minh Sư được gọi là Phật đường. Do không hiểu, các báo cáo của mật thám, thanh tra thực dân Pháp thường gọi lầm Minh Sư là “đạo Phật đường”. Chùa Quan Âm cũng gọi Quan Âm Phật đường, thuộc tông Hoằng Tế.
Đầu năm 1921 (cuối năm Canh Thân), một tiên ông ẩn danh giáng đàn, dạy rằng nếu tiền bối thuận làm đệ tử thì tiên ông sẽ vui lòng truyền đạo. Tiên ông còn dặn hãy ngưng tụng kinh Minh thánh. Đến lúc ấy, tiền bối vẫn giữ lệ ăn chay mỗi tháng hai kỳ vào các ngày sóc, vọng. Cho nên khi tiên ông dạy mỗi tháng ăn chay mười ngày để đủ điều kiện thọ pháp tu thiền, tiền bối không khỏi e ngại việc đời ràng buộc, sẽ khó giữ tròn trai giới.
Mùng 1 Tết Tân Dậu (thứ Ba 08-02-1921), tại chùa Quan Âm, tiền bối chưa kịp giãi bày thì tiên ông ra lịnh: “Chiêu, tam niên trường trai.” Thế là tiền bối chỉ còn biết vâng lời, cầu xin tiên ông hộ trì.
Các môn sanh Cao Đài Chiếu Minh học theo phép tu thiền của tiền bối Ngô Văn Chiêu đã chọn mùng 1 Tết hàng năm để kỷ niệm ngày tiền bối trường trai thọ pháp. Ba ngày kỷ niệm khác là:
- 07 tháng 01: kỷ niệm sinh nhật.
- 05 tháng 3: kỷ niệm ngày hiển đạo tại thế.
- 13 tháng 3: kỷ niệm ngày quy thiên.
Sau mùng 1 Tết năm ấy, tiền bối tu học thiền pháp với tiên ông ẩn danh. Ngoài việc trực tiếp học đạo với vị sư phụ vô hình, tiền bối còn có một vị thiện tri thức làm bạn đạo, để trợ duyên trong buổi sơ cơ. Vị thiện tri thức đó là Thái lão sư Tùng Ngạc, một chức sắc cao trọng của đạo Minh Sư, một vị sở trường về thiền pháp.
Trong một đàn cơ tại tu viện Minh Đức (Vũng Tàu) vào thứ Năm 13-3-1980 (27-01 Canh Thân) Đại tiên Ngô Minh Chiêu nhắc lại sự kiện này như sau: “Buổi đầu Tiên huynh được Thượng đế chọn làm môn đệ đầu tiên. Đức Từ phụ tùy theo căn cơ và sự sống, tuổi tác của Tiên huynh mà cho người dẫn dắt một phương pháp công phu tu luyện, mặc dầu đã có từ ngàn xưa, nhưng nay cũng tạm đặt là Cao Đài tân pháp để làm đường giải thoát cho Tiên huynh, một đồ đệ đầu tiên của Đức Thượng đế trong Tam kỳ Phổ độ.”
Hai năm sau, cũng tại tu viện Minh Đức, thứ Sáu 23-7-1982 (03-6 Nhâm Tuất), Minh Đức Đạo nhơn tiết lộ thêm về sự kiện này: “Vì Đạo vô vi, sư vô vi nên cũng cần có sự hộ trợ của hữu hình. Như ngày xưa, thuở ban sơ khai Đạo, Đức Chí tôn cũng cần có Thái lão sư Tùng Ngạc truyền đạo cho Minh Chiêu Đại tiên khi còn tại thế.”
5. Thiên nhãn xuất hiện (20-4-1921)
Tiên ông ẩn danh dạy tiền bối không được tiết lộ pháp môn tu luyện. Tiền bối cũng chưa biết một nghi thức nào để thờ đấng sư phụ vô vi. Một hôm, tiên ông dạy tiền bối hãy nghĩ ra một biểu tượng cho mối đạo do tiên ông sáng lập. Tiền bối đề nghị chữ thập.([5])
Tuy nhiên, tiên ông dạy phải tìm một biểu tượng khác, bởi vì chữ thập là một biểu tượng của đạo Thiên Chúa. Tiền bối xin thời hạn một tuần, nhưng rồi cũng không thể nghĩ ra được ý gì.
Sáng thứ Tư 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu), vào lúc tám giờ, tiền bối đang ngồi trên võng, phía sau dinh quận Phú Quốc, nhìn ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ một con mắt trái thật lớn, linh động, hào quang chói lọi.
Tiền bối sợ, lấy tay che mắt. Hồi lâu, mở mắt ra nhìn, cảnh tượng vẫn còn. Tiền bối chắp tay, khấn xin tiên ông cho con mắt ấy biến đi, nếu như tiên ông muốn tiền bối thờ con mắt. Lạ thay, sau đó cảnh tượng mờ dần rồi mất hẳn.
Mặc dù vậy, trong dạ tiền bối hãy còn phân vân. Vài hôm sau, tiền bối lại mục kích một cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ con mắt thì con mắt mới biến đi.
6. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ ba (tháng 4-1921)
Khoảng vài ngày sau khi Thiên nhãn xuất hiện lần thứ hai, tiền bối đến hầu đàn tại chùa Quan Âm. Tiên ông dạy tiền bối vẽ lại Thiên nhãn (con mắt trái) như đã mục kích để thờ. Dịp này, tiên ông xưng hồng danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát 高臺仙翁大菩薩摩訶薩, dạy tiền bối gọi Đức Cao Đài bằng Thầy.
Ở tỉnh Tân An và Hà Tiên tiền bối đã hai lần được nghe hồng danh Cao Đài (1920). Hơn nữa, hai chữ Cao Đài vẫn được nhắc tới mỗi khi đọc bài chú thỉnh tiên chữ Nho có câu Cao Đài tiên bút thư văn tự 高臺仙筆書文字.
Người Nam Kỳ thời xưa dùng sách Ấu học Quỳnh Lâm 幼學瓊林 học chữ Nho không lạ hai chữ Cao Đài. Sách do Trình Đăng Cát 程登吉 đời Minh (1308-1644) soạn, rồi Trâu Thánh Mạch 鄒聖 đời Thanh (1644-1911) viết phần tăng bổ.
Quỳnh là một loại ngọc đỏ. Quỳnh Lâm 瓊林 là khu vườn được vua Tống chọn để thết tiệc đãi các tiến sĩ tân khoa. Nhan đề sách ngụ ý dạy trẻ con (ấu học), mong sau này chúng trở thành tiến sĩ (dự tiệc vườn Quỳnh Lâm).
Mùa thu năm 1912 tại Thượng Hải, Quảng Ích thư cục 廣益書局 phát hành Ấu học Quỳnh Lâm, bản in đá (khoảng 15x26cm) của nhà sách Thiên Bảo 天寶, gồm bốn quyển. Quyển hai có mười hai chương. Chương Thân thể (trang 21) có câu tăng bổ:
Cao đài viết đầu 高臺曰頭 (Đài cao gọi là đầu).
Lời chú giải thêm cho câu ấy là:
[Phật kinh] Đầu vi cao đài [佛經] 高臺 (Theo kinh Phật thì đầu là đài cao).
7. Ý nghĩa của đàn tại chùa Quan Âm
Tiền bối Ngô Văn Chiêu được nghe hồng danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát trong đàn cơ lập tại chùa Quan Âm. Như vậy đàn này rất có ý nghĩa, vì đã xác lập những cơ cấu căn bản tối thiết của một tôn giáo.
Nói cách khác, theo đàn này, có thể khẳng định rằng đạo Cao Đài dù còn tiềm ẩn đã sớm hình thành từ năm 1921, với các yếu tố ban đầu như sau:
- Giáo chủ (vô vi): Đức Ngọc Hoàng Thượng đế, tá danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát.
- Giáo đồ đầu tiên: Tiền bối Ngô Văn Chiêu.
- Giáo pháp: Phần nội giáo tâm truyền (hay hình nhi thượng học), tức là pháp môn tu đơn (tọa thiền), cũng gọi là tân pháp Cao Đài.
- Giáo tượng (thánh tượng): Thiên nhãn.
- Giáo thuyết: Hồng danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát thể hiện đường lối dung hợp Tam giáo với Cao Đài biểu thị Nho, Tiên ông biểu thị Lão, Đại bồ tát Ma ha tát biểu thị Phật.
- Giáo điển: một số bài kinh dùng khi cúng trưóc Thiên bàn vào các thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu.([6])
Như vậy, nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử khai đạo Cao Đài đã xảy ra tại chùa Quan Âm. Chùa này do hai ông Huỳnh Đăng Khoa,([7]) Đỗ Minh Châu (tức Cả Bốn) cất. Về sau, ông Châu truyền chùa lại cho con là Đỗ Kim Cự. Ông Cự lại truyền chùa cho ông Đỗ Văn Đồ (tức Tám Gia).
Đỗ Văn Đồ tính khí thất thường, có khi gây chuyện náo động làm cho buổi hầu đàn mất thanh tịnh, thiếu trang nghiêm. Vì vậy, sau hơn nửa năm lập đàn tại chùa Quan Âm, tiền bối Ngô Văn Chiêu chuyển đến chùa Sùng Hưng của hòa thượng Thích Ngộ Tiên (1885-1946), cách chùa Quan Âm khoảng 200 mét.
Lần hồi, thiếu người chăm sóc, chùa Quan Âm suy sụp đổ nát. Năm 1961 (Tân Sửu), muốn giữ lại một di tích có liên quan đến thời khai nguyên nền Đạo, các môn sanh Cao Đài Chiếu Minh đã dựng trên nền cũ của chùa Quan Âm một mái chùa mới, gọi là Cao Đài Hội thánh.([8])
8. Ba năm tu học (1921-1924)
Trong ba năm học đạo với Đức Cao Đài trên đảo Phú Quốc, tiền bối Ngô Văn Chiêu một lòng tinh tấn với tâm bất thối chuyển. Đức Cao Đài khuyến khích:
Ba năm lao khổ độ nhứt nhơn,
Mắt Thầy xem rõ lòng dạ chắc,
Thương vì con trẻ hãy còn thơ,
Gắng chí tầm phương biết đạo mầu.
Giữa năm 1924 (Giáp Tý), tiền bối chuyển về làm việc tại Sài Gòn. Đức Cao Đài ban cho tiền bối một bài lục bát dài hai mươi câu, trong đó có những lời khen:
Ba năm lòng sáng như son,
Trèo non xuống biển vuông tròn công phu.
. . .
Giờ này Thầy điểm thâm công,
Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên.
9. Nếp sống ẩn tu giữa Sài Gòn
Rời đảo Phú Quốc ngày thứ Ba 29-7-1924 (28-6 Giáp Tý), hôm sau tiền bối Ngô Văn Chiêu về tới Sài Gòn. Gia đình tiền bối vẫn còn ở tỉnh Tân An.
Thoạt đầu, tiền bối trọ tại khách sạn Bá Huê Lầu trên đường Pellerin (nay là Pasteur), sau đó nhiều lần thay đổi chỗ trọ. Có lúc dời về đường Paul Bert (nay là Trần Quang Khải, Đa Kao, quận 1), rồi về đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), gần chợ Bến Thành, mướn nhà trên lầu một, phía dưới là một phòng răng.
Năm 1928 (Mậu Thìn), nơi cuối cùng tiền bối trú ngụ trong thời gian sống tại Sài Gòn là nhà số 110 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi). Tiền bối ở trên lầu hai, tầng trệt là tiệm tạp hóa của một Hoa kiều (người Hải Nam 海南).([9])
Lúc ở đảo Phú Quốc tiền bối đã có tình giao hảo với đạo Minh Sư. Trở về Sài Gòn, tiền bối hay ghé chùa Ngọc Hoàng (Ngọc Hoàng điện 玉皇殿), nguyên của đạo Minh Sư.([10]) Ngoài ra, tiền bối ít khi giao du, giữ hạnh ẩn tu giữa Sài Gòn nhộn nhịp.
Đầu tháng 02-1926 (cuối năm Ất Sửu), Đức Cao Đài dạy tiền bối Ngô Văn Chiêu bắt đầu truyền đạo. Bốn công chức đầu tiên được biết mối đạo mới là:
- Vương Quan Kỳ (1880-1939), người tỉnh Chợ Lớn, tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat, làm việc tại Phủ Thống đốc Nam Kỳ (cùng ở phòng nhì như tiền bối Chiêu, phụ trách việc thương mại).
- Đoàn Văn Bản (1876-1941), người tỉnh Biên Hòa, đốc học (hiệu trưởng) trường tiểu học Cầu Kho (quận 1).
- Nguyễn Văn Hoài, ngạch thông phán, làm việc cho một tòa án ở Sài Gòn.
- Võ Văn Sang, ngạch thông phán, làm việc ở Sài Gòn.

HUỆ KHẢI, NGÔ VĂN CHIÊU -- NGƯỜI MÔN ĐỆ CAO ĐÀI ĐẦU TIÊN



[1] Về kinh Minh thánh, xem thêm: Lê Anh Dũng, Quan thánh xưa và nay. Hà Nội: Nxb Văn hóa - Thông tin, 1995.
[2] Sau khi chiếm Miền Tây Nam Kỳ (1867) thực dân Pháp cắt tỉnh An Giang thành sáu tỉnh nhỏ: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, và Sóc Trăng.
[3] Đông Hồ, “Thăm đảo Phú Quốc”, Nam Phong tạp chí. Số 124, năm 1927, tr. 545.
[4] Đông Hồ, “Thăm đảo Phú Quốc”, tr. 545.
[5] Hệ từ thượng truyện của kinh Dịch có câu Nhất âm nhất dương chi vị Đạo. 一陰一陽之謂道 (Một âm một dương gọi là Đạo.) Tượng trưng Đạo là sự phối hiệp hòa hài lưỡng nghi (âm dương), các nhà đạo học dùng chữ thập, vạch ngang là âm, vạch đứng là dương.
[6] Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận hóa, 1996, tr. 72.
[7] Huỳnh Kim Chung (?-1939) tu đạo Minh Sư, pháp danh là Huỳnh Đăng Khoa.
[8] Năm 1960 ông Nguyễn Minh Truyện tìm ra nền cũ chùa Quan Âm. Ông là môn sanh Chiếu Minh thuộc đàn Long Hoa, số 113 Bùi Viện, quận 1, Sài Gòn, không xa Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Bà Huỳnh Thị Kính (con ông Huỳnh Kim Chung) hoan hỷ hiến tặng các môn sanh Chiếu Minh miếng đất này để cất Cao Đài Hội thánh.
[9] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài. Quyển 1, tr. 355.
[10] Năm 1863, đời vua Tự Đức, tổ thứ mười lăm của Minh Sư là Đông Sơ rời Trung Quốc sang Việt Nam lập ngôi chùa mang tên Quảng Tế Phật đường 廣濟佛堂 ở tỉnh Hà Tiên. Công quả xây chùa có ông Ngô Cẩm Tuyền, sau tu lên phẩm đại lão sư (pháp danh Ngô Đạo Chương). Năm 1905, ông Ngô lập Ngọc Hoàng điện ở Đa Kao. Vì thiếu tiền, ông phải nhượng lại ngôi chùa còn dang dở. Từ năm 1982 chùa đổi tên là Phước Hải tự, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nay ở số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1.