Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

4/2. Ăn Cơm Có Canh, Tu Hành Có Bạn / LÒNG CON TIN ĐẤNG CAO ĐÀI




Ăn Cơm Có Canh, Tu Hành Có Bạn


Câu chuyện này liên quan đến bạn tu, tức là bạn đồng chí hướng, bạn đồng hành với mình trên đường tu. Trong chữ Hán người bạn này gọi là lữ.
Theo đạo Lão, muốn dễ đắc thành chánh quả, người tu cần có bốn điều kiện là pháp, tài, lữ, địa    . Bốn điều kiện này tới nay vẫn còn nguyên giá trị; thế nên, trước khi nói về lữ, cũng cần tìm hiểu qua ba điều kiện kia. Để tiện trình bày, sau đây thứ tự bốn điều kiện sẽ là địa, pháp, tài, lữ.
1. ĐỊA (hay đất) là môi trường thuận lợi để tu hành.
Ở đời, có người dọn về nhà mới thì làm ăn phát tài, gia đình thịnh vượng. Nhưng có người dọn về nhà mới thì làm ăn lụn bại, gia đình điêu đứng. Môi trường có ảnh hưởng tới đời sống thế nào thì cũng ảnh hưởng tới việc tu hành như thế. Vì thế thuật phong thủy ([1]) cho tới nay vẫn còn được rất nhiều người tin cậy để mong cầu an cư lạc nghiệp.
Theo âm dương và ngũ hành tương sinh tương khắc, có cuộc đất rất hợp cho người này dừng chân tu luyện nhưng lại không hợp cho người khác nương náu. Theo phong thủy, có đất dữ tích nhiều ác khí; cũng có đất lành tụ nhiều linh khí, thanh khí, thuận lợi cho người tu, nhất là tu thiền (công phu).
Đạo Lão gọi các cuộc đất lành đó là động thiên phúc địa    . Ngày xưa, các đạo sĩ hay du sơn du thủy cũng là để tìm cho mình một cõi đất lành.
Điều này vẫn không là ngoại lệ đối với các cao tăng. Một thiền sư Việt Nam đời Lý là Dương Không Lộ (?-1119) từng lưu tâm chọn địa để tu. Sự việc được nhắc tới trong câu đầu bài thơ Ngôn Hoài tuyệt đẹp của sư như sau:
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Kiều Thu Hoạch dịch:
Kiểu đất long xà chọn được nơi,
Tình quê lai láng chẳng hề vơi.
Có khi xông thẳng lên đầu núi,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.([2])
Chọn địa để tu cũng có mấy quan điểm khác nhau.
Muốn lánh chốn phồn hoa để di dưỡng tánh tình, bậc ẩn sĩ có thể theo gương Bạch Vân Cư Sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) mà ngâm rằng:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Tuy nhiên, nhiều vị không tán thành cách chọn địa như thế. Họ chủ trương: Nhất tu thị, nhị tu sơn (tu giữa chợ đời mới là giỏi, tu ẩn nơi núi rừng thì còn non kém).
Hoặc: Tiểu ẩn, ẩn ư sơn lâm; đại ẩn, ẩn ư thị triền.([3]) (Kẻ tu xoàng thì ẩn thân nơi núi rừng; kẻ tu cao thâm thì ẩn thân chốn chợ búa).
Bậc cư sĩ tu tại gia thì bảo:
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Địa không chỉ tác động tới cá nhân mà còn ảnh hưởng cả một tập thể, một cộng đồng. Vì lý do đó một số ông vua khai sáng triều đại mới đã phải rời bỏ kinh đô cũ để chọn đất dựng kinh đô mới.
Cuối tháng 02-1927, khi tìm đất xây dựng Tòa Thánh Cao Đài tại làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh, các tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang đã chọn được khoảnh rừng thuộc sở hữu của Aspar, một viên kiểm lâm người Pháp.
Khoảnh rừng ấy xét ra có ưu điểm hơn so với các nơi khác ở Tây Ninh, vì: Cẩm Giang thì khó khăn về lương thực, ăn uống; Bến Kéo địa thế nhỏ hẹp; Suối Vàng tuy được phong thổ tốt nhưng lại trở ngại về phương tiện chuyên chở... Hơn nữa, theo phong thủy, khu rừng ấy ở thế đất rất tốt, vì tương truyền sâu dưới lòng đất ba trăm mét có sáu mạch nước tụ lại, gọi là lục long phò ấn (sáu rồng giữ ấn).
Địa (nơi chốn yên tĩnh, trong lành) có ý nghĩa thuận lợi cho việc gìn giữ thân thể khỏe mạnh. Ngoài ra, địa còn là ngoại cảnh trợ duyên để người tu rèn luyện cho tâm hồn thanh tĩnh, an nhiên. Điều này hợp lý. Chẳng hạn, người mới tu thiền mà sống giữa chỗ ô nhiễm, ồn ào hoặc nơi đầy các tệ nạn xã hội sẽ rất khó định tâm, việc tu dễ bị chướng ngại.
Có bằng chứng cho thấy môi trường chung quanh nơi tu thiền tác động và ảnh hưởng tới tâm hồn người học thiền. Thuở nọ, có một số tín đồ Cao Đài phát tâm, muốn góp công quả xây dựng thiền đường. Chứng lòng thiện nguyện, Đức Quảng Đức Chơn Tiên đã khuyên các tín đồ ấy hãy suy nghĩ thêm về việc chọn địa điểm thích hợp trước khi xây dựng. Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
“Tiên Huynh gợi ý, chư đệ muội thử suy nghĩ: Có thể xây dựng một thiền đường (...), tìm những nơi thích hợp với người tu thiền như cảnh sắc hữu tình, biển rộng bao la, khiến cho tâm tịnh sĩ rộng mở, phóng khoáng và nhân hậu; hay một nơi cao nguyên núi non hùng vĩ, khiến cho tâm hành giả dẹp mọi ưu phiền thế sự, thong dong, tiêu sái.”
2. PHÁP là giáo lý, pháp môn (phép tu luyện), là lời thầy truyền dạy.
Người đời hay nói: Không thầy đố mày làm nên! Thực vậy, không có minh sư (thầy sáng, thầy đã đạt đạo), không có chánh pháp, người tu mò mẫm chỉ là kẻ tu mù. Cho nên một khi đã phát tâm tu thì bắt buộc phải có minh sư dìu dắt, có chánh pháp chỉ bày.
Về những khó khăn mà người tu thường gặp, đạo Lão đã hệ thống thành cửu nan (chín điều khó). Trong cửu nan, điều cực kỳ khó khăn chính là bị manh sư ước thúc     (thầy tối, thầy mù ràng buộc). Nghĩa là người muốn bước vào đường tu thường khó gặp được chánh pháp, mà chánh pháp lại phải do minh sư truyền dạy.
Kẻ tuy có tâm tu nhưng rủi ro lạc lầm vào nẻo bàng môn tả đạo, bị manh sư dẫn lối, thì đường tu coi như đã thất bại ngay từ khởi điểm. Về lâu dài, luyện tập tĩnh tọa (tham thiền, công phu) sai lầm sẽ dẫn đến tẩu hỏa nhập ma     (lửa chạy đường tà); nhẹ thì chuốc lấy bệnh hoạn, nặng thì có khi điên khùng, tàn phế!
Do pháp là quan trọng hàng đầu nên mới có chuyện Thần Quang tức Huệ Khả (487-593), Nhị Tổ thiền tông Trung Quốc, khi đến cầu pháp với Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) và bị từ khước, liền tự mình chặt lìa cánh tay trái dâng lên để tỏ quyết tâm xả thân cầu tu giải thoát.
Ngày nay, minh sư của tín đồ Cao Đài chính là Thượng Đế; chánh pháp Cao Đài do chính Đức Chí Tôn truyền thụ. Chân lý này luôn luôn được thánh giáo nhắc đi nhắc lại. Chẳng hạn, ĐứcĐông Phương Chưởng Quản dạy:
“Thời kỳ mạt pháp, Thượng Đế không giao chánh pháp cho tay phàm, nên mới dùng linh cơ mà dạy đạo.” ([4])
Cũng ngắn gọn như thế, mười mấy năm sau đó, Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu nhắc nhở:
“Chính Đức Chí Tôn mở đạo bằng huyền linh thiên điển mà không giao chánh pháp cho tay phàm. Chư Thiên ân nên lưu ý điều đó.” ([5])
Giữa hai thời điểm ấy, cũng có những lời dạy chi tiết hơn, xác quyết một đặc ân hy hữu thế gian mà chỉ nhờ đại ân xá, con người thời hạ nguơn mạt kiếp mới được Đức Thượng Đế ban trao. Tháng 02-1970, Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy:
“Hiện tình nhân loại ngày nay đã tiến hóa rất nhiều trên phương diện lý trí, những khối óc tinh xảo hầu hết đặt ước vọng vào công việc tầm thiên quật địa, khuynh đảo sơn hà. Vì vậy mà Đức Thượng Đế không giao chánh pháp cho tay phàm nắm giữ. Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế chính mình giáng trần chọn lựa nguyên nhân thánh thiện trao gởi quyền pháp để phổ độ toàn linh, xiển dương chánh pháp cho Đại Đạo lập thành, thế giới mới hòa bình, càn khôn mới an tịnh.” ([6])
Hơn sáu tháng sau, Đức Di Lạc Thiên Tôn nhắc lại:
“Hỡi chư môn đồ! Thời kỳ mạt pháp, Đức Đại Từ Phụ không giao chánh pháp cho tay phàm. Tất cả những bộ óc, lý trí khôn ngoan của loài người có thể làm cho rung chuyển hoàn cầu thế giới, có thể vượt cả không gian và theo dõi thời gian, nhưng chưa có kẻ nào xứng đáng để nắm được chánh pháp của Đức Chí Tôn hầu cứu rỗi muôn loài. Chính mình Thượng Đế Chí Tôn giá lâm cõi hồng trần để giáo đạo, thử hỏi còn đại phúc nào bằng trong kỳ đại ân xá ở trần gian?”.([7])
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Còn điều sau đây cũng cần phải lưu ý, Chí Tôn hằng nói: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Thầy không giao chánh pháp cho tay phàm, vì e còn phàm tâm lẫn lộn, bớt một thêm hai, gia giảm đến nỗi thất kỳ truyền như hai kỳ phổ độ vừa qua. Chí Tôn cầm quyền chưởng quản với sự phụ lực của hàng Tam Giáo, Tam Trấn bằng phương tiện huyền cơ diệu bút.” ([8])
3. TÀI là tiền bạc. Hiểu rộng ra là điều kiện vật chất tối thiểu nhưng đủ ổn định cho cuộc sống.
Thế gian hằng nói: Có thực mới vực được đạo. Quả như vậy, người tu đói lạnh làm sao đủ sức khỏe để tu hành đến nơi đến chốn? Cư sĩ chưa nhẹ gánh trách nhiệm đùm bọc gia đình, gặp cảnh nghèo quá, phải bươn chải mưu sinh đầu tắt mặt tối, cuối ngày trở về nhà với thân xác mỏi mệt, tâm thần bơ thờ, thử hỏi còn đâu thời giờ và sáng suốt để học hiểu chánh pháp và cần cù thực hành tu tập?
Truyện Thất Chơn Nhơn Quả (hồi 22) kể chuyện ông Ma Y Thần Toán coi tướng đạo sĩ Khưu Trường Xuân, thấy hai bên má có hai đường chạy vào khóe miệng, bảo đó là tướng đằng xà tỏa khẩu    (rắn bay khóa miệng), và đề quyết rằng Khưu đạo sĩ có số bị chết đói. Báo hại Khưu đạo sĩ chấp vô lời tiên tri ấy, nên từ đó bị ma chướng. Đang tu hành suôn sẻ bỗng hóa ra kẻ thối chí, mấy phen đạo sĩ nhịn đói rồi tự vẫn.([9]) Tuy việc không thành, nhưng thân tâm đều điên đảo khôn xiết! Sau cùng nhờ Đức Thái Bạch Kim Tinh giáng phàm giải mê, Khưu đạo sĩ mới diệt tan ma chướng, phục hồi chánh niệm, rồi tu tiếp cho đến khi đắc thành chánh quả.
Giai thoại đạo sĩ Khưu Trường Xuân sợ chết đói như kể trên có thể chỉ là một hư cấu văn chương. Nhưng chuyện ấy chứng tỏ người xưa tu hành không dám coi thường đói lạnh. Nói cách khác, tài tuy là phương tiện vật chất, nhưng chi phối đường tu của mỗi người không phải nhỏ.
Ngày xưa, dưới đời vua Tống Huy Tông (1101-1125), đến đỗi Tổ Sư phái Võ Đang là Trương Tam Phong mà còn phải ngậm ngùi than rằng giá như trước kia ông có tiền kha khá thì đường tu đã dễ dàng hơn và đã đắc đạo sớm hơn rồi!
Nếu ai đó cho rằng người tu có thể phớt lờ tác động của vật chất là miếng cơm manh áo, e rằng như thế là duy ý chí. Cuối năm 1968, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư soi thấu tư kiến một số người tu và đã lưu ý:
“Nói đến vật chất, kẻ học đạo thường cho rằng xa lạ nếu chẳng bảo là điều không đáng nói.” ([10])
Trước đó non nửa tháng, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã xác quyết:
“Sự chi phối liên tục suốt một cuộc đời, sự ăn mặc và sống của nhân sinh đã tự bó chặt con người vào vòng lẩn quẩn thường nhựt. (...) Tác nhân sống đã giày vò con người biết là bao nhiêu! Có mấy ai thoát khỏi vòng trần lụy!” ([11])
Trên quan điểm trung đạo, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư minh giải để người tu khỏi ngộ nhận:
“Có thực mới vực được đạo. Cái bao da không làm nên rượu nhưng nhờ nó rượu ngon được bảo tồn và ngon thêm nữa. Con tuấn mã không là khách chinh nhân nhưng gió bụi dặm trường xông pha trông nhờ không phải ít. Con đò đưa khách qua dòng sông rộng, hãy mượn lấy nó, đừng chấp nê mà trễ giờ mất dịp.”([12])
Lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư cho thấy đừng vì cứu cánh mà bỏ phương tiện, chớ vì đời sống tâm linh mà bỏ mặc cuộc sống áo cơm khi còn mang kiếp nhân sinh.
Cứu cánh giải thoát là mục đích cuối cùng của người tu. Theo Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, không nên lạc lầm mà coi thường phương tiện trên đường tìm cứu cánh. Ngài dạy:
“Cứu cánh là một điều, phương tiện là một điều khác. Giải thoát trong cứu rỗi của ánh sáng huy hoàng đạo pháp, ấy là mục tiêu hằng mơ của con người giác ngộ. Tuy nhiên không thể bỏ ly kia mà mong hốt bằng đôi tay cho đầy tràn lượng nước.” ([13])
Thiếu phương tiện tài chánh để giải quyết vấn đề cơm áo thì không ai dễ an lòng tu hành. Vật chất tạm đủ thì mới mong chuyên tâm tập trung tu hành hôm sớm. Cái khó khăn về tàiđược thuật ngữ cửu nan của đạo Lão gọi là “y thực bức bách”    (bị cơm áo bức bách, thôi thúc).
Các cư sĩ tại gia phải tự túc đã đành, nhưng những người xuất gia tu hành cùng trong một tập thể, đã hiến thân cho đạo thì không thể phó mặc họ tự giải quyết cuộc sống đời thường với áo cơm và thuốc men giống như hoàn cảnh cư sĩ. Nếu ở đâu mà có giáo hội, có dòng tu đúng nghĩa, biết tổ chức chăm lo đời sống các thành viên cho hiệu quả thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ cộng đồng người tu nào cũng nhìn ra vấn đề rất hệ trọng này để tìm cách giải quyết thỏa đáng.Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy cho thấy điều sai lầm thường xảy ra trong nhiều tập thể người tu:
Từ xưa, các tổ chức hành đạo chỉ biết đòi hỏi cán bộ nhân sanh về phương diện thoát ly hành đạo, lập công quả, mà không bù lại về sinh kế; rồi lần hồi hướng đạo, cán bộ nghèo khổ, suy vi, xa chùa xa đạo, gây nên cảnh người đời cũng phát sợ, không đủ đức hy sinh suông ấy. Ngày nay và sắp đến, cần chú trọng các phương tiện nâng đỡ đó để nuôi dưỡng hướng đạo thoát ly cùng kích động tinh thần nhập môn hướng thiện. ([14])
Đức Giáo Tông Thái Bạch Kim Tinh đưa ra hình ảnh những người cùng tu trong một tập thể ví như những người cùng ngồi chung trên một chiếc thuyền, sự an nguy của một người gắn liền với cả tập thể, do đó phải biết phát triển kinh tế để bảo tồn sự sống chung của tập thể, của cộng đồng. Đức Giáo Tông dạy:
Phát triển kinh tế vẻ vang,
Bảo tồn sự sống chung thoàn nhơn sanh.([15])
Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy phải lo “khuếch trương kinh tế tự túc để bảo đảm sự sống còn thanh đạm của người tu...” ([16])
Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy:
“Tệ Huynh cũng lưu ý lại cho chư hiền nhớ rằng trên mọi lãnh vực hành đạo độ đời, nền tảng kinh tế tự lập là một việc rất cần thiết để hộ trợ cho mọi ngành hành thiện.” ([17])
Những lời dạy của các Đấng tuy ở nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau nhưng trước sau vẫn đều nhất quán. Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy rõ:
“Kinh tế tự túc rất quan trọng để chư đệ muội nương nhau mà sống và giúp đỡ cho những Thiên mạng đã hiến dâng trong hiện tại.” ([18])
Một lần khác, Đức Giáo Tông Đại Đạo lại nhắc nhở:
“Về kinh tế tự túc: Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ để phục vụ cho chương trình xuất gia, hiến dâng và dòng tu.” ([19])
Rõ ràng kinh tế tự túc giữ một vai trò đòn bẩy rất quan trọng trong việc phát triển cơ đạo và tác động vào sự trường tồn của mọi cộng đồng tu hành lành mạnh. Cho nên, những ai hữu duyên được nhận lãnh trọng trách làm kinh tế tự túc nơi cửa đạo, đó chính là những bậc hộ pháp hữu vi đáng kính, đáng phục, công đức vô lượng. Nhưng ngược lại, những ai lợi dụng chương trình kinh tế tự túc của đạo để thỏa mãn tham vọng riêng tư, thì chắc chắn cũng khó lường được hết lẽ nhân quả báo ứng!
4. LỮ tức là bạn đồng hành, cùng chí hướng. Ý nghĩa của bạn rất rộng, từ vật chất tới tinh thần, gồm cả bạn đời, bạn đạo.
Về vật chất, bạn có thể là người cưu mang, giúp đỡ người tu những khi đau yếu, hoạn nạn, v.v...
Về mặt tinh thần, bạn gương mẫu, đạo hạnh cũng là chỗ dựa tin cậy cho người mới tu hãy còn non kém. Trên đường tu gian nan, những lúc thối chí ngả lòng, có bạn tu động viên, an ủi là điều rất quý.
Phật Giáo thay vì nói lữ thì gọi là thiện tri thức, thiện hữu (bạn lành). Có ba bậc thiện tri thức đáng để người tu kết bạn trên đường cầu tìm giải thoát:
(1) Giáo thọ thiện tri thức: người bạn lành có thể làm thầy dạy mình.
(2) Đồng hành thiện tri thức: người bạn lành chung đường có thể khuyên mình làm lành lánh dữ.
(3) Ngoại hộ thiện tri thức: người bạn lành có thể giúp mình tu bằng cách cung cấp phương tiện vật chất.
Nói về ích lợi của lữ trong sự tu hành, thánh giáo Cao Đài hay nhắc tới câu Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Nhờ có bạn, người tu có thể tiến bộ trong việc học hỏi giáo lý.
Học hỏi giáo lý với bạn tu
Thế gian có câu: Học thầy không tầy [bằng] học bạn. Thật vậy, nếu được cùng bạn đạo bàn luận giáo lý, trao đổi ý kiến, người tu có thể hóa giải những hoài nghi, thắc mắc. Nhiều khi người tu một mình suy nghĩ mãi mà tư tưởng vẫn bế tắc, đến chừng học chung với nhau trong một buổi sinh hoạt tập thể, nghe các bạn mình chất vấn nhau, mổ xẻ vấn đề với nhau, hoặc mới nghe bạn nói mi mí một chút, thì lập tức tâm mình sáng ra, ngộ liền!
Do đó, những lần tham dự học tập thánh giáo chung với nhau, những khi ngồi nghe hội thảo, đạo đàm, nghe thuyết minh giáo lý, là một cách rất hay để bản thân mỗi người có dịp tự bồi dưỡng khả năng hiểu biết giáo lý của mình. Cũng có khi, nhờ biết chăm chú lắng nghe bạn nói, mà chính mình được gợi ý để chọn một đề tài nghiên cứu giáo lý hay thuyết minh giáo lý. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Do đó, Bần Sĩ nhắc nhở chư hiền sĩ, hiền muội hãy cố gắng, nếuđược tổ chức thường xuyên các buổi giảng đạo từ sơ đẳng đến trung cấp, tạo nhiều hoàn cảnh tốt để trao đổi đạo lý, đàm luận đạo sự, để tìm ra yếng [ánh] sáng, và những yếng sáng đó rọi mãi từ ngoại thể đến nội tâm, soi cùng tột để dò kiếm những ý muốn nào là hợp với đạo lý nhân nghĩa, thuận lòng trời, hạp lòng người.
“Lời tục thường ví: Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Nhờ bạn thường nhắc nhở, hỏi han, khuyên lơn, chất vấn, bắt buộc người đối diện tìm lời giải đáp. Nhờ đó yếng sáng đạo được khơi mãi mãi, khó lu lờ. ([20])
Học hỏi đạo pháp cũng cần có bạn tu
Trong việc thực hành pháp môn công phu (thiền định), nguyên tắc là sư phụ trực truyền cho đệ tử, đồng môn không được học lóm lẫn nhau, người không có phận sự không được tùy tiện dạy thiền cho người khác (Đạo pháp bất khinh truyền). Tuy nhiên, trên đường tu thiền hành giả vẫn rất cần có bạn đạo giúp đỡ.
Điều này cũng đúng trong lịch sử đạo Cao Đài. Chẳng hạn, vị đệ tử Cao Đài đầu tiên là tiền bối Ngô Văn Chiêu (Ngô Minh Chiêu, 1878-1932). Tuy trực tiếp học phép tu thiền với Cao Đài Tiên Ông qua cơ bút ở Dương Đông trên đảo Phú Quốc (1921), nhưng trong buổi đầu khởi sự tiền bối Ngô Văn Chiêu cũng cần có một người bạn trợ giúp. Vị thiện tri thức đó chính là Thái Lão Sư Tùng Ngạc, một chức sắc cao trọng của đạo Minh Sư.([21])
Sự kiện này được Đại Tiên Ngô Minh Chiêu trong một đàn cơ tại tu viện Minh Đức (Vũng Tàu) nhắc lại vào ngày 27-01 Canh Thân như sau:
“Buổi đầu Tiên Huynh được Thượng Đế chọn làm môn đệ đầu tiên. Đức Từ Phụ tùy theo căn cơ và sự sống, tuổi tác của Tiên Huynh mà cho người dẫn dắt một phương pháp công phu tu luyện, mặc dầu đã có từ ngàn xưa, nhưng nay cũng tạm đặt là Cao Đài tân pháp để làm đường giải thoát cho Tiên Huynh, một đồ đệ đầu tiên của Đức Thượng Đế trong Tam Kỳ Phổ Độ.”
Hai năm sau, cũng tại tu viện Minh Đức, vào ngày 03-6 Nhâm Tuất, Minh Đức Đạo Nhơn tiết lộ thêm về sự kiện này:
“Vì Đạo vô vi, sư vô vi nên cũng cần có sự hộ trợ của hữu hình. Như ngày xưa, thuở ban sơ khai đạo, Đức Chí Tôn cũng cần cóThái Lão Sư Tùng Ngạc truyền đạo cho Minh Chiêu Đại Tiên khi còn tại thế.”
Nối tiếp truyền thống này, môn đệ Cao Đài Chiếu Minh tuy học thiền trực truyền từ Đức Ngô Minh Chiêu, nhưng người mới thọ pháp sẽ được chỉ định một đạo hữu đàn anh, đàn chị thay mặt Thầy chỉ kiểu. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, chỉ có những vị trong bộ phận Hiệp Thiên Đài được Ơn Trên tuyển chọn mới được phép hướng dẫn pháp môn.
Những vị chỉ kiểu ở Cao Đài Chiếu Minh hay những vị truyền pháp ở Cơ Quan đúng danh nghĩa chính là hành giả đi trước, và là bạn dìu dắt của hành giả nối bước đi sau. Không nên ngộ nhận ai là thầy của ai, như thế mới đúng nghĩa câu
Đạo hư vô, Sư hư vô,
Reo chuông thoát tục, phất cờ tuyệt sinh.([22])
Hợp quần cùng bạn tu là cách để lấy sức tập thể chế ngự những tình cảm yếu đuối của cá nhân, vượt qua những khó khăn trở lực do ngoại cảnh đưa đến.
Tính cách của người phàm là dễ buông xuôi, dễ thỏa hiệp với những lười biếng. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy về điều này như sau:
“Sự tu học, tuy dễ mà khó. Dễ ở chỗ không ai bắt buộc gò bó, đóng khung mình trong một luật lệ nghiêm khắc, chỉ do nơi tự giác, tự nguyện của mình mà thôi. Hễ vui thì đi chùa thất hoặc đến giảng đường nghe giảng đạo hằng tuần. Lúc buồn hoặc biếng lười thì ở nhà ngủ rán năm ba kỳ cũng không sao. Lúc vui thì sẵn sàng hợp tác chịu góp phần tinh thần lẫn vật chất không nệ hà hao tốn. Khi phật tâm trái ý hoặc tự ái nổi lên thì rút êm ở nhà không ai dám làm gì. Đó là dễ. Nhưng chính tại cái dễ đó rồi cái khó lại kề bên. Khó ở chỗ nào? Ở chỗ chế ngự nội tâm, rèn lòng luyện tánh. Người ta có thể dùng uy quyền danh lợi vật chất để thắng kẻ khác, nhưng chính mình đã thua và tự thua mình ở chỗ giải đãi biếng lười, phiền não, sân si, tật đố, ố nhơn thắng kỷ. Đó là cái khó. Vì khó ấy mà ngọn đèn từ huệ nội tâm bị che lấp ánh thiên quang, trở nên thường nhân mê muội thì tha hồ cho đỉnh chung lôi kéo, danh lợi níu trì, phú quý rủ ren, tiền tài dẫn dắt. Hễ được cái này thì mất cái khác, ví như lời tục thường nói: ‘Ăn bữa giỗ, lỗ buổi cày.’ Thế nên người tu học phải tự mình đặt cho mình một kỷ luật riêng tư khắt khe gò bó, vừa với sức mình rồi hằng ngày tuần tự nhi tiến, đều đều liên tục.” ([23])
Một năm trước đó, Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy tương tự:
“Các con ơi! Vì các con đã mang nhục thể ắt còn vướng phàm tâm. Hễ còn vướng bận phàm tâm thì những ý thức tầm thường không sao tránh khỏi. Thí dụ như vui đâu chúc đó. Hoặc khi vui thì đem hết thiện chí khả năng sở hữu ra giúp vùa công tác, lúc buồn thì tại bị lăng xăng. Khi thích lúc ưa thì khó khăn không quản ngại. Lúc chẳng thích ưa dầu việc dễ cũng có lý do. Khi được Thầy Mẹ hoặc các Đấng thiêng liêng gọi ngay danh tánh thì sốt sắng hăm hở hành đạo xả thân. Vắng tiếng kêu gọi nhủ khuyên thì lần hồi thỏn mỏn. Được dạy riêng mình thì ôm ấp xem như của quý vật báu châu, còn những lời khuyên dạy cho chung thì ai sao tôi vậy!
“Gặp lúc chiến họa hiểm nguy thì tứ thời khẩn cầu liên miên chuông mõ. Khi được an ổn nửa tháng chưa có một thời. Lúc được huynh tỷ, đệ muội nhắc nhở còn nhúc nhích trở xoay vị nể. Vắng bóng bạn hiền giải đãi bê tha. Phàm tánh là như vậy đó các con.”([24])
Một phương pháp để giúp người tu khép mình vào kỷ luật, đó là nương níu vào bạn tu.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Cơm có canh, tu hành có bạn. Việc tu học hành đạo, tuy nói rằng tu tại gia hoặc tâm tức Phật, ở đâu tu cũng được chớ cần gì phải vào cơ quan này, hoặc tổ chức khác làm chi cho mất công. Nhưng trên thực tế nó không phải vậy. Vì lười biếng là cái tật của mỗi người đều có. Do đó phải cần có những bạn đạo trong một tổ chức hành đạo để nương níu nhau. Hễ có tổ chức, có phân công thì mỗi người có nhiệm vụ. Khi có nhiệm vụ rồi thì đó là sợi dây ràng buộc lẫn nhau trong một sinh hoạt tập thể. Đúng ngày giờ làm là phải làm, dù có lười biếng cũng phải ráng lên để khỏi ngại ngùng phế phận với chúng bạn trong tập thể.” ([25])
Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn cũng khuyên các phần tử trong cùng một tập thể hãy biết gắn bó nhau, đem tình bạn đạo trợ giúp nhau vượt qua mọi thử thách:
“Điều bảo đảm trước nhứt là hãy cùng nương tựa đùm bọc lẫn nhau. Sự nương níu đỡ nâng, dìu dắt, an ủi, sẽ là liều thuốc thần, phép nhiệm mầu giúp cho qua cơn bịnh ngặt trong những lúc uể oải, chùn chơn.” ([26])
Đặc biệt hơn nữa, phái nữ càng nên biết liên kết để dìu dẫn nhau trên đường tu.
Phần đông phụ nữ do công việc gia đình bức bách, thời gian tu học thường hạn chế. Một số lớn có tâm tu nhưng lại vì hoàn cảnh riêng mà ít ỏi chữ nghĩa, cũng là một trở ngại không nhỏ trong việc học tập và nghiên cứu giáo lý. Cho nên sự tu học có bạn có bè chẳng những rất quan trọng đối với phái nam mà còn quan trọng đối với phái nữ gấp nhiều lần. Nhờ đó tập thể phái nữ cùng nâng đỡ nhau, lấy chỗ mạnh (sở trường, ưu điểm) của chị này bù cho chỗ yếu (sở đoản, khuyết điểm) của chị kia.
Có bằng chứng rõ ràng là nhiều năm qua, chương trình học tập thánh giáo lưu động của Nữ Chung Hòa Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý tại các thánh sở bạn đã giúp cho rất đông nữ tín đồ Cao Đài nâng cao trình độ tu học, xóa dần sự cách biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn, triệt tiêu dần sự so le giữa thành phần trí thức và bình dân lao động.([27])
Đó là lý do từ rất lâu các Đấng đều dành riêng một phần thánh giáo để dạy riêng phái nữ phải biết thực hành câu Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Cùng nhau em chị níu nương,
Tu hành có bạn đến trường Long Hoa.([28])
Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
“Hỡi các con nữ phái! Mẹ hằng mong mỏi các con đồng đi với nhau trên cùng một con đường và không quên nhau khi hoạn đồ trơn trợt, không bỏ nhau khi lỡ bước sai đường. Đứa khôn ngoan dắt dìu đứa khờ dại để cùng tới nơi cố định.” ([29])
Lần khác, Đức Mẹ dạy tiếp:
Vì vậy nên Mẹ lập hoặc Mẹ đã chỉ thị cho Vân Hương Thánh Mẫu lập chương trình hành đạo năm điểm ([30]) để các con quây quần đoàn tụ nhau trong cảnh cơm có canh, tu hành có bạn.
"Nhờ có chương trình hành đạo, có sự phân công, có lãnh phần nhiệm vụ. Đó là những sợi dây thiêng liêng ràng buộc các con quây quần trong việc đạo. Hễ việc đạo gắn bó, việc đời đa đoan, đâu còn chỗ trống nào để tà thần chen vào cám dỗ đến nỗi các con phải xa đường chánh đạo. ([31])
Tóm lại, cũng như người đời, muốn thành công người tu phải biết nương nhờ bạn đạo, lấy sức tập thể yểm trợ cho những yếu kém cá nhân.
Không ai có thể biết mình sống được bao nhiêu tuổi. Cũng có khi sống được đến già nhưng sức khỏe không còn đủ để tu học đúng mức. Do đó, để đạo nghiệp khỏi dở dang vì nửa đàng đứt gánh, Đức Chưởng Pháp Trần Đạo Quang khuyên người tu phải tiến mau bằng cách kết liên với bạn đạo, lấy sức tập thể mà rút ngắn thời gian tu học trước khi tuổi già ập đến. Ngài dạy:
Cơm có canh, tu hành có bạn,
Chớ để cho ngày tháng trôi qua,
Loanh quanh tuổi hạc về già,
Đạo Trời chưa vẹn, đạo nhà chưa xong.([32])
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư cũng khuyên rằng ngày xưa các đấng Hiền Thánh, Tiên Phật đều phải trải qua con đường tu học có kết đoàn để bạn đạo nương tựa nhau vượt qua mọi trở ngại. Đức Thiền Sư dạy:
Cơm có canh tu hành có bạn,
Dắt dìu nhau trên đoạn đường trần,
Gióng chuông tỉnh thức hồn dân,
Qua cơn mê muội tìm lần về nguyên.
Dầu Tiên Phật, Thánh Hiền cũng thế,
Trước vầy đoàn tập thể chen chưn,
Kẻ này ngã, người kia nưng,
Như cây lớp lớp trong rừng nương nhau.([33])
Lời dạy của Đức Thiền Sư trong Tam Kỳ Phổ Độ có thể được kiểm chứng qua kinh Phật thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Thực vậy, kinhNiết Bàn khuyên phải thân cận (gần gũi) thiện tri thức để mau đắc đạo; kinh Thi Ca La Việt (Sigalavada Sutra) chép lời Phật rằng: Nên lựa người lành mà theo, hãy tránh xa người chẳng lành. Từ vô lượng kiếp tới nay, Ta thường thân cận với thiện tri thức, nay được thành Phật.([34])
Bạn của người tu gồm có nhiều thành phần, nhưng quan trọng nhất chính là vợ chồng, con cái, anh chị em cùng sống chung trong một gia đình. Nếu tất cả cùng hiểu đạo, cùng tu, cùng ủng hộ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần thì sẽ tránh được rất nhiều nghịch cảnh chướng ngại ngay từ cơ sở. Đó là lý do mà Tân LuậtCao Đài (Thế Luật, Điều Thứ Sáu) buộc tín đồ phải kết hôn trong người đồng đạo; hoặc với người đồng ý nhập môn Cao Đài. Điều này hoàn toàn không hề do óc kỳ thị tôn giáo, mà chính vì để bảo vệ tín đồ khỏi cảnh nội chiến tín ngưỡng, nhờ vậy tín đồ mới có thể toàn tâm, toàn ý dốc sức tu hành cho đến nơi đến chốn.
*
Những điều trình bày như trên hiển nhiên đã khẳng định rằngpháp, tài, lữ, địa có ý nghĩa và tác dụng rất hệ trọng đối với người tu.
Những vị nào hiện nay đã hội đủ bốn điều kiện này, quả là đại phúc, đại duyên. Khi ý thức như thế người tu càng hết lòng tri ân Trời Phật mà quyết tâm khắc kỷ, tinh tiến tu hành.
Đối với các vị tuy đã phát tâm tu, tuy đã có lòng mộ đạo, nhưng vẫn chưa định hướng một con đường, xin cầu nguyện các vị ấy sớm gặp chánh pháp với minh sư chỉ dạy. Chắc chắn cửa Cao Đài sẽ mở cho bất cứ ai chịu bước lên thềm, tự tay đẩy cửa bước vào.
Lại xin cầu nguyện cho các vị ấy sớm tìm được một địa điểm tu hành thích hợp để cùng hòa nhập với bạn lành trên đường tu thân, lập đức ngõ hầu được hưởng ơn cứu độ của Trời Phật như lời dạy của Đức Thiên La Đạo Nhơn:
Cơm có canh, tu hành có bạn,
Nương níu nhau mà ráng tu hành.
Xưa nay những kẻ hiền lành,
Chung quy sẽ gặp Trời dành ơn cho.([35])
Điều sau chót, cũng xin cầu nguyện để mọi người tu đều bình an tâm nội, vững đức tin trước mọi khó khăn, buộc ràng của đời sống vật chất.
Thời kỳ đại ân xá, Thượng Đế sẽ an bài cho mọi tấm lòng biết hồi đầu hướng thiện, quyết tâm tu hành chơn chánh. Đức Chí Tôn đã hứa chắc thiệt với con cái Thầy như vậy:
Của con Thầy để thiếu chi đây,
Hễ đứa nào ngoan cứ lấy xài.
Chung lại thì giàu chia phải khó,
Kho Trời vô tận máy vần xoay.([36])
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
 Phú Nhuận 17-9-2001
Huệ Khải




Bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 9.00 giờ sáng 01-8 Tân Tỵ (thứ Hai 17-9-2001).
([1]) Nghiên cứu ảnh hưởng hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống con người, phong thủy 風水 (feng shui) gồm hai lãnh vực: (a) Âm trạch: Đất chôn người chết. Nếu người chết được chôn vào cuộc đất tốt, con cháu đời sau hưởng phước, thịnh vượng. (b) Dương trạch: Đất dùng để ở, thờ tự… Dương trạch hài hòa với thiên nhiên, môi trường tốt thì con người sống khỏe, hạnh phúc.
([2])   :        /        /       /       . (    ). Thơ Văn Lý-Trần. Tập 1, Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 385.
([3])             .
([4]) Thiên Lý Đàn, 15-6 Bính Ngọ (01-8-1966).
([5]) Minh Đức Tu Viện, 27-01 Canh Thân (13-3-1980).
([6]) Trúc Lâm Thiền Điện, 02-01 Canh Tuất (07-02-1970).
([7]) Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
([8]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-12 Canh Tuất (11-01-1971).
([9]) Thế nên người tu hành theo chánh đạo không nên xem bói, xem tướng để khỏi vướng vào tà kiến, vọng niệm làm trở ngại đường tu.
([10]) Minh Lý Thánh Hội, 12-9 Mậu Thân (02-11-1968).
([11]) Minh Lý Thánh Hội, 28-8 Mậu Thân (19-10-1968).
([12]) Minh Lý Thánh Hội, 12-9 Mậu Thân (02-11-1968).
([13]) Minh Lý Thánh Hội, 12-9 Mậu Thân (02-11-1968).
([14]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Bính Ngọ (03-6-1966).
([15]) Minh Đức Đàn, 10 rạng 11-7 Ất Tỵ (06-8-1965).
([16]) Trúc Lâm Thiền Điện, 02-01 Canh Tuất (07-02-1970).
([17]Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Tân Hợi (27-01-1971).
([18]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 20-8 Mậu Thìn (30-9-1988).
([19]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-7 Kỷ Tỵ (15-8-1989).
([20]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 09-01 Đinh Mùi (17-02-1967).
([21]) Lê Anh Dũng, Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1996, tr. 68-69.
([22]) Kinh Xuất Hội (trong kinh Thiên Đạo và Thế Đạo).
([23]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Quý Sửu (19-3-1973).
([24]) Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 15-6 Nhâm Tý (25-7-1972).
([25]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Quý Sửu (19-3-1973).
([26]Thiên Lý Đàn, 21-7 Giáp Dần (07-9-1974).
([27]) Tìm đọc: Học Tập Thánh Giáo Ất Tỵ (1965). Quyển số 13 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài (2009).
([28]) Huờn Cung Đàn, 29 rạng 01-02 Nhâm Dần (05-3-1962).
([29]) Thánh thất Bình Hòa, 15 rạng 16-8 Canh Tuất (15-9-1970).
([30]) Xem thêm: Học Tập Thánh Giáo Ất Tỵ (1965), tr. 5-6.
([31]) Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 15-6 Nhâm Tý (25-7-1972).
([32]) Thánh thất Từ Vân, 03-01 Bính Ngọ (23-01-1966).
([33]) Minh Lý Thánh Hội, 21-8 Tân Hợi (09-10-1971).
([34]) Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, tập 3, tr. 1278-1279.
([35]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Giáp Dần (29-6-1974).
([36]) Thiên Lý Đàn, 15-10 Ất Tỵ (07-11-1965).