PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Collège
de Mỹ Tho
Một nghị định ngày
17-3-1879 của thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers thành lập collège de Mỹ Tho tại tỉnh Mỹ Tho (nghị định bổ sung ngày
14-6-1880). Ngày 02-12-1942, trường đổi tên là collège Le Myre de Vilers.
Do nghị định 179-NÐ ngày 22-3-1953 của Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thành Giung,
trường đổi tên là trung học Nguyễn Ðình Chiểu cho tới nay. Ông Giung sinh năm
1894 tại Sa Đéc, lấy tiến sĩ vạn vật học tại Marseille (Pháp), làm tổng trưởng
(hay bộ trưởng?) Bộ Giáo Dục nhiệm kỳ 1952-1953 thời Bảo Đại làm quốc trưởng
Quốc Gia Việt Nam (l’État du Việt Nam). Bấy giờ thủ tướng là Nguyễn Văn
Tâm, nhiệm kỳ từ 23-6-1952 đến 07-12-1953. (Theo wikipedia).
Charles Marie le Myre de Vilers là cựu tỉnh trưởng
(préfet), cựu giám đốc dân sự vụ (directeur des affaires civiles) ở Algérie, được
bổ làm thống đốc Nam Kỳ ngày 13-5-1879, nhậm chức từ 07-7-1879 đến 11-01-1883,
vắng mặt ở Sài Gòn từ 04-3-1881 đến 31-10-1881.([1])
Phụ lục
2: Collège Chasseloup-Laubat
Do nhầm lẫn, các sách thường viết tiền bối Ngô Văn
Chiêu học lycée Chasseloup-Laubat. Thực ra, khi tiền bối vào học, trường có tên
là collège Chasseloup-Laubat. Paulus Của cũng ghi tên
trường là collège Chasseloup-Laubat.([2])
Lược sử trường như sau: Pháp thành lập école
Normale colonial (trường sư phạm thuộc địa, 10-7-1871); xây trên phần đất chùa
Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên thành collège Indigène (trường bản xứ, 1874).([3]) Đổi tên thành
collège Chasseloup-Laubat (1876), chia ra khu Âu (quartier européen) và khu bản
xứ (quartier indigène). Tách khu bản xứ nhập sang collège de Cochinchine (trung
học Nam Kỳ, 15-7-1927). Collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée
Chasseloup-Laubat (1928), còn collège de Cochinchine đổi tên thành lycée Petrus
Ký.([4])
Chasseloup-Laubat là Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa của
triều đình Pháp, chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ thuận lợi cho quân viễn
chinh Pháp ở Viễn Đông. Ông ta tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính
sách xâm lược, cướp Nam Kỳ làm thuộc địa.([5])
Phụ lục 3: Các thống đốc Nam Kỳ (a)
Khi tiền bối Ngô Văn Chiêu bắt đầu
vào làm việc tại Phủ Thống đốc (01-01-1903) thì thống đốc Nam Kỳ bấy giờ là
François Pierre Rodier, ngạch thống đốc các thuộc địa (gouverneur des colonies), được bổ nhiệm ngày 21-10-1902. Trong thời gian Rodier vắng mặt thì
Olivier Charles Arthur de Lalande-Calan, thanh tra các sở dân sự (inspecteur des services civils), được bổ làm quyền
thống đốc Nam Kỳ ngày 02-3-1906, nhậm chức từ ngày 10-3-1906 cho tới khi Rodier
trở về Sài Gòn ngày 02-01-1907.
Ngày 29-6-1907, Khâm sứ (résident
supérieur) Louis Alphonse Bonhoure được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày
13-7-1907. Trong thời gian Bonhoure vắng mặt thì Ernest Antoine Outrey, thanh
tra các sở dân sự, được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ ngày 28-02-1908 và giữ chức
cho tới Bonhoure trở về Sài Gòn ngày 24-9-1908.
Ngày 09-02-1909, Jules Maurice Gourbeil, ngạch thống đốc
các thuộc địa, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 16-6-1909. Trong thời
gian J.M. Gourbeil vắng mặt (từ 09-02-1909 đến 15-6-1909) thì E.A. Outrey trở lại
làm quyền thống đốc Nam Kỳ.([6])
Phụ
lục 4: Các thống đốc Nam
Kỳ (b)
Tháng 7-1924, tiền bối Ngô Văn Chiêu về Sài Gòn thì quyền
thống đốc Nam Kỳ là Auguste Tholance, thanh tra chánh trị và hành chánh sự vụ
(inspecteur des affaires politiques et administratives), nhậm chức từ ngày
31-5-1924 thay cho Thống đốc Maurice Cognacq vắng mặt cho tới ngày 17-12-1924.
Ngày 09-4-1926 Aristide Eugène le Fol, ngạch tham biện hạng
nhất (administrateur de 1er classe), được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ, nhậm
chức ngày 19-4-1926. Như vậy các sách sử Cao Đài hay chép Le Fol là “thống đốc”
thì không đúng. Ông ta chỉ là quyền thống đốc, đảm nhiệm chức vụ trong khoảng
hơn nửa năm trong lúc chờ một thống đốc chính thức từ Pháp bổ sang. Tuy nhiên,
trong cách xưng hô (như trên Tờ Khai Đạo ngày 07-10-1926), mọi người vẫn gọi
ông là “Thống đốc” vì phép lịch sự.
Ngày 09-11-1926 Paul Marie Alexis Joseph Blanchard de la
Brosse, ngạch thống đốc các thuộc địa, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức
ngày 30-12-1926.
Ngày 04-11-1928 Jean Félix Krautheimer, ngạch thống đốc
các thuộc địa, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 06-3-1929.
Ngày 05-01-1929 Eugène Henri Eutrope, ngạch tham biện hạng
nhất, được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức từ ngày 12-01-1929 tới
06-3-1929 trong khi J.F. Krautheimer vắng mặt.
Tháng
12-1931 khi tiền bối Ngô Văn Chiêu rời khỏi Phủ Thống đốc thì E.H. Eutrope đang
làm quyền thống đốc Nam Kỳ lần thứ hai trong lúc J.F. Krautheimer vắng mặt (từ
21-11-1931 đến 11-11-1932).([7])
[1] Commission française du Guide des Sources
de l’Histoire des Nations, Sources de
l’Histoire de l’Asie et de l’Océanie dans les Archives et Bibliothèques
françaises. Part I: Archives. [Ouvrage préparé avec l’aide et sous les
auspices de l’Unesco.] München: K.G. Saur, 1981, pp. 538-539.) Nhân đây, xin
chân thành cảm ơn nhà sử học Hoàng Anh Phan Văn Hoàng, Đại học Sư phạm Thành phố,
đã tặng tôi tài liệu này. (HK)
[2] Paulus Của, Sách quan chế. Sài Gòn: Bản in nhà nước, 1888, tr. 16. Xin chân
thành cảm ơn nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, đã giúp tôi tài liệu xưa này. (HK)
[3] Có lẽ do một nghị định của Phó đô đốc,
Thống đốc Nam Kỳ Jules François Emile Krantz ký ngày 14-11-1874. (HK)
[4] Nguyễn Đình Đầu, “Giáo dục dưới triều Nguyễn và dưới thời Pháp
(1698-1955)”, trong Địa chí văn hóa
thành phố Hồ Chí Minh, tập II:
Văn học – Báo chí – Giáo dục. 1998, tr. 696, 730.
[5] Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Trung tâm Sản xuất Học liệu
Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974, tr. 14, 22, 25.
THƯ TỊCH
Cao Đài Chiếu Minh, Lịch sử quan phủ Ngô Văn Chiêu. Sài Gòn: 1962.
Cơ quan Phổ thông Giáo lý
Đại đạo, Lịch sử đạo Cao Đài. Quyển
1, Nxb Tôn giáo, 2005.
Commission
française du Guide des Sources de l’Histoire des Nations. Sources de l’Histoire de l’Asie et de l’Océanie dans les Archives et
Bibliothèques françaises. Part I: Archives. [Ouvrage préparé avec l’aide et
sous les auspices de l’Unesco.] München: K.G. Saur, 1981, pp. 538-539.
Đông Hồ, “Thăm
đảo Phú Quốc”, Nam Phong tạp chí. Số 124, năm 1927.
Đồng Tân, Lịch
sử Cao Đài. Quyển I. Sài Gòn, 1967.
Dương Kinh Quốc, Việt Nam
những sự kiện lịch sử 1858-1918. Hà Nội: Nxb Giáo dục, 1999.
Lê Anh Dũng, Lịch
sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận hóa, 1996.
Lê Anh Dũng, Quan
thánh xưa và nay. Hà Nội: Nxb Văn hóa - Thông tin, 1995.
Nguyễn Đình Đầu, “Giáo dục dưới
triều Nguyễn và dưới thời Pháp (1698-1955)”, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ
Chí Minh, tập II: Văn học – Báo
chí – Giáo dục. 1998.
Nguyễn Thế Anh, Việt Nam
dưới thời Pháp đô hộ. Sài Gòn: Trung tâm Sản xuất Học liệu Bộ Văn hóa Giáo
dục và Thanh niên, 1974.
Paulus Của, Sách quan chế. Sài Gòn: Bản in nhà nước, 1888.
R.B. Smith,
“An introduction to Caodaism”, BSOAS. University of London ,
Vol. XXXIII, Part 2, 1970.
Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư. Nxb Tp.HCM., 1992.
Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư. Nxb Tp.HCM., 1992.
HUỆ KHẢI, NGÔ VĂN CHIÊU -- NGƯỜI MÔN ĐỆ CAO ĐÀI ĐẦU TIÊN