Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

5/2. Luật nhân quả theo giáo lý Cao Đài



Luật nhân quả theo giáo lý Cao Đài
LỜI M
Nhân nguyên nhân, nguyên do, cái duyên cớ. Quả cái trái, kết quả, hậu quả, hệ quả.([1])
Nhân ví như cái hột; quả là bông trái kết thành từ cái hột ấy. Sách Minh tâm bảo giám, chương Kế thiện, có câu:
Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.([2])
Không ai gieo trồng hột chanh mà lại hái được cam, quýt. Nói gọn, gieo nhân nào thì gặt quả nấy.([3])
Nhân quả 因果 là một luật căn bản mà người muốn tầm đạo nên hiểu biết rành rẽ rồi áp dụng vào đời sống hằng ngày mới mau tu tiến. Nhân quả là luật động và phản động (action and reaction), vì mỗi cái động thì luôn luôn có cái phản động trả lại; động và phản động không bao giờ rời nhau (Action and reaction are companions).
Trong cuộc sống hàng ngày, luật nhân quả vẫn luôn diễn ra quanh ta, nhưng vì quen thuộc quá, ít khi ta nhớ rằng đó là biểu hiện của nhân quả. Thí dụ:
- Ăn rau thì rửa chén mau sạch. Ăn thịt heo rửa chén cực hơn vì bị nhầy mỡ.
- Ăn quá no thì mệt, nặng bụng.
- Ăn quá mặn thì khát nước.
- Uống rượu quá độ thì nhức đầu, say xỉn, nôn mửa…
Phản động (quả) nặng hay nhẹ, mạnh hay yếu tùy thuộc vào tính chất của động (nhân). Thí dụ:
- Dập trái banh vào tường càng mạnh, nó dội lại càng mạnh.
- Trèo càng cao, té càng đau và nguy hiểm…
Phản động (quả) mau hay chậm tùy thuộc vào tính chất của động (nhân). Thí dụ:
- Cấy lúa tùy theo giống, sau ba hay sáu tháng thì gặt được. Trồng xoài, sau vài năm mới có trái.
Chính vì cái quả có khi đến chậm, người đời lầm tưởng không có báo ứng. Để sửa sai ngộ nhận này, sách Minh tâm bảo giám, chương Kế thiện, có câu:
Làm lành thì có lành trả, làm dữ thì có dữ trả; nếu như chưa trả là bởi chưa tới ngày giờ.([4])
Vì luật nhân quả có lúc tác động rất chậm (quả cách xa nhân nhiều chục năm, thậm chí sau nhiều kiếp) nên ta khó hiểu được lý do những biến cố xảy ra cho ta, cứ ngỡ đó là ngẫu nhiên.
Cụ Nguyễn Văn Minh là một trường hợp. Cụ Minh tu ở chi bộ Kiêm Ái, thuộc Hội Thông thiên học (Theosophy), Sài Gòn. Sau 1975, Cụ sang tu học ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam,([5]) giữ trọng trách Văn hóa Vụ trưởng của Cơ quan. Cụngười tu chân chánh, một đời gương mẫu sáng ngời. Đức Mẹ ban thánh danh cho Cụ là Chơn Thiện Minh. Sau khi quy thiên (1980), Cụ đắc quả Thiện Minh Chơn thánh (15-02 Nhâm Tuất, 10-3-1982).
Trước lúc tạ thế, Cụ phải nhập viện cấp cứu và chịu đựng một ca phẫu thuật bụng tại bệnh viện Sài Gòn (quận 1). Sau khi hồi tỉnh, Cụ nằm suy gẫm mãi lý do khiến Cụ lại phải trả nghiệp thân đau đớn vào lúc tuổi già. Cuối cùng, Cụ nhớ ra:
Thuở còn trẻ, Cụ đang làm việc ở một bộ tại Sài Gòn. Có người quen muốn xin giấy phép mở lò heo, nhưng thủ tục khó khăn, bèn nhờ Cụ “nói giúp giùm một tiếng” với viên chức có thẩm quyền xét duyệt hồ sơ. Lúc ấy Cụ Minh chỉ đơn giản nghĩ rằng người ta hành nghề sinh nhai lương thiện, nên Cụ bằng lòng nói giúp.
Thế là lò heo ấy ra đời, khiến cho hàng ngàn, hàng vạn con heo đã bị hóa kiếp. Cụ Minh không trực tiếp giết heo, nhưng mắc nợ một lời nói. Mấy chục năm trôi qua, Cụ bình an tu hành tinh tấn, nhưng trước giờ trở về chầu Thầy Mẹ, luật nhân quả công bình đã khiến Cụ phải trả dứt một món nợ bình sinh trước khi được Đức Chí tôn ban đạo quả Chơn thánh.
Nhân quả không chỉ có ở hành động cụ thể, mà còn có ở mọi biến đổi vô hình (không thấy được bằng mắt: invisible). Thí dụ: tư tưởng, ý muốn tuy xảy ra trong tâm nhưng đều gây ra những rung động (vibrations) ảnh hưởng tới ngoại giới (môi trường bên ngoài: outer environment); những rung động này sẽ quay lại với chỗ xuất phát tức là con người đã nảy ra tư tưởng, ý muốn đó.
Có lần Đức Quan Âm Như lai dạy:
Mắt phải ngó phải xem đúng lễ,
Mắt tránh nhìn ô uế phàm thân([6])
Bây giờ đang thời @, ai cũng dễ dàng nhìn thấy trên internet vô vàn hình ảnh thô tục phô bày thân thể (sexy). Một bạn trẻ thắc mắc: “Nếu tôi xem các hình ảnh này thì có chết ai đâu mà sợ!”
Trái với suy nghĩ của bạn đó, có “chết” đấy chứ! Các hình ảnh khêu gợi sẽ kích thích sự ham muốn của tuổi trẻ đang tuổi phát dục. Thế rồi từ chỗ đầu óc bị ám ảnh, bạn trẻ sẽ đi tới hành vi cụ thể nhằm thỏa mãn tò mò không xa. Như thế cái nhân xấu (xem hình ảnh ô uế phàm thân) sẽ đưa tới cái quả xấu là phạm giới, trái luân lý, có thể còn tác hại sức khỏe nữa (nhiễm bệnh).
Cái quả này được Đức Quan Âm Như lai dạy rõ:
Dục tâm ắt phải loạn thần
Xúi người lỡ bước sa chân lạc lầm.([7])
Biết rằng luật nhân quả là quy luật khoa học, và lãnh hội rằng chỉ cần tư tưởng nảy sinh cũng tạo ra quả báo, thì người tu càng hiểu vì sao trong Đạo nhựt thường hành (1938), bài Giới tư tưởng kinh, Đức Lý Giáo tông dạy người tu phải sợ, chớ có tư tưởng xấu, bởi chúng không tan rã, mà tụ lại trên không trung (trung giái 中界) để chờ cơ hội dội ngược về tác hại người đã nghĩ xấu:
Trên trung giái đủ hình tư tưởng,
Dưới phàm gian hay vướng kế tà.
Cũng vì tư tưởng xấu xa,
Gây nên tội lỗi khó qua lưới Trời.
Điều này cho thấy luật Trời công bình và bất biến, không ai sửa đổi nó được. Hiểu theo tinh thần khoa học thì luật Trời không có sự ban thưởng hay hành phạt, mà chỉ có những kết quả tốt hay hậu quả xấu quay ngược trở lại với con người và không ai tránh khỏi được. Luận ngữ chép lời Đức Khổng Tử dạy:
Mắc tội với Trời thì không thể cúng vái ai để giải tội được.([8])
Thật vậy, Hoạch tội ư Thiên là phạm luật nhân quả; vô sở đảo là tất yếu (inevitably), ai ai cũng phải chịu luật này chi phối.
Người hiểu đạo, biết luật nhân quả luôn ghi nhớ rằng:
- Hiện tại ta sống vui vẻ và hạnh phúc – ấy là kết quả do ta tuân theo luật nhân quả của Trời;
- Ngược lại, nếu ta chịu đau buồn và tai họa – ấy là hậu quả những gì ta trót tạo gây trái với luật Trời.
Người hiểu đạo cũng biết rằng luật nhân quả không phải là luật báo thù trả oán. Nó chỉ là luật công bình nhằm điều chỉnh những hành vi của con người cho đúng với luật Trời.
Trong vũ trụ bát ngát bao la, vô biên vô tận, con người và vạn vật đều phải phục tùng luật nhân quả. Hiểu được luật nhân quả tức là cầm đạo quả của mình trong tay, bởi việc tu tiến mau hay chậm chỉ tùy nơi bản thân mỗi người cố gắng tự chủ nhằm sửa đổi tư tưởng, ý muốn và việc làm sao cho luôn luôn tốt đẹp, không bao giờ chứa đựng một mảy may toan tính có lợi cho mình mà gây hại cho người.
I. NHÂN QUẢ THEO KINH ĐIỂN MỘT SỐ TÔN GIÁO
TRƯỚC TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Trước Tam kỳ Phổ độ, kinh sách nhiều tôn giáo Đông Tây đã dạy về (luật) nhân quả.
1. Đạo Nho
Đức Khổng Tử dạy:
Người làm lành, Trời lấy phước trả cho họ, người làm chẳng lành, Trời lấy họa trả cho họ...
Sang Tam kỳ Phổ độ, Thầy dạy không khác:
Trời đất rất công minh, hễ làm lành thì lành trả, gây họa thì họa lai. (…) Hễ gieo giống ngọt thì quả ngọt hưởng nhờ, gieo giống chua thì quả chua nó đậu.” ([9])
2. Đạo Lão
Chương Cảm ứng của Đức Thái Thượng dạy:
Họa phúc không có cửa, chỉ vì người ta mời nó tới; báo ứng lành dữ như bóng đi theo hình.([10])
Sang Tam kỳ Phổ độ, ý này được diễn lại như sau:
Ðiều họa phước không hay tìm tới,
Tại mình vời nên mới theo mình.
Cũng như bóng nọ tùy hình,
Dữ lành hai lẽ công bình thưởng răn.([11])
3. Đạo Phật
Mở đầu kinh Pháp cú (Dhammapada), phẩm Song yếu (Yammaka Vagga) là hai câu kinh song song như sau:
(a) ... Nếu nói hay làm với tâm ác, đau khổ vì thế sẽ theo liền với ta như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe.
(b) … Nếu nói hay làm với tâm trong sạch, hạnh phúc vì thế sẽ theo liền với ta như bóng không bao giờ rời hình.([12])
Hình ảnh nhân quả nối theo nhau như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe được Đức Phật dạy ở câu (a), sang Tam kỳ Phổ độ, Thầy nhắc lại bằng thơ như sau:
Gieo giống chi mọc liền giống nấy,
Cảm vật nào vật ấy ứng cho,
Coi như trong cái xe bò,
Bánh xe lăn trả kịp giò bước chưn.
Bò ngừng lại bánh ngừng đứng lại,
Chậm hay mau là tại nơi bò,
Bánh xe nó chạy theo giò,
Chạy không cũng tại con bò gây ra.([13])
Ví dụ nhân quả nối theo nhau như bóng theo hình, hình ngay bóng thẳng, hình cong bóng cong như Đức Phật dạy ở câu (b), sang Tam kỳ Phổ độ, Thầy nhắc lại bằng thơ như sau:
Trả vay vay trả liền liền,
Nhơn nào quả nấy, nghiệp duyên buộc mình.
Bóng cong vạy tại hình cong vạy,
Tội phước đi, qua lại không chừng([14])
4. Đạo Thiên Chúa

Trong “Thư gửi tín hữu Ga-lát”, Thánh tông đồ Phao-lô viết (chương 6, ba câu 7, 8 và 9):

“… Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt, là sự hư nát. Còn ai theo Thần khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần khí, là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng.” ([15])
5. Đạo Do Thái
Kinh thánh Cựu ước, sách Châm ngôn, chương 19, câu 17:
Thương xót kẻ khó nghèo là cho Ðức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm.([16])
6. Đạo Hồi (Đạo Islam)
Kinh Koran, chương 6, câu 132:
Mọi người đều được ban thưởng tương xứng với việc họ làm; và Trời không làm ngơ trước những việc họ làm.([17])
Kinh Koran, chương 13, câu 29:
Đối với ai tin tưởng và làm lành, chung cuộc họ sẽ hưởng quả lành.([18])
7. Đạo Bà-la-môn (Ấn giáo, đạo Hindu)
Theo kinh Phệ-đà (the Vedas), nếu một người gieo giống lành họ sẽ gặt hái điều lành; nếu gieo giống ác, họ sẽ gặt hái điều ác.([19])
8. Bái hỏa giáo (Ba Tư giáo, Zoroastrianism)
Jasna, XXX, 11: Những người hung dữ chịu đau khổ lâu dài, những người công bình sẽ được ban hưởng trọng hậu và hưởng hạnh phúc.([20])
Một vài dẫn chứng trên đủ cho thấy Đông Tây kim cổ trước Tam kỳ Phổ độ đều nói giống nhau về nhân quả.
II. BỐN NHẬN THỨC CỐT TỦY VỀ LUẬT NHÂN QUẢ
1. Luật nhân quả thể hiện luật công bình (equality) của vũ trụ.
Luật nhân quả là luật tự nhiên (natural). Thượng đế giữ luật nhân quả công bình, không vì thương mà thưởng, không vì ghét mà phạt. Cái quả (thưởng phạt báo ứng) là do cái nhân cũ con người đã gieo trồng.
Thầy dạy:
Nhơn nào quả nấy chẳng rời,
Đòn cân công luật Phật Trời thưởng răn.([21])
Luật nhân quả là luật tự nhiên (natural) cũng có nghĩa nó nằm ngoài ý muốn của Trời.
Đức Ngọc Hoàng Thượng đế dạy:
Hiện tình thế sự ngày nay đã diễn biến biết bao nhiêu tấn tuồng nhân quả. Đó không phải do sự chấp định của Thầy, mà do luật định của Đạo.” ([22])
Do đó Đức Khổng Tử dạy:
Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã.
Đức Đại tiên Lê Văn Duyệt cũng dạy con người không thể cầu khẩn Thượng đế làm lệch cán cân công lý của trời đất:
Đừng có cầu xin phước bởi Trời,
Tự mình tu tiến đó ai ơi!
Ai ăn no dạ, tu thành đạo,
Công lý cầm cân sẵn có Trời.([23])
Đức Quan Âm Bồ tát dạy rất rõ ràng:
Tình thương bao la của Đấng Chí tôn và lòng từ bi bao khắp của hàng chư Phật cũng không thể giải thoát giùm cho chư hiền những nhân quả chằng chịt ấy đâu. (…) Những gì con người hành động, những gì con người khổ đau, những gì con người than trách thuộc ngoài phạm vi đạo lý thì chính con người chịu lấy, chớ Phật Trời nào bênh vực để trái luật công bình, mặc dầu vẫn thông cảm những trạng thái của con người.” ([24])
Đức Đại tiên Lê Văn Duyệt dạy tương tự:
Trời không thương ghét một riêng nào,
Họa phước do người muốn đổi trao.
Báo ứng nhãn tiền nhân quả kết,
Dẫu thương Trời chẳng biết làm sao.([25])
2. Luật nhân quả nhất định phải diễn ra, đó là tính tất yếu (inevitability). Nhưng thời gian diễn ra báo ứng có khác nhau.
a. Nếu nhân và quả diễn ra ngay trong một kiếp sống thì đó là báo ứng nhãn tiền, cũng gọi là đương kiếp nhân quả 當劫因果 (present-life cause and effect). Thí dụ: Kẻ trộm cướp khi bị bắt thì phải chịu án giam cầm, tù tội.
b. Nếu nhân ở kiếp trước mà quả diễn ra trong kiếp này thì đó là báo ứng của kiếp trước, cũng gọi là tiền kiếp nhân quả 前劫因果 (effect from previous-life cause).
Trong Đạo nhựt thường hành (1938), bài Giới buồn rầu nhân quả kinh, Đức Lý Giáo tông dạy:
Cũng vì nhiều kiếp con gây,
Ngày nay mới chịu nỗi này chớ sao.
...
Xét ra muôn sự trần ai,
Đều do tiền kiếp trả vay rõ ràng.
Cái quả buộc phải trả trong kiếp này chứ không chờ sang kiếp sau còn gọi là quả (chín) muồi (ripe or mature karma).
c. Nếu nhân trong kiếp này mà quả sẽ diễn ra trong kiếp sau thì đó là báo ứng chờ kiếp sau, cũng gọi là hậu kiếp nhân quả 後劫因果 (future-life effect).
Thầy dạy:
Họa phước ấy không sai báo ứng,
Muộn kiếp nầy, gieo chứng hậu lai.([26])
Do có tiền kiếp nhân quảhậu kiếp nhân quả mà ta hiểu thêm về luân hồi 輪迴 (samsara), vì luân hồi gắn liền với nhân quả. Con người phải chịu tái sinh 再生 (rebirth) để nhận cái quả của kiếp trước.
Người chưa học đạo không rõ hai lẽ tiền kiếp nhân quảhậu kiếp nhân quả nên thường trách Trời bất công, than thở tại sao mình ăn ở hiền lành mà cứ chịu tai ương; còn kẻ gian ác cớ sao vẫn sống khỏe phây phây.
Kinh Sám hối giải thích:
Người làm phước có khi mắc nạn,
Kẻ lăng loàn đặng mạng giàu sang,
Ấy là nợ trước còn mang,
Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.
Hồi mới mở đạo Cao Đài (1926), có một vị tu hành mà khổ hoài, lòng ấm ức quá đã động điển tới Thiên đình, do đó Ơn Trên an ủi:
Ức lòng dễ tỏ đặng cùng ai,
Hiền đức mà sao chịu khổ hoài!
Lão nói tỏ tường cho đó hiểu,
Cũng là vay trả luật xưa nay.([27])
Người chưa học đạo không rõ hai lẽ tiền kiếp nhân quảhậu kiếp nhân quả nên cũng không hiểu tại sao nhiều vị môn đồ của Đức Đại tiên Ngô Minh Chiêu (Chiếu Minh vô vi) tu thiền rất nghiêm túc, sau một thời gian bỗng nhiên phải chịu tai ương, hoạn nạn rất lớn. Thật ra, các vị ấy nguyện tu một kiếp trở về Trời, quyết không chịu luân hồi; mà luật Trời thì công minh, cho nên các vị ấy đành phải chịu nhồi quả, trả cho sạch nợ cũ lẫn mới (kiếp trước và kiếp này).
Thầy dạy:
Muốn mau thoát kiếp luân hồi,
Kiếp nầy ráng chịu quả nhồi cho mau.([28])
Cái quả trả nhồi ấy cũng gọi là quả tích lũy (accumulated karma).
3. Luật nhân quả cho thấy mỗi người có thể là kẻ thù của chính mình
Thông thường ai cũng nghĩ kẻ thù của mình là kẻ nào đó, kẻ khác (tha nhân). Nhưng các nhà đạo học cao thâm còn cảnh giới rằng mỗi người nếu không cẩn thận thì tự mình lại làm kẻ thù của chính mình. Điều này hoàn toàn chính xác.
Hàng ngày, hàng giây phút mỗi người có ba cách gây ra nhân quả cho chính mình. Ba cách này Phật gọi là tam nghiệp 三業 (trividhà-dvàra; three causes of karma), gồm có: thân, khẩu, ý 身口意 (deeds, words, thought).
- Thân: hành vi, việc làm.
Đức Vạn Hạnh Thiền sư dạy:
Bất cứ một công việc dù to lớn hay nhỏ nhoi cũng đều là một tiến trình nối đuôi nhân quả.” ([29])
- Khẩu: Lời nói. Cổ nhân răn: Họa tùng khẩu xuất 禍從口出 (Tai họa do miệng sinh ra).
- Ý: Tư tưởng, ham muốn và tình cảm.
Trong Đạo nhựt thường hành (1938), Đức Lý Giáo tông dạy về tác hại của ý như sau:
Ý là ác nghiệt mọi điều,
Trong đời vạn sự, ý nhiều tội hơn.
Ý hay ganh ghét giận hờn,
Răn lòng sửa ý, lý chơn mới tường.
Những điều sâu hiểm ghét thương,
Đều do ý ác tạo đường nghiệt căn.
(Giới ý kinh)
Cũng vì tư tưởng xấu xa,
Gây nên tội lỗi khó qua lưới Trời.
(Giới tư tưởng kinh)
Dục tình, ái ố, mưu thầm,
Sa mê danh lợi, tham dâm lụy trần.
(Giới tâm kinh)
Cái quả do thân, khẩu, ý mà chính ta gây tạo cho bản thân trong kiếp này được gọi là quả đương tạo (karma in formation).
Đức Ngọc Hoàng Thượng đế dạy về tam nghiệp:
Từ ngôn ngữ, hành động, tư tưởng cố tránh được oan nghiệt, sự thưởng phạt đã có luật nhân quả thừa trừ chí công vô tư, các con đừng dại dột gây thêm nhân, tạo thêm nghiệp nữa.” ([30])
Đức Diêu Trì Kim mẫu Vô Cực Từ tôn cũng dạy:
Xét tư tưởng đừng còn sai quấy,
Xét việc làm vô kỷ vô công.
Xét lời hòa duyệt dung thông,
Trong ba phạm một, tam công hỏng rồi.([31])
4. Nhân quả riêng và chung 
Sống trên thế gian, do nhân mình gieo mỗi người phải chịu quả riêng. Quả riêng của một người gọi là biệt nghiệp 別業 (individual karma).
 Cá nhân sống trong gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới còn phải chia sẻ hay gánh chịu một phần cái quả chung của các người khác tác động đến cá nhân. Cái quả chung của nhiều người gọi là cộng nghiệp 共業 (collective karma).
Thời hạ ngươn mạt kiếp là lúc quả chung (cộng nghiệp) đang báo ứng. Đức Diêu T Kim mu dạy:
Các con có biết chăng luật nhân quả vẫn luôn luôn tiến hành trong thời kỳ hạ nguơn mạt kiếp, vạn linh sanh chúng đang đắm chìm trong lửa dục, trong biển khổ, trong tham vọng đỉnh chung, để rồi tất cả đều chịu sàng sảy đào thải.”([32])
Người chân tu, biết hồi hướng điển lành có thể giảm bớt nghiệp quả riêng và chung. Đức Quan Âm Bồ tát dạy:
Đành rằng cộng nghiệp nhưng tất cả đều làm lành lánh dữ, biết tránh sự sanh sát giết hại lẫn nhau, biết sợ luật điều vay trả, thì cơ bảo tồn được luân động chở che, dù cộng nghiệp cũng không đến nỗi vào cơ sàng sảy.” ([33])
Hiểu luật cộng nghiệp, người tu Tam kỳ Phổ độ ý thức rằng không phải mình tu riêng cho mình, được chăng hay chớ; mà mình còn tu cho thành thật để tác động vào cơ tiến hóa, phụ giúp công việc của Ơn Trên trong thời hạ ngươn. Đó cũng là ý nghĩa giản dị của sứ mạng đại thừa 大乘使命 (mahayanistic mission).
III. HIỂU BIẾT NHÂN QUẢ
ĐỂ SỐNG ĐẠO VỚI LUẬT NHÂN QUẢ
1. Không tạo ra nhân quả mới
Một cái nhân tạo ra cái quả, quả này tạo ra nhân mới, rồi nhân mới lại tạo thêm quả mới, cứ thế nối nhau tiếp diễn mãi, thành ra luân hồi. Một người tu say mê làm công quả phước thiện, do phước báu đó sẽ luân hồi trở lại, sống kiếp sau sang giàu và quyền thế.
Thầy dạy:
Biết lo bố đức thi ân,
Luân hồi trở lại hưởng phần cao sang.([34])
Nhưng do sang giàu quyền thế, lại lạm dụng của cải và quyền lực để gây nên tội thì kiếp sau nữa phải quay lại thế gian trả quả. Vậy, có thể nói rằng cảnh giàu sang quyền thế ngầm chứa một bản án treo cho kiếp sau mà con người vì chưa tu nên không nhận thức. Bản án treo ấy được Đức Bảo pháp Chơn quân Huỳnh Chơn dạy rất rõ:
Ngoài phương tiện lợi danh đầy đủ,
Trong gia đình hào phú kiêu sa,
Với đời mở mặt người ta,
Với mình, xét lại đó là trái oan.([35])
Cho nên nếu do phước lành kiếp trước mà hưởng sang giàu kiếp này thì người biết tu sẽ: biết mượn của cải ấy để làm từ thiện (như tỷ phú Bill Gates); biết ủng hộ các chánh pháp được hoằng dương (như ấn tống kinh sách, trợ giúp bậc chân tu xuất gia...).
Tuy nhiên, mỗi khi làm được công quả thì người tu phải lập tức cầu nguyện để hồi hướng phước lành về cho người khác, cho chúng sinh. Đó cũng là cách đoạn dứt nhân duyên hiện tại để tiêu trừ quả báo ở kiếp sau, và thoát khỏi luân hồi.
Bài kệ hồi hướng sau khi tham thiền là một thí dụ:
Công đức tọa thiền lớn biết bao,
Phước lành hồi hướng đến nơi nao.
Chúng sinh trầm nịch nguyền ra khỏi,
Nhập được huyền môn ngộ đạo Cao.
2. Kham nhẫn để chịu trả quả
Hiểu luật nhân quả công bình, người tu biết kham nhẫn 堪忍 chịu trả nợ cũ bằng cách chấp nhận nghịch cảnh. Những lúc quá sức chịu đựng, người tu cần cầu nguyện và siêng làm công quả để mau giảm nợ cũ. Như vậy không được than thở, vì còn than thở thì còn trốn nợ, và nợ cũ sẽ tăng gấp đôi.
Ơn Trên dạy:
Nhiều nhân quả trước phải đền nay,
Chẳng gỡ cho xong cứ nhắc hoài.
Một tiếng than van thân cực nhọc,
Một oan chẳng chịu muốn gây hai.([36])
Đức Vô Cực Từ tôn Diêu Trì Kim mẫu cũng dạy:
Biết rằng nghiệp quả do nhân,
Sao còn phiền não giận mừng đau thương.([37])
Trong Đạo nhựt thường hành (1938), Đức Lý Giáo tông thương xót môn sinh Cao Đài phải chịu trả quả, nên ban cho bài kinh để ta cầu nguyện khi cõi lòng quá đỗi đớn đau vì nhân quả trả vay:
Giới buồn rầu nhân quả kinh
Ở đời nhiều lối buồn rầu,
Hiệp tan, hoạn nạn vì đâu dạt lình.([38])
Tử sanh, dời đổi, đao binh,
Làm cho trí hóa cảm tình nhớ thương.
Trong vòng luân chuyển âm dương,
Trái oan trước tạo, rẽ đường sao đây?
Cũng vì nhiều kiếp con gây,
Ngày nay mới chịu nỗi này chớ sao.
Nguyện cùng Bắc Đẩu, Nam Tào,
Vui lòng lãnh chịu một màu trả xong.
Từ đây lòng dặn lấy lòng,
Tạo nhơn tác phước, lánh vòng nghiệt căn.
Cũng vì một lỗi hai lầm,
Công Tào luật pháp cân cầm chẳng sai.
Xét ra muôn sự trần ai,
Đều do tiền kiếp trả vay rõ ràng.
Biết rồi con chẳng buồn than,
Dầu khi tai họa khốn nàn cũng cam.
Dốc lòng làm chủ tánh phàm,
Nợ xưa xin trả, phước đam thi hành.([39])
Cầu Thầy độ tận quần sanh,
Cho con trả quả tập tành tánh linh.
3. Tạo duyên lành để can thiệp vào luật nhân quả
Ngoài nhân quả còn có duyên. Duyên (pratyaya; conditions) là những yếu tố ở không gian và thời gian giúp nhân trở thành quả hoặc ngược lại duyên ngăn cản, hoặc đình trệ luật nhân quả, làm giảm sức mạnh của quả.
Gieo giống trên tảng đá thì không kết quả. Đó là nghịch duyên (unfavourable condition).
Gieo giống trên đất màu mỡ và siêng chăm sóc thì có kết quả tốt. Đó là thuận duyên (favourable condition).
Đứa trẻ hỗn láo (nhân), cha nó nọc nó ra và sắp đánh (quả gần tới) thì chợt có khách ghé chơi (duyên). Cha nó hoãn hình phạt, đợi khách về sẽ trị tội (duyên làm chậm quả).
Tuy luật nhân quả không thiên vị ai, nhưng duy nhất trong Tam kỳ Phổ độ, do luật đại ân xá người tu có thể được giảm nhẹ quả báo của kiếp trước theo tỷ lệ bớt bảy còn ba. Thầy dạy:
Con biết tu Thầy thu lại bớt,
Tội đủ mười Thầy sớt còn ba
Như thế đại ân xá là cái duyên can thiệp (interfering condition) vào luật nhân quả. Ta không thể thay đổi nhân xấu trót tạo ở quá khứ, nhưng ta có thể thay đổi cái quả ở hiện tại bằng cách tạo ra duyên lành để cải thiện quả xấu, quả dữ.
Tạo duyên lành bằng cách TU. Thầy dạy rằng tu là con đường thong dong cho người trần thoát ra vòng nhân quả:
Giựt giành rốt cuộc cũng tay không,
Nhân quả đeo mang tội chất chồng.
Ví biết phép công cơ thưởng phạt,
Đường tu sớm bước chí thong dong.([40])
4. Ta tu còn có trách nhiệm phải dẫn dắt gia đình, con cháu mình cũng tu.
Thầy dạy:
Kìa biển hẹn non thề phải dứt,
Dây buộc mình cắt đứt chớ vương.([41])
Nhưng ta trót lập gia đình, do nhân ấy mà có quả là vợ (chồng) và con cháu. Nếu chỉ một mình ta biết tu, những người khác trong gia đình không tu, ít nhất sẽ có hai tác hại: (a) hiện kiếp họ khảo ta, cản trở ta tu hành; (b) hậu kiếp họ chịu quả báo, ta dẫu có về cõi thượng e rằng cũng khó lòng thanh thản.
Đức Đại tiên Lê Văn Duyệt dạy:
Người cha đạo đức sẽ gieo lên hạt giống đạo đức. Truyền thống đạo đức là một điều kiện bảo đảm tương lai vững chắc. Cũng có lắm gia đình cha hành đạo, con lại sa đọa, theo thói hư tật xấu ngoài đời. Đó không phải tựa vào thuyết nhân quả để bào chữa cho hiện tại, mà do sự bất lực của người cha thiếu giáo huấn, từ gia đình đến xã hội quốc gia cũng không ngoài cái lý ăn trái bỏ hột mà thôi.” ([42])
Muốn độ cho vợ (chồng), con cháu mình tu, khó khăn hơn độ người ngoài. Vì hàng ngày họ kề cận bên ta, thói hư tật xấu của ta họ biết hết, ta không làm gương được thì làm sao bảo họ tu. Cho nên độ gia đình mình tu tức là bản thân ta phải tự làm gương, chung quy phải độ mình tu hành chân thật trước hết.
IV. SỐNG ĐẠO VƯỢT RA NGOÀI NHÂN QUẢ
Hiểu nhân quả để áp dụng mà sống đạo với luật nhân quả như nói trên (mục III) thật ra là khó, rất khó! Nhưng đấy vẫn chưa phải là tột bực của con đường tối thượng thừa như Ơn Trên hằng giáo huấn môn sinh Cao Đài.
Con đường tối thượng thừa ấy kết hợp ba trong một:
- dùng công quả bồi âm chất để giải trừ mọi ngăn trở của nghiệp quả (karmic obstacles),
- dùng công trình luyện kỷ để rèn tánh,
- dùng công phu thiền định để rèn tâm,
Khi ấy, người tu đạt tới tâm thanh tịnh và đoạn dứt mọi đường nhân quả tại thế gian.
Đức Vô Cực Từ tôn Diêu Trì Kim mẫu dạy:
Con ôi, học đạo hằng thường,
Là tâm thanh tịnh dứt đường quả nhân.([43])
Dứt bằng cách nào? Ở bậc hành thiện, tu đức, ai cũng sợ nhân quả, hiểu rằng làm ác là tạo nhân quả xấu, đó là xiềng xích bằng sắt trói buộc mình.
Không những sợ xiềng xích bằng sắt, người tu còn phải biết sợ thêm xích xiềng bằng vàng. Thật vậy, hành thiện, tu đức sẽ tạo nhân quả lành và nhân quả lành vẫn dẫn dắt về luân hồi để hưởng phước báu ấy (như nói ở mục III, điểm 1 trên đây).
Muốn thoát luôn sợi xích vàng này thì dù đang tu tam công (công quả, công trình, công phu) nhưng người tu thượng thừa cần tập buông xả luôn kết quả của ba công mà mình vừa tạo lập để không còn duyên buộc ràng nhân quả. Muốn thực hành và thực chứng lẽ cao siêu huyền diệu này, người tu cần kiên trì nghiền ngẫm lời dạy của Đức Diêu Trì Kim mẫu Vô Cực Từ tôn:
Con hiểu được chọn chân bỏ giả,
Diệt thức tình lòng dạ sạch trong.
Vị lai nếu có nơi lòng,
Ước mơ thành quả cũng vòng nghiệp thôi.
Nghiệp lành dữ rốt rồi là nghiệp,
Sắt hay vàng đều xích xiềng thân.
Sao bằng tâm chí lâng lâng,
Nhổ mầm tình thức, đoạn nhân tục phàm.([44])
Tóm lại, người tu hành vẫn còn nằm trong phạm vi giới hạn của việc gieo nhân lành để kết quả lành. Đó là bước khởi đầu cần thiết của mọi người tu. Nhưng môn đệ Đức Cao Đài còn được dạy hãy biết phấn đấu bước lên cao hơn và xa hơn nữa là buông xả luôn nhân lành quả lành để vượt ra ngoài vòng trói buộc của cõi tạm trần gian. Đức Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh dạy:
Gieo nhân kết quả hẳn rồi,
Vượt ngoài nhân quả, bầu trời thênh thang.
Rằng đời cõi tạm thế gian,
Thì chi ta phải cưu mang nặng lòng.
Lưới Trời chẳng lọt mảy lông.([45])
LỜI KẾT
Luật nhân quả có thể bàn ra trăm, ngàn trang chữ viết, vì kinh sách kim cổ Đông Tây và thánh ngôn thánh giáo Cao Đài dạy không sao kể xiết. Nhưng biết nhiều, luận giỏi mà không thực hành cũng chẳng ích chi. Phần trình bày này chắc chắn là thiếu sót, chỉ mong sao tạm nhấn mạnh được một đôi điều thiết thực, tâm huyết để bản thân người giảng bài cũng như toàn thể quý vị hiện diện trong giảng đường này cùng giật mình sợ hãi, thấy rằng chúng ta đã và đang sai lầm trong vòng nhân quả do biết mà vẫn tạo hay do không biết mà trót tạo.
May duyên có đạo Cao Đài dìu bước ta trở lại, ta hãy một lòng noi theo ánh sáng kỳ Ba để thoát vòng nhân quả, như lời dạy của hai vị tiền bối Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt:
Đường tăm tối muốn đi nhờ ánh đuốc,
Cơn bão bùng chớ vượt biển cậy thuyền con.
Dẫu có tài toan lấp biển dời non,
Không đạo đức khó thoát vòng nhân quả.
Hỡi ai đó chớ vay nhiều rồi phải trả,
Trả rồi vay, vay trả mãi luân hồi.
Có chi bằng thức tỉnh học đạo Trời,
Cho thân thoát khổ, cho đời thoát tai.([46])
Vu lan Bính Tuất
09-8-2006
HUỆ KHẢI



[1] Nhân: cause; quả: fruit, result, outcome, effect, consequence. Nhân quả: karma; causality: the principle of cause and effect; the relationship between cause and effect.
[2] Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu. 種瓜得瓜, 種豆得豆. Plant melons and get melons, sow beans and get beans.
[3] Whatever a man sows, that also shall he reap.
[4] Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược hoàn bất báo thời thần vị đáo. 善有善報, 惡有惡報, 若還不報, 時辰未到. Good deeds shall be returned with good rewards, and evil deeds shall be returned with evil rewards; if it is not the right time, no rewards will be given.
[5] Từ ngày 15-4 Tân Dậu (18-5-1981) được Ơn Trên đổi tên là Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo.
[6] Hườn Cung Đàn, 29-5 rạng 01-6 Ất Tỵ (27-6-1965).
[7] Hườn Cung Đàn, 29-5 rạng 01-6 Ất Tỵ (27-6-1965).
[8] Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã. 獲罪於天,無所禱也. He who offends against Heaven has none to whom he can pray.
[9] Ðại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 204.
[10] Thái Thượng Cảm ứng thiên viết: Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình. 太上感應篇曰: 禍福無門, 惟人自召; 善惡之報, 如影隨形. Calamities and blessings never enter a door except when invited; good and evil rewards are like a shadow inseparable from its figure.
[11] Kinh Sám hối.
[12] (a) If one speaks or acts with wicked mind, thus suffering follows him just as the wheel follows the hoof of a draught-ox. (b) If one speaks or acts with pure mind, thus happiness follows him just as his shadow never leaves him.
[13] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 198.
[14] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 196.
[15] Bản dịch hiện hành của Nhóm Phiên dịch các giờ kinh Phụng vụ.
… whatever a man sows, this he will also reap. For the one who sows to his own flesh will from the flesh reap corruption, but the one who sows to the Spirit will from the Spirit reap eternal life. Let us not lose heart in doing good, for in due time we will reap if we do not grow weary. (New American Standard Bible, Galatians 6: 7,8,9)
[16] Proverbs 19:17: He who is kind to the poor lends to the Lord, and he will reward him for what he has done.
[17] And all have degrees according to what they do; and your Lord is not heedless of what they do.
[18] As for those who believe and do good, a good final state shall be theirs and a goodly return.
[19] According to the Vedas, if an individual sows goodness, he or she will reap goodness; if one sows evil, he or she will reap evil.
(http://en.wikipedia.org/wiki/Karma_in_Hinduism)
[20] Bài Nhân quả của Bạch Liên (http://www.thongthienhoc.com)
[21] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 200.
[22] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (08-02-1967).
[23] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Quý Sửu (03-02-1973).
[24] Thánh thất Bình Hòa, 08-4 Canh Tuất (12-5-1970).
[25] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-01 Quý Sửu (03-02-1973).
[26] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 202.
[27] Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển 2, 1966, tr. 129.
[28] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 198.
[29] Trúc Lâm Thiền điện, 07-4 Canh Tuất (11-5-1970).
[30] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 15-01 Đinh Tỵ (04-3-1977).
[31] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 14-8 Tân Dậu (11-9-1981).
[32] Thiên Lý Đàn, 29-12 rng 01-01 Canh Tuất (05-02-1970).
[33] Vĩnh Nguyên Tự, 03-01 Giáp Dần (25-01-1974).
[34] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 200.
[35] Cơ Quan Phổ thông Giáo lý, 15-6 Quý Sửu (14-7-1973).
[36] Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển 2, Sài Gòn 1966, tr. 135.
[37] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 14-8 Bính Thìn (07-9-1976).
[38] Dạt lình: Lênh đênh, trôi dạt.
[39] Đam: Đem. Phước đam thi hành: Đem thi hành việc phước đức.
[40] Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển 2, Sài Gòn 1966, tr. 127.
[41] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn 1950, tr. 202.
[42] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Canh Tuất (13-6-1970).
[43] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 14-8 Bính Thìn (07-9-1976).
[44] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 14-8 Tân Dậu (11-9-1981).
[45] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 15-4 Đinh Tỵ (01-6-1977).
[46] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 14 rạng 15-02 Đinh Mùi (24-3-1967).