Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

53. Trách nhiệm của cha mẹ đối với con nhà đạo / LUẬT NHÂN QUẢ THEO GIÁO LÝ CAO ĐÀI



Trách nhiệm của cha mẹ
đối với con nhà đạo
1. Cần ý thức rằng con nhà đạo là tương lai đất nước và của đạo Cao Đài
Đức Cao Triều Phát nhắc nhở:
Trong một đời người, tuổi thanh niên là mùa xuân, là phát huy, là sáng tạo. Do đó, thanh niên cần phải được vun quén, tổ chức, giáo dục, chăm sóc và thúc phát mọi mặt. Người đi trước phải dọn đường sửa lối cho kẻ theo sau, làm thế nào khai thác những bẩm sinh, những khả năng từ thuở thanh thiếu niên. Vì thanh thiếu niên là những gì đang chờ đợi kết quả ở tương lai.
“(...) Bất cứ một gia đình, quốc gia, xã hội và nhân loại nào, dầu ở quá khứ hiện tại hoặc vị lai, [đều] phải ý thức và kỳ vọng ở thanh thiếu niên. Chẳng khác nào [trồng] cây, đem hột đi ươm lên thân cây con. Tùy sự chăm sóc, kết quả của cây xấu hoặc tốt phần lớn do chủ vườn chăm sóc.([1])
Thế nhưng không phải tất cả các bậc cha mẹ nhà đạo cũng như các bậc huynh trưởng trong họ đạo hay thánh sở đều có ý thức sớm dạy dỗ con cái và đàn em hậu tấn nối tiếp con đường đạo đức của ông cha. Thông thường bổn đạo không ý thức việc tạo lực lượng kế tục, không nghĩ sâu xa, chỉ bằng lòng với việc ăn hiền ở lành. Trước thực trạng này, Đức Linh Quang Thổ địa dạy:
Bổn đạo chỉ biết tu hiền,
Ăn chay niệm Phật Thánh Tiên hằng ngày.
Mà không nghĩ việc tương lai,
Lớp người kế tiếp chung tay giúp đời. ([2])
Do đó, Đức Thiện Hạnh Đồng tử có lần vừa dạy con nhà đạo ý thức duyên phước được sinh ra trong gia đình biết tu hành, vừa nhắc nhở các bậc cha mẹ hãy có trách nhiệm dìu dắt đàn hậu tấn:
Nơi đây Tiểu thánh muốn lưu ý đến quý huynh đệ tỷ muội trong giới thanh niên, thiếu niên và ấu niên. Nhờ có tiền duyên chằng chịt liên hệ nên hiện kiếp đã được sinh trưởng trong gia đình cha mẹ hoặc anh chị biết đạo lý tu hành, hoặc sớm gặp hoàn cảnh thuận tiện để có cơ hội dễ bề khai triển thánh tâm, phát huy thánh đức, thực hành Thánh đạo, rồi lần hồi đến Tiên đạo và Phật đạo.
“Nói như vậy để nhắc chừng chư liệt vị lưu ý đến hầu nâng đỡ dìu dắt đàn hậu tấn để khỏi trễ tràng hoặc phí uổng một kiếp làm người của thế hệ ấy.” ([3])
2. Cha mẹ có trách nhiệm với các chơn linh đã sinh vào nhà mình
Câu nói của Đức Thiện Hạnh Đồng tử rằng cha mẹ đừng để con cái “trễ tràng hoặc phí uổng một kiếp làm người” có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, các bậc cha mẹ nên nhớ rằng con cái mình về phần thiêng liêng là các chơn linh.
Thật vậy, một đứa con sinh trong gia đình người đạo Cao Đài không phải là tình cờ. Khi một hạt giống nguyên nhân “đầu thai” vào cõi trần, điểm chơn linh ấy thường được “gởi thân” vào nhà có đạo. Nếu được nuôi dưỡng và giáo dục tốt, đúng đạo lý thì sau này các chơn linh ấy sẽ là những vị nhận lãnh sứ mạng hướng đạo, hành đạo, hoằng giáo trong Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.
Xét về huyết nhục, họ là con cái mình, nhưng xét về mặt chơn linh và sứ mạng mà chơn linh ấy đã thọ lãnh từ Thiên đình trước khi xuống thế kiếp này, đâu ai biết được chơn linh ấy là nhỏ hay lớn. Có thánh giáo minh chứng điều này.
Đức Hiển Thế Đạo nhơn, thế danh Phan Văn Thanh, nguyên là đầu họ đạo trước tiên của thánh tịnh Ngọc Minh Đài. Trong một lần giáng đàn ở chốn cũ, Ngài đã gọi tên người cháu đang tiếp nối đạo nghiệp của Ngài khi trước: “Chí Thành Nguyễn Quan Sanh! Tuy phần nhục thể là dượng và cháu, phần chơn linh chưa biết ai lớn nhỏ hơn ai.” ([4])
Ngoài nhiệm vụ Đầu họ đạo thánh tịnh Ngọc Minh Đài, đạo trưởng Chí Thành còn là Hiệp lý Minh đạo của Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Sau khi quy thiên, đạo trưởng được Đức Chí tôn ban phong phẩm vị Thuận Hạnh Huệ tiên (1995). Lời nói của Đức Hiển Thế Đạo nhơn đã ứng nghiệm.
Tóm lại, nếu cha mẹ không thật sự tu hành thì cuộc sống hàng ngày của cha mẹ không thể làm gương mẫu để “thân giáo” được các con. Hậu quả là các chơn linh đã mượn nhà mình nương thân không được cảm hóa để sớm biết tu thì cha mẹ rất có lỗi với Đức Thượng đế và rất thiếu sót trách nhiệm với các chơn linh ấy.
3. Cha mẹ trước tiên phải là gương mẫu đạo đức để hướng dẫn con cái biết tu
Muốn trở nên gương mẫu đạo đức cho con cái noi theo, trước tiên cha mẹ phải biết tu hành chơn chánh. Cha mẹ biết tu còn có trách nhiệm dẫn dắt con cái cùng tu.
Nếu chỉ cha mẹ biết tu mà con cái trong nhà không tu, ít nhất sẽ có hai tác hại:
- Hiện kiếp con cái khảo đảo cha mẹ, cản trở cha mẹ tu hành.
- Hậu kiếp con cái chịu quả báo, cha mẹ dẫu có về cõi thượng e rằng cũng khó lòng thanh thản.
Lấy thí dụ trường hợp của Đức Linh Ứng Tôn thần (ông nội của đạo huynh Thiên Nhựt Quang, nguyên là Minh tra ở Cơ quan Phổ thông Giáo lý). Có lần Đức Tôn thần giáng đàn than thở khi thấy trong số các nhục tử của Ngài có người không tiếp tục truyền thống đạo nghiệp của cha:
Cha tự hỏi lẽ đâu trái cách,
Cha làm thầy, bán sách bởi con?
Vì thương méo sửa ra tròn,
Bởi thương nhắn nhủ nỉ non bao lời.([5])
Cha mẹ cần thấy rằng giữ gìn truyền thống tu hành đạo đức chính là xây đắp hạnh phúc cho gia đình. Đức Đại tiên Lê Văn Duyệt dạy:
“Theo thông thường, gia đình có đạo, con cái được cha mẹ huấn luyện vào hàng đạo đức, đó là một hạnh phúc.” ([6])
Nhiều năm sau, Đức Đại tiên Lê Văn Duyệt lại dạy:
Người cha đạo đức sẽ gieo lên hạt giống đạo đức. Truyền thống đạo đức là một điều kiện bảo đảm tương lai vững chắc. Cũng có lắm gia đình cha hành đạo, con lại sa đọa, theo thói hư tật xấu ngoài đời. Đó không phải tựa vào thuyết nhân quả để bào chữa cho hiện tại, mà do sự bất lực của người cha thiếu giáo huấn, từ gia đình đến xã hội quốc gia cũng không ngoài cái lý ăn trái bỏ hột mà thôi.” ([7])
Đức Quan Âm Bồ tát dạy:
Trên đường đời cũng như trong cửa đạo, nhiều trường hợp hay trái ngược nhau. Ông bà cha mẹ tu hành, cháu con lại không gìn giữ gốc thiện. Trái lại còn khảo đảo sự tu hành của cha mẹ là một đàng khác. Lỗi đó không phải tự chúng, mà tự gia giáo đó thôi. Vô tình cha mẹ độc thiện kỳ thân lo việc lớn mà quên việc nhỏ, nhưng việc nhỏ rất cần để làm rường cột cho thế hệ phổ đạo ngày mai.” ([8])
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ dẫu kêu gọi con cái bước vào đường đạo nhưng không có khả năng thuyết phục con cái. Một trong nhiều nguyên do chủ yếu là vì hàng ngày con cái kề cận bên cha mẹ, các khuyết điểm của cha mẹ thường khó che giấu con cái được. Nói khác đi, con cái chưa nhìn thấy ở cha mẹ một tấm gương sáng để chúng noi theo. Cho nên muốn hướng dẫn con cái mình tu thì trước tiên bản thân cha mẹ phải tự làm gương. Cha mẹ cần chứng tỏ bằng cuộc sống hàng ngày cho con cái thấy rõ cha mẹ chúng là người đạo đức, tu hành chân thật. Đức Mẹ dạy:
“Hỡi các con! Điều Mẹ giải dẫn hôm nay là để các con tự xét mình hay nhìn lại bản thân và tâm trí của mình để làm một tấm gương cho mai hậu của đoàn măng non mà chính các con đã gây tạo ra.” ([9])
Thế gian hay nghĩ rằng thương con thì lo để của cải, gia sản cho con. Nhưng Đức Mẹ dạy:
Nếu biết thương yêu thì chẳng có chi hơn là dạy dỗ trẻ thơ đặng khôn ngoan đạo đức.([10])
Các bậc cha mẹ cần suy gẫm thấu đáo lời Đức Minh Đức Đạo nhơn (thế danh Lê Văn Còn, Thượng giáo sư Hội thánh Ban chỉnh đạo Bến Tre) dạy hai nhục tử của Ngài bấy giờ đang là hai vị đạo trưởng đáng kính trong hàng lãnh đạo của Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Tuy Đức Đạo nhơn dạy việc riêng trong nhà, nhưng lời giáo huấn của Ngài hoàn toàn phù hợp để thi hành trong mọi gia đình người đạo Cao Đài:
(...) hai con! Cha đã mừng thấy hai con được nối chí của cha mà hành đạo, cố gắng vượt mọi khó khăn thử thách từ nội gia, nội bộ Cơ quan đến ngoại cảnh để đạt được những gì tốt đẹp hiến dưng Chí tôn Thượng đế.
“Hai con đã xứng đáng là con hiếu thảo của cha để không hổ thẹn với câu ‘Lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu chi thị dã.’ ([11]) Nhưng còn có một chút nữa mà cha không thể không nói ra đây, vì không nói e hai con quá bận việc rồi quên đi. Đó là về mặt nhân đạo ở cương vị làm con hiền.
“Hai con đã báo hiếu cha mẹ trong việc hồi hướng công quả rồi. Ở cương vị người chồng, mấy lúc sau này hai con đã tỏ ra xứng đáng hơn trước. Ở cương vị một người cha, hai con đang lo tạo sự nghiệp cho con cái. Theo thế nhân như vậy cũng quý rồi. Nhưng ở cương vị thế Thiên hành hóa, phổ truyền đạo lý, độ dẫn nhơn sanh thì hai con còn vướng một chút đó. Nếu làm được, ôi quý biết bao!
“Như hiện giờ hai con đang xây dựng sự nghiệp to lớn lâu dài cho con cái, nhưng [hai] con không hướng dẫn [chúng] nó song song với sự nghiệp đạo đức tinh thần, tâm linh bổn giác thì chẳng khác nào hai con cố gắng đóng cho chúng những chiếc đại thương thuyền để vượt trùng dương nhưng không dạy chúng biết cách sử dụng của người thuyền trưởng. Rồi khi vượt đại dương gặp phong ba bất trắc chúng nó biết làm sao, hỡi hai con? Cũng như sắm phi cơ phản lực siêu thanh cho chúng nhưng chúng không biết điều khiển, sử dụng cái quyền của người hoa tiêu rồi làm sao?
“Hai con nhờ tiền kiếp có tu nhiều nên kiếp này cơ duyên đưa đến sinh trưởng vào dòng họ nhà ta để gặp cha đỡ đầu dắt dìu cho đến ngày nay cho nên danh nghiệp, thì hai con cũng phải dìu dắt, đỡ đầu chúng nó như cha đã đỡ đầu hai con. Nếu không làm được việc ấy là độc thiện kỳ thân ([12]) đó hai con ơi.
“Dầu sự nghiệp cách mạng, dầu sự nghiệp đạo đức cũng vậy. Phải có ý hướng cha truyền con nối, tre tàn măng mọc mới nên mới trọn vẹn đó hai con. Hai con nên bảo chúng nó gần gũi Cơ quan đạo, gần gũi đệ huynh để tập sự. Tập sự lần lần như con cái của các nhân viên khác đó.
“(…) Đừng ai tưởng rằng mình hành đạo là chỉ để tu thân mà thôi, nếu tu được thì tốt riêng cho mình, không tu được thì cũng chẳng hại chi ai! Nếu tưởng vậy là sai lầm. Hành đạo đâu phải chỉ đóng khung trong thánh thất, thánh đường, chùa chiền, am tự. Hành đạo là xây dựng cả một thế hệ và những thế hệ tiếp nối mãi mãi. Hành đạo là gieo giống lành cho đất nước, cho dân tộc đó vậy.
“Hai con đừng nghĩ rằng hễ đứa nào thích thì bắt đầu nâng đỡ chúng, còn đứa nào không thích thì thôi chớ biết làm sao bây giờ! Đừng nói thích hay là không thích. Thử hỏi những đứa trẻ mới sinh đâu có biết hoặc ưa thích gì những thứ nào là ăn trầu, hút thuốc, nha phiến, ghiền rượu, đánh bạc… đâu. Nhưng vì hễ vào đời, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Trong lúc hai con lo phổ độ chúng sanh đó đây khắp các nẻo đường, nỡ nào bỏ quên chúng sanh bên cạnh hai con. Làm sao khỏi uổng công tạo hóa chúng mới thật là hai con chí hiếu đó vậy. Thôi tâm sự còn dài nhưng thời gian đã hết.”([13])
Lời dạy trên đây của Đức Minh Đức Đạo nhơn, nhất là chỗ “() đừng nghĩ rằng hễ đứa nào thích thì bắt đầu nâng đỡ chúng, còn đứa nào không thích thì thôi chớ biết làm sao bây giờ! Đừng nói thích hay là không thích ...” khiến các bậc cha mẹ cần phải lưu ý rằng nên hướng dẫn con cái biết sinh hoạt đạo đức với một thánh sở càng sớm càng tốt. Tuổi của con cái càng lớn thì thường càng khó dạy bảo. Uốn tre từ thuở tre non.
Thông thường con cái hay nghịch lẫn cha mẹ, phàn nàn rằng cha mẹ “xâm phạm tự do cá nhân” của mình. Có khi con cái ương ngạnh còn đem… “hiến pháp” ra nói rằng cha mẹ phải “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng” của chúng. Gặp trường hợp như thế, cha mẹ cần nhẫn nại và nhớ lời Đức Hiệp Thiên Đại đế Quan Thánh Đế quân dạy:
Thế gian cha mẹ nào lại không thương con, muốn con được nên văn nên võ, đạo nghiệp thế nghiệp song toàn, trước tự hưởng lấy thân, sau làm vinh quang cho thế tộc. Thế mà nào phải mỗi đứa con nào cũng đều có ý thức như vậy đâu. Trái lại, chúng còn cho rằng kỷ luật gia môn nghiêm khắc, bắt chúng phải làm thế này, thế nọ mất cả tự do, nhưng chúng nào biết đâu đó là tự do trong phóng túng, trong hư hỏng, trong sa đọa.” ([14])
Đức Linh Ứng Tôn thần và Đức Minh Đức Đạo nhơn không phải là hai trường hợp duy nhất minh chứng rằng tuy đã về cõi thượng nhưng lắm khi các đấng vẫn còn phải “bận lòng” với tử tôn huyết nhục. Chẳng hạn, Đức Hiển Thế Đạo nhơn nhân khi có dịp trở về trần gian đã nhắn nhủ gia nội vào đầu tháng 4 Kỷ Dậu:
“Hiền nương Diệu Hạnh! Sao hiền nương không dạy bảo con Lan và chồng của nó có mặt những ngày đàn để nhờ ân điển thiêng liêng chan rưới cho chúng nó. Dầu sao chúng nó cũng có căn xưa, nhưng vì tuổi trẻ còn đang tranh cạnh với đời. (…) Hiền nương có nhắc và khuyên, chúng nó mới nghe theo và lấy đà mà tiến tới.” ([15])
Đến cuối năm Kỷ Dậu ấy, Đức Hiển Thế Đạo nhơn lại dặn dò tiếp:
“Điều cần yếu là con cái trong gia đình. Hiền nương thay mặt Tệ huynh có bổn phận dìu dắt chúng nó kẻo tội nghiệp. (...) Vì còn dính líu chút bổn phận nên mới dặn dò. (…) Vì thương để lời nhắc nhở khuyến khích chớ không ai có thể gánh vác cho ai về phần nghiệp quả.” ([16])
Một trường hợp khác là Đức Bảo pháp Chơn quân (Huỳnh Chơn Tạ Đăng Khoa). Ngài giáng đàn và dạy bạn đời khi trước hãy đem cháu nội vào Cơ quan Phổ thông Giáo lý để tập dần cho quen với sinh hoạt đạo đức:
Sau cùng Bổn huynh nhờ chư hiền muội [Nữ chung hòa Cơ quan Phổ thông Giáo lý] chuyển lời Bổn huynh đến hiền nương Diệu Lý, dặn hiền nương và các con hãy bình tĩnh trước mọi sự thử thách, lấy đạo tâm làm thế tựa, và đem thằng Khải đến sinh hoạt thiếu nhi với thanh thiếu niên Cơ quan để tập lần nếp sống đạo đức.” ([17])
Có đấng, khi tại thế tuy siêng tu học và hành đạo, nhưng trót thiếu sót bổn phận với gia đình. Vì thế sau khi quy thiên lại phải cầu xin hồng ân của Đức Chí tôn cho phép giáng trần để dạy khuyên gia đình. Tiêu biểu là trường hợp sau:
Vậy giờ nay Thầy cho chơn linh Phan Văn Sử tá cơ để nhắn nhủ gia đình. Vì Sử ở thế có lòng tu chơn hành đạo, trọn đức tin với Thầy nhưng không độ được trong gia đình đó là thiếu bổn phận.” ([18])
4. Cha mẹ cần sớm hướng dẫn con cái nhập môn
Đức Đô thống quản địa thần khi tại thế là đạo trưởng Hồng Phước (thế danh Hoàng Ngọc Tạo), chức vụ Minh tra của Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Con gái của đạo trưởng là đạo tỷ Bạch Hiển (thế danh Hoàng Thị Tuyết Vân). Con rể đạo trưởng là đạo trưởng Minh Lý (thế danh Đỗ Vạn Lý), Tổng thơ ký của Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Thông gia của đạo trưởng là đạo trưởng Đỗ Thuần Hậu đắc quả Huyền Pháp Đạo nhơn. Trong một dịp giáng đàn, Đức Đô thống quản địa thần hé lộ:
Lời nói tiếp theo đây cho nhục tế Minh Lý [Đỗ Vạn Lý] và nhục nữ Bạch Hiển [Hoàng Thị Tuyết Vân] được mừng một tin trong gia quyến. Nguyên vừa rồi Ta có đi dự Đại hội thất thập nhị địa quần tiên, trong đó có mặt thông gia Đỗ Huynh [Đỗ Thuần Hậu]. Tuy bận rộn phúc trình của mỗi người, nhưng Đỗ huynh cũng có nhắn vói vài lời cho Võ Thị hiền tỷ hay rằng đang lúc này cả gia quyến sống trong thời kỳ mạt kiếp. Hãy sớm sớm (cũng hơi muộn màng), nhập môn cầu đạo để nhờ tấm thân, vì không biết ai có thừa phúc đức để che chở cho ai. Tự tu tự cứu.” ([19])
Vì việc nhập môn của lớp trẻ rất quan trọng cho nên có lần Đức Giáo tông Vô vi Đại đạo dạy Cơ quan Phổ thông Giáo lý phải giúp cho gia đình các nhân viên đưa con cái đi nhập môn tập thể:
Cần lo việc nhập môn tổng hợp,
Cho con em các lớp nhân viên,
Cha tu con phải được hiền,
Lập thành sổ bộ trò tiên đó là.([20])
Có thể nói, lo cho con cái sớm nhập môn là đeo cho chúng cái phao cứu sinh (lifebuoy) vì cha mẹ làm sao biết được con cái mình sẽ gặp giông bão lúc nào. Giúp trẻ sớm nhập môn là cách bảo toàn cho con cái khỏi cơn sàng sảy của thời hạ ngươn mạt kiếp.
Đức Giáo tông Vô vi Đại đạo dạy:
Phải nhớ rằng những phần tuổi trẻ,
Giữa trường đời ắt sẽ gian nguy,
Vì chưng thế cuộc hạ kỳ,
Phải nên dụng đạo định quy việc làm.([21])
5. Cha mẹ hãy có ý thức hướng nghiệp cho con cái
Trên nguyên tắc, làm ăn lương thiện thì nghề nào cũng quý. Tuy nhiên trong gia đình nhà đạo, bản thân cha mẹ chẳng những không hành nghề trái luật đạo mà còn ý thức sớm hướng dẫn cho con cái khi ra đời cũng phải biết chọn nghề gì không trái đạo. Chẳng hạn, đã là con nhà đạo thì đừng làm bác sĩ phá thai, đừng kinh doanh lò mổ gia súc, gia cầm, cũng đừng mở quán nhậu, v.v…
Ra đời năm 1926, trong Tân luật Cao Đài, nơi phần Thế luật (điều thứ hai mươi) đã quy định:
Kể từ ngày ban hành luật này, người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật; chẳng được làm nghề gì mà tồi phong bại tục; chẳng được soạn hay là ấn hành những truyện phong tình, huê nguyệt, không đặng buôn bán các thứ rượu mạnh và á phiện là vật độc làm cho giảm chất con người.”
Cha mẹ cũng nên giúp cho con cái hiểu rằng sẽ có nghề giúp các con mình dễ dàng “hái” ra tiền, nhưng hãy cẩn thận vì có khi chính những nghề ấy rất dễ dẫn dắt con cái mình xa rời chánh đạo, tức là sẽ không còn là con nhà đạo!
Ngoài ra sẽ có nghề khiến con cái mình vẻ vang trên trường đời danh lợi, nhưng lại cuốn hút con cái mình vào vòng xoáy đấu tranh giành giật. Bản thân chúng không còn thời gian dành cho tu học thì còn mong gì góp phần chút ít phụng sự cho đạo.
Do đó bản thân cha mẹ nên giúp cho con cái biết chọn nghề gì để sống được đàng hoàng, có nhân cách và còn điều kiện thời gian, tim óc, sức khỏe để tu học và hành đạo. Tóm lại, cần giúp con cái hiểu rằng hãy chọn nghề gì để đừng hối tiếc khi đến cuối đời, tuy sống trên đống vàng mà tâm hồn thì buồn đau. Thánh Françoise Xavier từng nhắc nhở:
Dầu cho được cả thế gian này mà đánh mất linh hồn mình thì cũng chẳng ích gì!
6. Cha mẹ hãy có ý thức hướng dẫn con cái chọn bạn đời
Thầy dạy:
Kìa biển hẹn non thề phải dứt,
Dây buộc mình cắt đứt chớ vương.([22])
Có một số trường hợp con cái có đại căn và được Ơn Trên soi sáng để sống theo “ơn gọi”, tức là sẽ chọn đường độc thân hành đạo. Khi ấy cha mẹ nên tạ ơn Trời Phật và phải tích cực ủng hộ con đường lý tưởng cao cả của con cái.
Còn theo lẽ thường, cha mẹ rất cần quan tâm hướng dẫn con cái trong việc yêu đương và kết hôn. Vấn đề đặt ra là người phối ngẫu của con cái mình có cùng đạo Cao Đài như gia đình mình hay không.
Tân luật Cao Đài, nơi phần Thế luật (điều thứ sáu) đã quy định rõ:
Việc hôn ([23]) là việc rất trọng đời người. Phải chọn hôn trong người đồng đạo; trừ ra khi nào người ngoài ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu.”
Thực tế cho thấy, vẫn có không ít trường hợp cha mẹ là chức sắc hay chức việc nhưng con nhà đạo gốc lại kết hôn không theo quy định Tân luật. Hệ quả là có khi con cái phải cải đạo, trở thành tân tòng theo yêu cầu ràng buộc của gia đình người phối ngẫu.
Có khi họ tạm thỏa thuận nguyên tắc “đạo ai nấy giữ” nhưng trong nhà vẫn khó lập Thiên bàn, khi đau yếu, từ trần không được vợ (hay chồng) chấp thuận cho làm các bí tích của Cao Đài. Thậm chí muốn ăn chay cũng không được ủng hộ. Vợ hay chồng muốn đi thánh thất tu học, hành đạo phải lén lút. Sự mâu thuẫn càng căng thẳng, gay go hơn khi hai người có con, và nảy sinh tranh chấp là con cái sẽ theo đạo của cha hay đạo của mẹ. Trong hoàn cảnh ấy, gia đình luôn luôn dễ bị xào xáo vì nội chiến tín ngưỡng.
Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Đức Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh dạy:
Phần nhiều gia đình Thiên phong chức sắc, chức việc, đến hàng đạo hữu, cha mẹ có đạo Cao Đài, con cái lại đi đạo khác, rồi trở về chống đối lại đường lối hành đạo của mẹ cha. Vẫn biết đạo nào cũng quý, cứu cánh cùng rốt cũng như nhau. Điểm đề cập nơi đây là khía cạnh giáo dục của phận làm cha mẹ.” ([24])
Thế nên, khi cha mẹ đưa con cái làm quen với môi trường học đạo tại thánh sở của mình, đó cũng là tạo cơ hội cho con cái sống trong môi trường đạo đức. Con cái mình sinh hoạt thanh niên trong môi trường đồng đạo đương nhiên dễ có điều kiện thuận lợi để quen biết và tìm hiểu nhau. Cha mẹ hai bên lại cùng chung họ đạo, tình đồng đạo khăng khít mà trở thành tình thông gia hòa hảo nữa thì rất hay.
Cha Cao Đài, mẹ Cao Đài, nuôi dạy con cái trở thành tương lai kế truyền Cao Đài. Đó là con đường thế đạo để sau này có thêm những “Cao Đài tử” làm lực lượng kế thừa, làm thế hệ tiếp nối cho nhà đạo. Tân luật quy định:
Phải chọn hôn trong người đồng đạo; trừ ra khi nào người ngoài ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu.”
Cha mẹ nên dành thời gian giải thích cho con cái hiểu rằng điều này không hề mâu thuẫn với tinh thần hòa đồng tôn giáo của đạo Cao Đài. Đồng thời cha mẹ nên giảng cho con cái hiểu về luật nhân quả.
Cá nhân mỗi người sống trên thế gian đều phải trả nghiệp riêng (biệt nghiệp: individual karma), ngoài ra còn phải chịu nghiệp chung (cộng nghiệp: collective karma).([25]) Kết hôn với ai, thì đương nhiên con mình phải gánh vác thêm phần nghiệp riêng của người phối ngẫu và kể cả phần nào nghiệp riêng của gia đình người phối ngẫu.([26])
Do đó, việc kết hôn với người đồng đạo về căn bản là dễ tìm thấy một gia đình đạo đức, ngăn ngừa nội chiến tín ngưỡng trong gia đình sau này. Chia sẻ cộng nghiệp với một gia đình đạo đức đã thọ ơn đại ân xá kỳ Ba dầu sao vẫn tốt hơn là phải gánh chịu cộng nghiệp với một gia đình kém đạo đức.
7. Cha mẹ thường khó hướng dẫn con cái tu học do đó cần nương nhờ ở thánh sở
Do thiếu thời gian, do khả năng diễn đạt hạn chế, do trình độ giáo lý chưa đủ, và cũng có thể do thiếu nhẫn nại, thông thường cha mẹ rất khó có thể tự mình hướng dẫn con cái tu học hiệu quả và trọn vẹn.
Đức Vạn Hạnh Thiền sư nhận xét:
Xưa nay ít có cha mẹ nào bỏ công dạy dỗ con cái của mình cho đến nơi đến chốn.” ([27])
Giải quyết vấn đề này cha mẹ cần nhờ cậy thánh sở. Ngược lại, thánh sở cũng phải ý thức đây là nhiệm vụ đương nhiên để trợ giúp thành viên trong họ đạo của mình. Cha mẹ cần đưa con cái đến thánh sở thì bản thân thánh sở phải chuẩn bị sao cho đủ điều kiện để tiếp nhận các mầm non của đạo.
Đức Lý Giáo tông dạy:
Chư hiền đệ muội luôn luôn ghi nhớ nguyên tắc tre tàn măng mọc và phải có phương pháp nuôi dưỡng lớp măng ấy theo đường lối tổ chức có chuẩn thằng quy củ, theo đường lối chánh đạo trong quyền pháp đạo luật.” ([28])
Đức Lý Giáo tông cũng dạy (1970):
Thánh thất là trường giáo dân. Ngoài chỗ thờ phượng tôn nghiêm đơn giản, nếu mỗi thánh đường dùng mọi trang trí lộng lẫy huy hoàng tôn nghiêm tráng lệ mà chung quanh vùng đó chưa có nhiều người vào đạo, hiểu đạo, thậm chí đến con em trong gia đình hướng đạo cũng không được sự dạy dỗ đạo lý, đó là trái với mục đích mở đạo của Thượng đế Chí tôn.
“Bần đạo muốn thấy mỗi một thánh thất, thánh tịnh ý thức thể hiện được một hình thể tạm gọi là trường giáo dân. Trước nhứt là giáo dục con em trong gia đình đạo hữu để làm đà tiến cho các lãnh vực rộng rãi khác trong khuôn viên đạo đức.”
Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân hay hoàn cảnh khác nhau, vẫn không tránh khỏi có một số thánh sở quá ơ thờ trước trách nhiệm tiếp sức cha mẹ hướng dẫn đạo đức cho lớp măng non.
Đức Linh Quang Thổ địa than thở:
Nhìn thế sự rồi nhìn trong đạo,
Khắp đó đây hoài bão đạo Trời,
Nhưng không mấy chỗ để lời,
Luyện rèn đào tạo lớp người tương lai.
Để khi quý vị chầu Thầy,
Có người kế nghiệp Cao Đài dựng xây.([29])
Hậu quả là con cái được cha mẹ đưa đến thánh sở, nhưng lại chẳng được trang bị vốn liếng đạo lý, và không hiểu biết giáo lý. Nói về thực trạng này, Đức Lý Giáo tông dạy:
Đa số lớp trẻ đi chùa thất tụng kinh làm đám nhưng có ai hỏi tại sao vào đạo thì chúng trả lời mỗi đứa khác nhau.
“Đứa thì vào đạo vì thấy trang lứa muốn vào cho vui. Đứa thì tại cha mẹ bảo không dám cãi. Đứa thì thấy cha mẹ làm thì bắt chước nhưng không biết để làm chi. Đứa thì vì sợ quỷ ma dẫn hồn xuống địa ngục nếu không cầu cạnh với Thiêng liêng. Đứa thì sợ tai bay họa gởi. Đứa muốn được may mắn mọi sự trên đường đời nhờ có công đi chùa thất. Không nghe đứa nào nói đến nhiệm vụ giáo dân vi thiện hay hoàn thiện hóa bản thân, hay nhờ đạo đức hóa mọi nếp sinh hoạt xã hội quốc gia để an bình thạnh trị cho non sông tổ quốc.
“Đừng ai quy lỗi hoặc trách cứ tại sao chúng nghĩ vầy mà không nghĩ vậy. Vì tổ chức từ cấp lãnh đạo tinh thần thiếu sót khiến cha mẹ chúng chẳng có đường lối hoài bão hướng thượng rồi bảo sao chúng lại có được tinh thần ấy.” ([30])
Ngay ngày mới khai Đạo, Đức Chí tôn đã sớm khuyên dạy các bậc hướng đạo phải làm gương đạo đức để hướng dẫn các chơn linh đang là mầm non trong thánh sở, trong gia đình đạo hữu.
Tuy đàn trẻ ấy không phải là huyết nhục, nhưng công đức giáo hóa cho lớp trẻ để tiếp sức với cha mẹ chúng có ý nghĩa và giá trị rất lớn, cũng sánh ngang hàng công sinh đẻ ra các trẻ. Hơn nữa còn là công đức bảo tồn và trưởng dưỡng điểm linh quang trong mỗi trẻ ấy.
Thầy bảo:
Dạy trẻ, con toan trước dạy mình,
Cái công giáo hóa cũng đồng sinh.
Đạo đời tua biết rằng đời trọng,
Một điểm quang minh, một điểm linh.([31])
8. Thay lời kết
Nuôi dạy lớp trẻ nhà đạo không còn là việc riêng của cha mẹ hay thánh sở. Cả hai bên đều phải chung đồng trách nhiệm và nâng đỡ lẫn nhau:
Cha mẹ gởi con đến thánh sở thì thánh sở phải cố gắng sao cho thật sự xứng đáng với lòng tin cậy và kỳ vọng của tín hữu.
Ngược lại, một khi thánh sở đã biết chăm lo mở lớp đào tạo con em trong họ đạo thì cha mẹ phải tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để con cái mình tham gia.
Đức Vạn Hạnh Thiền sư dạy:
Mình đã chọn một con đường đạo lý để đặt đời mình vào đấy thì phải nhớ mà đào tạo đến lớp người khác để có người tiếp nối sự nghiệp đạo lý ấy. Vì đạo pháp là trường lưu mà đời người hữu hạn. Nếu muốn có lớp người kế tiếp sự nghiệp đạo lý, không ai dễ đào tạo hơn là con cái trong gia đình là những mầm non, những hột giống tốt đã thọ lãnh những tư tưởng, những phúc huệ của phụ mẫu ngay từ trong bào thai.([32])
Khai minh Đại đạo Đinh Hợi
24-11-2007

HUỆ KHẢI





[1] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (08-02-1967).
[2] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 18-01 Tân Hợi (13-02-1971).
[3] Minh Lý Thánh hội, 08-5 Quý Sửu (08-6-1973).
[4] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Đinh Mùi (16-11-1967).
Kính thưa quý huynh tỷ,
Trong bài viết này Huệ Khải có mạn phép trích dẫn một số đoạn thánh giáo dạy riêng gia nội quý huynh tỷ. Đáng lẽ thì không được trích. Tuy nhiên, trộm nghĩ không phải ai ai cũng có hồng phúc đón nhận các lời dạy quý báu ấy, và xét thấy những trường hợp cụ thể (người thật việc thật) trong đạo Cao Đài (như được trích dẫn nơi đây) mới đúng là tấm gương có tác dụng giáo huấn rất hiệu quả để cho bổn đạo chúng ta cùng suy gẫm, học mà hành theo đúng lời bảo ban của các Đấng. Xin quý huynh tỷ hoan hỷ lượng thứ việc Huệ Khải trích dẫn. Âu cũng là công quả rất lớn mà gia nội quý huynh tỷ góp phần cho Đạo.
Xin chân thành kỉnh tạ quý huynh tỷ.
[5] Thánh thất Nam Thành, 15-10 Giáp Thìn (18-11-1964).
[6] Minh Lý Thánh hội, 26-02 Ất Mão (07-4-1975).
[7] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Canh Tuất (13-6-1970).
[8] Minh Lý Thánh hội, 08-12 Đinh Mùi (07-01-1968).
[9] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Bính Ngọ (26-11-1966).
[10] Báo Ân Từ, 02-02 Đinh Hợi (22-02-1947).
[11] Câu này mượn trong Hiếu kinh 孝經: “Lập thân hành đạo, nêu danh hậu thế, để rạng rỡ mẹ cha, đó là điều sau cùng của đạo hiếu.” 立身行道, 揚名於, 以顯父母, 孝之終也. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã.
[12] Độc thiện kỳ thân 獨善其身: Chỉ lo cho riêng bản thân mình được tốt lành mà thôi.
[13] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 10-02 Nhâm Tý (24-3-1972).
[14] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 15-12 Giáp Dần (26-01-1975).
[15] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01-4 Kỷ Dậu (16-5-1969).
[16] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 23-12 Kỷ Dậu (30-01-1970).
[17] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 01-5 Đinh Tỵ (17-6-1977).
[18] Thanh Liên Đàn, 14-12 Giáp Thìn (16-01-1965).
[19] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Mậu Thân (04-12-1968).
[20] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974).
[21] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-7 Mậu Thân (07-9-1968).
[22] Đại thừa chơn giáo (Sài Gòn 1950, tr. 202).
[23] Hôn : Cưới vợ hoặc lấy chồng.
[24] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Kỷ Dậu (03-3-1969).
[25] Xem bài Luật nhân quả theo giáo lý Cao Đài, tr. 21.
[26] Xem thêm tự thuật của tiền bối Huệ Lương, tr. 49.
[27] Minh Lý Thánh hội, 06-10 Kỷ Dậu (15-11-1969).
[28] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Kỷ Dậu (02-3-1969).
[29] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, 18-01 Tân Hợi (13-02-1971).
[30] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Kỷ Dậu (02-3-1969).
[31] Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển I, 1964, tr. 10.
[32] Minh Lý Thánh hội, 06-10 Kỷ Dậu (15-11-1969).