Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

2 GIAO CẢM (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)


GIAO CẢM
Còn nhớ, trung tuần tháng 5-2013, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo được cơ duyên hội ngộ lần thứ nhì với độc giả đạo hữu miền Trung tại Trung Hưng Bửu Tòa, tiếp theo là một số thánh thất thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Những hội ngộ chứa chan tình cảm đó được ghi lại thành tập Trung Du Hành Đạo, quyển 68-1.
Đặc biệt, trong phần trao đổi tại Trung Hưng Bửu Tòa, một hiền tỷ nêu ý kiến: Ngoài loại sách nghiên cứu giáo lý, lịch sử Đạo thì Chương Trình Chung Tay Ấn Tống nên in thêm các sách có nội dung “nhẹ nhàng” hơn, chất nghiên cứu “loãng” hơn, ngõ hầu thành phần trẻ tuổi trong gia đình tín hữu dễ đọc.
Đó là ý kiến thật hay. Nếu thực hiện tốt, sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống có thể sẽ là sách chung cho nhiều lứa tuổi trong gia đình tín hữu. Bởi thế, chín năm qua, Chương Trình còn in vài “truyện tranh”, in Đại Đạo Văn Uyển đều đặn mỗi quý (Hà Nội: nhà xuất bản Tôn Giáo), và từng bước gầy dựng Tủ Sách Văn Học Cao Đài.
Dĩ nhiên, các cố gắng ấy hãy còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được mong đợi của đạo hữu, nhất là những vị hằng thiết tha với văn hóa Cao Đài. Chương 64 Đạo Đức Kinh có câu: Cây to một ôm sanh từ gốc nhỏ xíu; đài cao chín tầng khởi từ mô đất con; hành trình ngàn dặm bắt đầu dưới chân. (Hợp bão chi mộc, sanh ư hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi ư lũy thổ. Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ.) Bởi vậy, chúng ta cần kiên trì, cần thêm thời gian, cần thêm nhiều khối óc, tài năng và tâm huyết quy tụ từ các cộng đồng áo trắng.
Tập sách Mỏng Mảnh Tơ Trời này là để thêm một nhích chân cho hành trình ngàn dặm ấy, để thêm một hạt cát cho chín tầng đài cao ấy, như lời Đức Lão Tử ví von bóng bảy.
Trong mười năm liên tục cộng tác với báo Công Giáo Và Dân Tộc, mỗi tuần tôi viết một mẩu ngăn ngắn cho mục Góc Nhà. Viết gì cũng được, tờ báo đạo này không chút ràng buộc. Nhờ thế, sau một thời gian, tôi kết tập dần dần những bài hầu như có chung chủ đề, và các quyển Bắc Cầu Tâm Linh, Dưới Mái Đạo Viện, Hòa Điệu Liên Tôn, Nẻo Về Tâm Linh, Ngọn Nến Nào Không Tắt, Nhịp Cầu Tương Tri nối tiếp ra đời. Rồi giờ đây là Mỏng Mảnh Tơ Trời.
Suy ra, viết báo đều đặn có lẽ là một cách khá hay để tích lũy bài vở cho một tập sách. Bằng chứng nhãn tiền là qua Đại Đạo Văn Uyển, nhiều thơ văn của một số đạo hữu chúng ta đã được Chương Trình Chung Tay Ấn Tống kết tập thành sách. Thế nên tôi dặn lòng phải duy trì Văn Uyển, để tạo một sân chơi văn học của anh chị em áo trắng chúng ta.
Trở lại với Mỏng Mảnh Tơ Trời. Sáu mươi bài báo hằng tuần mà hôm nay gom góp nơi đây tợ như những mảnh vụn nhiều màu sắc, phần lớn mang hơi hướm tùy bút, hiểu theo nghĩa là ghi chép một cách không gò bó mấy cảm nghĩ lụn vụn của người viết, nảy sinh từ cuộc sống đời thường, gợi hứng từ gia đình, trường học, bằng hữu, trang sách, tờ báo, bức tranh, tấm ảnh...
Bởi thế, tất cả những ghi chép trong sáu mươi mẩu ngắn dài chẳng đồng đều này hầu như có một điểm chung là không dính líu gì tới chuyện đạo. Nhưng đạo ở đâu, đời ở đâu nhỉ? Tại thánh thất Bình Hòa (Gia Định), ngày 01-10-1967, Đức Cao Triều Phát dạy:
“Ai lại không sống không ăn, không mặc không ở. Ai lại không có gia đình kế tự. Nhưng sự ăn mặc, ở và xây dựng gia đình theo nếp sống hiền lương đạo đức, thanh cao trong sạch. Lúc bấy giờ người đời là đạo, đời đạo đi đôi, chớ nào ai phân tách hai lối, hai phương cách biệt.”
Tủ Sách Văn Học Cao Đài được gầy dựng theo ý chỉ đó. Và thêm một lần nữa mà vẫn không bao giờ là đủ, tôi xin chắp tay tạ ơn tất cả quý vị Mạnh Thường Quân đáng kính luôn luôn hào sảng trợ duyên cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, chắp cánh cho chúng tôi với hoài bão định hình diện mạo văn hóa Cao Đài.
Cầu xin Thầy giúp chúng con được nên trong ý Thầy.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Huệ Khải

Nắng tháng Tư, hai ngàn mười bảy