21. HỒN THƠ XỨ BIỂN
Tưởng
nhớ Từ Thế Mộng (1937-2007)
Ngồi xe
suốt tuyến đường Phan Thiết về Sài Gòn, lại mang trong mình căn bệnh đeo đẳng
nhiều năm, ông bạn quên tuổi của anh tất nhiên mệt lắm. Lâu rồi mới vô Nam mà chẳng
được nán thêm một bữa để còn gặp nhau, phải vội về ngay, nào kịp dưỡng sức cho
thân xác đỡ rêm nhức, bớt ê ẩm sau cuộc hành trình ngót nghét hai trăm cây số.
Anh tiếc ngẩn ngơ khi buổi tối cầm trên tay quyển thơ ông bạn nhờ chuyển lại.
Hai năm
trước, thơ Trường Ca Má Thương Yêu in
ở Bình Thuận. Và cuối tháng Ba này Thơ Từ
Thế Mộng vừa xong ở Sài Gòn. In thật gấp mà kỹ càng, đẹp đẽ, sang trọng từ
ruột tới bìa, từ lời thơ cho tới biết bao nghĩa tình kết tụ để quyển thơ vuông
vắn (17x17cm) sớm hình thành. Phải, quyển thơ thứ năm in riêng này chính là tấm
lòng của chị Bích Ngân ở nhà xuất bản Văn Nghệ, của họa sĩ Lê Ký Thương chăm
chút trình bày, của người con gái hiếu thảo làm món quà gởi đấng sinh thành cao
tuổi. Không chừng chị ấy chính là người mà bạn anh tha thiết: Con và ba như hai giọt nước / Nghiêng bên
nào cũng thấy long lanh!
Thơ bạn
anh phảng phất mùi biển và không thiếu hơi hướm những dáng dấp yêu kiều làm đắm
đuối kẻ tự nhận mình mê gái lẫn mê thơ. Con người hồn hậu, vui tánh nên lục bát
cũng tinh nghịch, hồn nhiên: Nhỏ ơi đừng
xõa tóc thề / Kẻo anh lạc giữa bốn bề gió lên! . . . Anh ơi đừng nhíu lông mày
/ Đừng xao xác ngó mà trầy trụa em! Dẫu thế, lục bát bạn anh vẫn dung dị,
lãng mạn như ca dao từ thuở: Tóc thề chớm
tới vai thôi / Mà sao em buộc lòng tôi thế này…
Một hồn
thơ giàu tình cảm, lắm yêu người thì đố sao khỏi trĩu lòng nhớ nghĩ hữu bằng
viễn xứ: Trời đang lạnh gắt ở phương xa /
Rượu nốc không nguôi nỗi nhớ nhà / Lạnh lắm mày đừng xương cốt rụi / Kẻo chìm
đáy cốc một mình ta! Không phải tứ tuyệt, vậy mà khổ thơ ấy tuôn về anh cái
man mác bao la của Đường thi sầu vạn cổ.
Quyển
thơ tạm gấp lại nhưng lòng thơ xứ biển vẫn mở rộng cho kẻ nhận thơ: “Bản tặng Lê Anh Dũng / Vừa gặp đã muốn là
tri âm nhưng mãi vẫn không gặp. Đành làm tri âm… từ xa vậy, nghe Dũng!” Anh
bùi ngùi nhìn thật lâu nét chữ bay bướm ở trang đầu quyển thơ, ước ao giá như
lúc này có ông bạn một bên, cùng sẻ chia chén rượu.
30-3-2007
22. KẺ
CHỐNG NGƯỜI CHÈO
Anh đặt mua mỗi ngày
hai nhật báo, đều in và phát hành tại thành phố. Khi xong buổi ăn sáng, cốc cà
phê và ấm trà con đã sẵn, anh bê ra góc sân, cạnh vài chậu kiểng nhỏ cốt tạo
một rẻo xanh xanh cho cuộc sống thị thành. Thế rồi, vừa độc ẩm anh vừa lật
nhanh các trang báo.
Nhiều hôm cả hai tờ
báo khá dày dặn mà chỉ loáng một cái là lướt xong qua hết các trang. Ấm trà
chưa kịp cạn. Những lúc ấy, xếp lại tờ báo bỏ sang một bên, anh thoáng cảm thấy
chút áy náy. Mỗi ngày làm ra một tờ báo hơn chục trang như thế, là công sức và
trí não của bao nhiêu người góp vào. Anh tự xét thời gian mình bỏ ra đọc không
tương xứng với thời gian để tờ báo được hình thành và được mang tới tận cửa nhà
anh mỗi sáng. Nhưng biết sao được. Người phương Tây đẻ ra nhật báo và dường như
chính họ cũng dạy rằng mua báo là để đọc nhanh, rồi bỏ.
Vậy mà không phải
lúc nào cũng có thể đọc nhanh rồi bỏ. Những hôm có nhiều tin tức về các vụ tham
nhũng cứ mãi xử lý nhùng nhằng như miếng gân gà của Tào Tháo là những hôm phải
mất nhiều thời gian hơn, để rồi sau đó lòng anh nặng nề hơn với nỗi chán chường
khi thấy lòng tin của mình lâu nay vốn đã lắm xói mòn lại càng bị khoét sâu
thêm hơn nữa. Những lúc ấy, anh hay nhớ tới hai câu thơ của Ưng Bình Thúc Giạ
Thị (1877-1961): Cảm thương
danh lợi cả hai thằng, / Kẻ chống người chèo bộ xí xăng.
Anh thử hình dung
cái bộ vó của “cả hai thằng” đó, tự hỏi nó tệ cỡ nào mà lão thi nhân đất Thần
Kinh bảo là “xí xăng”. Có lần thử tra từ điển nhưng anh không tìm thấy nghĩa,
bèn đoán là tiếng địa phương, và tưởng tượng rằng cái kẻ có bộ vó xí xăng thì
hẳn đáng cười lắm, đáng khinh lắm. Rồi anh nghĩ tới thân phận kẻ tham nhũng,
thấy họ đều là người quyền chức. Quyền càng cao và chức càng trọng thì càng
tham nhũng lớn và phải thật lâu dài mới đổ bể. Sao họ “tài” thế nhỉ? Bởi vì họ
khéo chèo khéo chống chăng? Thế rồi, anh lẩn thẩn sửa thơ cổ nhân mà không xin
phép: Cảm thương quyền chức cả hai thằng,
/ Kẻ chống người chèo bộ xí xăng.
Cái hình ảnh ấy sống
động quá. Mà cũng ngán ngẫm quá.
28-10-2006
23. KHÁCH Ở QUÊ LÊN
Không
hẹn mà có khách miền Tây lên, ghé chơi một buổi. Bữa cơm, ngồi chung bàn, bọn
trẻ ngạc nhiên, lạ lẫm nhìn khách mặc bộ bà ba trắng hơi ngả vàng, như muốn
tiệp màu với đầu tóc búi tó và chòm râu thưa dưới cằm.
Ngồi
ngay ngắn, khách so đũa gác ngang qua miệng chén cơm, hai tay kính cẩn nâng lên
trán, miệng lầm thầm. Đặt chén cơm xuống bàn, hai bàn tay khum khum cầm giữa
đôi đũa như hai nén nhang để nằm ngang, khách từ tốn xá xá ba lượt rồi mới nâng
chén, thủng thẳng và một miếng cơm...
Buổi tối, anh lựa lời giảng giải cho bọn trẻ hiểu nghi thức mở đầu bữa
cơm của khách. Anh nhớ mang máng có một sách nói về những lưu dân Nam tiến mở cõi
ngày xưa, và tập tục ông bà thuở trước mỗi khi được bỏ vào miệng hạt ngọc trắng
ngần lại thầm nguyện tạ ơn những người vô danh khai hoang trồng cấy...
Rồi anh chợt nhớ. Lâu nay bọn trẻ ngồi vào bàn là tự nhiên quơ đũa, cầm
chén. Trẻ chỉ biết gạo bán sẵn ở chợ, không hình dung được từ đồng ruộng bùn
lầy đến chén cơm nóng dẻo là biết bao công phu nhọc nhằn và lo toan bất trắc
của người làm ra hạt lúa.
Anh lại liên tưởng những miếng cơm đôi khi trẻ bỏ mứa, nhớ một vài lần
ngồi trong nhà hàng sang trọng, bàn tiệc ê hề mà chẳng ai muốn động đũa... Và
chả hiểu ma quỷ gì xui khiến, bỗng dưng anh nghĩ quàng tới người ăn nhờ sông
biển mà lạnh lùng tàn phá biển sông, kẻ ăn nhờ núi rừng mà thản nhiên hủy diệt
rừng núi. Giữa ngần ấy thứ, chẳng rõ có mối liên hệ nào không?
27-4-1999
24. KHÁCH THƯ VIỆN
Ở một trường đại học lớn trong thành phố, thư viện rất đầy đủ các tiện
nghi vật chất hiện đại và khá phong phú sách tham khảo, đặc biệt là những sách
quý, rất cập nhật và đắt tiền. Nhà trường chu đáo chia ra hai cấp: thư viện đại
học và thư viện sau đại học.
Chẳng hề dính dáng đề tài luận văn, luận án như người khác, nhưng anh hay
ghé thư viện sau đại học. Đơn giản vì ở đây có những bộ bách khoa từ điển danh
tiếng, được đặt mua từ nước ngoài, đều là ấn bản mới nhất. Anh được rớ đến Compton (Mỹ) rồi Britannica (Anh) ngay khi hai bộ bách khoa vài chục quyển dày cộm
vừa được bày lên kệ, choán hẳn một ngăn rộng.
Ở nhà dễ gì có được loại tri thức tuyệt vời này. Thích nhất là cái thú
khi nâng niu từng cuốn nặng dày trên tay, vuốt ve từng trang giấy trắng mỏng
dính mà dai bền, chi chít chữ in sắc sảo. Thế nên, hễ cần tra cứu cho một trang
viết, anh lại ghé vào với Compton
và Britannica, để đuợc thỏa mãn với những giải đáp khoa học thâm sâu và khả
tín.
Mới rồi tình cờ truy tìm hai quyển trong bộ Britannica, anh ngỡ ngàng
thấy ai đó đã làm nhàu nát cả nhiều trang liên tiếp. Chưa rách, nhưng không làm
sao vuốt thẳng thớm trở lại. Hai quyển sách còn mới tinh trông cứ như bị thương
tật. Mang vật chứng ra bàn thủ thư, anh nhìn cô, cả hai cười buồn. Khách ở thư
viện, ai lại nỡ thế nhỉ?
16-9-1999
25. KHÔNG CHỈ LÀ THƠ
Khoảng giữa những năm chín mươi thế kỷ trước, không nhớ rõ nhờ cơ duyên
nào tôi hạnh ngộ nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Nữ sĩ khoáng đạt nên khoảng cách tuổi
tác giữa chốn nhân gian khấp khểnh được quẳng vèo vào mênh mông sa mù của ba
ngàn thế giới, và tôi gọi con người tài hoa này là chị với tình thân kính.
Gặp chị và bảo hạnh ngộ thì phải đâu là sểnh bước hụt chân mà lọt nẻo mòn
hoa ngôn hay mỹ từ ước lệ. Bởi lẽ, trò chuyện với chị là được nghe thơ, những
vần thơ dung dị trong sáng, đẹp tươi như tâm hồn tươi đẹp và giọng cười ròn
trong trẻo của người thơ đất Thần Kinh.
Ghé nhà chị trong một ngõ ở quận Ba là bước vào cõi riêng tao nhã của hoa
lan, của thư pháp, của hoành phi đối liễn. Dư hương vương giả hòa quyện với đạm
vị Nho phong. Trong cõi riêng ấy còn có anh Bá Thùy, người bạn đời tri kỷ của
chị, lúc nào cũng lịch thiệp ân cần, để cùng với chị kín đáo trao gởi một lời
xác tín cho những ai hoài nghi về hai chữ hạnh phúc.
Đọc Hồi Ức Về Cha Tôi: Ưng Bình
Thúc Giạ Thị (nhà xuất bản Văn Nghệ, 1996), xúc động vì những mảnh đời
thường của cụ Ưng Bình được người con gái hiếu thảo ghi chép bằng tấm lòng
thương nhớ thấm đẫm lời văn tiếng thơ, tôi viết một bài ngắn đăng tuần báo Giác Ngộ. Để chia sẻ và đáp tạ chị tặng
sách.
Cuối tháng Tám 1997, Huế kỷ niệm một trăm hai mươi năm ngày sinh nhà thơ
Ưng Bình. Chị hỏi tôi có thể ra cố đô chăng. Thích lắm mà nào đi được, tôi chỉ
kịp gởi khoảng hai ngàn từ để góp lời với cuộc hội thảo trên sông Hương. Bài Ý Vị Cư Trần Bất Nhiễm Trong Thơ Ưng Bình
Thúc Giạ Thị sau đó đăng một tạp chí ở Huế và in lại trong một hiệp tuyển
của tạp chí ấy (nay tên là Nghiên Cứu Và
Phát Triển).
Có thơ in mới hay tái bản, chị đều nhớ tôi và lại mất công anh Bá Thùy
mang đến tận nhà. Chiều Chủ Nhật vừa qua, từ một họ đạo mộc mạc ở làng Long An
trở về, tôi thấy trên bàn viết thêm một tập thơ chị tặng.
Mỗi ngày thương Mẹ nhiều hơn,
Nghĩ xa xôi nỗi tủi buồn càng sâu!
Lại mong xin, lại nguyện cầu,
Sao cho Mẹ sống dài lâu với mình.
(Trái Gió Trở Trời)
Mẹ đã xa rồi – Mẹ đã xa,
Từ bình minh đến ánh dương tà.
Chập chờn hình ảnh … bao thương nhớ!
Lẩn quẩn trông chừng … lúc lại qua …
(Mẹ Đã Xa Rồi)
Nhớ những chiều mưa trên đất Huế,
Khi Cha còn sống vẫn cùng con …
Bên lò sưởi ấm Cha thường kể:
Câu chuyện tâm tình, chuyện nước non.
. . .
Chiều nay đất khách nhớ quê hương,
Nhớ nắng hàng cau với cảnh vườn.
Nhớ nẻo đường về thôn Vĩ Dạ,
Nhớ chiều thu quạnh lúc tà dương.
(Chiều Mưa Nhớ Nhà)
Tôi lần giở từng trang Thơ Dâng Cha
Mẹ (nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn). Ấn phẩm mỹ miều, sang trọng này là món
quà chị gởi mười phương trong mùa báo hiếu.
Vâng, quả thật đây không chỉ là thơ… Xin cảm ơn chị Tôn Nữ Hỷ Khương.
18-9-2007
26. KHÚC TRI ÂM
Chị sáng tác từ năm 1959, có thơ đăng báo ở Huế
và Sài Gòn. Năm năm sau chị in tập thơ đầu tay − Đợi Mùa Trăng. Các tập thơ khác lần lượt ra đời. Không kể tập văn
xuôi hồi ức về người cha thân yêu, tri kỷ (Ưng Bình Thúc Giạ Thị), tới năm 2007
chị in được tám tập thơ. Trong đó tái bản vài lần là tập thơ Hãy Cho Nhau, vốn được rất nhiều người
ưa thích.
Những năm gần đây, thơ chị xuất hiện nhiều trên
lịch, trên tre trúc, trên lụa, trên đá… với đủ nét thư pháp tiếng Việt khác
nhau. Có những câu mau chóng đi vào dân gian, thành thử lắm khi người ta quên
luôn tên chị mà chỉ nhớ thơ vì thích yêu, tán thưởng:
Còn gặp
nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời
như nước chảy hoa trôi
Lợi danh
như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình
thương để lại đời…
Chả trách tháng 11 năm 2007, một ông thầy thuốc
làm thơ nói rằng thơ chị có lẽ đã trở thành ca dao mất rồi.
Nhiều người yêu thơ chị rồi làm quen. Người thơ
quá khả ái, nên bạn thơ gần xa không kể xiết. Với ai trước sau chị vẫn chỉ một
tấm lòng, y hệt như thơ chị:
Còn gặp
nhau thì hãy cứ thương
Tình
người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu
một chút tình thương mến
Cho khắp
muôn phương vạn nẻo đường
Đầu xuân này chị in tập Khúc Tri Âm (nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn), và chị để dành vợ chồng
tôi một bản đẹp.
Dày hơn ba trăm trang giấy couché, nhiều ảnh
màu và thư pháp, tập sách trĩu nặng tình thương mến đằm thắm của đông đảo văn
nghệ sĩ, nhà tu, nhà giáo, và nhiều giới khác nhau trong xã hội dành cho chị.
Nhiều tên tuổi lẫy lừng và không ít tính danh dường như mới mẻ. Nhưng chung
nhất một điều, ấy là những câu thơ từ trái tim mà mọi người ân cần tặng chị,
trân trọng trao gởi chị. Và chị đã nâng niu, gìn giữ tất cả những tình cao ý
đẹp ấy trong suốt đời mình, để rồi xuân này chị tập hợp lại, và quyển sách mỹ
miều in ra, gọi là “Thơ bằng hữu và độc
giả đề tặng Tôn Nữ Hỷ Khương”.
Nữ sĩ Vân Nương dường như đã nói giúp chị về
tập Khúc Tri Âm:
Ta gom tất
cả vào tâm tưởng
Để sáng
niềm tin giữa cảm thông
Còn chị? Chị vẫn mãi là một Hỷ Khương giản dị,
chân tình, hồn hậu:
Cảm lời ai
nét ngọc vàng
Tạ tình ai
gấm thêu hàng tặng trao
Duyên thơ
đầm ấm ngọt ngào
Khúc Tri Âm
đó phổ vào đàn tâm
Chị Hỷ Khương ơi! Đời thơ của chị vốn đã là hy
hữu giữa đời thường, và Khúc Tri Âm này hồ dễ mấy ai cũng được như thế?
02-3-2010
27. LẮNG ĐỌNG
Gởi Phạm Tôn
Má tôi đau. Suốt một tháng lần lượt nằm chữa
trị ở ba bệnh viện. Cuối cùng thì vượt qua được cơn tai biến nhồi máu não và đã
trở về nhà an dưỡng. Bây giờ vẫn chưa thể rời giường, vẫn phải theo dõi, chăm
sóc kỹ và kết hợp vật lý trị liệu hàng ngày. Nhưng vậy là phước lành lắm rồi,
là mừng lắm rồi.
Những ngày còn ở trong bệnh viện 115 chăm sóc
má, tôi bất ngờ nhận được sách biếu qua đường bưu điện. Không khỏi cảm thấy có
lỗi vì hơn một năm qua chẳng liên lạc với người gởi sách. Bèn “a lô” một cái.
Ông vui vẻ trả lời, câu chuyện giòn giã khiến tôi nhẹ lòng. Ông khoe đã thoát
được căn bệnh hiểm nghèo, bây giờ sức khỏe ổn định và ông đang tận dụng thời
gian vàng ngọc còn có được để tập trung làm nốt những việc mà ông cho là phải
đạo, như tham gia làm từ thiện và hàng tuần nuôi dưỡng trang blog cá nhân để
truyền tải những thông tin đúng đắn về ông ngoại, một nhân vật lịch sử. Nghe
chuyện tôi mừng.
Phạm Quỳnh
Phạm Quỳnh
– Con Người Và Thời Gian (nhà xuất bản Thanh Niên). Tôi đọc đứt quãng
trong những tối thao thức nằm ghế bố cạnh giường má trong bệnh viện 115. Dẫu
không thể đọc một mạch nhưng vẫn hân thưởng được thuật kể chuyện duyên dáng,
lôi cuốn của Khúc Hà Linh. Số phận một con người tài hoa, ẩn tình một nhà văn
hóa mệnh bạc vốn chịu nhiều búa rìu thị phi suốt một thời gian dài nay được nhà
văn đất Hải Dương lần lượt dàn trải trong khoảng 180 trang sách. Tấm lòng người
viết đượm trong từng con chữ chiêu tuyết cho Phạm tiền bối, cũng quê xứ Hải
Dương. Thời gian đã công bằng với một nhân vật lịch sử. Nghĩ thật đáng mừng.
Gấp quyển sách lại, tôi không khỏi nhớ nghĩ đến
một số nhân vật lịch sử khác. Trong khoảng mười mấy năm qua, các vị cũng đã
được trả lại tuổi tên. Thời gian quả thật rất mầu nhiệm. Đây là niềm tin mà
mười lăm năm trước, trên bìa lưng một cuốn sử Cao Đài, tôi từng bày tỏ: “Có những vấn đề lịch sử phải kiên nhẫn đợi
đến khi dòng thời gian trôi qua rồi, đợi đến khi con người lịch sử đã về với
cõi vĩnh hằng, đợi đến khi mọi cặn cáu của dư luận, thành kiến và kỳ thị đã
lắng đọng vào dĩ vãng, nằm im dưới đáy nước trong trẻo của chân lý bất biến, lúc
bấy giờ con người mới có thể vô tư nhìn lại lịch sử và hiểu được phần nào tâm
tư cùng can tràng những người thiên cổ.”
Bây giờ tôi vẫn vững tin như vậy.
22-6-2010
28. LẺ BẠN
Sân đình rộng, râm mát nhờ tàn đa cổ thụ xanh
um. Không nhằm dịp tế lễ, ngày thường chẳng ai vãng lai, trừ mấy người nhàn nhã
lớn tuổi thích ghé vào hưởng chút không khí tĩnh mịch hiếm hoi trong thành phố
chật chội. Ông từ mượn một rẻo đất nhỏ trong sân đình làm quán cà phê bình dân
với vài cái bàn, ghế thấp lè tè. Loại bàn ghế nhựa, có thể xếp chồng cái này
lên cái kia rất gọn nhẹ. Cà phê không ngon và trà chẳng hơn gì, nhưng khách
hàng của ông từ không ai kén chọn. Kêu ly cà phê đen kèm bình trà chỉ như cái
cớ để thuê một chỗ ngồi rẻ tiền.
Ông giáo bạn anh nghỉ hưu, nhà bên cạnh đình.
Những khi anh ghé chơi bạn già lại kéo ra đó. Lâu ngày hóa quen, lúc vắng khách
ông từ cũng ráp vô ngồi bộ ba. Kẻ điếu cày, người thuốc lá. Đủ chuyện đầu Ngô
mình Sở.
Anh thích tán gẫu với ông từ. Trong câu chuyện
tào lao ông có thể vô tình chỉ giáo cho anh đôi điều thú vị. Nói theo thời
thượng, ông có thể cung cấp ít nhiều thông tin hữu ích. Bạn anh là con mọt
sách, có đủ tư liệu trong đầu để đối đáp, tung hứng với ông từ. Riêng anh hơi
lép vế, biết thân biết phận nên thường làm kẻ lắng nghe.
Hôm nay chẳng hạn. Trưa vắng khách, cả ba tụm
một bàn. Anh nhìn ra giữa sân đình, chỗ cột cờ thấy tươm tất hơn mọi khi. Cái
vòng tròn xây gạch, tô xi măng bao quanh chân cột cờ đã được quét vôi trắng.
Bên trong kiểng mọc tươi tốt, tỏ ra được chăm sóc. Thấy anh chú ý đám kiểng,
ông từ hỏi: “Ông giáo biết tên nó chớ?”
Thân kiểng thấp, lá mọc gần sát đất. Những bẹ lá thuôn
dài, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu tía. Anh nói: “Lẻ bạn, phải không?” Ông từ
gật gù, nhưng kiểu ông cười cười làm anh chột dạ. Xưa nay rất dốt thực vật học,
anh nghĩ bụng: Chắc mình lầm.
Bạn anh chen vô: “Ăng-lê kêu nó là
gì, biết không?” Cái kiểu dạy tiếng Anh thực dụng kiếm cơm bấy lâu như anh
không giúp ích ở đây. Anh muốn bắt chước lối nói các cô đương thời: “Biết chết
liền!” Nhưng cười trừ. Bạn đáp luôn: “Oyster
herb, hay là oyster plant.” Như
thói thường những kẻ muốn gỡ thể diện, anh vớt vát: “À, oyster là con sò. Mà lá mọc chỉa lên thế kia, có giống con sò, con
trai đâu?”
Bạn bước ra bồn kiểng, săm soi một
lúc rồi trở lại bàn với đoạn kiểng ngắn đã trổ bông. Mấy bông be bé, trắng
muốt, mọc ở nách lá, có hai lá màu tía úp bên ngoài, như hai miếng mo. Tưởng
tượng thêm chút nữa thì thấy giống hai vỏ sò.
Con mọt sách thủng thẳng nói: “Giống
này nghe đâu tận bên Trung Mỹ. Tên khoa học là Rhoeo-spathacea.
Cũng là vị thuốc. Ông bà mình hồi xưa kêu là bông lão bạng. Lão bạng là con
trai già. Trai già tuổi thì cho ngọc, nên sách bảo ‘Lão bạng sanh châu’. Ông
xem mấy cái bông trắng có giống hột ngọc trai ngậm giữa hai lớp vỏ tím đỏ
không?”
Anh chợt nhớ, bèn phụ họa: “Người già rồi mới có con nối dõi cũng là lão
bạng sanh châu.” Ông từ cười hà hà: “Đúng quá! Nhưng… già cu ky một thân như
tôi sao dám mong ước lão bạng sanh châu. Tôi thích tên lẻ bạn hơn. Nó lãng mạn
và hợp với tôi hơn.”
24-12-2008
29. LỜI QUẠT Ý TRANH
Tranh
quạt là tranh vẽ trên quạt xếp, nan tre, giấy bồi dày dặn. Có khi dùng lụa thay
giấy. Quạt vẽ tranh thường khá lớn. Khi xếp lại, từ gờ bìa giấy đến chót đuôi
nan nhiều cái dài hơn tám tấc. Như vậy, lúc xòe ra hết, treo trên tường để
trang trí, quạt mở thành một vòng cung với đường kính hơn thước rưỡi.
Đề tài tranh quạt có thể mang dáng dấp Nhật Bản, nhưng hầu hết vẫn noi
theo truyền thống thủy mặc Trung Hoa: mẫu đơn, cúc đào, mai trúc, tùng hạc, đàn
ngựa... Có khi là phong cảnh: non núi, suối khe, điểm xuyết mái chùa nhỏ cong
cong... Tranh quạt do người Việt làm hiện nay có chút biến tấu: thôn quê Việt Nam hoặc một
thắng cảnh trên ba miền đất nước. Tranh quạt còn kèm thêm vài nét chữ Nho viết
thảo và triện son. Thư, họa, ấn xưa nay vẫn là ba người bạn đồng hành.
Họa phẩm trên quạt ngoài công dụng trang trí lại còn là một lời chúc. Vẽ
quả đào, ngụ ý chúc trường thọ; có câu Đào
hiến thiên xuân (đào đem tặng, tăng thêm ngàn tuổi). Vẽ trái lựu đã bóc một
bên vỏ, lộ ra nhiều hạt nhỏ, là chúc gia tộc đông con nhiều cháu nối dòng, do
câu Lựu khai bách tử (lựu nở trăm
hạt) và bách tử hàm nghĩa trăm con. Vẽ cành tùng và chim hạc, cũng là chúc thọ,
vì tùng và hạc đều sống lâu (Tùng hạc
diên niên: tùng hạc kéo dài tuổi). Vẽ hoa mẫu đơn tượng trưng phú quý, hoa
cúc, hoa sen tượng trưng cho bền vững, lâu dài. Vẽ cá là chúc dư dật, sung túc
vì ngư (cá) và dư (dư dật) đều đọc là dủy
[yú]...
Treo tranh quạt còn nhằm một ẩn ý sâu sắc. Tiếng Hán, quạt là phiến,
giọng Bắc Kinh đọc là sán [shàn],
đồng âm với từ thiện (thiện hảo, tốt
lành). Treo quạt trong nhà là mong ước cho mình mọi sự tốt lành. Tặng ai tranh
quạt là cầu chúc gia đình người ấy những điều thiện hảo.
08-01-1999
30. MÂM CƠM GIA
ĐÌNH ẢO
Ngoài bát tuần, lẻ
loi từ ngày bạn đời khuất bóng, con cái tứ tán, bữa ăn quạnh quẽ của ông lão Harvey Bumpus ở thành phố Chicago luôn sơ sài, chỉ
qua quít cho xong. Tưởng rằng ông chẳng còn sự chọn lựa nào khác hơn, thế nhưng
mới đây cánh tay công nghệ cao đã vươn dài hơn, vói xa hơn, để chạm tới tận
những khoảng trống vắng đời riêng của không ít người cùng hoàn cảnh xế chiều
đơn chiếc như ông.
Với tên gọi “Bữa cơm
tối gia đình ảo”, sản phẩm của công ty Accenture bên Mỹ không che đậy tham vọng
kiếm tiền bằng cách kinh doanh nỗi cô đơn của những người già lẻ bóng. Công ty
dùng loa, camera, và màn hình rộng để giúp hai người ăn cơm tối một mình ở hai
nơi xa tít vẫn có thể nhìn thấy nhau, trò chuyện với nhau như thể đang đối diện
cận kề và cùng sẻ chia một mâm cơm gia đình ấm cúng.
Trên trang báo khổ
lớn, mẩu tin ấy dẫu có kèm ảnh minh họa của hãng tin AP chỉ chiếm một góc nhỏ
khiêm tốn, rất dễ bị lẩn khuất giữa những bản tin nhiều cột chứa mấy con số
tổng kết thành tựu và chỉ tiêu kế hoạch về mức tăng trưởng kinh tế. Phải, những
ngày này thời sự luôn nhắc tới tăng trưởng, tới GDP, tới những số tiền triệu
hay tỷ Mỹ kim rất đỗi hoành tráng. Âu cũng là lẽ thường trong mọi nỗ lực thoát
nghèo của bất kỳ xã hội nào.
Ừ, rồi thì dân mình
sẽ giàu lên, nhanh hay chậm. Giàu bằng một tỷ lệ nào đó so với cái lãnh thổ mà
Accenture đang đặt đại bản doanh. Và bấy giờ những tâm hồn cô đơn sẽ dùng của
cải sung túc để mua một chút hạnh phúc hư ảo nhằm đánh lừa nỗi trống trải có
thật. Hình ảnh ấy chỉ mới là tưởng tượng mà sao mỉa mai quá.
Không thấy ai bận
tâm đặt ra một chỉ tiêu hạnh phúc bền vững cho cuộc sống con người nhỉ? Bởi lẽ
hạnh phúc chỉ đúng nghĩa là hạnh phúc khi nào nó ở ngoài tầm tay của mình
chăng? Ta hoặc đuổi bắt nó, hoặc nuối tiếc nó chứ không thể sở hữu nó, nên cũng
chả cần đặt chỉ tiêu, lên kế hoạch làm gì?
Anh lẩn thẩn tự hỏi,
bàn tay lơ đãng buông tờ báo, nhưng không buông được chút gì đó như băn khoăn,
như bất ổn vừa gợn trong lòng.
04-01-2007