Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

7 QUÀ PHÚ LỄ (MỎNG MẢNH TƠ TRỜI)

41. QUÀ PHÚ LỄ
Mở cửa mời cậu học trò lạ hoắc vào phòng khách, anh cố vận dụng ký ức nhưng không nhớ nổi gương mặt sáng sủa này. Nó phảng phất nét chất phác của nông dân miền Tây mà thỉnh thoảng anh bắt gặp trong lớp luyện thi đại học mở tại nhà. Một lớp nhỏ, dạy cho khỏi nhớ nghề kể từ nghỉ hưu. Anh đoán, chắc ai giới thiệu, cậu tìm tới xin thọ giáo cho mùa thi sau, vì kỳ thi năm nay kết thúc lâu rồi.
Nhưng anh biết ngay mình lầm. Cậu không phải học trò cũ đã đành mà gặp anh chẳng vì cần luyện thi gì cả. Anh ngạc nhiên khi cậu tự giới thiệu đã đậu đại học, làm sinh viên ở thành phố này hết học kỳ đầu tiên; từ Bến Tre trở lên học lại sau tết, cậu tìm đến tạ ơn thầy.
Ơn gì nhỉ? Anh lặng lẽ mỉm cười chờ giải đáp. Thì ra cậu học trò “nhà quê” năm rồi lên thành phố dự thi. Tá túc gia đình ông chú có con học thêm với anh, cậu chịu khó mượn “cua” của đứa em họ để xem thêm cho biết trong mấy ngày chờ nhập trường ứng thí. Nào ngờ đề ra thi ngẫu nhiên khớp với một bài ôn luyện của anh.
Tiễn cậu về rồi, anh nâng niu bình rượu Phú Lễ trên tay, chưa nhấp thử chút men đặc sản danh tiếng huyện Ba Tri mà đã thấy lòng lâng lâng khoan khoái. Văng vẳng bên tai anh vẫn còn nghe lời lẽ đôn hậu: “Con không học trực tiếp với thầy, nhưng cũng đã thọ ơn thầy. Món quà nhỏ mọn, xin thầy vui lòng nhận giùm con.”
16-01-2006

42. SÁCH CỦA TÌNH XƯA


Anh được bác Lê Ngộ Châu tặng Thư Ngỏ Gởi Tuổi Đôi Mươi, in lại theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) hơn ba mươi năm về trước. Lần giở từng trang in offset sắc sảo trên giấy trắng mỹ miều, bỗng anh gặp một chú nhỏ thân quen, cũng đang nhẹ nhàng giở ra quyển sách ấy, bìa chỉ kẽ chữ đơn sơ, ruột giấy thô ngả vàng. Vậy mà những hàng chữ in typo cứ dẫn dắt chú say mê, mải miết.
Maurois (1885-1967) viết Thư Ngỏ... tuổi chẵn tám mươi, người dịch đang giữa ngũ tuần, còn chú nhỏ hồi ấy chưa tròn hai mươi, cớ sao cứ chứa chan hòa điệu. Hơn ba mươi năm xa anh, chú thoắt quay về, vẫn hồn nhiên, tươi trẻ và vụng về, non dại.
Mở một trang, chú chỉ anh đọc: “Từ hồi thiếu niên tôi đã nghĩ rằng đàn bà tặng cho đàn ông được những thú vui mãnh liệt nhất. Tuổi đó tôi thích những phút đầu lưu luyến, những cuộc gặp gỡ, những lần tiếp xúc nhau, những âu yếm đầu tiên tặng cho nhau, thích những cái vuốt ve e lệ mà tự nhiên. Bạn đừng nên vì nhút nhát hoặc thận trọng mà tự cấm mình được hưởng những kỷ niệm đó. Nó đẹp nhất đời đấy. Tới tuổi già, nhớ lại mà còn thấy bâng khuâng trong lòng. Ai không được biết những khúc xuân tình thì sẽ thiệt thòi và tiếc hoài suốt đời.”
Hình như chú nói khẽ: Ông Maurois sành điệu quá đỗi. Bọn thiếu niên tụi mình có được ai chỉ dạy thú vị như thế đâu. Anh đáp: Ừ, ừ... bọn mình chim non chực rời tổ, lòng phân vân, dạ ngập ngừng...
Ôi, chú nhỏ! Sao gợi chi những xôn xao một thời thanh thiếu? Anh nhớ chú nhỏ đáng yêu những buổi sáng ở Bà Chiểu cắp sách đến trường, bụng trống mà vẫn vui lòng dành tiền để cuối tuần đeo xe buýt ra Sài Gòn, la cà ở nhà sách Khai Trí suốt buổi, dù chỉ đủ tiền mua một cuốn mỏng. Anh nhớ tủ sách nhỏ do chú tạo lập lần lần bằng cách ấy suốt mấy năm trung học, nhớ niềm hạnh phúc giản đơn khi chú đọc được trang sách tốt chỉ lối vào đời, bù đắp cho sách vở nhà trường thiếu sót, gia đình bất cập.
06-11-2000

43. TẤM BƯU THIẾP
Tìm kiếm sử liệu Nam Kỳ thời thuộc Pháp, anh tình cờ truy ra được tấm bưu thiếp xưa in hình một quan võ. COCHINCHINE / SAIGON – Amiral Rigault de Genouilly. Hai dòng chữ Pháp màu đỏ in trên đầu tấm thiếp ảnh đen trắng giúp anh dễ dàng nhận ra ngay là tượng ai, để rồi không khỏi vẩn vơ nghĩ ngợi.


Đầu tháng 2 năm 1859 Thủy Sư Đề Đốc Charles Rigault de Genouilly (1807-1873) chỉ huy hải quân Pháp đánh thành Sài Gòn, do vua Minh Mạng cho xây hai mươi ba năm trước. Tàu chiến giặc thả neo tại đoạn sông mà nay thuộc về phạm vi công trường Mê Linh, quận 1. Ngày 17 Pháp tấn công và hôm sau đoạt thành. Có lẽ sợ quân Nam chiếm lại, ngày 08-3-1859 Genouilly cho đặt ba mươi lăm ổ cốt mìn phá thành tan nát và còn sai đốt bỏ kho lúa dự trữ của triều đình đủ nuôi từ sáu đến tám ngàn miệng ăn trong vòng một năm. Đầu năm 1862 lửa tro ở kho lúa cũ vẫn còn âm ỉ.
Chỗ quân Genouilly đổ bộ, về sau người Pháp làm công trường, đặt tên là Place Rigault de Genouilly, còn dựng tượng đồng to lớn để ghi thành tích tay Đề Đốc ấy. Phản kháng kẻ xâm lược, người Sài Gòn xưa quen gọi xách mé nơi đó là “Một Hình”, lại đồn đãi rằng trong những đêm mưa bão, hồn y trở về đứng trên bờ gọi đò sang sông. Ngụ ý đền tội chưa xong, nên chưa siêu rỗi. Mãi đến mùa Thu năm 1945, người Sài Gòn mới có thể hè nhau giật đổ tượng đồng, rồi đem nấu chảy để đúc vỏ đạn góp công giết giặc.
Á Đông xưa dường như chỉ biết tô đắp tượng để phụng thờ trong chốn đền chùa, sùng bái nơi miếu mạo. Du nhập văn minh phương Tây rồi mới bắt đầu có tục tạc tượng điểm tô nơi công cộng. Nhưng lịch sử vốn là dòng chảy với biết bao thể chế thay nhau, và trên cõi thế gian lắm nỗi cồn dâu xanh biển cũng vì thế mà từng có không ít pho tượng ngạo nghễ được dựng lên trong giai đoạn này để rồi lại đành chịu mất đi trong giai đoạn khác. Pho tượng Genouilly mọc ra chỉ do sự đắc chí của những kẻ thống trị được thời được thế chứ phải đâu hình thành từ trong lòng kính ngưỡng nhớ ơn của dân Nam thuở trước. Chẳng hề đặt trên tấm bệ kiên cố là nhân tâm thì làm sao “Một Hình” có thể trường tồn, làm sao tránh khỏi tiêu vong chỉ sau một cơn gió bụi.
23-3-2007

44. TẤM VÉ SỐ
Hồi ấy anh mới học lớp Ba, chuẩn bị mừng sinh nhật của chú. Người lớn hỏi đứa trẻ đã có món quà gì biếu chú chưa. Nó hỏi lại: “Biếu gì cũng được, phải không? Vậy con sẽ biếu rất nhiều tiền.” Mọi người cười ồ, ngạc nhiên. Nhưng chẳng ai gặng hỏi món tiền sẽ là bao nhiêu, lấy đâu ra mà có rất nhiều tiền.
Đó là những năm 60 của thế kỷ trước. Mỗi chiều Thứ Ba hàng tuần hầu như nhà nào có radio cũng mở nghe đài Sài Gòn trực tiếp truyền thanh buổi xổ số kiến thiết. Không mua vé số cũng mở vì thích nghe bài hát dùng làm nhạc hiệu cho chương trình do Trần Văn Trạch (1924-1994) soạn và đích thân biểu diễn. Mấy mươi năm sau này, dẫu màu thời gian đã phôi pha mái tóc, anh vẫn không thể quên được giọng ca của quái kiệt họ Trần vừa khỏe khoắn, vừa vui tươi rộn ràng như thôi thúc người ta hăng hái đi mua vé số: Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta, xây đắp muôn người được nên cửa nhà. Tô điểm giang san qua bao lầm than, ta thề kiến thiết trong giấc mộng vàng. Triệu phú đến nơi, chỉ mười đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi. Mua số quốc gia, giúp đồng bào ta, ấy là thiên chức của người Việt Nam. Mua số mau lên. Xổ số gần đến. Mua số mau lên. Xổ số gần đến.”
Vâng, chỉ mười đồng thôi nhưng với đứa trẻ bấy giờ là rất lớn. Đi học, má cho năm cắc dằn túi, giờ ra chơi ăn vặt với chúng bạn, thế là sang cả lắm rồi. Ngày tết được hai, ba đồng lì xì trong bụng chẳng khỏi mừng rơn. Triệu phú là bao nhiêu đứa trẻ không hình dung nổi, chỉ cảm nhận phải là to tát dữ lắm. Thế nên, moi heo đất, nó lấy đủ mười đồng…
Giờ đây anh đang ngồi bên giường chú, xót xa nhìn gương mặt khắc khổ của nhà thơ tài hoa thanh bạch. Những sợi tóc trên đầu chú đã trôi đi hết sau vài đợt hóa trị rồi xạ trị. Nhưng cả anh và chú đều ngầm biết rằng từ lúc này trị liệu pháp đó sẽ không còn cần thiết nữa. Cái ý nghĩ ấy khiến lòng anh quặn thắt, mím chặt môi cố nén cơn xúc động chực vỡ òa.
Chú nhìn anh, thoáng nụ cười héo hắt rồi nhờ anh lấy giúp cái bóp. Chú lẳng lặng trao cho anh cái phong bì cũ kỹ moi ra từ một ngăn nào đó. “Con chúc chú làm triệu phú.” Nét chữ mực tím vụng dại rõ là của đứa trẻ ngày xưa. Anh mở phong bì, tờ vé số vẫn còn lành lặn sau mấy mươi năm nhờ lớp plastic ép bên ngoài bảo vệ.
Khi anh giơ tấm vé số lên, cả hai chú cháu cùng cười, ràn rụa nước mắt.
31-7-2007

45. THĂM MÁ
Hai ba ngày liền, mấy trận mưa lớn xen kẽ vài cơn mưa nhỏ lắt nhắt đã tạm đẩy lùi cái nóng ngột ngạt đầu hè, nhưng lại khoác cho bầu trời vẻ ủ ê, và tẩm cho không khí trong nhà chút ẩm ướt. Thời tiết này, người lớn tuổi hay khó ở. Cầm điện thoại, ngần ngừ một lúc rồi anh gác máy. Không phải ngày cuối tuần, về thăm mà chẳng báo trước, chắc má mừng. Và anh dắt xe ra cổng.
Lệ thường, nghe còi xe thế nào má cũng ra bên cửa. Nhưng lần này chỉ có chú em. “Má đâu?” Anh hỏi, không giấu vẻ lo lắng.
“Sáng giờ má cứ bận rộn trong phòng. Anh lên lầu thì biết.” Giọng nói tự nhiên của chú em làm anh nhẹ nhõm.
Quả là má bận rộn. Trên chiếc giường rộng, má ngồi gọn một góc, chung quanh la liệt những quần những áo mới tinh, trắng muốt. Có cái đã xếp ngay ngắn và chồng thành từng xấp, có cái đang trải rộng trên mặt chiếu hoa, và những nếp gấp hằn khá rõ trên nền vải nõn nà. Ắt là đã xếp chồng chất lên nhau lâu ngày trong ngăn tủ. Anh tự hỏi má sắm và để dành lúc nào mà nhiều thế.
Anh ngồi ghé vào cạnh giường, nghe má chậm rãi giải thích: “Mấy hôm mưa suốt, e chỗ quần áo này không khỏi ẩm mốc, nhân lúc trong người cũng khỏe, nên má soạn ra hết để kiểm tra từng cái.”
Chỉ vào một chồng, má nói khẽ: “Cái này phần ba con.” Lại chỉ vào chồng khác: “Cái này phần má. Má sẽ cho vào hai bọc ny-lông riêng rẽ. Mỗi bọc có viết sẵn miếng giấy. Chừng nào ba má trăm tuổi, các con khỏi lóng cóng.”
Anh nhích tới gần má, nắm hai bàn tay nhăn nheo giữ chặt trong tay mình, như muốn chặn nỗi nghẹn ngào bất chợt. Nhìn kỹ nét mặt phúc hậu của má, nghĩ tới một đời má ăn hiền ở lành, thà thiệt thòi cho mình chứ không tranh hơn cùng người khác, anh nhận ra vẻ thanh thản bình an trong ánh mắt và giọng nói của má khi nhắc tới cái lúc bước qua cánh cửa mở vào vĩnh cửu.
Nhìn má cẩn thận gói ghém lại phần hành trang dự bị cho ngày định mệnh, một luồng hơi lạnh bỗng chạy dọc theo sống lưng, và anh thấy cay cay ở mắt.
30-5-2003

46. THƯ PHÁP VÀ NHÂN CÁCH
Thư pháp là cách viết chữ đẹp, mọi dân tộc đã có chữ viết đều có thể tạo ra thư pháp cho mình. Mỗi nhà thư pháp đều có bút pháp riêng: gân cốt, khí lực, uyển chuyển, cân xứng (quân chỉnh), v.v... Có cần phải biết khá nhiều lý thuyết và kỹ thuật của các nhà rồi mới đủ sức cảm nhận cái đẹp của thư pháp không? Cái đẹp tự nó là đẹp, được cảm thụ trực tiếp và tự nhiên, há phải đợi những biện giải chi li với rườm rà phân tích.
Người viết từ chỗ xuất kỳ bất ý mà để lại đời nét mực thần, đường bút thánh. Người thưởng ngoạn nên vô tâm hầu lĩnh hội tài hoa. Trước bức thư pháp, hãy buông xả định kiến và dư luận; tự lòng ta thấy nó đẹp và thực sự thích thú, thế là đủ lắm rồi, ai kia khác ý thì cũng mặc tình.
Nét chữ thể hiện nết người. Rèn thư pháp là rèn nhân cách. Luyện thư pháp có thể tu thân, dưỡng tánh, trui luyện tâm tình. Người Hoa tôn thư pháp lên thành Đạo: Thư pháp giả, Đạo dã. Dân Phù Tang cũng gọi thư pháp là Thư Đạo (Shodo).
Người khổ luyện thư pháp dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn giũa tâm hồn đã đành, mà người chơi thư pháp cũng có thể mượn nét bút tài hoa của người khác để trau tria tinh thần. Chữ Hán, chữ Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh chi chi chăng nữa đâu hề ngăn ngại, miễn thực tâm thích cái đẹp của tấm chữ để rồi treo nơi nào mình hay chạm mắt tới. Ngày ngày ra vào thấy chữ, ngắm nghía trầm ngâm, ngẫm nghĩ răn lòng…
Giữa buổi lừa lọc, xa hoa, có người treo chữ Tín, chữ Kiệm. Đang chức quyền mà biết giữ cái tâm thì treo Quan nhất thời, dân vạn đại. Hai chữ Tích thời treo chỗ học hành hay nơi làm việc, là tự răn mình quý tiếc ngày giờ, chớ lãng phí thời gian. Một chữ Nhẫn tung hoành trên giấy hàm súc biết bao nỗi niềm hối ngộ của kẻ tánh nóng đang gắng tập kềm thúc lửa sân lòng giận.
Lấy chữ làm tranh, mượn cái đẹp ngoại vật làm phương tiện trau giồi cho thành cái đẹp nội tâm, ấy là một cách học làm Người. Thư pháp và nhân cách, hai cái đẹp này hóa ra nhiều lẽ tương quan lắm vậy.
28-6-2001

47. TIỆC CƯỚI
Cưới vợ cho con, sau khi gởi thiệp, bạn còn chu đáo gọi điện: “Ráng đi nghe! Không mời nhiều đâu, toàn chỗ chí thiết. Sẽ khai mạc đúng giờ, không bắt bà con dài cổ chờ lâu cả tiếng như mấy đám khác.”
Bạn thật tâm lý. Quả tình anh rất ngại đi đám cưới. Thiệp mời ghi sáu giờ mà thường hơn bảy giờ mới thấy lễ cưới có vẻ rục rịch chuyển động. Cho nên mỗi lần nghe nhà trai hay nhà gái xướng lớn ở micro, rằng xin chân thành cảm tạ thân bằng quyến thuộc hai họ đã “nhín chút thời giờ vàng ngọc” đến chung vui, thì anh không khỏi nhăn mặt và nói với mấy người ngồi cùng bàn: “Sai bét! Phải nói tốn quá nhiều thời giờ chứ!”
Đó là một đám cưới ấn tượng, đúng như lời bạn dặn dò qua điện thoại. Anh thích nhất việc bạn cương quyết dẹp luôn vụ đàn ca chát chúa, inh tai nhức óc, thay thế bằng nhạc nhẹ, du dương dìu dặt, nghe văng vẳng như đưa về từ chốn xa xăm. Giãi bày sự kiện quá khác thiên hạ này, trong phần nghi thức khai mạc, bạn nói rằng thân hữu vốn ít khi gặp nhau, chi bằng mượn tiệc cưới làm cơ hội hàn huyên, mà để nhạc ồn ào thì chả ai còn hứng thú chuyện trò nữa, vì cứ phải lớn tiếng để át giọng mấy cái loa khuếch đại ầm ĩ.
Thế là rào rào tiếng vỗ tay tán thưởng. Hôm ấy, cơ hồ ai cũng vui sướng với nỗi khoan khoái nhẹ nhàng khi được ngồi cạnh nhau rủ rỉ chuyện trò trong khung cảnh sang trọng, không khí ấm cúng, thức ăn đẹp và ngon, rượu bia tùy hỷ, và không phải chốc chốc lại nghe ở một bàn nào đó có tiếng gào lên “dzô dzô” rất chướng.
Khi vợ chồng bạn đưa con và dâu đến chào các bác các chú cho đúng thủ tục, một người bèn nói vui: “Ông nhà thơ này quả tình có bản sắc văn hóa hơn ai hết. Chưa bao giờ tụi này dự một đám cưới thú vị như vầy.”
Cả bàn cười xòa, vỗ tay lốp bốp. Bạn cũng cười, đôi mắt dường như hấp háy sau hai tròng kính dày cộp: “Thiệt hả? Vậy thì mấy ông hãy phát huy sáng kiến của tôi. Không giữ bản quyền.”
Giơ ngón tay chỉ vào con trai, bạn nói tiếp: “Ban đầu nó đâu chịu kiểu này. Nhưng tôi thương lượng với nó, rằng mày cưới vợ thì thân mày sướng lắm rồi, còn đám cưới thì phải cho mấy bác mấy chú mày sướng với tao chớ!”
30-01-2007

48. TIẾNG MẸ BUỒN ƠI
Nhiều năm nay, càng ngày báo, đài càng lạm dụng tiếng Anh ở mức phổ biến đến ngán ngẩm. Chẳng hạn, một tuần san đăng bài “Phim cho tuổi teen vẫn là vùng đất trống”. Đưa tin về dịch vụ ngân hàng, phóng viên viết: “Hai sản phẩm ngân hàng đang hot. Đả động đời tư các cầu thủ danh tiếng, báo điện tử nhấn mạnh: “Bên cạnh họ luôn là những cô nàng hot nhất.” Nhắc tới thời trang hàng hiệu, có ký giả viết: “Louis Vuiton sắp mở shop tại Việt Nam”.
Đâu phải chỉ riêng báo chí, bây giờ đi đâu cũng thấy cũng nghe dân Nam sính xài chữ shop trên quá nhiều bảng hiệu và đầu môi chót lưỡi. Dường như tiệm, tiệm buôn, cửa tiệm, cửa hàng… trong tiếng Việt của ông cha để lại là lời lẽ quê mùa, không xứng tầm cỡ con người thời đại. Chả thế, đời nay các cô các cậu tự cho mình là kẻ sành điệu đều không thèm nói đi mua sắm nữa mà nhất quyết phải nói đi shopping cho nó sang. Bởi thói sính ngoại, vọng ngoại nên vô tư lạm dụng tiếng Anh đến nỗi chả hề nghĩ rằng mình đang đánh mất cả lòng tự trọng của một dân tộc vẫn hay tự hào, tự tôn là nghìn năm văn hiến.
Chính báo, đài có trách nhiệm trước tiên về tệ trạng này, vì các biên tập viên thường không sàng lọc, cứ dễ dàng cho qua các bài báo chèn bừa bãi tiếng Anh như nói trên. Thật vậy, thay vì định hướng để xã hội biết trân trọng tiếng Việt, dường như các cơ quan truyền thông đại chúng lại chạy theo thị hiếu pha lẫn tiếng Anh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của bá tánh.
Báo, đài chệch choạng đã đành, mà nhà trường cũng chả kém. Thay vì giáo dục cho học sinh, sinh viên ý thức rằng lối ăn nói chêm tiếng Anh là kém văn hóa thì chính nhà trường lại làm gương xấu. Từ năm 1996 tới nay, một trường đại học lớn ở thành phố đã nhiều lần tổ chức một cuộc thi mang tên Dynamic - Sinh viên, nhà doanh nghiệp tương lai”. Ôi, phải có chữ Dynamic ấy chèn vô thì nó mới oai chứ!
Và chuyện nhãn tiền là giữa tháng Tư vừa qua, chuẩn bị cho mùa thi đại học gần đến, trong một lần tư vấn trực tuyến do một tờ báo ngày ở thành phố tổ chức, có học sinh hỏi rằng (nguyên văn): Thưa thầy cô, ngành tài chính ngân hàng hiện nay đang rất hot nhưng sau bốn hay năm năm nữa thì ngành này có còn hot nữa hay không, sinh viên ra trường sẽ làm việc ở đâu? Mong thầy cô tư vấn giùm em.”
Nói năng như thế, nghĩ có buồn cho tiếng mẹ hay không?
23-4-2007

49. TÌNH NGƯỜI TÌNH ĐẤT HÀ TIÊN


Là hậu duệ một họ sáu đời định cư tại chốn xa xôi ở tít Tây Nam Tổ Quốc, hầu như phần lớn cuộc đời ông giáo ấy gắn liền với đất nhau rún mà tự tên gọi đã là huyền thoại thơ mộng, gợi tâm trí bay bổng cùng những nàng tiên diễm kiều từ cung trời giáng hạ, múa hát trên một cõi giang hà mơ màng thấm đẫm ánh trăng vàng giữa những đêm thanh tĩnh mịch.
Là người may duyên ngày ngày được say sưa ngắm cảnh mặt trời chiều thủng thỉnh lặn xuống biển tây, được đắm đuối trong những khoảnh khắc giao hòa tuyệt mỹ của thời gian và không gian lung linh kỳ ảo, ông đã mãi tẩm nhuận tâm hồn mình một tình cảm sâu lắng với quê cha đất tổ suốt từ buổi thiếu thời cho tới khi tuổi hạc, khiến cho bao cảnh trí thiên nhiên nơi góc biển không đơn thuần chỉ là sắc màu xinh tươi quyến rũ mà hơn thế, đó chính là những hình tượng cụ thể của hồn thiêng sông núi.
Thế nên hầu như phần lớn đời mình, ông đã chăm chỉ đặt chân đến từng di tích văn hóa, dừng bước ở từng địa danh lịch sử, không phải với cõi lòng nhẹ hẫng của khách nhàn du vui gót phiêu bồng. Trái lại, ông âm thầm nhẫn nại tìm đến từng cái tên gọi của quê nhà với tâm thái của người khắc khoải truy tầm hình bóng, hành vi, lời lẽ, tư tưởng của bao lớp tiền nhân đã mịt mờ cùng thiên cổ.
Một hành trình truy tầm nghiêm cẩn và ý thức. Thật thế, ông miệt mài cùng thư tịch xưa và mới, học hỏi với người trước người nay và phản biện với người nay người trước. Những phản biện được củng cố chứng lý bằng những phen điền dã để ông tiếp cận thực địa, trò chuyện cùng tất cả những ai có thể là chứng nhân, là tư liệu sống. Khác chi nhà khảo cổ, ông nhiệt thành xới lên từng phiến đá rêu phong, vẹt ra từng bụi bờ hoang phế để tìm lại ý nghĩa chân xác, trả lại tên gọi căn cội của đất của nước, của điển của tích, mà quê hương Hà Tiên của ông đã lưu vào văn chương và cuộc sống.
Một trí thức trách nhiệm với ngòi bút, không quản chi những bất tiện tất nhiên của chốn hải giác thiên nhai, trong vòng mười tám năm qua, non bốn mươi nghiên cứu của ông đã đều đặn chuyển tải đến học giới những kết quả suy tư và làm việc thấu đáo, khoa học qua các tạp chí uy tín tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Mặc nhiên ông đã đứng vào hàng ngũ các cây bút địa phương chí vốn không nhiều của đất nước. Yêu mến tâm ông, quý hóa sự nghiệp thầm lặng suốt đời ông cống hiến, từ khá lâu rồi một số tác giả tên tuổi đã trân trọng gọi ông là “nhà Hà Tiên học”.
Vâng, ông đấy. Trương Minh Đạt đấy. Kỷ niệm ba trăm năm trấn Hà Tiên ông kết tập tâm huyết và hoài bão cả đời tận tụy biên khảo thành quyển sách dày trên năm trăm trang với nhan đề Nghiên Cứu Hà Tiên (tạp chí Xưa & Nay và nhà xuất bản Trẻ). Từ Phương Thành, ông gọi điện về Phú Nhuận cho tôi biết tin vui. Giọng nhẹ nhàng, chậm rãi cố hữu.
Sách vừa in xong, dặm trường thiên lý không tiện cho đôi cánh hạc già, ông nhờ bạn đời là nữ sĩ Nguyễn Phước Thị Liên sớm mang đến tôi một bản, và nhắn nhủ sẽ có thêm bản thật đặc biệt nữa. Tôi thầm xấu hổ, chưa biết đáp tạ sao cho cho xứng thâm tình nồng hậu của ông thì vừa qua, người nhà ông lại vâng theo mỹ ý phương xa, mang đến tôi thêm một bản thật đặc biệt đúng như lời nói trước. Sách bìa các-tông, đính dây băng lụa đánh dấu chỗ đọc dở, đặt trong túi giấy trang nhã có quai. Lịch sự quá. Ân cần quá. Ôi, cũng là biết bao tình người tình đất Hà Tiên nặng mang trong đó, Trương lão huynh ơi!
10-9-2008

50. TÌNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI TÌNH SÁCH


Cận tết Đinh Dậu tôi nhận được cánh thiếp xuân từ đất Phương Thành. Thiếp viết ngày 12-01-2017, con dấu bưu điện Hà Tiên áp trên bì thư bốn ngày sau đó. Đã lâu tôi quá sơ sót không năng liên lạc mà ông vẫn nhớ. “Năm mới Đinh Dậu 2017 gia đình chúng tôi Trương Minh Đạt và Nguyễn Phước Thị Liên trân trọng kính mừng sức khỏe thầy Huệ Khải. Kính chúc Thầy và quý bửu quyến phúc lộc sung mãn, thân tâm an lạc, viên thành Đạo Hạnh. / Hà Tiên 12-1-2017 / Trương Minh Đạt”
Tôi không khỏi bồi hồi khi nhìn nét chữ khỏe khoắn nhưng hơi gãy khúc trên bì thư và trong lòng cánh thiếp. Có lẽ đó là dấu tích sót lại sau cơn đột quỵ do tai biến mạch máu não hồi cuối tháng 4 năm 2000.
Ngày đầu năm mới, tôi điện thoại về nhà ông để chúc thọ và kỉnh tạ tình cảm nồng hậu của bậc trưởng lão. Chuông đổ hồi lâu mà không người bắt máy. Gọi lại lần nữa cũng thế. Không có số di động của ông nên không nhắn tin gì được, và tôi băn khoăn.
Vài hôm sau, thử gọi lần nữa thì hay quá, có người nhà trả lời. Tôi giữ máy, chờ khá lâu mới nghe giọng ông. Rất chậm rãi, ông xin lỗi đã bắt tôi phải đợi, và giải thích vì ông ở xa điện thoại, tuổi cao, chân yếu nhiều, nên bước đi phải dè dặt.
Sau những lời thăm hỏi nhau, ông nhắc lại bài Tình Người Tình Đất Hà Tiên khi tôi giới thiệu quyển Nghiên Cứu Hà Tiên dày trên năm trăm trang ông xuất bản nhân kỷ niệm ba trăm năm trấn Hà Tiên. Ấy là bài tôi viết cho mục Góc Nhà, đăng trên tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1674 ngày 12-9-2008. Việc tôi làm nhỏ nhoi là thế mà cách ông bày tỏ tình cảm về bài viết cũ khiến tôi lúng túng quá đỗi.
Ông cho biết đã in lại phần lớn nội dung bài giới thiệu ấy trong tập sách mới xuất bản: Nghiên Cứu Hà Tiên: Họ Mạc Với Hà Tiên. Năm nay ông tám mươi mốt tuổi tây. Tôi chạnh lòng khi nghe ông nói rằng coi như đây là quyển sách cuối đời, thế nên vào ngày rằm thượng nguơn (ngày Thiên Quan Tứ Phước, tức 15 tháng Giêng Đinh Dậu) gia đình ông sẽ tổ chức một sự kiện nho nhỏ để ghi dấu tác phẩm này, tức là tập hai nối theo quyển Nghiên Cứu Hà Tiên đã in năm 2008.
Ông giải thích vì sao chưa gởi sách tặng tôi. Nhà in chỉ có thể giao trước một ít quyển bìa mềm cho kịp ngày rằm thượng nguơn. Ông lại có mỹ ý dành tặng tôi bản bìa các-tông, giống như hồi năm 2008 với tập một cũng bìa các-tông, thế nên phải đợi. Rồi trung tuần tháng 3 vừa qua, sách từ Phương Thành đã tới Bà Chiểu. Dày gần bốn trăm trang suýt soát khổ B5.
Thuở sinh tiền, thầy Nguyễn Hiến Lê có lần bảo tôi, hễ được văn hữu tặng sách hay, thầy luôn viết một bài điểm sách gởi đăng tạp san, tạp chí để đáp lại tấm lòng tác giả. Ngưỡng mộ thầy Lộc Đình, tập noi theo đức tính ấy nên trước đây, trong khoảng mười năm, tôi hay viết một số bài ngăn ngắn giới thiệu sách mỗi khi được tặng. Nhưng khoảng mười năm nay, vì lý do này lý do khác, tôi ngưng không viết như thế nữa. Lần này, tấm lòng của Trương lão huynh phương xa khiến tôi…
Ông cẩn thận, chu đáo, minh bạch trong từng kẽ tóc chân tơ khi khảo cứu về cõi đất thân yêu ở miền Tây Nam Tổ Quốc. Giọng văn nhã đạm, ôn nhu y như cách ông trò chuyện. Ba chương sách, hai mươi đề mục trong Nghiên Cứu Hà Tiên: Họ Mạc Với Hà Tiên một lần nữa chứng minh những đức tính ấy. Vậy mà khi cần thiết, ông cũng đủ cứng rắn để phủ định một vụ “lộng giả thành chân” lồng ghép những ngụy tạo lịch sử gắn với niềm tin mang màu sắc một tín ngưỡng ở địa phương (tr. 216-234). Điều đó cho thấy ông yêu quê hương của ông lắm, không thể chấp nhận những thêu dệt vẽ vời cho vùng đất vốn đã sẵn phong phú tích hay sự lạ còn chép ghi đầy trong sử sách.
Qua hai mươi đề mục của tập Họ Mạc Với Hà Tiên, ông dẫn dắt chúng ta về gặp lại người xưa, những tên tuổi gắn liền với lịch sử Hà Tiên (Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Mi Cô, Mạc Công Du…), thăm lại những địa danh tao nhã khiến Hà Tiên như lung linh huyền ảo (Bình San, Châu Nham, Đông Hồ, Kim Dự, Lư Khê, Phù Dung, Tao Đàn Chiêu Anh Các, Tô Châu, v.v…).
Thú vị nhất có lẽ là đề mục mở đầu, bàn về tên gọi Hà Tiên (tr. 13-30). Một cách đơn giản, phần đông chúng ta từ lâu vốn quen với giải thích rằng Hà Tiên nghĩa là tiên hiện trên sông. Nhưng ngày nay Trương quân mở ra một hướng giải thích khác, thi vị hơn. Theo ông, hai chữ Hà Tiên mà khi xưa họ Mạc chọn lựa để đặt tên cho vùng đất họ dày công khai phá bắt nguồn sâu xa từ tấm lòng tha hương nhớ thương cố quán của họ Mạc. Tình hoài hương ấy đã hòa điệu với bài thơ Trường Hận Ca nổi tiếng của Bạch Cư Dị (772-846) đời Đường, cụ thể là đoạn tả “cảnh tiên ngoài biển”:
Hốt văn hải thượng hữu tiên sơn
Sơn tại hư vô phiếu diểu gian
Lâu các linh lung ngũ vân khởi
Kỳ trung xước ước đa tiên tử
Bản dịch của nhà thơ NGYM trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (tháng 5-1949):
Chợt nghe ngoài biển xa xa
Lửng lơ có ngọn núi là non tiên
Lầu các ngọc mây liền năm vẻ
Lũ tiên nga thỏ thẻ dịu dàng ...
Dĩ nhiên không chỉ là bốn câu vần điệu mỹ miều danh tiếng dẫn trên, ông Trương còn nhiều lý lẽ khác thuyết phục chúng ta. Tuy nhiên, tạm đơn cử như thế để chia sẻ ý tưởng rằng tập sách của ông dẫu có thể xếp vào loại địa phương chí, nhưng nó không khô khan chút nào như phần nhiều sách cùng thể loại. Nói cách khác, qua Nghiên Cứu Hà Tiên: Họ Mạc Với Hà Tiên, chúng ta không đến với quê hương ông như ghé chân vào một miếng đất vô hồn; trái lại, ta bước vào một cõi sơn hà mà một ngọn cỏ, một nhánh lá, một dòng khe, một hòn đá cũng bàng bạc thi vị, cũng u ảo lung linh...
Viết được như thế, không thể chỉ đơn thuần là nhà khảo cứu, mà còn phải có tâm hồn nghệ sĩ, với một tình yêu quê hương đằm thắm. Vâng, tình yêu đó, tâm hồn đó chúng ta có thể cảm nhận qua từng trang sách, qua những câu chữ của một cây bút vừa ngoại bát tuần: Trương Minh Đạt.

03-4-2017