36. Lời hứa ba mươi tám năm
Từng nhận nhiều giải
thưởng báo chí Mỹ, chị Jann Mitchell được nữ tác gia kiêm diễn giả Barbara de
Angelis khen là “một ký giả có ý thức
nhất nước Mỹ” ([1]) ”
Từ năm 1996 chuyển sang
điều khiển các hội thảo về giản dị hóa cuộc sống, Mitchell chỉ còn viết báo bán
thời gian. Đến năm 1998, chị có năm quyển sách được xuất bản, nhưng con đường
văn chương muộn màng hơn nghề báo, dù mộng ước làm nhà văn sớm ươm mầm từ buổi
thiếu thời.
Đầu
những năm 1950 ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Nam California, Jann khệ nệ đặt
chồng sách lên mặt quầy của thư viện nhỏ dành cho thiếu nhi trong vùng. Trong
lúc nhân viên thư viện – một bà tóc bạc – đóng dấu ngày trả sách, cô bé mười
tuổi dán mắt vào góc giới thiệu “Sách mới” đặt ngay trên mặt quầy. Đối với cô
bé, là cả một vinh dự cho ai có sách bày nơi đó. Cô buột miệng: “Lớn lên cháu
sẽ làm nhà văn. Cháu sẽ viết sách.”
Bà
tóc bạc ngừng tay, nhìn cô bé và mỉm cười khuyến khích, giọng chân thành:
“Chừng nào viết được sách, cháu mang tới thư viện, chúng tôi sẽ bày trên quầy,
đúng chỗ này nhé.” Cô bé hứa sẽ nhớ.
Năm
lớp Chín, Jann viết tiểu sử các nhân vật cho một tờ báo địa phương, mỗi bài
ngắn được trả một Mỹ kim rưỡi, và còn làm biên tập cho nội san trường trung học
của cô.
Khi
lấy chồng, làm mẹ, Mitchell vẫn dành thời gian đưa tin tức trường học cho một
tuần báo. Rồi chị giữ chuyên mục cho tờ Người
Bang Oregon,([2]) nhật báo rất lớn ở thành
phố Portland (Tây Bắc bang Oregon ), và cộng tác thêm với vài tạp chí.
Là
nhà báo xông xáo, để viết các bài đặc tả (features),
các phóng sự xã hội, chị từng xuôi theo bè gỗ ở đầu nguồn sông Amazon (Nam Mỹ),
lặn biển ở Nam Thái Bình Dương, thậm chí còn giả làm gái bán phấn buôn hương,
hoặc chịu cho cảnh sát bắt giam trong vai kẻ lái xe say rượu…
Với
giọng văn tình cảm, diễn đạt dễ hiểu, hàng tuần chị tư vấn một cách thiết thực
cho đủ đối tượng bạn đọc qua ba chuyên mục rất được ưa chuộng: Sống Giản Dị; Quan Hệ Tốt; Lời Tỏ Tình.
Các bài báo ấy hướng dẫn con người biết sống ngọt ngào hơn với người chung
quanh. Viết nhiều, nhưng đấy không phải là sách.
Cuối
cùng, tin rằng mình có điều cần nói ra, chị khởi công viết sách. Bị hai nhà
xuất bản từ khước, buồn phiền chị dẹp luôn bản thảo. Mấy năm nữa trôi qua, lòng
lại thôi thúc, chị viết thêm cuốn khác và gởi đến một nhà xuất bản, cùng với
bản thảo cuốn đầu tiên. Cả hai được chấp nhận. Nhưng sách in quá chậm, không
nhanh như khi đưa bài đăng báo.
Năm
1992, bưu điện chuyển tới một gói nhỏ. Chị mở ra, sách biếu tác giả. Hai năm
mỏi mòn chờ đợi. Chị òa khóc.
Nhớ
lời hứa với bà nhân viên thư viện tóc bạc, chị gọi điện. Con người tử tế năm
xưa đã ra người thiên cổ.
Chị
viết thư gởi bà giám đốc thư viện, kể rõ câu chuyện thuở bé. Nhân dịp trở về
trường cũ họp mặt cựu học sinh sau ba mươi năm ra trường, chị ngỏ ý muốn mang
tặng thư viện hai quyển sách mới in, không chỉ để giữ lời hứa của cô bé mười
tuổi mà còn để tỏ lòng kính nhớ bà nhân viên ba mươi tám năm trước đã khuyến
khích cô bé ấy bước vào nghề văn.
Chị
nhìn thấy ngay thư viện bên kia đường, đối diện trường cũ. Cái kiến trúc nho
nhỏ thuở trước nay đã trở nên bề thế. Bà giám đốc thư viện niềm nở bước ra chào
đón, có cả một phóng viên địa phương đến lấy tin. Trên mặt quầy, nơi dành giới
thiệu sách mới, hai tác phẩm của chị được bày lên trang trọng, kèm theo vài
dòng giới thiệu “lý lịch” tặng phẩm.
Tới
phần chụp ảnh lưu niệm, tác giả được mời đứng cạnh tấm bảng tên thư viện, kế
bên bảng thông báo dành cho độc giả nổi bật hàng chữ in lớn:
CHÀO MỪNG JANN MITCHELL
TRỞ LẠI.
Chị
ôm chầm bà giám đốc, nước mắt lăn dài xuống đôi má. Phải, Jann ngày xưa đã trở
lại.
06-8-2005
Huệ Khải