17. Quan tâm tới người khác
Không chỉ là đồ chơi, Slinky còn dùng
trong giờ vật lý để minh họa các tính chất chuyển động sóng, sóng âm thanh và
sóng quang, lực hướng tâm, v.v… Nó cũng dùng trong máy hái quả hồ đào pecan,
làm ăng-ten, vật trang trí, và nhiều công dụng khác. Khi đặt trên một mặt phẳng
nghiêng 240 Slinky có thể “bước” xuống mặt dốc. Slinky được in trên
tem và năm 2001 “bà mẹ” của nó được ngành công nghiệp đồ chơi Mỹ tôn vinh trong
Tòa Nhà Danh Tiếng Của Công Nghiệp Đồ Chơi.([1])
Đang học ngành giáo dục thiếu nhi ở
Viện Đại Học Bang Pennsylvania
(nước Mỹ) cuối những năm 1930, Betty gặp Richard James, một kỹ sư bảnh trai. Họ
kết hôn rồi dọn tới thành phố Philadelphia (bang
Pennsylvania ),
là nơi Richard làm việc cho một xưởng đóng tàu.
Một hôm trong năm 1943, sau khi tình cờ quan sát cái lò xo thép từ trên
bàn lăn xuống sàn, những vòng xoắn uyển chuyển rất vui mắt, ông mang nó về trao
cho vợ: “Anh nghĩ có thể làm cái này thành đồ chơi, nhưng chưa biết gọi là gì.”
Anh bỏ ra hai năm để hoàn thiện cái lò xo thành món đồ chơi, còn chị mầy
mò trong các từ điển rồi đặt tên nó là Slinky
– trong tiếng Thụy Điển có nghĩa là uyển
chuyển, uốn lượn mềm mại.
Thoạt đầu họ làm được bốn trăm Slinky nhưng chẳng ai chú ý. Mùa Giáng Sinh
năm 1945 cửa hàng tổng hợp Gimbels ở Philadelphia
dành cho hai vợ chồng một buổi tối để biểu diễn món đồ chơi. Chị nhờ một người
bạn ghé vào, giả làm khách mua, tạo sự hiếu kỳ cho những người đang ở gần quầy
hàng. Chiêu này hiệu nghiệm không ngờ, số hàng tại quầy bán sạch trong chín
mươi phút.
Hai vợ chồng bỏ ra năm trăm Mỹ kim làm vốn lập công ty dây
thép và lò xo James Spring&Wire và sản xuất Slinky hàng loạt. Rồi họ lập
công ty James Industries (1956). Khoảng năm 1960, bỗng dưng người
chồng đem hiến tài sản cho một giáo phái bên nước Bolivia (Nam Mỹ), và sang đó ở cho
tới khi chết (1974), bỏ mặc vợ và sáu đứa con nhỏ tự xoay xở với cuộc sống.
Trắng tay, Betty dọn tới Hollidaysburg (bang Pennsylvania ), một thị trấn nhỏ lọt thỏm
trong vùng núi Allegheny. Dân địa phương đôn hậu hết lòng giúp đỡ vì họ cũng
cần có việc làm, và bà thuê hơn hai mươi bốn ngàn mét vuông đất lập nhà máy chỉ
tốn một Mỹ kim. Dần dần công ty James Industries hồi phục từ con số không.
Năm 2005 đã có trên hai trăm năm mươi triệu Slinky bán ra khắp thế giới.
Mỗi cái lò xo cần một sợi thép dài hai mươi bốn mét; tính ra trong hơn nửa thế
kỷ hoạt động Betty đã dùng hết năm mươi ngàn tấn thép, kéo được khoảng năm
triệu ký-lô-mét thép. Bà không công bố doanh số hàng năm nhưng cuối thế kỷ
trước tổ chức The Standard&Poor’s Register ước lượng từ năm tới mười triệu
Mỹ kim.
Nhiều tập đoàn muốn mua lại bản quyền Slinky nhưng Betty không chịu, dẫu
rằng bà có thể ẵm số tài sản kếch sù và sống an nhàn với tuổi già. Các công ty
thường có xu hướng lập nhà máy ở thế giới thứ ba (các nước đang phát triển) để
trả nhân công giá rẻ, nhưng Betty thì không.
Nhớ thuở sa cơ thất thế lại được người dân Hollidaysburg mở lòng đến với
bảy mẹ con, bà nói với Jeanne Marie Laska của tạp chí The Washington Post (1993): “Những người làm việc ở đây rất tốt, và
nhà máy chúng tôi là miếng cơm của họ. Tôi phải nghĩ tới họ.”
Bà vẫn giữ y kích cỡ ban đầu của Slinky, vẫn dùng đúng loại thép tốt đã
chọn từ buổi khai sinh ra nó, cũng không tìm cách tăng giá món hàng. Lúc mới ra
đời, giá lẻ một Mỹ kim, sau hơn nửa thế kỷ, giá lẻ vẫn chưa tới hai Mỹ kim. Bà
giải thích: “Nó là đồ chơi trẻ con, thì hãy làm cho người ta dễ mua.”
Không muốn mở mang quy mô công ty, năm 1993 bà nói: “Chúng tôi thích cung
cách như hiện nay. Slinky là một đứa trẻ, và bạn đừng bóc lột trẻ con của mình.”
Tuổi ngoài bảy mươi, sáng nào Betty cũng đến nhà máy, nơi có hàng trăm
người làm việc theo ca suốt ngày đêm để làm ra mỗi ngày hơn ba mươi ngàn Slinky
mới đủ cung cấp cho cả thế giới.
Betty thừa nhận với nhà báo Jeanne Marie Laska: “Tôi đã có mọi thứ tôi
cần. Tôi hạnh phúc.” Bà giải thích:
“Người hạnh phúc là người quan tâm
tới người khác, đó là điều hệ trọng. (…) Yêu thương và được thương yêu. Tôi
chẳng thể nào nghĩ tới việc chi quan trọng hơn.” ([2])
05-9-2005
Huệ Khải