Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

38. Tiếng vỗ của một bàn tay / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO



38. Tiếng vỗ của một bàn tay


Chuyện xưa bên Nhật, thiền sư Trúc Điền Mặc Lôi (1854-1930) trụ trì chùa Kiến Nhân ([1]) ở Kinh Đô Phủ (Kyoto) đưa ra công án nổi tiếng: “Hãy cho tôi nghe tiếng vỗ của một bàn tay.” Thông thường muốn vỗ tay, phải có hai bàn tay đập vào nhau. Một bàn tay vỗ vào khoảng trống làm sao vang thành tiếng? ([2])
Vào nửa sau thế kỷ 20, bên Mỹ cũng có câu chuyện tiếng vỗ của một bàn tay, nhưng không phải là thiền thoại…
James Francis Durante sinh ngày 10-02-1893 tại thành phố New York, bang New York. Bỏ học năm lớp Tám, James bắt đầu kiếm ăn bằng nghề đánh đàn piano trong quán rượu, trình bày nhạc ragtime của người da đen – loại nhạc thịnh hành nhất từ năm 1897 cho tới Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918).
Durante có tài ca hát, đóng nhiều phim (1932-1969), soạn khá nhiều nhạc (1932-1948), là một trong những diễn viên tấu hài danh tiếng nhất nước Mỹ (suốt bốn thập niên 1920-1960), thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh, trên màn ảnh nhỏ (cho tới năm 1970). Không chỉ độc diễn trên sân khấu tạp kỹ, ông còn giúp vui trong các hộp đêm – công việc quen thuộc kể từ khi khai trương hộp đêm riêng do ông làm chủ (1927).
Ngoài nghệ danh Jimmy Durante, ông mang thêm biệt danh Schnozzola – có lẽ liên hệ với chữ nose là cái mũi (?), vì nổi bật trên gương mặt hài hước là chiếc mũi to thường được ông đem ra làm trò chọc cười.
Durante qua đời ngày 29-01-1980 tại thành phố Santa Monica, bang California, vì bệnh viêm phổi. Sự nghiệp sáng chói của ông được ghi chép chi tiết trong một số từ điển bách khoa, và dễ dàng tìm thấy ở khá nhiều websites trên Internet.
Nói cách khác, đương thời Jimmy là một sao đắt sô, ăn khách. Dĩ nhiên ông không thể tránh được cảnh phải chạy sô để đáp ứng lòng hâm mộ của khán giả. Quả thật ông rất bận rộn, và mỗi phút của ông đều là tiền bạc.
Một hôm ông được mời tấu hài giúp vui trong chương trình văn nghệ phục vụ các cựu chiến binh sau Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945). Ông bảo với ban tổ chức rằng ông bận quá, chỉ có thể nhín ra mấy phút góp mặt mà thôi. Nếu ban tổ chức đồng ý, ông sẽ lên sân khấu tấu hài và ngay khi vừa xong màn độc thoại thật ngắn ngủi, ông sẽ lập tức biến đi để kịp biểu diễn ở một nơi khác, theo đúng chương trình đã hợp đồng lâu rồi. Điều kiện của Jimmy khá ngặt, nhưng ban tổ chức nào dám mơ ước nhiều hơn, và họ vui vẻ tán thành ngay.
Đúng hẹn, Schnozzola bước ra sân khấu. Ông vừa xong vài phút độc thoại ngắn ngủi thì cả hý viện vang rền tiếng vỗ tay cổ vũ. Những tràng pháo tay không chịu lắng xuống, càng lúc càng trỗi cao hơn, to hơn, và kéo dài như bất tận. Trái với chủ định, Jimmy đã không biến đi. Ông kiên nhẫn đứng yên trên sân khấu. Năm phút. Mười phút. Có lẽ là mười lăm phút, hay hơn thế nữa. Cuối cùng, ông cúi gập người xuống chào tạm biệt khán giả.
Jimmy vừa kịp phóng vào hậu trường thì ai đó trong ban tổ chức chặn ông lại, giọng sửng sốt: “Ông trễ lắm rồi! Sao thế?”
Dẫu đang vội vàng chạy đi, Jimmy vẫn kịp nói vói lại: “Nhìn hàng ghế đầu thì biết!”
Người ấy bèn bước ngay ra sân khấu. Bấy giờ tấm màn nhung chưa mở ra, màn trình diễn tiếp theo chưa khởi sự, tiếng vỗ tay đã ngớt nhưng còn nghe lác đác. Người ấy hé màn nhìn xuống khán giả, và lập tức hiểu vì sao Jimmy đã không thể biến nhanh khỏi sàn diễn.
Ở hàng ghế đầu là hai cựu binh ngồi sát bên nhau, gương mặt rạng rỡ, nụ cười sung sướng. Người này chỉ còn cánh tay trái, người kia chỉ còn cánh tay phải. Với bàn tay còn sót lại của một thời chinh chiến, họ vẫn đang hợp tác tạo nên những tiếng vỗ tay liên tục để nhiệt thành hoan nghênh Schnozzola.
14-5-2005
Huệ Khải




([1]) 竹田 Takeda Mokurai; 建仁 Kennin
([2]) Tạm hiểu như sau: Hai bàn tay là nhân, vỗ vào nhau là duyên, vang ra âm thanh là quả. Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, tức là không đủ nhân duyên thì không tác thành nghiệp quả. (HK.)