43. Hãy làm ơn cho người khác
Nhắc đến
chuyện vào nghề của mình, cha đẻ hai nhân vật Dilbert và Dogbert là danh tài hý
họa Scott Adams đã có câu nói đáng nhớ: “Vì
một lẽ nào đó, hai tiếng cảm ơn dường như là chưa đủ. Lần hồi tôi ngộ ra có một
số quà tặng ta không thể báo đáp mà phải tiếp tục trao sang người khác.” ([1]) Cái triết lý sống đẹp ấy một lần nữa
lại tìm thấy trong mẩu chuyện sau đây.
Ngoài công
việc một thầy thuốc gia đình kiêm chuyên gia chữa trị cho người nghiện ngập,
bác sĩ Kenneth G. Davis còn là diễn giả tên tuổi và tác giả khá nhiều sách ở Mỹ
trong việc hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc sức khỏe cũng như biết cách xây dựng
quan hệ hợp tác giữa thầy thuốc và người bệnh. Ông khai thác những kinh nghiệm
đó và viết thành quyển Khiêu Vũ Với Thầy
Thuốc Của Bạn.([2]) “Khiêu vũ” hàm ý rằng bệnh nhân và
thầy thuốc phải biết ăn ý, ứng phó nhịp nhàng với nhau trong từng bước điều trị
giống như một cặp đang dìu nhau từng bước trên sàn nhảy.
Thuở vừa hoàn
tất hai năm tu nghiệp thường trú dành cho các bác sĩ đã kinh qua đào tạo nội
trú, Davis thuê
một chiếc xe dành cho người cắm trại rồi chở vợ và con gái hai tuổi đi chơi để
ăn mừng kết quả này. Rủi ro, lúc họ đang lẻ loi giữa bãi cắm trại vắng vẻ ở
thung lũng sông Rogue thuộc bang Oregon
(nước Mỹ) thì bình ắc-quy hết điện, chiếc xe chết lịm như con bệnh hôn mê.
Bảo vợ con ở
lại trông xe, ông cuốc bộ hai tiếng đồng hồ, trẹo cả cổ chân mới ra được xa lộ
để ngoắc xe tải xin quá giang tới cây xăng gần nhất. Tới nơi, ông lặng cả người
khi thấy cây xăng đã nghỉ bán vào sáng Chủ Nhật. May thay còn có hộp điện thoại
công cộng và quyển danh bạ te tua đã giúp ông liên lạc được một ga-ra cách đó
ba mươi hai cây số. Nghe kể sự tình và biết được địa điểm, người thợ máy tên
Bob trấn an ông: “Chủ Nhật nào tôi cũng nghỉ làm. Nhưng không sao. Khoảng nửa
giờ nữa sẽ tới chỗ ông.” Bác sĩ thở phào nhưng bụng lại nơm nớp sợ rằng anh thợ
sẽ nhân cảnh ngộ ngặt nghèo này mà chém đẹp.
Anh thợ tới
và chiếc xe cứu hộ màu đỏ sáng choang đưa bác sĩ quay về bãi cắm trại. Tới nơi,
nhìn cái cách anh rời khỏi buồng lái mà ông sửng sốt: Anh phải dùng cặp nạng
thay cho hai chi dưới. Trong đầu ông bác sĩ lại vẩn vơ tính toán không biết sẽ
trả công người thợ tàn tật này thế nào cho xứng đáng.
Anh nhanh
chóng kiểm tra xe của bác sĩ và kết luận: “Chỉ tại ắc-quy hết điện. Chờ chút
tẹo nữa là gia đình ông bà sẽ bon bon lên đường thôi.” Anh phục hồi bình ắc quy
và trong lúc chờ sạc đủ điện, anh quay sang làm trò ảo thuật cho con gái ông đỡ
buồn. Anh còn tặng luôn cô bé đồng hai mươi lăm xu vừa “hóa phép” móc ra từ lỗ
tai.
Thế rồi anh
thu dọn đồ nghề chuẩn bị ra về. Bác sĩ hỏi tiền công và không tin ở tai mình
khi nghe trả lời: “Thôi khỏi! Đáng gì đâu!” Ông cố khẩn nài nhưng anh vẫn cương
quyết khước từ. Anh giải thích: “Hồi tôi cụt hai chân ở Việt Nam , cảnh ngộ
còn tệ hơn ông nhiều. Anh chàng cứu giúp tôi hồi ấy dặn tôi đừng tính chuyện
trả ơn mà hãy lo làm ơn cho người khác. Thế thì ông đâu có mắc nợ tôi. Nhưng
xin nhớ giùm, bất cứ khi nào có dịp, ông hãy ráng giúp lại người khác.”
Hơn
hai mươi năm sau, ngoài công việc phòng khám, giờ đây bác sĩ Davis còn bận bịu huấn luyện sinh viên y
khoa. Buổi sáng nọ, sau khi chẩn đoán một bệnh nhân bị rượu và ma túy tàn phá
cơ thể, bác sĩ và cô sinh viên năm thứ hai tên là Cindy quay về văn phòng các
điều dưỡng để bàn phương án trị liệu.
Bỗng
thấy cô gái đằm đìa nước mắt, ông ái ngại hỏi: “Em không thoải mái khi trao đổi
công việc này hả?”
Cô
thổn thức: “Thưa thẩy, má em cũng đang mắc bệnh y hệt người đó.”
Thế
là vào giờ ăn trưa hai thầy trò tìm một chỗ riêng để trao đổi về hoàn cảnh bi
đát của má cô. Một cảnh nhà đang chênh vênh trên mép vực sâu ly tán dần dần
hiện rõ theo dòng nước mắt lã chã của cô gái. Ông khuyên học trò đừng tuyệt
vọng. Rồi ông và cô sắp xếp để má cô tiếp xúc một chuyên gia tư vấn. Mọi người
trong nhà cô cũng kiên trì thuyết phục, giải thích, và khuyến nhủ. Cuối cùng má
cô tin tưởng, bằng lòng vào bệnh viện và ở đó suốt nhiều tuần.
Khi
má cô lột xác trở về với chồng con, cô gái xúc động hỏi bác sĩ: “Làm sao em đền
đáp được ơn thầy?”
Ông
thoắt nhớ ngay tới anh thợ Bob, và biết rằng mình chỉ có một câu trả lời duy
nhất: “Em hãy làm ơn cho người khác.”
25-12-2004
Huệ Khải