Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

44. Không thể bỏ nghề / SỐNG ĐẸP LÀ SỐNG ĐẠO




44. Không thể bỏ nghề
Phó Giáo Sư Kathleen Brewer-Smyth giảng dạy tại Khoa Điều Dưỡng của trường Khoa Học Y Tế Và Điều Dưỡng,([1]) thuộc Viện Đại Học Delaware. Chuyên ngành của bà liên quan đến thần kinh học, một lãnh vực bà đã sớm trải nghiệm khi vừa bước vào nghề điều dưỡng.
Thuở ấy Kathleen mới tốt nghiệp, vượt qua kỳ thi của bang và nhận được giấy phép hành nghề để trở thành điều dưỡng chính quy làm việc trong khu săn sóc đặc biệt những người bị chấn thương thần kinh.
Năm 2000, in hồi ức Làm Sao Tôi Trụ Lại Được Với Nghề Này?,([2]) Kathleen thổ lộ rằng với chút lãng mạn và nhiệt huyết tuổi trẻ, bấy giờ cô từng ôm mộng cứu cả thế gian nhưng có lúc cũng toan chuyển sang học luật vì không tránh khỏi dao động tư tưởng.
Chuyện xảy ra khi bệnh nhân của cô là một bà mẹ trẻ hôn mê sau tai nạn xe hơi. Cô đứng bên giường bệnh, vừa tập cho chân tay chị ấy cử động, vừa cho chị ấy nghe băng ghi âm lời đứa con trai ba tuổi. Thấy vậy, ông bác sĩ trưởng khoa giải phẫu thần kinh mỉa mai: “Cô làm cái quái gì thế?”
Cô giải thích: “Tôi tập cho các tế bào não của người mẹ nhận ra giọng nói thân thương của con mình, đồng thời cố giữ cho các khớp xương chị ấy mềm dẻo để sau này còn đi đứng được.”
Bác sĩ cười nhạo: “Còn đi được nữa đâu mà mong. Phí công thôi! Nói thật nhé, ngày mai chúng tôi sẽ cho ngưng thở oxy. Nếu chị ta tự thở được, chúng tôi sẽ chuyển ra khỏi phòng săn sóc đặc biệt để làm phẫu thuật thần kinh. Nhưng khó sống sót.”
Cô cảm thấy bác sĩ quá vội vã và dường như nhẫn tâm. Nạn nhân bị tổn thương các trục tế bào thần kinh, chụp CT cũng khó đánh giá chính xác mức độ tổn hại. Kinh nghiệm còn ít nhưng cô biết có vài trường hợp không hoàn toàn tuyệt vọng. Tại sao không cho chị ấy một cơ hội?
Cô gặp bà trưởng điều dưỡng, nói rằng không tán đồng quyết định của bác sĩ trưởng khoa giải phẫu thần kinh. Sau đó, gia đình người bệnh khẩn nài cô hãy tranh đấu để cố giữ chị ấy nằm lại phòng săn sóc đặc biệt thêm ít lâu.
Dẫu vừa mới tốt nghiệp nhưng Kathleen vẫn cãi lại một bề trên đầy uy thế. Lạ thay, ý kiến của cô được chấp thuận! Tuy nhiên, khi nghe lóm rằng người bệnh sẽ phải kéo dài đời sống thực vật, cô không khỏi băn khoăn. Nếu đúng thế, thà quyết định như bác sĩ trưởng khoa mà nhân đạo hơn. Cô cảm thấy mình ngu ngốc vì dám đối kháng với một bác sĩ rất tiếng tăm và đầy kinh nghiệm về chữa trị tổn thương bộ não. Chính những khoảnh khắc ấy, cô nghĩ tới chuyện đi học luật.
Nhiều tháng sau, cô đang trực trong khu săn sóc đặc biệt, vẩn vơ nghĩ chuyện đổi nghề thì nghe hỏi: “Chị là Kathleen phải không?”
Cô chưa kịp nhận ra thiếu phụ là ai thì người ấy đã ôm choàng cô: “Cảm ơn chị về tất cả những gì chị đã làm cho tôi. Nghe nói chị đã ngăn cản khi họ muốn để cho tôi chết.”
Cô đứng im, bối rối. Thế rồi cả gia đình người bệnh tràn vào phòng, tươi cười rạng rỡ. Bấy giờ cô mới hiểu ra đấy là ai. Cũng bởi lâu nay cô trót quen thấy chị ấy mang trên đầu máy kiểm tra áp suất trong não và miệng gắn liền ống thở. Lúc này tóc chị ấy đã mọc ra khá tốt.
Nhìn chị ấy tự đi đứng được, cô sung sướng nhớ đến những vất vả khi làm vật lý trị liệu cho người bệnh. Cuối cùng cô biết mình đã quyết định đúng khi dám cãi lại bác sĩ trưởng khoa. Điều này có lẽ còn quan trọng và ý nghĩa hơn cả sợi dây chuyền chạm chữ K (tên tắt của Kathleen) có đính mảnh kim cương be bé mà gia đình người bệnh khẩn khoản xin cô hãy hoan hỷ nhận lấy.
Sau đó, bác sĩ trưởng khoa giải phẫu thần kinh xem xét các biểu đồ, hồ sơ bệnh lý của chị ấy rồi hỏi Kathleen: “Theo cô, lúc nào bệnh nhân này có thể rời khỏi phòng săn sóc đặc biệt?”
Giọng nói và vẻ mặt nghiêm túc của ông khiến cô ấm cả lòng, bỏ luôn ý định chuyển nghề. Thay vì nộp đơn học luật, cô đeo đuổi chương trình sau đại học ngành điều dưỡng, lần lượt lấy học vị thạc sĩ, rồi tiến sĩ tại Viện Đại Học Pennsylvania.
01-10-2005
Huệ Khải




([1]) Department of Nursing, College of Health and Nursing Sciences
([2]) How Could I Stay in This Profession?