Những nhà báo chân chính
với ngòi bút can trường luôn luôn là một chiến sĩ kiên cường tự nguyện đứng về
phía những người dân cô thế cần được bảo vệ. Jack Mackay của hãng tin AP (The Associated Press) là một nhà báo như
vậy.
Nằm ở Đông Nam
bang Minnesota
(nước Mỹ), Minneapolis
là thành phố lớn nhất bang này và là trung tâm thương mại, tài chánh, vận tải
và công nghiệp sản xuất. Nó cũng nổi tiếng vì có đời sống văn hóa, kinh
tế mạnh mẽ. Khi nói tới “Đô Thị
Sinh Đôi” tức là ám chỉ Minneapolis và
thủ phủ Saint Paul cũng ở Đông Nam bang Minnesota .
Tại thủ phủ này, ở số 74
đại lộ Constitution (Hiến Pháp) có một văn phòng của hãng tin AP. Đó là một
trong số hơn hai trăm văn phòng của một trong những hãng tin lâu đời và lớn
nhất thế giới, thành lập năm 1848 với trụ sở trung ương đặt tại thành phố New
York.
Năm 1933 Leonard Hankins (ba mươi sáu tuổi) bị kết
án tù chung thân vì phạm tội đánh cướp một nhà băng, sát hại hai cảnh sát và
một người đi đường ở thành phố Minneapolis .
Ngày nay, dù khó tìm ra tấm ảnh của ông trên Internet, nhưng hồ sơ của ông vẫn
còn lưu giữ đầy đủ trong cơ sở dữ liệu các vụ án oan sai của hệ thống tư pháp Mỹ.([1])
Hồ sơ cho thấy Hankins bị buộc tội sát nhân cấp độ
một và lý do bị án oan là vì sai lầm về nhân chứng. Trong phần tóm tắt vụ
án, hồ sơ cho biết mặc dù có một nhân chứng khẳng định ông hoàn toàn không phải
là tên cướp đứng canh bên ngoài nhà băng, nhưng nhiều nhân chứng khác lại bảo
ông dường như hao hao kẻ đứng canh chừng cho đồng bọn.
Năm 1935 Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) tóm được băng
cướp Jess Doyle. Bọn chúng đều khai rằng Hankins chẳng hề dính líu gì tới vụ
cướp ngân hàng năm 1932 ở Minneapolis .
Bấy giờ có một thợ cắt tóc làm chứng tình trạng ngoại phạm của Hankins, khai rằng vào
thời điểm xảy ra vụ cướp, ông đang cắt tóc ở thủ phủ Saint
Paul bang Minnesota .
Cục Điều Tra Liên Bang thông báo cho cảnh sát thành
phố Minneapolis
biết Hankins vô tội. Nhưng Minneapolis không chịu phóng thích ông, viện cớ Cục
Điều Tra Liên Bang không trao cho họ hồ sơ về bọn Jess Doyle. Thật ra Cục Điều
Tra Liên Bang và cảnh sát các địa phương xưa nay vẫn hay ngấm ngầm đối chọi
nhau, và đá
giò lái lẫn nhau trong khi điều tra tội phạm. Quả là trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Do sự kèn cựa giữa hai bên,
Hankins cứ tiếp tục ngồi tù hết
năm này sang năm khác dẫu đã được chứng minh vô tội.
Bấy
giờ Jack Mackay đang làm thông tín viên cho hãng tin AP tại văn phòng Saint Paul (và làm việc
cho hãng tin này suốt ba mươi lăm năm). Ông gốc Do Thái, từ Nga di dân sang và
để dễ hội nhập với xã hội Mỹ, phải đổi họ Makiesky thành Mackay. Theo dõi vụ án
oan của Hankins từ những giây
phút đầu tiên, ông phẫn nộ vì thấy thói vô trách nhiệm của các cơ quan công
quyền đã cấu thành một tội ác hiển nhiên.
Bằng
ngòi bút, Mackay kiên trì đấu tranh cho Hankins. Ông viết và viết mãi các bài
báo về trường hợp oan khiên của Hankins. Vô hình trung nhà báo này trở thành
trạng sư duy nhất của người tù vô tội. Cuối cùng Thống Đốc bang Minnesota là Elmore
Anderson phải triệu tập một phiên họp đặc biệt để Ủy Ban Ân Xá của bang này xem
xét lại vụ án. Mãi tới năm 1953 Leonard
Hankins mới ra tù (lúc năm mươi sáu tuổi), hồ sơ ghi “được phóng thích vì miễn trừ trách nhiệm pháp lý”.([2])
Từ năm 1954 Hankins được cơ quan lập pháp bang Minnesota
bồi thường
mỗi tháng ba trăm Mỹ kim, và liên tục chi trả cho tới khi ông qua đời.([3]) Hankins cưới vợ năm
1955, qua đời ngày 20-4-1960 ở thành phố Princeton, bang Kentucky. Tổng cộng
chánh quyền đã bồi thường cho nạn nhân khoảng 19.000 Mỹ kim.([4]) Ngoài ra, chị (hay em
gái?) của Hankins trước sau đã phải tiêu tốn hơn 30.000 Mỹ kim trong suốt quá
trình đấu tranh dai dẳng để đòi lật lại bản án của tòa; sau khi Hankins được
minh oan, cơ quan lập pháp bang Minnesota phải hoàn trả cho chị đầy đủ số tiền
đó.([5])
Kịch tác gia người Anh gốc Tiệp là Sir Tom Stoppard
(sinh năm 1937) nói: “Tôi vẫn tin tưởng
rằng nếu mục đích của bạn là thay đổi thế giới này, thì nghề báo là một vũ khí
cấp thời hơn cả.” ([6])
Lời
nói trên một lần nữa xác nhận thiên chức cao cả của những nhà báo chân chính
trong việc đấu tranh cho lẽ thiện như Jack Mackay, người được trao giải thưởng The National Pall Mall vì đã kiên trì
suốt hai mươi năm đòi công lý cho một thường dân vô tội.
13-8-2005 / 08-4-2017
Huệ Khải
http://forejustice.org/db/
Hankins_Leonard_.html. Các chú thích
2, 3, 4, 5 sau đây đều được trích từ nguồn này.