Pablo Picasso vẽ
48. San sẻ nụ cười
Người Việt
nói: “Một tiếng cười bằng mười thang
thuốc bổ.” Đối với vợ chồng Murphy, tiếng cười là thuốc đặc trị cho những
ai đang bị căng thẳng vì những áp lực từ một xã hội với cuộc sống gấp rút hơn
nhịp thở, và mức độ cạnh tranh sinh tồn ác liệt như chiến trường sát phạt. Châm
ngôn của hai ông bà là “Cười lâu sống
dai.” ([1])
Có bằng
thạc sĩ giáo dục, John F. Murphy và vợ là Ann sống ở thành phố Hingham , bang
Massachusetts .
Hai vợ chồng nói chuyện, huấn luyện, tư vấn cho nhiều cá nhân, nhóm người, đoàn
thể, doanh nghiệp… ở khắp nước Mỹ để giúp họ giảm căng thẳng bằng phương pháp
cười đùa, hài hước. Hai ông bà được thừa nhận là những người chuyên dùng hài
hước để trị liệu. Cái nghề đặc biệt này đến với ông bà Murphy từ khi cả hai
sống sót sau một cơn đau tim.
Một hôm,
hai vợ chồng đến nói chuyện tại một dưỡng đường tư. Bấy giờ có một bà lớn tuổi
(tạm gọi là Miriam) bèn xin hai vợ chồng mấy phút để hỏi chuyện. Bà ấy nói: “Xưa
nay tôi luôn nghĩ rằng để sống hạnh phúc tôi cần ba điều: Yêu thương, làm việc,
và mong chờ. Tại dưỡng đường này tôi có nhiều người để thương yêu, có nhiều
việc làm để bận rộn suốt, nhưng lại không mong chờ được điều gì cả. Ông bà có ý
kiến nào chăng?”
Murphy:
“Trước lúc vào đây, bà từng mong chờ cái gì?”
Miriam:
“Ồ, tôi vốn rất thích cười vui cùng người khác.”
Murphy: “Bà
cười điều gì?”
Miriam: “Gì
cũng cười được.”
Ngay
khoảnh khắc đó, trong đầu vợ chồng liền nảy ra một ý tưởng. Họ bắt đầu để tâm tìm
kiếm những điều hài hước trong cuộc sống thường ngày.
Họ tìm
được chiếc nút áo có khắc chữ: “Hãy vui
sống.” Trên một túi trà nọ là câu: “Bạn
như túi trà này… chỉ gặp nước nóng mới biết mình đậm đà cỡ nào.” Và tấm
bích chương kia viết: “Cuộc sống quan
trọng lắm, đừng có ‘ngầu’ như thế chứ!”
Tiếp tục tìm
kiếm, hai vợ chồng tìm thấy nhiều phim hoạt hình, băng vi-đê-ô, băng cát-xét
hài hước. Người ta mang đến tặng họ sách báo, truyện tranh, trò chơi, hình vẽ… Tất
cả đều rất tếu. Dĩ nhiên những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh chẳng hề thiếu. Hai
vợ chồng bỏ mỗi thứ một món vào những cái giỏ họ gọi là “giỏ cười” rồi phân
phát cho mọi người, kể cả trẻ em. Miriam cũng có phần.
Sau đó
Miriam kể cho hai vợ chồng biết rằng bà lấy các món trong giỏ tặng bất kỳ ai bà
gặp trong dưỡng đường; có người nhận xét rằng bà đang tìm một nụ cười và san sẻ
nụ cười ấy với chung quanh. Vợ chồng Murphy chụp lấy ý tưởng này để đặt tên kế
hoạch của mình là “Hãy tìm và san sẻ nụ
cười”.
Kế hoạch
gây được tiếng vang tốt. Nhiều dưỡng đường tìm đến đặt hàng. Một dưỡng đường
yêu cầu làm cho họ chiếc xe đẩy như kiểu trong siêu thị, gọi là “xe cười”. Hàng
ngày, những người tình nguyện thay nhau đẩy xe cười đi khắp các hành lang, gặp
ai bất kỳ cũng nở nụ cười. Một dưỡng đường nhờ thiết kế cho họ “phòng cười”,
cho chiếu các băng vi-đê-ô hài hước. Hưởng ứng kế hoạch, các gia đình hiến tặng
hai vợ chồng rất nhiều phim vui nhộn ăn khách. Như vậy, thoạt đầu chỉ vì hảo ý
muốn giúp bà Miriam tìm được tiếng cười, vợ chồng Murphy thực sự tạo ra một
nghề mới để đeo đuổi suốt đời.
Nhân câu
chuyện vợ chồng Murphy, có lẽ cũng nên suy nghĩ thêm lời nói của tác gia danh
tiếng Les Giblin (sinh năm 1912):
“Nếu bạn không dùng tới nụ cười của
mình, bạn giống như kẻ có trong nhà băng một triệu Mỹ kim mà lại thiếu cuốn chi
phiếu.” ([2])
Bổ
túc 10-4-2017
Huệ Khải